Bình yên trở lại vùng đất sấm sét
Đồn BP Săm Pun nằm trên đỉnh núi cao nhất của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. “Săm Pun” là phiên âm từ tiếng Pháp, có nghĩa là vùng đất nhiều sấm sét. Vùng đất này từng là “điểm nóng” về bắt cóc phụ nữ, cưỡng đoạt trẻ em bán sang bên kia biên giới. Nhưng từ năm 2010, tình hình này giảm hẳn nhờ nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ đồn BP Săm Pun.
Điểm nóng
Đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em bị đồn Săm Pun bắt giữ.
Video đang HOT
Nếu như từ năm 2004 đến 2007, mỗi năm ở Săm Pun chỉ xảy ra 1 đến 2 vụ bắt cóc phụ nữ, trẻ em bán sang bên kia biên giới, thì năm 2008 khu vực này trở thành điểm “nóng” nhất tỉnh Hà Giang. Thiếu tá Kim Đình Tư, Phó đồn trưởng Trinh sát đồn Săm Pun cho biết, hoạt động của bọn tội phạm trong khu vực diễn ra hết sức manh động và liều lĩnh, bất kể là đêm tối hay ban ngày. Chúng thường nhằm vào những phụ nữ đi làm nương, lấy cỏ nuôi bò gần đường biên giới, vùng hẻo lánh hoặc những phụ nữ đi chợ biên giới. Khi phát hiện “con mồi”, bọn tội phạm từ chỗ ẩn nấp xông ra khống chế, bắt đi. Điển hình là ngày 31-12-2009, hôm đó, chị Sùng Thị Dính, SN 1990, ở xã Thượng Phùng đang cắt cỏ ở khu vực mốc biên giới 465 thì bị 3 đối tượng nam giới người Mông dùng dao khống chế và đưa sang Trung Quốc. Thậm chí, nhiều trường hợp nạn nhân tập trung đi chợ theo nhóm hoặc đi cùng chồng nhưng vẫn bị trắng trợn cưỡng đoạt đưa đi. Ngày 3-11-2009, chị Ly Thị Dính, SN 1989, trú tại xã Thượng Phùng đi chợ Trung Quốc cùng chồng, đến khu vực mốc 436 thì bị các đối tượng lạ mặt xông ra cướp. Sau giây phút sững sờ, anh chồng đuổi theo, cố gắng kéo vợ lại, liền bị chúng tấn công gây thương tích.
Không chỉ lừa bắt phụ nữ, các đối tượng phạm tội còn cưỡng đoạt cả trẻ em. Chúng thường đi vào các xóm, bản giáp biên rình bắt những em bé chơi lang thang một mình không có người lớn trông giữ hoặc dùng bánh kẹo, quần áo, dụ dỗ rủ trẻ em đi chơi rồi bán sang biên giới. Thậm chí, các đối tượng tội phạm trong nước còn câu kết với đối tượng nước ngoài lợi dụng đêm tối, đột nhập vào nhà dùng hung khí đe dọa, khống chế người thân trong gia đình rồi chiếm đoạt trẻ em ngay trong vòng tay bố mẹ. Điển hình là ngày 17-6-2008, một số đối tượng đột nhập vào nhà ông Sùng Mí Vư, xã Thượng Phùng, bắt cóc cháu Sùng Mí Vừ, 18 tháng tuổi đang ngủ cùng bố mẹ. Những vụ việc bắt cóc phụ nữ, chiếm đoạt trẻ em như thế diễn ra liên tục trong một thời gian khá dài, khiến người dân luôn trong tình trạng phấp phỏng, lo sợ, giấc ngủ không yên, còn cán bộ biên phòng thì “căng như dây đàn”.
Bình yên đang trở lại
Sự bình yên đang trở lại với Săm Pu
Thượng úy Mua Đại Sèo, một trinh sát “cứng” đưa tôi xuống địa bàn “mục sở thị” những việc các anh đang làm. Anh tâm sự: “Từ ngày nạn “buôn người” hoành hành, bà con lo lắng, bất an, anh em chúng tôi cũng đứng ngồi không yên. Quyết tâm phòng chống tội phạm và cũng là để yên lòng dân, đơn vị ra nghị quyết chuyên đề về phòng chống tội phạm, đồng thời xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm của năm. Anh em đã tỏa đi khắp các địa bàn, bám nắm dân, từng bước điều tra, trấn áp tội phạm, bóc gỡ các đường dây buôn bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em”.
