Bình Thuận cơ cấu lại thị trường khách để phát triển du lịch bền vững
Để ứng phó với dịch COVID-19, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường du lịch, hướng tới sự phát triển du lịch bền vững.
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện
Phong cảnh bờ biển Mũi Né, Phan Thiết. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 18/2, Bình Thuận có khoảng 12.400 lượt khách lưu trú du lịch, trong đó có khoảng 10.500 lượt khách quốc tế. Hiện, tại Bình Thuận đang là cao điểm mùa khách quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu trú Đông nên việc sụt giảm lượng khách Trung Quốc chưa ảnh hưởng nhiều đến lượng khách chung.
Tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, hoạt động du lịch diễn ra bình thường, vì đa số khách đã đặt chỗ (booking) từ khá sớm. Nhiều du khách đam mê môn lướt ván buồm, lướt ván diều tìm đến Mũi Né để vui chơi, khám phá. Bình Thuận vẫn là điểm đến an toàn và thân thiện trong mắt du khách.
Du khách Sabwe Roth, đến từ Đức cho biết: “Tôi có kỳ nghỉ 2 tuần tại Mũi Né và tôi rất thích. Khí hậu ở đây rất thích hợp với nhu cầu của chúng tôi: có nắng, có biển, không khí rất trong lành. Chúng tôi thấy không có gì để mà lo lắng cả. Tôi cũng không thấy phiền phức nếu nhân viên đeo khẩu trang. Chúng tôi hiểu điều đó. Điều quan trọng là phải giữ vệ sinh sạch sẽ và nên thường xuyên rửa tay”.
Còn du khách Jacques Henri, đến từ Pháp cho hay: “Kỳ nghỉ Đông năm nay, tôi vẫn chọn Mũi Né như 14 lần trước. Khí hậu ấm áp, khách sạn tốt và hơn hết là đội ngũ nhân viên nhiệt tình và chu đáo. Họ hiểu rõ sở thích của chúng tôi”.
Để đảm bảo môi trường du lịch an toàn đồng thời không gây hoang mang cho du khách, các cơ sở kinh doanh du lịch đều cập nhật kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, dấu hiệu nhận biết và trang bị các kỹ năng phòng ngừa cho du khách và đội ngũ nhân viên. Ngoài trang bị khẩu trang, nước rửa tay miễn phí tại quầy lễ tân và đo thân nhiệt… các cơ sở du lịch đều hướng dẫn nhân viên ứng xử văn minh và lịch sự với mọi đối tượng du khách.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Đại diện Victoria Resort cho biết, ngoài thường xuyên thông báo, cập nhật thông tin hằng ngày về diễn biến dịch bệnh, đơn vị cũng khuyến cáo nhân viên, du khách rửa tay thường xuyên 20 phút một lần. Tất cả các nhân viên và du khách đều phải kiểm tra thân nhiệt thường xuyên.
Tại các điểm tham quan du lịch, đơn vị này cũng thực hiện trang bị khẩu trang y tế miễn phí cho khách và tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, tờ rơi… để du khách biết và tránh hoang mang.
Cơ cấu lại thị trường theo hướng đa dạng
Tại Bình Thuận, hằng năm lượng khách quốc tế chiếm hơn 10% trong tổng lượng khách du lịch. Ngoài thị trường khách truyền thống như: Nga, Đức… Bình Thuận còn đón khách từ các nước như: Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan… Khách Trung Quốc chiếm 20 – 30% trong tổng lượng khách quốc tế.
Tình hình dịch COVID-19 có thể kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lượng booking trong những tháng tiếp theo và từ cuối tháng 2 trở đi, lượng khách có thể sẽ giảm khoảng 10 – 15%. Trước nhận định này, bên cạnh thực hiện nghiêm túc, tích cực các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành chức năng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chiến lược với nhiều giải pháp để ứng phó. Theo đó, cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng đa dạng nhằm giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường và đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa… là những giải pháp được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu.
Ông Lê Ngọc Hà, Tổng giám đốc Hoàng Ngọc Resort cho biết, trong tháng 2, lượng khách booking đạt 80% còn tháng 3 và tháng 4 chưa có booking nào hủy nhưng lượng booking chững lại. Thị trường nội địa là thị trường mà Hoàng Ngọc Resort luôn hướng tới, nhất là trong mùa hè sắp tới. Hiện tại Hoàng Ngọc Resort đang gấp rút xây dựng chương trình Early summer với các gói ưu đãi để thu hút khách nội địa đến trong thời gian này.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Đại diện Victoria Resort, đơn vị này cũng đang cố gắng tìm kiếm thị trường. Bên cạnh thị trường nội địa, Victoria Resort sẽ phát triển và duy trì thêm nhiều thị trường khách quốc tế khác trên thế giới.
