Bình yên “làng đá” trăm tuổi nơi biên cương Cao Bằng
Thời gian gần đây, ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà sàn bằng đá, nơi sinh sống của 14 hộ dân tộc Tày, ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được nhiều người biết đến với cảnh quan thiên nhiên đẹp và sự thân thiện, mến khách của người dân. Nơi đây trở thành địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách sau khi tham quan thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao.
Du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững ở Khuổi Ky. Ảnh: Thanh Thuận
Ngôi làng truyền thống của người Tày
Làng Khuổi Ky nằm giữa hai điểm du lịch là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao. Từ xa nhìn vào làng, ấn tượng đầu tiên với du khách là những ngôi nhà sàn bằng đá xám, nép mình bên dãy núi, nổi bật giữa không gian xanh mát của núi rừng. Phía trước làng là dòng suối Khuổi Ky chạy qua làm cho ngôi làng trở nên đẹp, ấn tượng. Bước qua cổng làng lợp ngói, ấn tượng về đá càng được tô đậm hơn với những con đường lát đá, kè đá hai bên, bờ rào đá, tường đá, nhà sàn đá, đập nước, cối xay, bếp lò…
Làng Khuổi Ky có 14 căn nhà sàn bằng đá với 100% dân số là người Tày. Bà Triệu Thị Hòa, người dân làng Khuổi Ky cho biết: “Ở đây, nhà sàn của người Tày được làm bằng đá xuất phát từ tục thờ thần đá. Dân làng coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Đá trong tâm thức người Tày thiêng liêng như một vị thần giúp che chở trước những khắc nghiệt của thiên nhiên”.
Cũng theo bà Triệu Thị Hòa, dân làng Khuổi Ky còn có tục tế thần đá, cầu mong điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng của mình trong những ngày mùa màng sắp tới. Tập tục tế thần đá còn thể hiện ý thức trách nhiệm của cộng đồng trước mẹ thiên nhiên. Có lẽ vì thế, người Tày nơi đây đã sáng tạo ra những ngôi nhà sàn bằng đá độc đáo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của thời cuộc, ngày nay, trong tâm thức người Tày, thần đá vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm.
Chị Mạc Thị Khon, quản lý Khuổi Ky Homestay cho biết: “Để đáp ứng được nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, người Tày ở làng Khuổi Ky đã rất nỗ lực học tập thay đổi tư duy qua internet, hoặc học từ chính những du khách lưu lại nơi đây. Mong muốn của tôi là khai thác hiệu quả nhất những tiềm năng vốn có của địa phương”.
Theo sử sách ghi lại, vào những năm 1594 – 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được dựng lên dành riêng cho những bậc quyền quý. Cứ thế, những đời sau đều giữ việc dựng nhà sàn đá của cha ông. Để làm nên một ngôi nhà sàn đá, người dân nơi đây phải mất từ 2 – 3 năm, từ khi chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà.
Quan trọng nhất là khâu chọn đá, những viên đá cứng, đẹp là nguyên liệu được chọn để dựng nhà. Kích thước của ngôi nhà được tính toán dựa trên số lượng thành viên trong gia đình. Nhà nhiều người thì dựng nhà to, cao, nhà ít người thì ngôi nhà sẽ được xây nhỏ. Cùng với nền móng là đá, những chân cột cũng bằng đá, mỗi cột cách cách nhau chừng 3m. Tường nhà được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau, gắn kết bằng một hỗn hợp của vôi và cát. Chiều cao của nhà thường từ 7 – 8m, chia làm 2 tầng, lợp ngói âm dương mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng sơn cước.
Video đang HOT
Ngày nay, những ngôi nhà sàn cổ có niên đại hơn 100 năm vẫn được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn, tạo nên nét cổ kính cho Khuổi Ky. Những ngôi nhà sàn đá vẫn vững chãi, chở che cho những người dân chân chất nơi biên cương Cao Bằng.
Điểm đến yêu thích của du khách
Với vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa hai điểm tham quan là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, làng Khuổi Ky thu hút nhiều đoàn khách đến thăm, trải nghiệm. Năm 2008, làng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” nên ngày càng được du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Sau khi tham quan, khám phá
thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách là làng Khuổi Ky cách đó chỉ khoảng 3km. Hầu hết những người khách ghé thăm làng đều thích thú với kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp cổ kính của những nhà sàn bằng đá giữa vùng thiên nhiên tươi đẹp, những người Tày chân thật, mến khách. Nắm bắt được nhu cầu đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình du lịch cộng đồng trên cả nước, chính quyền xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh đã đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú homestay tại Khuổi Ky. Các homestay trong làng đều có đủ các điều kiện vật chất để phục vụ cả khách Việt và khách quốc tế.
