Bình Thuận xử nghiêm 4 sở ngành nếu du khách nhiễm COVID-19
Nếu không thực hiện nghiêm các chỉ đạo, để xảy ra tình trạng khách quốc tế đến Bình Thuận sau ngày 17-3 dương tính với COVID-19 thì thủ trưởng 4 đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Ngày 21-3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh và UBND TP Phan Thiết liên quan đến việc phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong ngày 18-3 trên địa bàn TP Phan Thiết vẫn xảy ra tình trạng đón khách du lịch quốc tế đến lưu trú, có biểu hiện bệnh phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Việc du khách quốc tế tiếp tục đến Bình Thuận trong thời điểm hiện nay trên những chuyến bay có người dương tính với COVID-19 do Bộ Y tế thông báo đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở VHTT&DL, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phải tích cực, quyết liệt, phối hợp đồng bộ.
UBND tỉnh yêu cầu 4 đơn vi này tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, chủ động phối hợp với ngành y tế đề xuất giải pháp đối với các trường hợp khách quốc tế đến du lịch tại Bình Thuận sau ngày 17-3.
Việc tăng cường kiểm soát nhằm không để tỉnh tiếp tục có ca dương tính với COVID-19 là khách du lịch quốc tế, gây xáo trộn trong đời sống của nhân dân và sự phục hồi kinh tế – xã hội của tỉnh.
Video đang HOT
Công an tỉnh chủ trì tổ chức triển khai ngay công tác kiểm soát y tế đối với du khách quốc tế đến du lịch tại Bình Thuận theo chỉ đạo của UBND tỉnh với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, vì sức khỏe của cộng đồng.
“Trong trường hợp không thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh, để xảy ra tình trạng khách quốc tế đến Bình Thuận sau ngày 17-3 dương tính với COVID-19 thì thủ trưởng các đơn vị nêu trên phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”- văn bản này nhấn mạnh.
Bắt đầu từ rạng sáng hôm nay (21-3), 2 chốt kiểm soát y tế với du khách nước ngoài đã được lập. Chốt thứ nhất tại đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP Phan Thiết (cách vòng xoay Võ Nguyễn Giáp – Nguyễn Thông khoảng 100 m, hướng Phú Hài đi Mũi Né). Chốt thứ hai tại khu vực Long Sơn- Suối Nước, phường Mũi Né, TP Phan Thiết (ngã ba Xuân Thủy – Nguyễn Cơ Thạch).
Kiểm tra y tế du khách tại chốt Phú Hài.
Các điểm kiểm soát y tế này hoạt động 24/24 giờ kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và hoạt động cho đến hết 31-3. Thành phần các chốt kiểm soát gồm Công an tỉnh (Tổ trưởng); thành viên là Sở Y tế (có bác sĩ chuyên môn), Sở VH-TT&DL, UBND TP Phan Thiết, UBND phường Phú Hài, UBND phường Mũi Né, thông dịch viên tiếng Anh.
Theo ghi nhận, trong sáng nay các chốt đã kiểm tra khá nhiều du khách nước ngoài. Việc kiểm tra rất lịch sự, văn hóa theo quy trình: kiểm tra hộ chiếu; xem lộ trình đi lại, nơi lưu trú, khai báo y tế và đo thân nhiệt. Nếu du khách nào đến từ vùng có dịch, các chốt sẽ báo ngay cho ngành y tế để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nếu có nghi ngờ.
PHƯƠNG NAM
Bác sĩ '2 ba-lô'
Điện thoại luôn ở chế độ mở 24/24; bên người có sẵn 2 ba-lô, một đi làm, một với đồ dùng cá nhân, dụng cụ. Đặc biệt luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.
Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bình Thuận hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19
Họ chính là những y bác sĩ của đội phản ứng nhanh (PƯN) Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM.
Ứng cứu trong đêm
Chiều muộn 19/3, BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, vẫn còn nán lại để chia sẻ kinh nghiệm, dặn dò các đồng nghiệp trẻ trong đội PƯN. "Cứu chữa người bệnh nhưng cũng phải giữ an toàn cho mình khi trở về. Đây là mong muốn lớn nhất của bệnh viện" - BS Anh Thơ dặn dò với ánh mắt đầy tin tưởng.