Trung tá Nguyễn Hữu Thủy, Chính trị viên đồn Săm Pun cho biết thêm: “Từ đầu năm 2009, đơn vị tham mưu cho cấp ủy đảng địa phương tổ chức lực lượng, trong đó cán bộ biên phòng là nòng cốt xuống từng xóm bản tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tội phạm buôn người. Các tổ tuyên truyền vạch rõ các thủ đoạn của bọn buôn người, đồng thời hướng dẫn bà con cách phòng chống và thông báo những dấu hiệu nghi vấn, đối tượng khả nghi ra vào bản cho đồn biên phòng. Anh em cũng vận động bà con làm cửa ra vào nhà, mua khóa cửa, trang bị gậy, đèn pin và mõ. Khi phát hiện đối tượng xấu phải gõ mõ báo cho người dân trong bản và tổ an ninh thôn bản biết để tổ chức lực lượng triển khai truy đuổi, vây bắt”.
Cùng với việc tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức tố giác, phòng chống tội phạm cho người dân, đồn BP Săm Pun đã tham mưu cho UBND huyện Mèo Vạc tổ chức diễn tập phòng chống tội phạm buôn bán người ở cả 32 thôn, xóm thuộc địa bàn đồn quản lý. Mỗi trưởng thôn, bản được trang bị một chiếc điện thoại bàn, kèm theo danh bạ điện thoại của các cán bộ đồn, để báo cáo kịp thời cho đồn thông tin sự việc ngay khi xảy ra. “Nhờ được tuyên truyền, đến nay, bà con không còn chậm trễ trong khai báo, thông tin vụ việc nữa. Ngược lại, mọi người đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm. Trong năm 2010, tất cả các vụ việc xảy ra hoặc phát hiện dấu hiệu nghi vấn, người dân đều trình báo cho chúng tôi”- anh Thủy hồ hởi thông báo.
Hôm chúng tôi có mặt ở Săm Pun, Thiếu tá Tư và các trinh sát của đồn đang tỏa đi các hướng thu thập manh mối về vụ mất tích bí ẩn của 2 nữ sinh trường Trung học cơ sở Xín Cái. Trung úy Vũ Quế Lâm – người tham gia điều tra nhiều vụ án về bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em cho biết: “Thông thường, việc điều tra, phá án gặp rất nhiều khó khăn do manh mối để lại rất ít. Anh em phải tỏa đi khắp các địa bàn, có khi phải tới tận địa bàn các đồn khác để thu thập thông tin. Sau đó mới rà soát, sàng lọc thông tin để định hướng điều tra trọng tâm”. Đối với vụ án mất tích của 2 nữ sinh trường Trung học Xín Cái cũng vậy. Cán bộ trinh sát của đồn BP Săm Pun phải ngược lên địa bàn đồn Lũng Làn, xuôi xuống Đồng Văn, Lũng Cú, đồng thời gửi ảnh nạn nhân và thư đề nghị trạm Biên phòng Điền Bồng phía Trung Quốc truy tìm, giải cứu.
Sau nhiều ngày ngược xuôi ở địa bàn thu thập tin tức, Thiếu tá Tư trở về đồn với một tin vui đã xác định được đối tượng lừa bán 2 nữ sinh trên. Ngày 7-12-2010, 2 nữ sinh trường Trung học Xín Cái đã được Công an Trung Quốc giải cứu, đưa về đoàn tụ với gia đình.
Vụ việc trên chỉ là một trong số rất nhiều chuyên án thành công của đồn Săm Pun. Trong 2 năm 2008 và 2009, 13 đường dây buôn bán phụ nữ, bắt cóc chiếm đoạt trẻ em trên địa bàn đã bị triệt phá. Tình trạng bắt cóc phụ nữ, chiếm đoạt trẻ em giảm dần. Đến năm 2010 chỉ còn 3 vụ lừa bán phụ nữ, các vụ này, đồn BP Săm Pun đều bắt được đối tượng, giải cứu được nạn nhân. Sự bình yên đang trở lại với vùng biên Săm Pun
Theo Biên phòng