Blogger Trinh Phạm tự làm kem trộn tại nhà, cô nàng tiết lộ nhiều sự thật giật mình về giá và nguyên liệu
Với thị trường “ma trận” kem trộn như hiện tại, clip của beauty blogger Trinh Phạm như 1 lời cảnh tỉnh cho những cô nàng muốn da trắng đẹp thật nhanh.
Đã có quá nhiều trường hợp hỏng da vì kem trộn, tuy nhiên vì một lý do nào đó mà loại kem được cho là thần thánh này vẫn tồn tại, thậm chí được rao bán công khai mà chẳng hề sợ cơ quan chức năng nào. Hầu như người bán nào cũng tự tin rằng kem của họ được cấp phép, tuy nhiên được cấp thật hay không, hoặc nơi nào cấp thì chắc chỉ có người bán mới nắm rõ ngọn ngành.
Mới đây trên trang Youtube của mình, beauty blogger Trinh Phạm đã thử làm kem trộn tại nhà. Cô nàng cho biết, lý do làm video này chính là muốn cảnh tỉnh cho mọi người về tác hại cũng như cái gọi là “được cấp phép” của loại kem này.
Cô nàng Trinh Phạm với chậu kem trộn tự làm (Ảnh cắt từ clip Youtube Trinh Pham).
Trinh Phạm chia sẻ, không khó để tìm được công thức làm kem trộn, thậm chí còn có cả cách làm được post công khai. Cô nàng đã thử đặt hàng và sau 1 tuần thì hàng được ship đến. Sau khi nhận được hàng loạt hũ kem nhỏ dùng để làm kem trộn thì Trinh Phạm có một vài thông tin rút ra như sau: Hầu hết các hũ kem đều có chữ Thái Lan với bao bì nhìn khá “tối cổ”, thậm chí nhiều lọ còn bị mờ hết ngày sản xuất hay hạn sử dụng, có một vài hũ là của Trung Quốc và trong công thức kem trộn thì có 2 loại kem có tác dụng lột da. Cùng với đó cô nàng cũng đặt ra 2 câu hỏi lớn: Người bán và người trộn dựa vào đâu để có được tỉ lệ như thế này? Và test trên những đâu để biết được độ an toàn và hiệu quả?
“Công thức kem trộn của chị mèo lười khiến chị em phát cuồng” mà Trinh Phạm đã dễ dàng tìm được trên google.
Trinh Phạm cũng chia sẻ thêm, giá cho mỗi hũ kem nhỏ dùng để trộn vào nhau như thế này không hề đắt, nếu mua sỉ thì sẽ khoảng 10.000 VNĐ/ hộp. Giá nguyên liệu để trộn quá bèo, ấy vậy mà chỉ cần cộp mác rồi thêm bao bì bắt mắt, người bán sẽ bán mỗi hũ kem trộn với giá từ 300 – 400.000 VNĐ. Chỉ cần tính sơ sơ thôi cũng thấy mỗi hũ kem trộn lãi đến mức nào. Trinh Phạm cũng đưa ra lời khuyên đó là: Nếu bỏ ra số tiền như vậy, các bạn nên tìm đến những loại kem có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho da hơn là việc dùng những loại kem mà mình có thể tự trộn tại nhà như thế này.
Thử hỏi khi nhìn và biết được giá cũng như nguyên liệu, các bạn có dám bôi loại kem này lên mặt.
Trên thực tế, bạn chỉ cần gõ kem trộn vào phần tìm kiếm của Facebook là sẽ nhận được hàng tá những tài khoản có bán. Kem trộn được bán nhan nhản, thậm chí còn có hẳn livestream cảnh bôi kem hay múc từng thìa kem trộn để cho vào hũ, không có bất kỳ thiết bị bảo hộ như găng tay hay khẩu trang, mỗi hũ kem trộn được làm ra rất thô sơ và thủ công, vậy thì thử hỏi loại kem này khi bôi lên mặt hay thậm chí là lên người sẽ gây ra tác hại như thế nào?
Kem trộn ngày được bán tràn lan nên các chị em cần phải cẩn trọng hơn khi bôi bất cứ sản phẩm nào lên da của mình.
Không lấy đâu xa, trường hợp thực tế nhất của Hồ Quỳnh Hương, nữ ca sĩ chia sẻ rằng từng bị chính những loại kem trộn này phá hủy gương mặt do không có kiến thức chăm sóc da và tin vào những lời quảng cáo trên mạng. Có thời gian gương mặt của Hồ Quỳnh Hương lúc nào cũng trong trạng thái phù nề, căng cứng gượng gạo khiến nhiều người cho rằng cô đã thẩm mỹ. Thậm chí khi đi hát cô phải dùng thuốc cực mạnh và trang điểm đậm để che đi khuyết điểm. Hồ Quỳnh Hương chia sẻ: “Tôi đi chỗ này chỗ kia, họ toàn pha kem trộn với lượng đậm đặc hơn để ém những cái nở rộ trên mặt ấy xuống. Tôi đi khám bác sĩ thì họ chỉ bảo tôi bị mụn đỏ do cơ địa. Mặt tôi te tua lắm, gân máu nổi đỏ cả lên”.
