“Blue is the Warmest Colour”: 18+ khiêu dâm hay nghệ thuật?
“ Blue is the Warmest Colour” có tới 15 phút cảnh nóng trần trụi táo bạo, đã gây ra rất nhiều tranh cãi xoay quanh tính nghệ thuật và khiêu dâm…
Từ khi ra mắt đến khi đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 2013, và cho đến tận thời điểm hiện tại, Blue is the Warmest Colour vẫn gây ra những tranh cãi và nằm chơi vơi giữa ranh giới “nghệ thuật và khiêu dâm” theo quan điểm của nhiều nhà phê bình. Bộ phim này sở hữu tới… 15 phút cảnh nóng trần trụi có thể khiến nhiều khán giả phải lấy tay che mắt vì xấu hổ. Thậm chí để tạo độ chân thực cũng như xúc cảm, 2 diễn viên chính đã phải… sex thật đằng sau ống kính và sau này, họ vẫn tâm sự rằng quá trình đóng phim là những trải nghiệm khó khăn nhất trong cuộc đời mình.
Tuy nhiên, bất cứ ai đã từng xem Blue is the Warmest Colour chắc chắn đều không thể không nhận xét, đây là một bộ phim 18 về tình yêu giàu cảm xúc nhất, chân thực nhất, nồng nàn nhất. Bất chấp một điều tình yêu trong phim là một mối tình “lệch chuẩn” giữa hai cô gái, khi xem Blue is the Warmest Colour, ranh giới lệch chuẩn này cũng sẽ bị xóa nhòa, chỉ còn lại những cảm xúc mãnh liệt, say đắm nhất của khái niệm tình yêu nói chung mà bấy lâu nay vẫn được ca ngợi và nâng niu.
Blue is the Warmest Colour kể về hành trình khám phá những cảm xúc sâu kín nhất của Adele (Adele Exarchopoulos đóng) – một nữ sinh 17 tuổi ngây thơ, xinh đẹp và học giỏi nhất trường. Adele từng có bạn trai nhưng nhanh chóng chia tay vì không tìm được cảm xúc trong mối quan hệ. Cho đến một ngày, cô gặp gỡ Emma (Lea Seydoux) – một nữ sinh trường mỹ thuật có mái tóc xanh biếc ấn tượng như màu trời. Tình yêu đến với Adele choáng ngợp như ánh sét, đến mức bản thân cô cũng không nhận ra mình đang yêu, chỉ có hình ảnh Emma là vẫn luôn ẩn hiện trong những giấc mơ nhục dục của cô hàng đêm.
Rồi định mệnh cũng kéo họ lại bên nhau, họ yêu nhau bằng tất cả những gì mình có. Mối tình của Emma và Adele đầy đủ những cung bậc đam mê, ngọt ngào, say đắm và nồng nhiệt hơn bất cứ mối quan hệ yêu đương nào từng tồn tại. Emma, bằng sự từng trải của mình đã giúp Adele khám phá tất cả những xúc cảm sâu kín nhất trong cô, biến Adele từ một nữ sinh ngây thơ trở thành một cô gái trưởng thành dạn dĩ.
Nguyên bản tiếng Pháp của Blue is the Warmest Colour là La vie de Adele: Chapter 1 & 2 (Cuộc đời của Adele: Chương 1 & 2) – một cái tên đơn giản, dễ hiểu và cũng khiến khán giả nắm bắt nội dung phim nhanh hơn. Trong phim, cuộc đời của nhân vật Adele cũng được chia thành 2 chương như thế. Chương đầu tái hiện một nữ sinh Adele ngây thơ và tình yêu mãnh liệt bất chấp tất cả của Adele và Emma; trong khi chương 2, u ám và trầm lắng hơn, miêu tả một Adele trưởng thành trong vai trò giáo viên dạy trẻ và mối quan hệ Adele – Emma với những rạn nứt khó tránh khỏi.
Đạo diễn Abdellatif Kechiche đã chọn cách thể hiện tình yêu nồng cháy của hai cô gái trong phim với một phong cách vừa lãng mạn bay bổng lại vừa trần trụi hiện thực. Nhưng tình yêu trong phim khó có thể đạt đến cảm xúc nồng nàn như thế nếu không có diễn xuất xuất thần của 2 nữ diễn viên Adele Exarchopoulos và Lea Seydoux. Chưa cần tới những động chạm cơ thể, chỉ cần khoảnh khắc họ nhìn nhau, ngắm nghía nhau đã đủ khiến trái tim của khán giả phải “ngừng đập”.
