Bình tĩnh để chiến thắng
Virus nguy hiểm 2019 -nCoV từ Vũ Hán có thể bay đến bất kỳ TP nào trên hành tinh, bởi đường hàng không đã kết nối tất cả các quốc gia thành một mạng lưới, nên chỉ mất chưa đầy 24 giờ. Nhưng một khi 2019 – nCoV đã xâm nhập vào internet, tốc độ lan truyền đến một TP cách xa Vũ Hán nhất, cũng chỉ tính bằng đơn vị vài giây.
Buổi sáng đầu tháng 2 năm 2014, tôi vừa đến BV thì nhận được điện thoại mời hội chẩn cho một bệnh nhi 2 tuổi bị sởi biến chứng viêm phổi, suy hô hấp rất nặng phải thở máy. Sau hội chẩn, chúng tôi tiên lượng cháu bé tử vong, đứng nhìn đứa trẻ đang chết dần dưới tay mình, tôi và các đồng nghiệp chỉ biết cúi gằm mặt trong im lặng để giấu đi sự bất lực.
Ngay sau đó tôi hiểu rằng dịch sởi đã bước vào giai đoạn rất phức tạp. Ở khu khám bệnh, từ sáng sớm đã không khác gì đàn ong vỡ tổ, những đứa trẻ bé xíu cùng bố mẹ đi xuyên đêm hàng trăm cây số, đợi khám 3 hoặc 4 giờ. Bác sĩ trực 24 giờ không ngủ, nhưng vẫn phải ở lại làm thêm 8 đến 10 tiếng của ngày hôm sau, hạn chế uống nước để khỏi đi tiểu, làm xuyên trưa, trong tâm trạng hết sức mệt mỏi, con số khám luôn từ 150 đến 200 bệnh nhi.
Phun thuốc khử trùng chống dịch trong trường học tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trước đó, những người làm nghề y chúng tôi đã từng mơ tới một thế giới không có bệnh sởi, nhưng sự thật thì dịch sởi đã quay trở lại sau nhiều năm được khống chế một cách hiệu quả nhờ biện pháp tiêm phòng vaccine. Nguyên do là những con virus dán nhãn “tin giả” chui vào internet, mang theo những lời đe dọa như vaccine có chứa thủy ngân gây ngộ độc chết người, vaccine gây tự kỷ, vaccine gây suy giảm trí tuệ và nòi giống; làm cho các bà mẹ sợ hãi không dám cho con mình đi tiêm phòng.
Khi sởi chỉ mới gặp rải rác vài ca nhưng có biến chứng nặng, ngay lập tức mạng xã hội ngập tràn những thông tin tiêu cực, đủ lời đe dọa kèm theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hết sức hoang đường, làm cho nhiều đứa trẻ hoàn toàn bình thường nhưng bỗng hạt bụi bay qua gây đỏ mắt, thế là bố mẹ mặc định con đang nhiễm bệnh nghiêm trọng, họ liên tục lo lắng và tìm mọi cách để con nhập viện.
Đó là chưa kể những bệnh nhi chỉ cảm lạnh hoặc sốt ho thông thường, hoàn toàn có thể tự chăm sóc ở nhà hoặc yên tâm điều trị ở trạm xá, nhưng các bậc phụ huynh vẫn nhất quyết phải đưa con đến BV, bởi nỗi hoảng sợ dịch sởi có thể hại chết con họ.
Hơn trăm đứa trẻ em chết vì sởi, y tế bị chỉ trích nặng nề, tôi thì chẳng bao giờ quên nổi từng bữa cơm gia đình lạnh ngắt với những giọt nước mắt nhỏ xuống, bởi chẳng có gì đau đớn hơn khi mỗi buổi tối muộn đặt lên bàn ăn là những ca bệnh nhi chết vì sởi.
Video đang HOT
Điều tôi băn khoăn, rằng ai, internet hay mạng xã hội, những tin giả nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước những cái chết vô tội ấy. Thực tế chẳng có bất cứ một trách nhiệm pháp lý nào, nhưng cái chết của những đứa trẻ vô tội vì bệnh sởi là lời khép tội lớn nhất dành cho tất cả những ai vô trách nhiệm.
Là một bác sĩ đã trải qua các vụ dịch nghiêm trọng như SARS-CoV, dịch tả, dịch sởi, và đến bây giờ là đại dịch 2019-nCoV; tôi nhận thấy rằng công chúng dưới danh nghĩa truyền thông và mạng xã hội có thể góp phần ngăn chặn và khống chế dịch hiệu quả, nhưng một số ít lại có thể gieo rắc nỗi sợ hãi, gây hoảng loạn bao trùm, từ đó tìm các trục lợi cho bản thân.
