“Black Mirror mùa 4 – Sự thụt lùi so với người tiền nhiệm
“ Black Mirror” mùa 4 vẫn là một tác phẩm có chất lượng tốt nhưng nếu so với người đi trước đã là một bước lùi.
Một trong số những phim truyền hình xuất sắc nhất trong nhiều năm qua chắc chắn chính là Black Mirror – một mini anthology series (mỗi tập một câu chuyện độc lập không có kết nối) có số lượng tập phim mỗi mùa hết sức hạn chế. Phim có những câu chuyện có ý tưởng đơn giản nhưng vô cùng độc đáo về tương lai gần, nơi cuộc cách mạng công nghệ đã đạt tới đỉnh điểm, giúp cho cuộc sống loài người trở nên tiện lợi hơn rất nhiều. Nhưng cái hay của phim nằm ở việc khai thác những khía cạnh hết sức “con người” để vẽ ra một viễn cảnh hết sức “nhức nhối” về tương lai “bóng bẩy” này.
Phim được công chiếu lần đầu tiên với 2 mùa trên kênh 4 của Anh từ năm 2011, và sau đó được Netflix mua lại bản quyền để tiếp tục sản xuất. 6 tập phim đầu tiên do Netflix thực hiện ra mắt trong mùa 3 của phim vào năm 2016 đã thực sự thuyết phục các khán giả trung thành từng yêu thích Black Mirror bản gốc. Với niềm tin đã được củng cố này, họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào mùa 4 đã được ra mắt cuối năm 2017 vừa qua.
Black Mirror chịu khá nhiều ảnh hưởng từ phim truyền hình kinh điển The Twilight Zone của Rod Sterling từ năm 1959, khi khai thác những đề tài phức tạp về tâm lý con người, cũng như triết học về xã hội có tính hàn lâm cao. Những câu chuyện của Black Mirror, giống như người tiền nhiệm Twilight Zone, thường đặt ra những vấn đề nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng cực kỳ đa chiều. Nhưng quan trọng nhất, trong Black Mirror không có người thắng kẻ thua, không có người tốt kẻ xấu, nhân vật chính diện hay phản diện, mà chỉ có duy nhất một “phe loài người.”
Không chỉ thế, Black Mirror dường như còn là một sân chơi vô tận cho những ý tưởng điên rồ nhất, kỳ quái nhất mà các nhà làm phim có thể nghĩ ra. Mỗi tập phim của series này đều khiến người xem “lăn đùng ngã ngửa” bởi vô vàn những sáng tạo không biên giới trong các câu chuyện của họ, lấy cảm hứng từ chính những công nghệ mà chúng ta đang có ngày nay.
Loài người trong tương lai của phim không bị thống trị bởi máy móc hay robot theo kiểu The Matrix hay The Terminator, nhưng lại tự nhốt mình vào những “nhà tù” do chính công nghệ mà mình tạo ra bởi chính bản chất của họ. Những kết cục có phần “ghê người” của các nhân vật trong phim đến từ chính những tâm lý và hành động rất đỗi “bình thường” và “ngây thơ” của con người, trở thành “lỗi kỹ thuật” thiếu hoàn hảo giữa một thế giới được tạo nên bởi những phần mềm hay thiết bị hiện đại vận hành bởi thuật toán lạnh lùng.
Khán giả mỗi khi xem xong một tập phim đều không thể dừng suy nghĩ, băn khoăn về những điều xảy ra trong phim, vốn không để lại một kết thúc thực sự có hậu, hay chỉn chu rõ ràng cho bất cứ nhân vật nào dù tốt hay xấu. Black Mirror luôn khiến người xem tự đưa ra những triết lý và kết luận độc lập của riêng mình về những tình huống, sự kiện đôi khi mang tính “tình cờ” diễn ra hết sức tự nhiên trong phim, chứ không áp đặt một quan điểm nhất định nào.
Đây chính là lý do người viết cảm thấy vô cùng thất vọng về lần trở lại này của mùa 4. Vì một lý do nào đó, tất cả những gì tinh túy nhất của Black Mirror đã bị thay thế bởi những ý tưởng cũ kỹ, cóp nhặt vụn vặt, và trở nên “thị trường” hơn rất nhiều.
Các tập phim trong mùa này của Black Mirror bao gồm: USS Callister, Arkangel, Crocodile, Hang the DJ, Metalhead, và Black Museum. Hầu hết các tập phim này đều có một đề tài khá “chân phương” và tầm thường hơn hẳn so với các mùa trước kia: Người tốt sẽ có kết cục có hậu, còn kẻ xấu sẽ phải trả giá cho hành động của mình.