Đó là khoảnh khắc hai cô gái chia tay nhau trong buổi hẹn hò đầu tiên của hai người, giữa công viên lộng gió, khi những tia nắng len giữa tán cây phản chiếu một không gian rực rỡ ánh vàng, cái nhìn lặng thinh đầy mê đắm của người này vào mắt người kia, và khi họ tiến lại gần nhau, trao cho nhau nụ hôn má với một tia nắng vô tình làm sáng rực cả hai mái đầu; hoặc khoảnh khắc đôi bạn trẻ nằm trên cỏ, cũng trong một ngày rực rỡ như thế, khi Adele lặng lẽ ngắm khoảng hở trên cánh tay để trần của Emma, mái tóc xanh bung tỏa trong ánh nắng, và không kìm nén được đã trao cho cô một nụ hôn môi nồng cháy… Tất cả đam mê, khao khát đều ẩn chứa trong mỗi ánh nhìn của những khoảnh khắc như thế và sự hòa quyện của thể xác chỉ như một cao trào tất yếu cần phải đến.
Nhưng Blue is the Warmest Colour không chỉ là câu chuyện của yêu đương và mê đắm, nó còn là câu chuyện của giai cấp, của sự khác biệt là nguyên nhân của những rạn nứt trong tình yêu. Trước tiên, khán giả có thể nhận rõ sự phân chia giai cấp đó trong xuất thân của Adele và Emma. Trong khi Adele là một nữ sinh bình thường, sống trong một gia đình thuộc tầng lớp bình dân thì Emma là sinh viên mỹ thuật, thích bàn luận về triết học và nghệ thuật, sống trong gia đình có tư tưởng cấp tiến. Adele xấu hổ và giấu giếm giới tính thật của mình trong khi Emma là một nghệ sĩ từ trong máu, thoải mái bộc lộ giới tính và tự do thể hiện cảm xúc.
Xem phim, khán giả sẽ thấy rõ đạo diễn Kechiche là người rất thích sử dụng các chi tiết. Ngoài niềm đam mê đặc biệt với các cảnh… tình dục, ông còn rất thích để cho nhân vật của mình… ăn. Cảnh ăn uống trở đi trở lại rất nhiều lần trong bộ phim, và tính cách, giai tầng xã hội cũng được thể hiện ngay trong cách ăn của con người. Nếu như gia đình của Emma chọn một bữa ăn với món hàu sống được đặt mua hết sức kỳ công, vừa ăn vừa chuyện trò về các giá trị văn hóa thì gia đình Adele ăn mì ống, với một người cha thao thao bất tuyệt về sự phù phiếm của nghệ thuật và tầm quan trọng của việc kiếm sống.
Bản thân Adele và Emma là 2 con người thuộc 2 thế giới hoàn toàn khác nhau. Chỉ là khi họ yêu nhau, tính cá thể bị hòa tan, chỉ còn lại niềm đam mê và khao khát. Nhưng theo thời gian, khi Emma tốt nghiệp trường Mỹ thuật và trở thành một nghệ sĩ thực thụ, luôn đau đáu và trăn trở với quan niệm nghệ thuật, khoảng cách giữa họ trở nên ngày một lớn hơn. Đó là lý do khiến cho Adele luôn cảm thấy cô đơn và khi khoảng cách không thể lấp đầy, rạn nứt là điều sẽ đến.
Nếu như Emma của Lea Seydoux là một biểu tượng hoàn hảo của tự do, của cái đẹp đỉnh cao thì Adele của Adele Exarchopoulos là đại diện cho những điều bình thường và thân thuộc nhất. Cá nhân tôi rất thích nhân vật Adele, thích cái cách mà Kechiche để cho cô ấy lôi thôi, xộc xệch, với mái tóc rối xù chẳng bao giờ gọn gàng, gương mặt ủ rũ mệt mỏi, mũi khụt khịt nước và nhất là khi khóc thì mặt mày nhem nhuốc xấu xí. Chính những chi tiết ấy đã khiến Adele bước ra khỏi khuôn hình để đến với đời thực.