Tôi cho rằng, những đại dịch nguy hiểm ở tầm cỡ quốc gia, công tác phòng và chống dịch cũng giống như một trận đánh lớn. Để giành được thắng lợi, thì ngay từ lúc chuẩn bị cho đến khi kết thúc trận đánh, mọi hành động không còn tranh luận sự đúng sai, mà bắt buộc phải tuân thủ một người chỉ huy, dù muốn hay không, bởi sự hỗn loạn sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với sức tàn phá của dịch bệnh.
Phòng chống dịch 2019-nCoV ở Việt Nam, chính quyền cũng đã vào cuộc và có chỉ đạo quyết liệt, công an đã xử lý những cá nhân phao tin đồn nhảm, quản lý thị trường đang kiểm tra và sẽ có hình thức xử lý với hiện tượng găm hàng thổi giá. Nhưng ở thời điểm cấp bách của thiên tai địch họa, nếu vẫn cứ nói chuyện đúng sai, vẫn phải căn cứ vào pháp luật hiện thời, thì việc xử phạt những hành vi sai trái ấy sẽ chỉ dừng lại ở con số một vài chục triệu đồng, chừng đó không thể tạo nên cảm giác yên tâm cho người dân.
Để cuộc chiến chống dịch 2019-nCoV giành được thắng lợi, việc làm tối quan trọng là yên dân, bởi một khi dịch bệnh là sự nổi giận của tự nhiên thì con người phải thật bình tĩnh mới có thể hóa giải được dịch bệnh. Thật tiếc khi với nhiều người, thay vì chọn lọc thông tin từ những nguồn chính thức, thì họ lại tin vào những lời đồn thổi, những tin giật gân câu view có khi chỉ để bán hàng online.
Bộ Y tế đã giao cho một số BV giữ số điện thoại đường dây nóng, ngoài việc tiếp nhận thông tin dịch bệnh từ cộng đồng, nhiệm vụ chính của đường dây nóng là chiến đấu với cơn lũ không ngừng của những thông tin sai lệch, khiến cộng đồng hoảng loạn gọi đến.
Chỉ vài phút sau khi công bố số điện thoại, mọi người bắt đầu gọi đến đường dây nóng, tràn ngập những trăn trở dạng như nCoV có lây truyền qua đường tình dục, có thể độn thêm băng vệ sinh có cánh vào khẩu trang để ngăn chặn virus, quan hệ tình dục đều đặn liệu có chữa được nCoV… Hàng trăm hàng ngàn cuộc gọi như thế, nó vô hình trói buộc nguồn nhân lực y tế có hạn đang phải tập trung toàn lực khám chữa bệnh và dập dịch.
Trong một vụ dịch nghiêm trọng như nCoV, nếu để nỗi sợ hãi bao trùm, người dân sẽ không thể nhận biết được đúng sai, họ chỉ có thể phán xét theo quán tính phụ thuộc vào sự rối loạn của đám đông, đó chính là bi kịch đe dọa sự sống của rất nhiều người, đe dọa tới an toàn xã hội.
Theo kinhtedothi
Nước rửa tay nào đủ tiêu chuẩn sát khuẩn để phòng virus corona?
Để phòng tránh sự lây lan của virus corona, ngoài đeo khẩu trang đúng cách, hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trước khi ăn bất cứ thứ gì, đặc biệt là khi ho và hắt hơi.
Nếu không có xà phòng và nước, thì các loại dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn là một lựa chọn tốt.
Ảnh minh họa: Internet
Theo Dược sĩ Nguyễn Thị Ngân Thảo, bàn tay là nơi trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc nhiều với dịch tiết cơ thể và môi trường chứa mầm bệnh. Chỉ cần chạm vào một người, hoặc bề mặt một vật nào đó, tay chúng ta đã có nguy cơ tích tụ vi trùng.
Virus corona lây truyền qua đường hô hấp nhờ những giọt bắn lớn khi một người nhiễm virus ho hoặc hắt hơi. Một số trường hợp, virus có thể lan truyền khi tay một người tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm bẩn, sau đó tay tiếp xúc với miệng hoặc mũi.