Với USS Callister thì đó là gã lập trình viên mê sảng với trò chơi thế giới ảo do mình tạo ra, “bắt cóc” các đồng nghiệp của mình để khủng bố và tra tấn tinh thần của họ. Với Arkangel thì là người mẹ bị cuốn theo và trở nên ám ảnh với công nghệ theo dõi cá nhân được cấy trong não của con gái bà. Crocodile kể câu chuyện về một nhà vận động xã hội với quá khứ bị vấy bẩn bởi một vụ tai nạn giao thông. Còn Black Museum lại có gã tiếp thị các công nghệ y tế phi đạo đức, chủ viện bảo tàng “tội ác” do chính gã lập nên.
Tất cả các nhân vật này đều được xây dựng một cách hết sức rõ ràng về hình tượng: Họ là những người xấu, làm những điều sai trái, và cuối cùng, họ phải nhận lại những hậu quả tương ứng. Daly trong Callister mãi mãi kẹt lại trong nhà tù trò chơi máy tính do chính mình tạo ra, Marie trở nên quá kiểm soát để rồi mãi mãi mất đi con gái, Mia ngày càng dấn sâu vào tội ác và bị cảnh sát bắt giữ, còn Rolo phải chịu hậu quả giống như những nạn nhân của chính hắn trước kia.
Với những kết thúc quá rõ ràng này, phim không để lại những giằng xé mâu thuẫn mang tính triết lý, thử thách người xem phải suy tư sâu sắc hơn về các quan điểm đạo đức của chính bản thân mình, và của cả xã hội. Vì câu trả lời cho tất cả những “nhức nhối” trong phim đều đã được giải quyết dứt điểm, và được trả lời một cách thỏa mãn một cách nhàm chán. Thậm chí, với USS Callister, phiên bản “ảo” của các nhân vật “chính diện” còn có được một tương lai và kết cục có phần “có hậu”. Cách kể chuyện này khiến cho Black Mirror season 4 trở nên khá một chiều, và thiếu tầng lớp.
Hai tập phim duy nhất không mang tính “thiện, ác” là Hang the DJ và Metalhead, lại có quá nhiều dấu hiệu “ăn theo” từ các tác phẩm khác.
Chuyện tình “thế giới ảo” với kết thúc nhẹ nhàng “ấm lòng” không thể không khiến người ta liên tưởng tới San Junipero ở season 3, nhưng Hang the DJ không đủ thuyết phục như người tiền nhiệm. Cũng là một câu chuyện lãng mạn, nhưng San Junipero có nhiều “sức nặng” hơn nhờ khai thác số phận của 2 con người có “thực” chia sẻ cuộc đời “ảo”. Hơn nữa, nó vẫn để lại một cảm giác có phần “gai sống lưng” cho khán giả khi suy nghĩ sâu hơn về thứ công nghệ mà phim sáng tạo ra. Trong khi đó Hang the DJ theo chân các nhân vật hoàn toàn “ảo” được tạo ra bởi các thuật toán máy tính, và khiến cho sự quan tâm của khán giả tới số phận của họ bị giảm xuống đáng kể khi kết thúc cuối cùng được tiết lộ. Và bản thân tính chất của công nghệ hẹn hò này cũng không đủ khiến người ta có những tưởng tượng “kinh dị” về tương lai của loài người.
Còn Metalhead gần như hoàn toàn không mang bất cứ một tinh thần nào của Black Mirror, cho cảm giác dường như tập phim này thuộc về một series hoàn toàn khác. Bối cảnh tương lai tận thế bị thống trị bởi người máy, và loài người bị săn lùng, luôn phải tìm cách chạy trốn, sống sót đã được làm quá nhiều. Dù đã cố gắng sử dụng lớp màu phim đen trắng để thể hiện tinh thần của tập phim, nhưng Metalhead vẫn quá giống với Terminator kết hợp với một chút The Walking Dead đến từng tình tiết một.
Black Museum có lẽ là tập phim duy nhất ở mùa này mang lại những cảm giác gần giống với Black Mirror của những “năm xưa cũ” nhất. Nhưng như đã nói ở trên, kết thúc cuối phim không chỉ làm mất tính “mở” của câu chuyện, mà còn thiếu sự liên kết chặt chẽ với phần đầu tập phim. Vẫn biết đây là câu chuyện trả thù của cô gái trẻ và hầu hết những gì cô thể hiện ra trước mặt Rolo đều là diễn xuất, nhưng ngay cả những lúc cô ở một mình cũng không có bất cứ manh mối thuyết phục nào để gợi ý cho kết thúc này. Nó khiến cho câu chuyện trở nên khá “tiện” và lười biếng, chỉ nhằm phục vụ mục đích “giải quyết” triệt để những vấn đề trong phim.