Adele thật như có thể chạm vào, khiến người ta khóc cười được cùng cô ấy, và hòa vào nỗi cô đơn của cô ấy khi cô thả trôi ánh nhìn lạc lõng giữa buổi tiệc đông vui của đám bạn Emma. Giữa những con người xa lạ sống trong một thế giới khác, Adele thường xuyên hướng ánh nhìn kêu cứu về phía Emma – người duy nhất thân thuộc với cô ấy, trong khi Emma còn bận vui đùa với cô bạn khác. Cũng giống như tình yêu có thể bắt lửa từ một ánh nhìn đắm đuối, sự chia ly cũng có thể bắt nguồn từ một phút chơi vơi khi ta kìm kiếm sự đồng cảm của người yêu mà không thể…
Video đang HOT
Trở lại với câu chuyện “khiêu dâm” hay “nghệ thuật” gây tranh cãi của Blue is the Warmest Colour, đạo diễn Kechiche dường như cũng đã đoán trước được những ồn ào sẽ xảy đến với bộ phim này khi ra mắt, nên bản thân ông có lẽ đã phần nào ngầm giải thích quan điểm của mình trong phim. Đó là khi ông để cho những nhân vật là nghệ sĩ trong phim phát biểu rằng lịch sử nghệ thuật từ xưa đến nay, thân thể người phụ nữ và yếu tố tính dục vẫn luôn là niềm đam mê bất tận của các nghệ sĩ.
Bản thân Kechiche, coi mình là một nghệ sĩ đam mê nghệ thuật là những cảnh quay trên màn ảnh, thay vì nghĩ tới khái niệm khiêu dâm, lại bày tỏ luôn cố gắng tái hiện những cảnh nóng trong phim “giống như một bức tranh hay một tác phẩm điêu khắc với những chi tiết hoàn hảo nhất”. Ở đó, ông cũng thẳng thắn tuyên bố muốn các diễn viên cần phải làm việc “bằng tất cả những gì họ có”.
Và nghệ thuật hay khiêu dâm, xét cho cùng vẫn tùy thuộc vào cách nhìn cũng như tâm lý của người thưởng thức. Để tránh mệt mỏi, hãy tập trung nhìn nhận Blue is the Warmest Colour ở khía cạnh tình yêu, đây chắc chắn là bộ phim tình yêu xóa nhòa mọi ranh giới đáng xem nhất dành cho khán giả.
Blue Is the Warmest Colour (2013) Quốc gia: Pháp Độ dài: 179 phút Đạo diễn: Abdellatif Kechiche Diễn viên chính: Adèle Exarchopoulos, Léa Seydoux
Đạo diễn và 2 diễn viên chính “Blue is the Warmest Colour” trên sân khấu nhận giải Cành cọ Vàng LHP Cannes 2013 Phim đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 2013. Đồng thời, với diễn xuất quá xuất sắc của 2 diễn viên chính, Ban Giám khảo đã họp và đi đến kết luận, giải thưởng Cành Cọ Vàng được trao cho không chỉ đạo diễn của bộ phim, Abdellatif Kechiche, mà cả hai diễn viên trẻ tuổi là Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux.
Bộ phim dựa vào tiểu thuyết tiếng Pháp tên là Blue Angel (“Le Bleu est une couleur chaude”), là một cuốn truyện tranh được sáng tác năm 2010 bởi Julie Maroh. Tuy nhiên chính tác giả này sau đó đã phê bình cảnh nóng trong phim và so sánh nó với các bộ phim khiêu dâm khác. Bên cạnh đó, nhiều nhà phê bình lại ca ngợi bộ phim và cho rằng đây là một “giải thưởng lớn về tình dục”. Đạo diễn Steven Spielberg – trưởng BGK LHP Cannes 2013 chia sẻ:”Đó là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời đã chinh phục tất cả chúng tôi.
Thật vinh dự khi được chứng kiến câu chuyện đó từ đầu đến cuối, với sự sâu sắc và cả những đau khổ. Chúng tôi không tìm ra bất kỳ điểm hạn chế nào trong cách xử lý tinh tế của đạo diễn Kechiche”. Tuy nhiên Blue Is the Warmest Colour cũng gây ra không ít “scandal” xoay quanh quá trình làm phim và cách làm việc khó tính của đạo diễn Kechiche. Một báo cáo từ hiệp hội Phim ảnh và Âm nhạc Pháp đã phê bình tình trạng làm việc mà toàn bộ ekip làm phim phải chịu đựng.