Kết thúc chuỗi ngày tháng “đánh vật” với gương mặt của mình, chữa trị đủ mọi loại thuốc, áp dụng đủ mọi phương pháp, mãi đến tận bây giờ làn da và gương mặt của Hồ Quỳnh Hương mới ổn định trở lại.
Theo TS Lê Hữu Doanh (Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biêt, để làm ra một công thức kem bôi da hoặc gel dưỡng da, các nhà khoa học phải tiến hành một quá trình nghiên cứu lâu dài về thành phần, sự kết hợp, tương tác của các thành phần với nhau. Do đó về mặt khoa học, những loại kem trộn, kem tự chế theo bất cứ công thức nào đó để bôi lên da là phản khoa học và độc hại. Để điều trị cho bệnh nhân từng dùng kem trộn, kem thuốc chứa corticoid, bác sĩ phải căn cứ cụ thể vào từng mức độ tổn thương, thể bệnh để có những phác đồ điều trị riêng. Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương của làn da.
Theo Trí thức trẻ
Đáng sợ hình ảnh cô gái trẻ mặt sùi như 'vỏ mít' sau khi dùng thuốc trắng da ở phòng khám tại Hà Nội
Muốn làm trắng da, cô gái trẻ đến phòng khám và mua dùng bộ sản phẩm phục hồi da. Dùng một thời gian, mặt chị nổi nhiều vảy tiết, đến nay khắp mặt không còn vùng da lành.
Ngày 21/6, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân (24 tuổi) nhập viện trong tình trạng vảy tiết nhiều toàn bộ vùng mặt, gần như không còn thấy được vùng da lành.
Bệnh nhân có tổn thương này sau một năm sử dụng các loại thuốc bôi, thuốc uống không rõ nguồn gốc với mục đích làm trắng da ở một phòng khám trên địa bàn Hà Nội.
Tình trạng bệnh nhân khi đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương tháng 6/2019. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân chia sẻ, vì có nhu cầu làm trắng da nên đến một phòng khám và được tư vấn mua bộ sản phẩm phục hồi da gồm cả thuốc uống, thuốc bôi. Sau khi sử dụng một thời gian bắt đầu thấy mặt xuất hiện nhiều vảy tiết tại những vùng bôi thuốc.
Bệnh nhân quay lại phòng khám được tư vấn tiếp tục sử dụng và được giải thích đó là... phản ứng bình thường. Sau một năm sử dụng sản phẩm nói trên, bệnh nhân thấy tình trạng da ngày càng xuất hiện nhiều vảy tiết, chiếm toàn bộ khuôn mặt mới ngưng sử dụng và đến Bệnh viện Da liễu trung ương khám.
BS Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đây chỉ là một trường hợp điển hình trong số rất nhiều trường hợp đến khám tại bệnh viện Da liễu Trung ương do viêm da tiếp xúc với mỹ phẩm.
Các sản phẩm được đóng gói thủ công, không rõ thành phần, xuất xứ mà bệnh nhân đã sử dụng trong hơn một năm qua. Ảnh: BVCC
Cũng theo BS Linh, việc sử dụng các loại mĩ phẩm không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến, bệnh nhân lại mong muốn cải thiện tình trạng da nhanh chóng. Do đó, khách hàng, đặc biệt là chị em có nhu cầu làm đẹp dễ tin và làm theo những cơ sở không uy tín, dẫn đến "tiền mất tật mang" như trường hợp trên.
Da mặt là một vùng da rất nhạy cảm và ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Vì vậy, BS Linh khuyến cáo khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mọi người nên chọn sử dụng của các hãng mỹ phẩm uy tín có nhãn mác và thành phần cấu tạo rõ ràng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Khi có nhu cầu về thẩm mĩ da nên đến khám tại các cơ sở làm đẹp uy tín để được các bác sỹ thăm khám, kê đơn và tư vấn các liệu trình phù hợp, tránh các hậu quả đáng tiếc do thiếu hiểu biết.
Khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và có phản ứng bất thường thì phải ngưng sử dụng ngay và đi khám để phát hiện sớm và điều trị các phản ứng do dị ứng hoặc các tác dụng phụ của sản phẩm đã dùng.
Võ Thu
Theo giadinh.net.vn
Kem trộn ngày xưa bán chui lén lút, kem trộn ngày nay công khai hút vạn người mua Biết là độc hại, là tự đẩy làn da của mình vào chỗ nguy nhưng cứ nhất mực mua xài kem trộn bất chấp hậu quả thì đó không phải là lỗi của người bán mà chính là lỗi ở bạn. Xài kem trộn không rõ nguồn gốc, nổi trôi trên thị trường để lại biến chứng không phải là câu chuyện mới...