Bình Thuận: Ớn lạnh “đột nhập” lò xẻ thịt chim trời, cả “chim tiền tỷ”
Chim trời đang ngày càng cạn kiệt do săn bắt vô tội vạ, làm ảnh hưởng cân bằng hệ sinh thái môi trường, mất đi thi vị cuộc sống bởi thiếu vắng tiếng chim trời.
Mục sở thị “lò” bán chim
Để tìm đến “cơ sở” săn bắt, thu mua chim không phải dễ nếu không trong vai người đi mua chim về phóng sinh hay ăn thịt.
Theo đó, được sự chỉ dẫn của một tiểu thương ở chợ Tân Bình ( thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), chúng tôi men theo con đường sỏi đá tìm đến một xóm nhỏ – nơi người dân gọi với cái tên xóm Bắc Năm Tư, xã Tân Bình, thị xã La Gi.
Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề nông, vào những lúc nông nhàn hoặc mùa lúa chín không ít nam thanh niên, trung niên trong xóm tranh thủ đi bẫy chim về bán cho cơ sở săn bắt và thu mua của bà T hoặc trực tiếp cho các nhà hàng quán nhậu của La Gi.
Cơ sở của bà T nổi tiếng bỏ mối chim khắp nơi, cả chim đã xẻ thịt lẫn chim phóng sinh, nên chỉ cần vào xóm hỏi bất cứ ai cũng có thể biết địa chỉ nhà bà. Để đủ số lượng chim cung cấp ra “thị trường” duy trì “nghề”, hàng ngày ngoài các thành viên trong gia đình đi săn bắt thì bà cũng thu mua của nhiều người.
Rời nhà bà, chúng tôi qua nhà bán chim phóng sinh, một phụ nữ trẻ bước ra hỏi: Mua gì? Chúng tôi nói mua chim phóng sinh. “Chim phóng sinh, em bán hết vì mùa này không đúng mùa nên không có nhiều, để em gọi điện đến nhà cậu em ở Hiệp An xem còn hay không, vì cũng có người đã đặt em mua 200 con…”, người phụ nữ đáp lại.
Chưa đầy 5 phút chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia bắt máy, cuộc đối thoại giữa họ chúng tôi nghe loáng thoáng từ đầu dây bên kia trả lời, “Còn em, anh mới bẫy về được khoảng hơn 200 con chim yến”.
Người phụ nữ quay sang thông báo với chúng tôi, chim phóng sinh còn, nhưng chỉ còn chim yến và phải đi lấy mang về đây, chúng tôi đề nghị đi cùng với lời giải thích tiện đường về nhà.
Nhiều loài chim bị bắt bán xẻ thịt và phóng sanh.
Đường đến lò săn bắt chim thứ 3 này khá xa ở thôn Hiệp An (xã Tân Tiến, La Gi), cách Tân Bình khoảng 3 – 4km, nằm sâu trong rừng keo lá tràm. Thôn cũng nổi tiếng khắp La Gi về cung cấp chim thịt, chim phóng sinh cho các nhà hàng, quán nhậu và người mua đi bán lại cho người đi chùa, đặc biệt là Khu di tích văn hóa Dinh Thầy Thím.
Video đang HOT
Tại lò săn bắt, chúng tôi chứng kiến hình ảnh hàng trăm con chim yến bị nhốt, run rẩy bám chặt vào thành lồng, bên cạnh một số lồng nhốt loài chim khác. Số chim này chuẩn bị xuất bán cho bạn hàng đã đặt, sẽ trở thành mồi nhậu tại các nhà hàng quán nhậu.
“Nhà bỏ mối cho nhiều nhà hàng, quán nhậu chủ yếu ở La Gi. Cũng có người ở Sài Gòn ra đặt hàng, nên thỉnh thoảng họ điện báo số lượng và loài chim gì thì nhà em đóng thùng gửi vào. Cần chim yến, chim sẻ, cò, vạc… loài nào cũng có, phật tử ở Phan Thiết, Vũng Tàu họ cũng tìm đến đây hỏi mua. Vào mùa chim săn bắt được nhiều, bán không hết thì vặt lông cho vào tủ đông…”, người phụ nữ vô tư kể.
Vòng quay đáng thương
Chim phóng sinh tại các lò, chủ yếu bán cho những phật tử đi chùa và người mua đi bán lại tại các đền, chùa, phần lớn họ biết đến lò qua xin số điện thoại. Trong số đó có người hẹn đặt trước số lượng định ngày đến lấy, có người hỏi thăm đường đến tận nơi mua.