Theo như báo cáo, các thành viên của đoàn phim đã nói rằng việc sản xuất phim được thực hiện trong bầu không khí “nặng nề” với thái độ gần như là bị dằn vặt về đạo lý, điều này đã dẫn đến một vài thành viên của đoàn và các công nhân phải bỏ cuộc. 2 nữ diễn viên chia sẻ rằng trong hơn 5 tháng quay phim, đạo diễn Kechiche không ngừng… hét vào mặt họ và liên tục yêu cầu quay lại. Thậm chí trong một phân cảnh, ông còn bắt Seydoux đánh Exarchopoulos nhiều lần.
“Kechiche là một thiên tài, nhưng cũng là một chuyên gia tra tấn người khác. Chúng tôi đã cố gắng làm hết sức mình nhưng đôi khi vẫn có những việc rất khó để thực hiện. Nhưng dù sao đây cũng là một kinh nghiệm để cho tôi học hỏi, với tư cách diễn viên” – nữ diễn viên Adele Exarchopoulos thủ vai Adele chia sẻ sau đó với báo giới.
Theo Trithuctre
Những bộ phim diễn viên phải đóng 'sex thật'
&'Người tình', &'Antichrist' gây sốc bởi cảnh làm tình thật giữa các diễn viên.
1. Sweet Sweetback's Baadasssss Song (1971)
Bộ phim độc lập của đạo diễn da màu Melvin Van Peebles là một trong những tác phẩm điện ảnh tiên phong về việc quay những cảnh sex thật để tăng tính chân thực trên màn ảnh. Sweet Sweetback's Baadasssss Song được ca ngợi như là "một cuộc cách mạng thực thụ đầu tiên cho phim về người da màu" với nội dung kể về những cuộc đấu tranh của một người đàn ông Mỹ gốc Phi trước sức mạnh của người da trắng.
Ngoài việc làm đạo diễn, Melvin Van Peebles còn là nhà sản xuất, biên kịch, nhà soạn nhạc và diễn viên chính của bộ phim này. Ông tự mình đóng những cảnh sex và thậm chí còn mắc một căn bệnh lây qua đường tình dục khi thực hiện những cảnh này. Con trai ông, Mario, xuất hiện ở một số cảnh sex giả. Sweet Sweetback's Baadasssss Song gây chấn động khi ra mắt đầu thập niên 1970 và trở thành cột mốc lịch sử quan trọng của điện ảnh Mỹ - Phi.
2. Pink Flamingos (1972)
Một năm sau khi Sweet Sweetback's Baadasssss Song ra mắt, tác phẩm hài châm biếm Pink Flamingos tiếp tục gây nhiều tranh cãi với cảnh quay quan hệ bằng miệng của "nữ hoàng hóa trang" (drag queen) Divine với một nam diễn viên. Divine là một nghệ sĩ lưỡng tính khá nổi tiếng và từng được coi là một trong những hiện tượng văn hóa ở thập niên 1960. Pink Flamingos ra mắt tại LHP thường niên Baltimore vào năm 1972 và bị cấm chiếu ở Australia. Nhiều thị trường phim khác coi đây là một tác phẩm khiêu dâm nhưng sức ảnh hưởng của nó rất mạnh mẽ và còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim sau này.
Phim có những cảnh quay gây sốc như hai nhân vật quan hệ và... đè bẹp một con gà sống. Tuy nhiên, đây không phải là cảnh kinh khủng nhất. Cảnh thô tục nhất của Pink Flamingos là khi Devine nhặt và ăn một cục phân chó. Khi phát hành lại vào năm 1997, Hiệp hội điện ảnh Mỹ phân loại bộ phim là NC-17 (cấm khán giả dưới 17 tuổi). Vài năm sau, một tờ báo ở Anh thậm chí còn đưa Pink Flamingos vào danh sách "50 bộ phim phải xem trước khi chết".
3. A Real Young Girl (1976)
Có tên gốc là Une vraie jeune fille, A Real Young Girl do chính nữ đạo diễn người Pháp, Catherine Breillat, chuyển thể từ tiểu thuyết Le Soupirail của cô. Phim kể về Alice Bonnard, một cô gái trẻ đang học trường nội trú trở về nhà nghỉ hè. Cô thường xuyên thủ dâm vì buồn chán. Khi người đàn ông trẻ tên Jim xuất hiện, Alice say mê và tưởng tượng ra đủ điều.