BS Anh Thơ là một trong những y bác sĩ đầu tiên của đội PƯN Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt ở Bình Thuận, hỗ trợ y tế khi địa phương chống dịch Covid-19. Hôm ấy, ngày 11/3, khi vừa xong ca trực, đang đưa con đi nhà sách thì chị nhận được lệnh điều động đi Bình Thuận ngay trong đêm. Chỉ kịp hôn vội cô con gái vừa tròn 8 tuổi, chị xách ba - lô lên đường. BS Anh Thơ bồi hồi: "Nhiều suy nghĩ ngổn ngang trong suốt hành trình. Điều mình nghĩ đến đầu tiên là không biết bệnh nhân (BN) có bị gì không, có suy hô hấp không...? Không chỉ riêng tôi mà anh em đều có chung lo lắng cho BN nơi ấy. Một nỗi lo lớn hơn nữa là chúng tôi đoán định được dịch Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp ở TPHCM. Do đó, mọi người thống nhất làm việc nhanh nhất có thể, hiệu quả nhất và an toàn nhất để còn về hỗ trợ thành phố".
"Người BS phải đặt mình trong trường hợp BN, hiểu và chia sẻ với họ. Lúc này vấn đề tư vấn tâm lý, trấn an tinh thần rất quan trọng. Phải giúp BN hiểu và hợp tác thì BS mới điều trị thành công", BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy
Đội PƯN đa số chỉ có bác sĩ nam, BS Anh Thơ là phụ nữ duy nhất, và cũng không có tên trong đội. Tuy nhiên do cần một bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm điều trị cho BN nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 nên BS Anh Thơ tham gia đội mà không có chút đắn đo. Chị là một trong những người trực tiếp điều trị thành công cho 2 cha con BN người Trung Quốc dương tính Covid-19. Chị vui vẻ: "Mình không sợ, gia đình lại càng không vì đã quá quen với những chuyện thế này khi mình mới vào nghề và công tác ở khoa nhiễm".
BS trẻ Nguyễn Trọng Phương (29 tuổi) khoa Cấp cứu nhận được lệnh, không kịp gặp vợ mà chỉ nhắn qua điện thoại rồi ngay lập tức xách ba-lô lên và đi. "19h ngày 11/3 nhận lệnh điều động, 20h lên xe, rạng sáng ngày 12/3 ê-kíp có mặt ở Bình Thuận và bắt tay ngay vào việc. Những ngày điều trị cho BN, các y bác sĩ đều làm việc quên ăn quên ngủ, rất áp lực, căng thẳng. Làm nghề gì cũng có sai sót, nhưng với nghề y, nếu có sai sót sẽ ảnh hưởng đến mạng một con người. Vì vậy, ê-kíp PƯN luôn phối hợp với nhau và với BS địa phương, tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh" - BS Phương kể.
Không chỉ khám chữa tất cả các loại bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, đội PƯN còn hỗ trợ tất cả các khâu, vấn đề phân luồng bệnh ban đầu khi tiếp nhận, phân luồng nơi cấp cứu, phòng khám, quá trình vận chuyển, tiếp nhận BN ban đầu. Sau đó xem nơi cách ly của BN, nơi cách ly ca nghi ngờ; thăm khám, tư vấn BN; xem phòng bệnh, mở cửa sổ thông thoáng... Nói chung là quán xuyến tất cả mọi việc kể cả các chi tiết nhỏ nhất. BS Anh Thơ cho hay, khi biết có BS Bệnh viện Chợ Rẫy đến thăm khám, BN rất an tâm, nhờ vậy tinh thần của BN được nâng cao.
Phải tắm 5-10 lần/ngày.