Phóng sinh là việc hành thiện tích đức cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam cầm, cho chúng thêm cơ hội được sống tự do. Tuy nhiên, sau khi được giải cứu, không ít người săn bắt hoặc mua đi bán lại, bắt chúng trở lại bằng chính cái bẫy ban đầu hoặc bằng thủ đoạn cắt cụt cánh trước khi bán.
Chính vì vậy số chim được phóng sinh bay đi được thì ít mà chết hoặc bị bắt bán trở lại nhiều lần thì cũng rất nhiều. “Nhà ở gần chùa, thỉnh thoảng vào ngày rằm thấy chim bay vào vườn nhà, chúng bay được một đoạn rồi hạ cánh. Có con bị mèo vồ…”, chị Lê sống gần một ngôi chùa ở Hàm Thuận Nam chia sẻ.
Việc phóng sinh chim đang nảy sinh những tranh luận trái chiều, không hành thiện thì tội nghiệp những chú chim, mà hành thiện thì vô tình tiếp tay cho những kẻ đi săn bắt; không phóng sinh thì vẫn bị tàn sát để phục vụ nhu cầu con người…Vòng quay đáng thương của những chú chim cần được giải cứu. Đại đức Thích Nguyên Tấn – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp phật học tỉnh, chủ trì chùa Linh Thắng cho biết, phóng sinh là thể hiện lòng từ bi người con của Phật.
Phóng sinh không phải nhất thiết là chim mà tất cả động vật, từ những con côn trùng đến những con vật lớn hơn, tạo cho chúng cơ hội tiếp tục sống. Ý nghĩa của việc phóng sinh phải làm sao trọn vẹn ý nguyện, thấy đâu cứu đó bằng cả cái tâm, bảo vệ hết sức có thể cho con vật không bị bắt trở lại, chứ không phải hẹn ngày đặt trước với những người chuyên bán chim để mua đi phóng sinh.
Nhiều người hiện chưa hiểu hết ý nghĩa phóng sinh, cần hướng dẫn họ để việc tạo phước đức trọn vẹn ý nguyện.
Chỉ thị 359/TTg ngày 29/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã nêu rõ: Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy mỗi đất nước, mỗi dân tộc và mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển.
Theo Lê Ninh (Báo Bình Thuận)
Đủ trò giăng bẫy, thảm sát chim trời kiểu tận diệt ở Quảng Ninh
Tháng 9 hằng năm là mùa chim di cư, cũng là mùa săn chim trời ở Móng Cái, Hải Hà (Quảng Ninh). Các thợ săn tại 2 địa phương này ngang nhiên giăng bẫy kín các triền đê, cánh đồng, bãi biển; chim mồi được đặt khắp các ao, đầm..
Đi trên những trục đường chính của các xã, phường: Trà Cổ, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Hải Xuân, Bình Ngọc, Hải Hòa, Ninh Dương (TP Móng Cái), dễ dàng bắt gặp rất nhiều lưới được giăng khắp các cánh đồng, ao, đầm với những chú chim mồi, chòi canh dựng sẵn.
Tại bãi biển Trà Cổ, lưới bắt chim được giăng sẵn, tồn tại suốt mùa chim di cư, nhưng không có lực lượng chức năng nào xử lý.
Tiếng loa điện giả tiếng chim rả rích suốt đêm là một trong những kiểu bẫy chim trời khá tinh vi hiện nay của những người bẫy chim tại Móng Cái.
Những chú chim mồi của một thợ săn chim tại xã Hải Xuân đã được khâu chặt mí mắt, dùng để dụ chim trời sa lưới.
Theo ghi nhận của phóng viên, để đánh bẫy các loài chim trời như cò, vạc, cói, diệc... thợ săn dựng lên nhiều hàng rào lưới, kẹp số 4, những chiếc chòi canh, trên những mành lưới được gắn vỏ lon bia cho một ít đinh sắt vào trong để làm chuông báo hiệu khi chim dính lưới, loa điện giả tiếng chim, cò, cũng như nhiều cò, vạc làm mồi nhử... để săn bắt.
Những người dùng lưới bẫy cò chủ yếu thực hiện vào ban đêm, khi đó họ sẽ bật loa phát ra tiếng cò kêu, đặt ở các góc ruộng để gọi cò đang bay trên trời đáp xuống.