Dưới góc nhìn của một người đàn bà đã trải qua thời kỳ "ẩm ương", Catherine Breillat phơi bày chủ đề tình dục tuổi dậy thì không chút gượng ép bằng ngôn ngữ điện ảnh táo bạo. Câu chuyện về những thức tỉnh tình dục của một cô gái 14 tuổi từng gây nên "bão dư luận" tại Pháp bởi phim có quá nhiều cảnh quay cận cảnh các bộ phận cơ thể nhạy cảm của diễn viên. Nhà phê bình Dana Stevens của tờ New York Times đánh giá A Real Young Girl là một tác phẩm điện ảnh "thô thiển, không chút bóng bẩy nhưng đầy tò mò và mơ mộng".
4. In the Realm of Senses (1976)
Vương quốc nhục cảm là tác phẩm nổi tiếng nhất của cố đạo diễn người Nhật - Nagisa Oshima. Bộ phim hợp tác Pháp - Nhật này từng tạo nên một cuộc cách mạng tình dục ở xứ Phù Tang vào cuối thập niên 1970. Phim dựa trên một câu chuyện có thật, lấy bối cảnh tại thủ đô Tokyo vào năm 1936 và xoay quanh câu chuyện tình giữa một cô gái điếm và ông chủ khách sạn. Khi mới ra mắt, Vương quốc nhục cảm chịu làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Nhật và Oshima phải đưa bản phim sang Pháp để in tráng vì không được duyệt ở quê nhà.
Nữ diễn viên chính Eiko Matsuda thậm chí còn bị cấm trở về nước và cô đã phải lưu lạc trong suốt 20 năm. Được trình chiếu tại LHP Cannes nhưng phim bị xếp vào loại phim khiêu dâm. Phải tới nhiều năm sau, Vương quốc nhục cảm mới được công nhận là một tác phẩm nghệ thuật và trở thành một bức tường thành mà lịch sử điện ảnh chỉ có một. Sau này, bộ phim còn được giảng dạy ở một số trường điện ảnh trên thế giới và được nhiều sinh viên theo học nghệ thuật thứ bẩy chuyên nghiệp, đặc biệt là ngành lý luận phê bình, yêu thích.
5. L'amant (1992)
Người tình là bộ phim kinh điển chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên và được quay tại Việt Nam vào năm 1986. Phim kể về chuyện tình giữa một thiếu nữ người Pháp và một người đàn ông Hoa giàu có với bối cảnh chính ở Sa Đéc. Phim mất tới 135 ngày để hoàn thành các cảnh quay với kinh phí ước tính gần 400.000 USD. Theo nhà báo Thiên Nam, người từng theo đoàn phim với tư cách là người của Liên hiệp Điện ảnh băng từ TP HCM, hai diễn viên tự thực hiện cảnh sex mà không cần người đóng thế. Khi ra mắt, 80% cảnh làm tình bị cắt bỏ.
Bộ phim từng tạo nên nhiều tranh cãi liên quan tới cả luật pháp khi nữ diễn viên chính, Jane March, lúc tham gia Người tình còn hai tháng mới tròn 18 tuổi. Đến nay, câu chuyện Jane và nam diễn viên Lương Gia Huy có sex thật khi đóng phim hay không vẫn còn là một ẩn số. Với những cảnh quay "lồ lộ" trên màn ảnh, khán giả khó có thể tin là giả dù Jane một mực thanh minh. Đạo diễn Jean-Jacques Annaud cũng không phủ nhận hay khẳng định các cảnh sex của Người tình quay thật nên khiến Jane March bị suy sụp. Cô không nói chuyện với Jean trong 10 năm cho tới khi nhận được lời xin lỗi từ vị đạo diễn này.
6. Intimacy (2001)
Tác phẩm điện ảnh giành giải Gấu Vàng tại LHP quốc tế Berlin (Đức) năm 2001 cũng có những cảnh quay mà hai diễn viên chính phải sex thật. Phim kể về Jay, một bartender bị ruồng bỏ bởi chính gia đình của mình do vợ anh đã hết hứng thú với mối quan hệ của họ. Giờ đây khi cô đơn sống trong một ngôi nhà cũ kỹ, hàng tuần Jay đều làm tình với một người phụ nữ mà đến cái tên anh ta cũng không hề biết.
