Bình Thuận: Đáng ngại, chằng chằng là con gì mà tàu giã cào tận diệt?
Lắp thêm giã cào rồi hoán cải các tấm lưới có mắt to thành mắt nhỏ để đánh bắt sò nhám trái phép theo kiểu “tận diệt”, hủy hoại môi trường sinh thái biển.
Các tàu giã cào nhám đang làm ảnh hưởng tới sinh kế của những ngư dân làm nghề khai thác gần bờ tại vùng biển Tuy Phong ( tỉnh Bình Thuận), gây mất trật tự trên bờ, dưới biển…
Thực trạng cào sò nhám
Nghề cào nhám hoạt động cách đây đã 4 năm trên vùng biển La Gi, Phan Thiết. Khi mà sò nhám dần cạn kiệt thì ngư dân ở các địa phương này bắt đầu di chuyển ngư trường. Đầu tháng 10/2019 tại vùng biển Phan Rí Cửa, Hòa Phú huyện Tuy Phong bắt đầu xuất hiện nhiều tàu giã cào nhám của ngư dân La Gi, Phan Thiết, Hàm Tân hoạt động ven bờ. Mỗi ngày có khoảng 20 chiếc, hoạt động 24/24 giờ.
Nghề giã cào nhám khá đơn giản từ chiếc tàu giã cào đơn ngư dân trang bị thêm tấm lưới khoảng 10 triệu đồng, trên tàu chỉ cần từ 3 – 4 lao động và 2 can dầu là có thể đi làm. So với nghề giã cào bay thì nghề cào nhám có tính chất tận diệt rất cao.
Với sự hỗ trợ từ giã cào là khung sắt dài khoảng 2m có thể cào sâu dưới tần đáy biển, kèm với tấm lưới có kích thước mắt lưới rất nhỏ đến mức tàu chạy đến đâu, khung cào quét sạch đến đó, tận thu triệt để bất cứ thứ gì mà nó đi qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài hải sản và nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Được biết, sản phẩm sò nhám được thương lái thu mua rồi bán cho các cơ sở nuôi tôm ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa… Nắm bắt được nhu cầu cũng như lợi nhuận cao nên hiện nay, ngoài tàu giã cào nhám của các địa phương ngoài huyện thì nhiều tàu giã cào đơn của xã Hòa Phú và Phan Rí Cửa cũng chuyển sang nghề cào nhám.
Thực ra, sò nhám đã xuất hiện tại Tuy Phong từ lâu, cứ vào mùa sò nhám thì một bộ phận ngư dân trong và ngoài huyện tập trung ở khu vực biển Bình Thạnh và Hòa Phú để cào sò nhám nhưng ngư dân chỉ dùng dụng cụ thủ công gồm 1 cái cây và buộc tấm lưới nhỏ vào rồi kéo lui ven bờ, mỗi ngày kiếm được từ 300.000 – 500.000 đồng để làm kế sinh nhai.
Nhưng năm nay, sò nhám xuất hiện dày ở vùng biển Tuy Phong (từ mũi Phan Rí Cửa kéo dài đến biển Bình Thạnh), nên các tàu giã cào cải hoán ngư lưới cụ hiện đại, tinh vi hơn để thu lợi nhuận.
Video đang HOT
Các tàu hành nghề cào nhám thực chất là nghề giã cào (lưới kéo) ven bờ thường có công suất trên dưới 90CV. Theo quy định của pháp luật, tàu cá từ 90CV trở lên chỉ được phép hoạt động, khai thác ở tuyến khơi, cách bờ biển hơn 24 hải lý, không được hoạt động ở tuyến bờ. Thế nhưng, vì lợi nhuận một số phương tiện tàu giã cào nhám vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép cách bờ biển chỉ khoảng 500m, bám biển cả ngày lẫn đêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tàu giã cào nhám hoạt động tại vùng biển Tuy Phong không chỉ đánh bắt “tận diệt” thủy sản, mà còn gây mất mát, hư hỏng ngư lưới cụ của ngư dân ven bờ. Đồng thời trên bờ cũng hình thành nhiều băng nhóm xã hội đen, bảo kê với nhau trong việc bốc dỡ sản phẩm sò nhám từ tàu cá lên bờ, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Than thở trước thực trạng tàu giã cào nhám đánh bắt hải sản tận diệt hoành hành ở vùng biển Tuy Phong, ngư dân Đỗ Ngọc Tuấn, Phan Rí Cửa nói: “Có lần đi ra biển thả lưới đã bị tàu giã cào nhám cào hết lưới của tôi”.