Vì vậy, đối với các bệnh lây qua đường hô hấp, Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng khẩu trang và nhấn mạnh việc rửa tay đúng cách trước khi cầm nắm thức ăn hay dụng cụ đưa vào mũi, miệng. Hãy rửa tay, đặc biệt là khi ho, hắt hơi, trước khi: tháo/lắp kính áp tròng, chăm sóc vết thương hoặc người đang bị bệnh, chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ em, chơi với chó/mèo, cho động vật ăn, hoặc xử lý rác...
Ảnh minh họa: Internet
Cách tốt nhất để phòng ngừa nCoV là rửa tay bằng xà phòng với nước trong ít nhất 30 giây. Xà phòng với nước làm giảm hầu hết các loại vi khuẩn trên tay của bạn. Rửa tay với xà phòng và nước theo quy trình rửa tay 6 bước của Bộ Y tế sẽ làm sạch và loại bỏ mầm bệnh trên tay. Xà phòng có tính lưỡng cực, giúp tách rời các chất bẩn ra khỏi da và sau đó nhờ dòng nước rửa trôi đi. Do đó, xà phòng có tính loại khuẩn chứ không phải diệt khuẩn.
Nếu không có xà phòng và nước hoặc không thể rửa tay liên tục (như các nhân viên y tế tham gia khám chữa bệnh; học sinh, sinh viên ngồi trong lớp...), thì dung dịch rửa tay sát khuẩn có ít nhất 60% cồn là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần thực hiện theo 2 bước: Cho nước rửa tay vào lòng bàn tay để ướt hoàn toàn; chà xát hai bàn tay trong khoảng 30 giây, đảm bảo tất cả các vị trí trên da tay đều tiếp xúc chất khử trùng, và để khô tự nhiên thay vì lau khô.
Virus cúm sẽ bị bất hoạt sau khoảng 3 - 4 phút dùng dung dịch này. Do đó, cần chú ý, trong vòng 3 - 4 phút sau khi rửa tay nhanh, virus trên tay chưa kịp bị tiêu diệt vẫn có thể lây sang người khác.
Còn theo Bác sĩ Đào Trường Giang, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các dung dịch sát khuẩn với 60 - 75% cồn tốt hơn nhiều so với những loại có ít cồn hoặc không có cồn.
Tuân thủ quy trình rửa tay đúng cách để phòng chống sự lây lan của virus, vi khuẩn. Nguồn: Bộ Y tế
Một số vi khuẩn như: Trực khuẩn mủ bị tiêu diệt trong 10 giây bởi cồn có từ 30-100 độ; Serratia marcescens, E. coli (vi khuẩn hay gây tiêu chảy); Salmonella typhosa bị tiêu diệt trong 10 giây bởi cồn có nồng độ từ 40-100 độ. Các vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) và Streptococcus pyogenes bị tiêu diệt sau 10 giây bởi cồn là 60 độ. Cồn từ 60-80 độ cũng là một tác nhân diệt virus mạnh làm bất hoạt các virus lipophilic (herpes, virus cúm...). Nhiều virus ưa nước (ví dụ: adenovirus, enterovirus, rhovirus và rotavirus...). Như vậy, tùy vào các loại vi khuẩn, virus mà cồn có tác dụng khác nhau.
Như vậy, chúng ta cũng dễ nhận thấy với một số loại vi khuẩn, virus hay gặp thì nên dùng cồn có nồng độ từ 60 - 80 độ sẽ cho hiệu quả tối ưu. Trong thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các cơ sở y tế thường dùng cồn 70 độ để sát khuẩn chứ không dùng cồn 90 độ. Điều này còn được giải thích là do cồn 90 độ làm đông vón protein vùng vỏ của virus, vi khuẩn quá nhanh nên không thấm vào bên trong được. Ngoài ra, cồn 90 độ bay hơi quá nhanh nên thời gian không đủ để có tác dụng. Thêm nữa là cồn 90 độ rất dễ gây cháy nên sẽ nguy hiểm hơn là dùng cồn 70 độ. Vậy nên dùng cồn 70 độ, không nên dùng cồn 90 độ để sát khuẩn nhanh.
QUẢNG AN (TỔNG HỢP)
Theo Tiền phong
Để hoàn thiện "lá chắn" virus corona hãy lưu tâm đến những điều cực quan trọng này Để hoàn thiện "lá chắn" virus corona, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến những điều đặc biệt quan trọng sau! Trong khi thị trường đang nhộn nhạo mua khẩu trang và dung dịch sát khuẩn siêu đa dạng để tích trữ qua mùa dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, nhiều người vẫn chưa nắm rõ, nắm đủ những...