Intimacy khai thác khía cạnh sex một cách trần trụi nhưng không kém phần tinh tế. Diễn biến và sự thay đổi tâm trạng của hai nhân vật chính mỗi khi làm tình là yếu tố thu hút người xem. Phim còn sử dụng nhạc nền là những ca khúc Pop nổi tiếng ở thập niên 1970 - 1980 như Rivers of Babylon, Shack Up hay Candidate khiến ngôn ngữ điện ảnh giàu tính nghệ thuật hơn. Ngoài danh hiệu Gấu Vàng, Intimacy còn đem về cho nữ diễn viên Kerry Fox giải Gấu Bạc với danh hiệu "Nữ diễn viên xuất sắc".
7. The Brown Bunny (2003)
Năm 2003, đạo diễn người Mỹ - Vincent Gallo - gây sốc ở LHP quốc tế Cannes (Pháp) với bộ phim The Brown Bunny tranh giải Cành Cọ Vàng. Phim kể về một tay đua motor đang trên hành trình xuyên quốc gia và bị ám ảnh bởi những ký ức về người bạn gái. Trên đường đi, anh gặp nhiều phụ nữ khác nhau và tìm cách chữa vết thương lòng cũng như xoa dịu nỗi cô đơn...
Trong buổi chiếu ra mắt ở Cannes, The Brown Bunny khiến nhiều khán giả cảm thấy "buồn nôn". Nhà phê bình phim quá cố Roger Ebert còn từng nhận định rằng đây là tác phẩm tồi tệ nhất trong lịch sử Cannes và là bộ phim mà ông ghê tởm nhất. Nhận xét này đã gây mâu thuẫn mạnh mẽ với nhiều "lời qua tiếng lại" giữa Ebert và đạo diễn Vincent Gallo.
8. 9 Songs (2004)
Bộ phim tình cảm của đạo diễn người Anh, Michael Winterbottom, cũng từng chiếu tại LHP Cannes và gây "sóng gió" bởi cảnh sex thật. Phim kể một câu chuyện tình yêu kéo dài 12 tháng giữa Matt, một nhà khí hậu học người Anh, và cô sinh viên thực tập người Mỹ - Lisa. Họ gặp gỡ nhau tại một buổi trình diễn âm nhạc tại London và sau đó, cả hai lao vào một tình yêu đầy đam mê, nhục dục trên nền nhạc Rock & Roll...
9 Songs có cách kể chuyện khá độc đáo khi xen kẽ giữa các cảnh làm tình nóng bỏng là chín bản nhạc Rock & Roll thể hiện bởi tám ban nhạc. Tờ The Guardian nhận định: "9 Songs giống như một phim khiêu dâm nhưng lại tạo cảm giác như một câu chuyện tình yêu thực thụ. Tình dục được sử dụng như phép ẩn dụ cho phần còn lại của mối quan hệ giữa hai con người". Nhiều nhà phê bình cũng đánh giá tác phẩm này ở "mấp mé giữa ranh giới nghệ thuật và sự khiêu dâm".
9. All About Anna (2005)
Chuyện nàng Anna là bộ phim tiêu biểu của nữ đạo diễn người Đan Mạch - Jessica Nilsson. Phim kể về đời sống tình dục phức tạp của cô gái tên Anna với lời thoại mở đầu đầy tính khơi gợi: "Một người bạn nói với tôi rằng mỗi người phụ nữ đều cần có ba người đàn ông. Một người để phiêu lưu và vui vẻ, một người để tâm sự và một người để làm tình. Johan có cả ba phẩm chất đó". Johan là nhân vật nam chính của bộ phim.
Jessica Nilsson từng tuyên bố: "Nếu thiếu đi cảnh sex, dự án này sẽ hoàn toàn sụp đổ". Điều này trở thành một thách thức lớn với các diễn viên như Gry Bay hay Mark Stevens. Họ phải hy sinh để thực sự làm "chuyện đó" trước ống kính và tạo nên những cảnh quay đầy cảm xúc, nhục dục. Mặc dù vẫn bị nhiều nơi xếp vào loại phim khiêu dâm, Chuyện nàng Anna vẫn được công nhận là một tác phẩm chính thống và từng đưa đi tham dự LHP Zurich ở Thụy Sĩ.