Nhà sàn bằng đá được người dân sử dụng làm nơi lưu trú cho khách. Ảnh: Thanh Thuận
Bên cạnh các homestay tại nhà dân, người làng Khuổi Ky còn sử dụng nhà đá cộng đồng để làm nơi lưu trú cho khách, với sức chứa lên đến 100 khách. Đến đây, du khách được nghỉ tại nhà sàn đá, ăn uống, xem biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi dân gian, tham gia trải nghiệm với người bản địa (bắt cá, làm đồng, thu hoạch cây trái…).
Các dịch vụ du lịch cộng đồng thu hút được sự tham gia tích cực của một số hộ dân. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch đã giúp đời sống của người dân thêm no đủ, khấm khá. Khuổi Ky trở thành hình mẫu điểm du lịch cộng đồng để nhiều nơi đến nghiên cứu, học tập.
Giữa vùng biên cương non nước hữu tình, những ngôi nhà sàn đá cổ vẫn bền bỉ bao bọc, chở che những người dân hiền lành, chất phác. Nếu có dịp ngắm nhìn cuộc sống bên những con đường đá, trong những ngôi nhà sàn bằng đá nơi đây một lần, hẳn sẽ khiến nhiều người nhớ mãi…
Thanh Thuận
Theo bienphong.com.vn
Những "đốm lửa hồng" du lịch ở Sơn La
Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La là vùng đất đậm đà bản sắc dân tộc với những nét văn hóa riêng biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc, có hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa đa dạng...
Đó là những tiềm năng lớn để phát triển kinh tế du lịch nói chung và loại hình du lịch cộng đồng (homestay) nói riêng của TP Sơn La. Tuy mới phát triển không lâu, nhưng mô hình du lịch cộng đồng đã và đang khẳng định được sức hút đối với du khách thập phương khi đến với địa phương này.
Homestay Tiến Quân tại bản Bó, phường Chiềng An, TP Sơn La. Ảnh: Thanh Thuận
Biến văn hóa thành tài sản
TP Sơn La với khí hậu ôn hòa, mát mẻ, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng những danh lam, thắng cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, hệ thống hang động, ao hồ, sông suối... tạo nên cảnh quan sinh động. Có thể kể đến một số điểm di tích lịch sử, văn hóa thu hút khách tham quan như: Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, đền thờ vua Lê Thái Tông, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Bảo tàng tỉnh Sơn La... 12 dân tộc thiểu số nơi đây đều có bản sắc văn hóa độc đáo với những điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội đặc trưng của người bản địa, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những bản nhà sàn bên sườn núi, ven sông, suối... đã tạo nên nét đặc trưng riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc.
Hằng năm, khi hương xuân ngập tràn khắp núi rừng Tây Bắc cũng là lúc những lễ hội Xên Bản, Xên Mường, lễ Hết Chá, Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tông... được phục dựng, góp phần tạo ra sản phẩm văn hóa độc đáo, thu hút khách thập phương. Bên cạnh đó, một số ngày hội giao lưu văn hóa, du lịch được tổ chức tại TP Sơn La cũng đã góp phần quảng bá nét văn hóa của các dân tộc Tây Bắc đến với du khách trong và ngoài nước.
Homestay là một loại hình được quan tâm thời gian gần đây với du khách yêu thích khám phá văn hóa tại các vùng đất mới theo hướng tự nhiên bằng cách hòa mình vào cuộc sống của cư dân địa phương du lịch. Nhận thấy tiềm năng trong phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng, TP Sơn La đã hỗ trợ 4 hộ người dân tộc Thái xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản Bó, phường Chiềng An; bản Hụm, xã Chiềng Xồm và bản Hùn, xã Chiềng Cọ. 4 hộ được lựa chọn đều có nhà sàn đẹp, khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ, để mở homestay.
Bên cạnh đó, các bản đều có đội văn nghệ, những phong tục, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái..., đây là môi trường thuận lợi để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Những khởi sắc ban đầu
Điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của TP Sơn La là homestay Tiến Quân ở bản Bó, đi vào hoạt động từ tháng 7-2017. Được TP Sơn La chọn làm điểm, hỗ trợ làm du lịch cộng đồng, dựa trên ngôi nhà sàn sẵn có rộng rãi của gia đình, ông Lù Tiến Quân đã vay tiền, đầu tư xây thêm khu nhà khép kín nối với nhà sàn có sẵn, công trình vệ sinh sạch sẽ và mua thêm một số bộ chăn, ga, gối, đệm hợp thị hiếu của khách. Sau khi tu sửa, ngôi nhà sàn có sức chứa khoảng 30 người.