Không chỉ mất đi những thách thức đạo đức đã từng làm nên sự độc đáo của Black Mirror các mùa trước, mùa 4 của phim còn cho thấy một sự thiếu đầu tư về mặt ý tưởng. Nếu như các mùa trước đây, mỗi tập phim đều khiến người ta phải cảm thấy bất ngờ và thích thú với những ý tưởng công nghệ vừa thú vị, lại vừa “gai góc” trong phim, thì mùa 4 chỉ biết lặp đi lặp lại một vài thứ duy nhất. Phổ biến nhất là công nghệ gắn chip vào đầu để đưa người sử dụng vào thế giới ảo được sử dụng trong 4 tập phim khác nhau. Trong khi đó một vài công nghệ khác lại chẳng có gì khác biệt hay độc đáo hơn so với những tác phẩm điện ảnh cùng thể loại đã từng làm trước đây: Hang the DJ quá giống với một tập phim trong series Dimension 404, nhưng lại không đủ thú vị và “kinh dị” bằng, còn Metalhead chẳng có gì khác lạ so với Terminator. Black Museum cũng là lần duy nhất khán giả được chứng kiến những ý tưởng có phần khó đoán hơn trong các công nghệ mà phim đem lại.
Một cách công bằng mà nói, Black Mirror mùa 4 vẫn có thể coi là một mùa xuất sắc nếu như so sánh với tiêu chuẩn đại trà của các phim truyền hình. Các tập phim vẫn được làm chỉn chu và hấp dẫn, thậm chí còn mang nhiều tính giải trí thú vị cho người xem. Nhưng sau 3 mùa đầu tiên trước đây quá ấn tượng và độc đáo, người hâm mộ không thể không đặt cho Black Mirror những tiêu chuẩn cao hơn và phức tạp hơn bình thường. Về mặt này, phim đã không đạt được yêu cầu khi khoác lên mình bộ cánh mới “thị trường” hơn, và dễ “tiêu hóa” hơn viễn cảnh gai góc về một tương lai “gương vỡ khó lành” như trước.
Theo Trí Thức Trẻ
Cả thế giới đang phát cuồng lên vì bộ phim "tận thế" của Netflix - The End of the F***ing World!
"The End of the F***ing World" hiện được chấm điểm tuyệt đối trên trang Rotten Tomatoes. Hãy cùng tìm hiểu xem series của Netflix có gì đáng để mọi người quan tâm đến vậy.
Từ khi mới được ra mắt, series "hài bựa" (black comedy) của Netflix với cái tên đầy táo bạo The End of the F***ing World không những được cánh mộ điệu tán dương nức nở mà còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhà đài mà cụ thể là CEO của Netflix - Reed Hastings.
Trailer của "The End of the F***ing World" (Nguồn: YouTube)
James đã phát triển vượt khỏi khuôn khổ một tên giết người đáng ghê tởm: đó là một cậu bé loay hoay đối phó với nỗi đau theo cách duy nhất mà cậu ta biết. Alex Lawther, sau khi ám ảnh cả thế giới trong tập phim Shut Up and Dance của series Black Mirror đã quay trở lại để tiếp tục gây nhức nhối cho khán giả trong một James đầy ma mị. Còn Alyssa không phải là một con nhỏ chỉ biết phá hoại, mà ẩn sâu là đứa trẻ tuyệt vọng quậy phá chỉ để có được một chút sự quan tâm.
Chính sự tương đồng này đã kéo hai tâm hồn ảm đạm lại với nhau. Dần dà họ đối xử với nhau tử tế lên chút một, để bóng tối bớt lấn át, khiến thế giới trở nên bớt tàn tệ. Như một dòng chảy đầy tính hiện hữu, cái kết tự nhiên của phim đối nghịch lại với khúc dạo đầu bí bách, như một tuyên ngôn sống cho lớp người trẻ đang vẫy vùng tìm một định danh cho chính mình trong thế giới khắc nghiệt.
Là một show truyền hình gốc của Netflix, The End of the F***ing World như một viên ngọc đen hoàn hảo một lần nữa tái khẳng định vị thế và sức mạnh của nhà đài này trên màn ảnh nhỏ. Bạo lực, táo bạo và gây nghiện, The End of the F***king World từ đạo diễn Jonathan Entwistle mang sức nặng của một báu vật mà bạn hoàn toàn không thể chuẩn bị trước để đón nhận những gì xảy ra sau đó.
Theo Trí Thức Trẻ
Sự thật đằng sau mức chênh lệch 1.500 lần cát-xê của cặp diễn viên "All The Money in The World" Sự thật về vụ lùm xùm về chênh lệch thù lao giữa nam và nữ trong bộ phim 'All the Money in the World" vừa qua. Hồi tháng 11 năm ngoái, đạo diễn Ridley Scott và đơn vị phân phối Imperative Entertainment đã quyết định loại toàn bộ cảnh quay của Kevin Spacey (do liên quan tới scandal cáo buộc tình dục của...