10. Shortbus (2006)
Bộ phim của đạo diễn John Cameron Mitchell tập hợp đủ sắc thái của tình dục với những cảnh sex "nặng". Lấy bối cảnh tại thành phố New York ồn ào, phồn hoa, phim là câu chuyện về bẩy con người xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Họ gặp gỡ tại quán bar Shortbus dành cho người đồng tính và tìm đến với nhau. Phim có sự tham gia của ngôi sao gốc Hàn - Lee Sook-yin, cựu VJ của kênh truyền hình âm nhạc MuchMusic.
Shortbus mang thông điệp về nỗi cô đơn của những con người luôn đi tìm ý nghĩa thực sự của tình dục trong cuộc sống. Họ đều muốn khám phá dục vọng của bản thân và lạc lối trên một chuyến "xe buýt" kỳ lạ. Shortbus chiếu lần đầu ở LHP Cannes năm 2006 và sau đó giành nhiều giải thưởng tại các LHP lớn như ở Zurich (Thụy Sĩ), Athens (Hy Lạp) hay Gijón (Tây Ban Nha).
11. Antichrist (2009)
Bộ phim của đạo diễn người Đan Mạch, Lars von Trier, không chiến thắng Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2009 nhưng lại là tác phẩm ấn tượng và gây nhiều tranh cãi nhất năm ấy. Ngay cảnh đầu phim, người xem sẽ bị sốc khi theo dõi cuộc "truy hoan" cuồng nhiệt của một đôi vợ chồng trong nhà tắm trên nền nhạc cổ điển. Họ quấn lấy nhau như những con thú mà không hề nhận ra cậu con trai nhỏ của họ đã chết khi lao ra ngoài cửa sổ và rơi xuống mặt đất phủ đầy tuyết trắng... Phim đã giành gần 20 giải thưởng điện ảnh quốc tế, trong đó có danh hiệu "Nữ diễn viên xuất sắc" tại LHP Cannes cho Charlotte Gainsbourg.
Antichrist có thể hơi nặng nề khi gieo rắc nỗi sợ hãi, ám ảnh tình dục - bạo lực ở mức độ "mạnh" nhưng lại khai thác tận cùng cảm xúc tối tăm, dục vọng trong mỗi người để biến nó thành một nỗi bi phẫn ngọt ngào. Cảnh sex thật giữa hai diễn viên Charlotte Gainsbourg và Willem Dafoe với hiệu ứng slow motion, màu sắc đen trắng và tiếng nhạc cổ điển có thể coi là một trong những cảnh làm tình đẹp nhất của màn ảnh rộng từ trước đến nay.
12. Blue is the Warmest Colour (2013)
Bộ phim, kéo dài hơn ba tiếng với nhiều cảnh làm tình trần trụi giữa hai cô gái trẻ, được vinh danh Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes lần thứ 66 hồi tháng 5. Dựa trên cuốn truyện tranh Blue is a Warm Colour của Julie Maroh, Blue is the Warmest Colour xoay quanh Adèle, một nữ sinh 17 tuổi thuộc gia đình trung lưu ở thành phố Lille (Pháp). Sau mối tình ngây thơ với một chàng trai, Adèle gặp gỡ và đem lòng yêu nữ nghệ sĩ 30 tuổi có mái tóc xanh, Emma, thuộc tầng lớp thượng lưu.Chuyện tình nóng bỏng và đầy nhục dục này đẩy hai cô gái tới những bi kịch.
Chỉ ngay sau 15 phút đầu phim, Blue is the Warmest Colour đã nhận một tràng vỗ tay dài vì những cảnh sex được làm quá táo bạo. Nhà phê bình Justin Chang của tờ Variety nhận định đây là "bộ phim có những cảnh quay nhạy cảm và chân thực nhất về đồng tính nữ trong thời gian gần đây". Trong phim, hai diễn viên nữ chính Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux phải sex thật để tạo độ chân thực cho các cảnh quay. Tác phẩm này cũng được nhiều nhà phê bình đánh giá là lột tả dữ dội và chân thật về một xã hội Pháp hiện đại đầy mâu thuẫn.
Theo Ngôi Sao
Sao nữ khốn khổ vì diễn cảnh sex 10 ngày liên tục Để có được cảnh quan hệ đồng tính dài 5 phút trên màn ảnh, đạo diễn phim "Blue Is The Warmest Colour" ép hai nữ diễn viên chính làm việc trong 10 ngày. Bộ phim dài gần 3 giờ mô tả thế giới đồng tính nữ Blue Is The Warmest Colour (Xanh là màu ấm nhất) lẽ ra đã có một kết thúc...