Cũng bức xúc về hoạt động của tàu giã cào nhám, ngư dân Huỳnh Văn Hương làm nghề đánh bắt ven bờ phản ánh: “Chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề biển, thế nhưng tàu giã cào này hoạt động theo kiểu “tận diệt” khiến cho việc mưu sinh của những ngư dân làm nghề ven bờ ngày càng khó khăn. Do đó đề nghị lãnh đạo Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần nghiên cứu, phân vùng đánh bắt cho mọi ngành nghề”.
Khi bị bắt và làm việc với cơ quan chức năng, một chủ tàu hành nghề giã cào nhám của La Gi nói: “Dù biết đây là nghề cấm nhưng nếu không chuyển qua nghề cào nhám này thì bạn ghe nghỉ hết, ghe phải đậu bờ, đâu có nghề gì nữa mà làm, do các nghề khác đói quá”.
Đó là những lời biện minh cho hành động sai trái của tàu vi phạm. Các tàu giã cào nhám có nhiều thủ đoạn né tránh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Ông Trần Anh Tuấn – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Khi phát hiện lực lượng chức năng từ xa, các tàu cào nhám thường cắt lưới thả chìm xuống biển rồi bỏ chạy nên rất khó khăn cho việc xử lý”.
Giải pháp nào?
Trước thực trạng trên, UBND huyện Tuy Phong đã chỉ đạo cho các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn vùng biển tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân, vận động ngư dân chấm dứt hoạt động cào nhám, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, đánh bắt đúng với các quy trình trên biển.
Đồng thời,các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc tuần tra kiểm soát đối với người, tàu thuyền, ngư lưới cụ; kiểm soát chặt chẽ đăng ký, đăng kiểm đối với mọi phương tiện ra vào cảng, kiên quyết ngăn chặn tàu cá hành nghề cào nhám xuất bến và bốc dỡ sản phẩm cào nhám trong khu vực quản lý; phối hợp xử lý nghiêm tàu cá hoạt động nghề cào nhám ở các địa phương khác đến khai thác trên vùng biển của huyện Tuy Phong.
“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Tuy Phong, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong, Đồn Biên phòng Hòa Minh và bà con ngư dân tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm nghề cào nhám; không để phát sinh thêm tàu giã cào nhám trên vùng biển Tuy Phong” – ông Lê Văn Boanh – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận định và đề ra giải pháp sắp đến.
Đại úy Hồng Thế Sơn – Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Minh cũng có thái độ cương quyết: “Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND huyện Tuy Phong, Đồn Biên phòng Hòa Minh phối hợp với Chi cục Thủy sản và các ban ngành địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải thích về các quy định cho ngư dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy hải sản trên biển. Triển khai đồng bộ các giải pháp biên phòng trên biển phối hợp chặt chẽ với Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong tăng cường tuần tra, xử lý kịp thời các hoạt động giã cào sai tuyến và các hành vi vi phạm khác”.
Để ngăn chặn không để tàu cá hành nghề giã cào nhám du nhập vào huyện Tuy Phong và sớm chấm dứt tàu cá hành nghề cào nhám hoạt động trên địa bàn huyện, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra xử lý trên biển, thì trên bờ cũng phải kiên quyết xử lý triệt để đối với các chủ nậu, vựa thu mua sản phẩm sò nhám này.
Theo Nghị định 42 của Chính phủ, cào nhám là ngư cụ cấm nếu vi phạm sẽ bị tịch thu và phạt nặng tăng gấp 5 lần so với trước đây. Mỗi tàu vi phạm phạt từ 15 – 25 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm, nhưng do lợi nhuận cao nên tàu giã cào nhám vẫn bất chấp. Ông Trần Anh Tuấn – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong cho biết: Chỉ trong tháng 10/2019, các lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện, xử lý gần 10 trường hợp giã cào nhám trong và ngoài huyện hoạt động trái phép với số tiền phạt gần 200 triệu đồng.
Theo Kim Anh (Báo Bình Thuận)
Cá lưới hai ngon cỡ nào mà dân chen chân mua cho bằng được?
Biển động hay êm, mưa hay gió..., lúc nào các làng chài ven biển cũng rộn ràng nghề đánh cá lưới hai.
Cho dù là nhà khá giả có thuyền to, lưới lớn hoặc nhà bình thường với thuyền nhỏ, lưới trung thì họ đều sống nhờ cái nghề dân dã truyền thống này.
Cái tên lưới hai đã có từ đầu thế kỷ XX khi những cư dân từ Quảng Nam vào Tuy Phong cư ngụ. Có người ở ven sông ven biển, có người cất nhà trên cồn giữa sông, có người ở trên mui ghe, tụ tập nhóm trở thành xóm, ở Phan Rí Cửa có một xóm mang tên là xóm Lưới Hai.
Nghề đánh cá lưới hai ở một làng chài ven biển Tuy Phong.