Lực lượng kiểm lâm huyện Hải Hà phối hợp với xã Quảng Thành xử lý tình trạng săn bắt chim di cư.
Ông M, một thợ săn chim tại phường Trà Cổ (TP Móng Cái), cho biết: Để bắt được những con cò, vạc, thợ đánh chim đã làm những con cò, con vạc giả đặt giữa các đầm nước, trên các ruộng lúa, thậm chí dùng chim còn sống cho đứng trên những thanh gỗ được đóng kiểu chữ T, chân chim được buộc vào dây cước làm mồi dụ. Trước khi trở thành chim mồi, những con cò, vạc này được huấn luyện, bị khâu mắt lại để chim mồi không mổ được nhau và để tiếng kêu to hơn bình thường.
Sau một đêm thức trắng, ông M bắt được hơn 30 con chim các loại, chủ yếu là cuốc biển, gà đồng, cò, vạc và chim két đỏ. Ông M cho biết thêm: Năm nay đánh cò, vạc khó hơn mọi năm. Con to giá bình quân 50.000-60.000 đồng/con. Mỗi đêm, may mắn cũng được khoảng chục con cò, vạc. Chúng tôi chỉ đánh bắt tại chỗ, còn hàng ngày sẽ có người đến tận nơi mua lại, bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Tình trạng săn bắt chim di cư vẫn diễn ra công khai tại các xã của huyện Hải Hà. (Trong ảnh: Săn chim di cư tại khu vực giáp ranh giữa xã Quảng Thắng và xã Quảng Minh).
Giống như ở Móng Cái, thời gian này huyện Hải Hà cũng đang vào mùa săn chim. Tại các địa phương ven biển như Quảng Thắng, Phú Hải, Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Điền... không khó để bắt gặp những "trận địa" lưới được giăng khắp các cánh đồng. Những con chim mồi được các thợ săn bố trí ở khắp khu vực giăng lưới để nhử đồng loại.
Tại xã Phú Hải, ngay phía mép biển, hàng trăm mét lưới được dựng lên để săn bắt chim di cư.
Tại các khu vực này, ngoài chim mồi, các thợ săn còn sử dụng cả bộ dàn với loa, ắc quy để phát tiếng của chim mồi đã ghi sẵn để dụ chim đến khu vực đánh bẫy.
Thợ săn chim tên Đ ở xã Quảng Thắng, cho biết: Tại xã có hàng chục người săn chim trời. Người giăng lưới bẫy chim trên đồng, người mắc lưới săn vạc dưới ao. Đặc biệt, có những thợ săn chim chuyên nghiệp từ Ninh Bình, nhiều năm nay ra khu vực này săn chim tại các bãi biển. Mỗi đêm họ đánh được hàng trăm con, thu hàng triệu đồng. Thông thường, các loại chim này có người đến tận nơi để thu mua rồi bán lại cho các quán ăn trên địa bàn.
Lực lượng kiểm lâm TP Móng Cái thu giữ lưới săn chim tại xã Hải Tiến.
Ngay khi bắt đầu mùa chim di cư, TP Móng Cái và huyện Hải Hà đã có nhiều văn bản chỉ đạo các xã, phường, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý mọi hành vi săn bắt chim hoang dã. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không được xử lý triệt để.
Theo đó, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các tổ vận động, tuyên truyền, xử lý những hành vi vi phạm, bao gồm chính quyền địa phương, công an xã, kiểm lâm địa bàn, trưởng thôn, khu, tổ chức cho người dân ký cam kết không tham gia đánh bắt chim trời.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa kiểm lâm và công an các xã trong việc kiểm tra, xử lý săn bắt chim trời không hiệu quả; dụng cụ để săn bắt chim trời quá rẻ, nên ngay sau khi lực lượng chức năng thu lưới, tiêu hủy thì người săn chim lại giăng lưới kín đồng, kín bãi, rất khó khăn cho công tác xử lý của lực lượng chức năng.
Theo Hữu Việt (Báo Quảng Ninh)
Làm giàu khác người: Kiếm bộn tiền từ nghề làm tôm giả câu mực Là một nghề thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn - nghề làm tôm câu mực hơn 10 năm qua đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh Phạm Hồng Bình - khu phố 1, phường Phước Lộc, thị xã La Gi (Bình Thuận). Một con tôm câu mực tưởng chừng đơn giản, nhưng thực...