Tham gia đội PƯN, BS CKII Nguyễn Văn Thuận, khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Chúng tôi có lo lắng nhưng không lo sợ. Tuy nhiên, kinh nghiệm quý giá nhất, mang tính sống còn mà chúng tôi rút ra được khi chống dịch là nhân viên y tế cần bảo đảm an toàn cho bản thân. Thầy thuốc mà không an toàn thì lấy ai điều trị cho người bệnh? Thế nên, việc hình thành các kỹ năng bảo đảm an toàn cho thầy thuốc cũng như tránh lây nhiễm chéo giữa BN và người điều trị, hay giữa BN với nhau là cực kỳ quan trọng. Ngay cả những việc rất đơn giản cũng phải đưa vào quy trình, trở thành kỹ năng, như việc cởi chiếc áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở cánh cửa, rửa đôi bàn tay... Tất cả đều phải bảo đảm an toàn".
Có tận mắt chứng kiến quy trình làm việc của y bác sĩ điều trị cho BN nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 mới thấy, ngay cả chế độ bảo vệ cho bản thân cũng phải nghiêm ngặt hơn bình thường. Khi thăm khám người nghi nhiễm phải mặc đồ chống dịch, sau đó phải thay áo quần, găng tay, mắt kính rồi mới tắm rửa và mặc đồ sạch lại. Tần suất khám không cố định, có ngày 5 lần, ngày 10 lần, thậm chí hơn. Nếu khám 5 lần thì tắm 5 lần, khám 10 lần thì tắm 10 lần. Không nhiễm bệnh thì cũng rất dễ nhiễm cảm lạnh vì tắm quá nhiều. "Bộ đồ ấy rất nặng, mặc vào cũng hơn 30 phút. Khẩu trang đeo đúng chuẩn phải thật khít mũi. Do đó vô cùng khó thở. Thăm khám xong, cởi bộ đồ là tự nhiên mình đi tìm nước uống. Nguyên nhân bộ đồ rất nóng, khiến cơ thể mất nước nhanh" - BS Anh Thơ cho biết.
BS Phương luôn phòng bệnh cho tất cả mọi người xung quanh. "Bản thân mình biết rõ nguy cơ nên rất hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Tôi chỉ gặp vợ và hầu như ở trong nhà sau khi rời bệnh viện. Mình càng hiểu rõ bệnh thì càng đề cao cảnh giác, tránh nguy cơ cho bất cứ người nào ở gần"- bác sĩ Phương kể.
Những bàn tay chai sần, bong da
Được trực tiếp tham gia buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm với các đội PƯN áo blouse của Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tinh thần, trách nhiệm luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần của tập thể y bác sĩ chống dịch Covid-19 nơi đây. Thành phần của mỗi đội cơ động gồm y bác sĩ ở nhiều khoa như khoa Bệnh nhiệt đới, khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng... Tất cả đều đồng lòng, đồng sức đi đến bất cứ nơi đâu để cứu chữa, điều trị BN nhiễm Covid-19.
BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Kể từ khi Chính phủ công bố dịch Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai 2 đội PƯN sẵn sàng chờ lệnh. Các thành viên trong đội phản ứng nhanh luôn có 1 ba-lô, trong đó có đầy đủ các đồ dùng cá nhân, dụng cụ, và trong tâm thế sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ ngay sau khi nhận lệnh".
Nhìn bàn tay các BS, chúng tôi không khỏi xúc động lẫn cảm kích. Những đôi bàn tay ấy đang chai sần, lột da đến tứa máu. BS Anh Thơ xua tay khi tôi xin phép cầm tay chị. "Do mình phải rửa tay và dùng nước sát khuẩn liên tục, chưa kể súc họng nhiều lần nữa. Nhưng không riêng gì mình đâu, các y bác sĩ khác đều vậy. Trong cuộc chống dịch này, mỗi người đều chung tay góp sức, chỉ mong mọi người sẽ ý thức hơn trong việc tự bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như cho cộng đồng".
UYÊN PHƯƠNG
Bình Thuận thiết lập 19 khu cách ly quy mô hơn 1.600 giường 19 khu cách ly tập trung với số lượng 1.621 giường được bố trí tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và 2 đơn vị Quân sự, Công an Bình Thuận. 6 ngày qua, tỉnh Bình Thuận chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc Covid-19, song để ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tỉnh đã thiết...