Đến homestay Tiến Quân, du khách được sống trong không gian thoáng mát, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu những phong tục, tập quán, khám phá nét văn hóa đặc trưng của người Thái đen..., được thưởng thức các món ăn dân tộc đặc trưng trong ẩm thực núi rừng Tây Bắc như: Thịt trâu gác bếp, gà nướng, cá nướng gập..., được giao lưu văn hóa, văn nghệ với đội văn nghệ của bản và trải nghiệm ngủ nhà sàn...
Chị Lèo Minh Châu, chủ homestay Minh Châu tại bản Hụm, xã Chiềng Xồm, TP Sơn La chăm sóc không gian nghỉ của khách. Ảnh: Thanh Thuận
Ông Lù Tiến Quân cho biết: "Làm homestay rất hợp với tôi. Năm đầu tiên, sau 5 tháng hoạt động, homestay Tiến Quân đón hơn 1.000 lượt khách. Những năm tiếp theo, khách đến homestay Tiến Quân tăng hơn trước. Không chỉ phục vụ khách du lịch, nơi đây còn phục vụ các hoạt động họp lớp, họp các nhóm, hội, sinh nhật... Năm 2018, tôi đã đầu tư xây dựng thêm một nhà sàn trị giá gần 1 tỷ đồng".
Cách trung tâm thành TP La khoảng 10km, homestay Minh Châu và Long Trang ở bản Hụm, là 2 địa điểm dừng chân lý tưởng cho du khách yêu thích vẻ đẹp nơi bản làng của núi rừng Tây Bắc. Đến những homestay ở bản Hụm, du khách được sống trong không gian mát mẻ và gần gũi với tự nhiên, trải nghiệm cảm giác tĩnh lặng và nhẹ nhàng khi ngắm chiếc cầu treo bắc ngang suối, những cánh đồng lúa, cây ăn quả trải rộng, những ngọn núi biếc in bóng trên nền trời xanh thẳm... Cùng với đó là những nếp nhà sàn truyền thống và bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc Thái đen, cùng tham gia các hoạt động sản xuất hằng ngày của bà con như làm ruộng, nương, lội suối, bắt cá, dệt thổ cẩm... Người dân nơi đây còn rất thân thiện, hồn hậu và mến khách.
Chị Lèo Minh Châu, chủ homestay Minh Châu cho biết: "Làm du lịch cộng đồng đỡ vất vả hơn so với làm nương, ruộng, mà thu nhập lại khá hơn nhiều. Hơn thế nữa, làm du lịch thì nhà cửa, ngõ xóm lúc nào cũng sạch sẽ, nhà cửa đẹp lên trông thấy. Do đó, du khách cũng đến với homestay của tôi ngày một nhiều hơn".
Homestay Minh Trường cách trung tâm TP Sơn La khoảng 12km đi về hướng Bắc phía Quốc lộ 6, là một địa chỉ không thể bỏ lỡ của du khách khi đặt chân đến TP Sơn La. Đến với homestay Minh Trường, ở bản Hùn, du khách được thưởng thức các món ăn dân tộc, giao lưu văn hóa-văn nghệ, khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng của hồ chứa nước Chiềng Cọ, những đồi hoa mận, hoa mơ trắng núi rừng khi xuân đến; được tìm hiểu phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc và trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề truyền thống, tham gia các hoạt động sản xuất với bà con. Nơi đây hứa hẹn sẽ là một nơi đầy sức hút cho những ai muốn trải nghiệm cuộc sống nông thôn giản dị, mộc mạc.
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, TP Sơn La đang tập trung phát triển các loại hình du lịch cộng đồng thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Điều này không chỉ mang lại việc làm cho nguồn nhân lực sẵn có, mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của đồng bào Thái.
Thanh Thuận
Theo bienphong.com.vn
Thưởng ngoạn rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi Rừng tràm Trà Sư từ lâu nổi tiếng là điểm dừng chân không thể bỏ qua của rất nhiều du khách khi đến với An Giang. Vào mùa nước nổi, Trà Sư càng thu hút du khách phương xa bởi phong cảnh hữu tình, không khí trong lành giữa mênh mông nước phù sa. Rừng tràm Trà Sư từ lâu đã trở thành...