Các lão ngư kể: Thuở trước chưa áp dụng thước, tấc, phân, chỉ dùng thông thường mắc lưới có độ rộng 5 ngón tay là lưới năm, lưới 3 ngón tay là lưới ba, lưới 2 ngón tay là lưới hai. Vật liệu làm lưới hai bằng gai xé nhỏ thành sợi, dùng bàn quay se lại cho săn, thường là 3 sợi gộp lại rồi se tiếp bằng cách ngược chiều vòng quay thành nhợ rồi đan thành tấm lưới, tốn rất nhiều công đoạn.
Khi đan thành tấm lưới phải nhuộm bằng huyết heo phơi khô, khi khô phải hấp như hấp bánh ít thì mới sử dụng được. Nghề lưới hai khai thác các loại hải sản như cá rựa, cá nhái, cá ảo, cá sòng, cá ngân, cá mòi, cá bạc má, cá ngao, cá liệt... Lối hành nghề đơn giản, chỉ bủa lưới để lưới trôi theo dòng nước lên hoặc xuống, thời gian vớt lưới cách chừng 1 - 2 tiếng đồng hồ.
Giờ nghề lưới hai phổ biến khắp các làng chài. Cư dân vùng biển làm nghề lưới hai tuyến lộng nên đơn giản, dụng cụ chỉ một con thuyền nhỏ hay chiếc thúng chai, vài tấm lưới hai bằng cước là có thể mưu sinh. Người đi đánh cá chừng 4 giờ sáng đã thức dậy, làm chén cơm nóng ấm bụng, chuẩn bị đồ đạc rồi vác lưới ra bờ biển, lên thúng chèo ra biển cách bờ chừng vài trăm mét thả lưới, chờ lúc đằng Đông ánh hồng vừa rựng là cuốn lưới vào bờ bán cá.
Nhiều người bảo nghề này "làm chơi ăn thật" vì cả đi và về chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Có lẽ làm nhanh, ít vốn, hiệu quả, lại có "ăn liền" nên khi mùa biển động tàu thuyền lớn nằm bờ thì nghề lưới hai được coi là mùa ăn nên làm ra của nhiều người.
Mỗi sớm các bến cá làng chài lại rộn ràng khi những chiếc thuyền con cập bến, í ới tiếng vợ gọi chồng, con gọi cha, mẹ gọi con, em gọi anh...Tất cả đều cùng người thân của mình mang lưới vào bờ để cùng nhau gỡ cá cho nhanh rồi đem kịp bán ở các chợ gần xa.
Nào là những con cá liệt, con ngân da trắng muốt, con trích, con đối...vảy sáng lóa dưới ánh nắng đầu ngày. Tất cả mắt chúng đều sáng ngời, thân hình óng ánh, có con khi lên bờ rồi mà vẫn còn giãy đành đạch. Người nào "yếu nghề" thì cũng được vài ký về nhà ăn.
Ai biết tính toán hướng gió, độ sâu, dòng nước, con sóng để giăng lưới đúng cách thì cá đóng dày đặc, phải bê nguyên tấm lưới lúc lỉu những cá là cá về kêu vợ con xúm nhau mà gỡ, niềm vui hớn hở trên từng khuôn mặt. Nghề lưới hai thường đem lại cho các ngư dân mỗi ngày khoảng vài trăm ngàn đồng đến triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng cũng đủ cho họ có cái ăn, cái sống.
Những hải sản đánh bắt xa bờ, buộc các ngư dân phải ướp lạnh lưu hàng ngoài biển dài ngày nên có khi làm giảm chất lượng hải sản, còn cá lưới hai thời gian đánh bắt ngắn nên thịt cá tươi ngon một cách "nhức nhối".
Dù là loại cá gì thì những hôm được nhiều cá, ngoài phần đem bán ở chợ để có thêm thu nhập, bữa ăn trong nhiều gia đình miền biển đều hiện diện những món ngon từ cá biển quê mình.
Như con ảo, con rựa làm chả; con bạc má, con liệt kho tiêu; con nhái, con ngân nấu với cà chua chín thêm ít giá đậu, đổi món thì đem nướng trên lửa than ăn kèm với rau sống vườn nhà. Cá lưới hai chế biến món nào thì cũng phả hương vị ngọt thơm đậm đà tràn trề mặt lưỡi, thấm tới tận chân răng...
Dân xứ biển, ai cũng lớn lên từ mẻ cá lưới hai. Rời quê lên phố, mỗi lần gặp nhau tay bắt mặt mừng, biết người nào sức khỏe tốt, làm ăn phát đạt là khen ngay: Hèn chi mặt tươi như cá lưới hai...
Theo Minh Chiến (Báo Bình Thuận)
Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững cho đồng bào Cơ Tu Ngày 25-8, UBND H. Hòa Vang cho biết, sau 3 năm thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã huy động hơn 347 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu tư sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang)...