Ngoài việc phát triển, mở rộng thêm những thị trường tiềm năng, việc nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường quảng bá hình ảnh, điểm đến thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội là những việc làm rất cần thiết trong lúc này. Thiệt hại từ dịch COVID-19 là khó tránh khỏi, nhưng nếu làm tốt những giải pháp này, ngành du lịch Bình Thuận có thể cấu trúc lại thị trường và hướng tới phát triển bền vững hơn.
Video đang HOT
Năm 2020, Bình Thuận đề ra chỉ tiêu thu hút 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 850 nghìn lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt 18.300 tỷ đồng; đồng thời, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngành Du lịch Bình Thuận đang nỗ lực vượt qua giai đoạn này để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Hồng Hiếu
Theo baotintuc.vn
Đảo đá Long Châu rực rỡ muôn sắc hoa giữa biển khơi Tổ quốc
Giữa biển khơi sóng vỗ, đảo đá Long Châu rực rỡ sắc hoa của những cây dừa cạn, hoa sứ, huệ tây, tóc tiên, chiều tím, mào gà, cúc, xương rồng, hoa giấy... do CLB Đô thị xanh Hải Phòng vun trồng.
Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng cùng các chiến sĩ đồn biên phòng lựa chọn những cây hoa vừa đẹp nhưng lại có sức sống phù hợp với thời tiết khắc nghiệt trên đảo đá Long Châu.
Con tàu nhỏ của Đồn Biên phòng Cát Bà - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đưa đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng đến với đảo Long Châu trong ngày biển động đầu Xuân Canh Tý.
Hòn đảo nhỏ ở giữa trùng khơi đón đoàn bằng những vòng tay ôm ấm áp của những người gác đảo. Càng ấm áp hơn khi được ngắm nhìn những khóm hoa đủ màu khoe sắc, những mầm xanh vươn lên từ đá - tác phẩm của các thành viên Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng.
Chuyện cổ tích giữa đời thường
Như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, gần 3 năm qua, có những con người luôn trăn trở để thực hiện ước mơ khiến đá nở hoa.
Một đảo hoa rực rỡ giữa biển khơi - những bông hoa dành riêng cho những người gác biển...
Đó là câu chuyện về hành trình "Phủ hoa cho đảo Long Châu" (thành phố Hải Phòng) của các thành viên Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng.
Nhà báo Mai Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng, cho biết khởi nguồn cho hành trình gieo mầm hoa trên đá là chuyến công tác tại đảo Long Châu từ tháng 7/2017 của nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
Đây là chuyến đi thực tế để lại nhiều trăn trở cho nữ nhà báo Mai Hương cũng như các nhà báo có mặt trong chuyến hành trình thăm đảo đá.
Chứng kiến sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nỗi nhọc nhằn trong mỗi bước chân tuần tra; đọc được nỗi nhớ nhà quay quắt của những người gác đảo Long Châu, ngay sau chuyến công tác đầu tiên tại đảo, với vai trò vừa là người làm công tác tuyên truyền, vừa là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng, nhà báo Mai Hương đã vận động hội viên và cộng đồng chung tay thực hiện chương trình "Phủ hoa cho đảo Long Châu."
Đây là ý tưởng táo bạo, không ít khó khăn của Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng. Không có kinh phí, không có phương tiện; nguồn đất, vật tư, cây giống đều phải phát động xã hội hóa, nhưng Câu lạc bộ đã đề ra mục tiêu trong 3 năm triển khai thành công chương trình phủ hoa cho đảo đá Long Châu.
Long Châu là một trong số hơn 30 hòn đảo và bãi đá ngầm của quần đảo Long Châu nằm cách Cát Bà, huyện Cát Hải 15km về phía Đông Nam, cách bờ biển Hải Phòng 50km.
Đảo Long Châu giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Năm 1894, thực dân Pháp cho xây dựng hải đăng Long Châu. Đây là một trong số ba ngọn hải đăng cổ, lớn nhất Việt Nam bên cạnh hải đăng Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) và hải đăng Kê Gà (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), được ví như con mắt thần của biển, tiền đồn canh trấn cửa biển khu vực Vịnh Bắc Bộ...
Những năm chiến tranh, hải đăng Long Châu cùng hải đăng Hòn Dáu đóng vai trò tối quan trọng khi dẫn tuyến cho hàng loạt chuyến tàu không số vận tải vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng cùng các chiến sĩ đồn biên phòng trồng hoa vào các chậu để giữ đất. (Ảnh: TTXVN)
Với vai trò huyết mạch, vùng biển Long Châu cũng như hải đăng Long Châu đã hứng chịu hơn 300 trận đánh phá của Đế quốc Mỹ. Nhưng với khẩu hiệu "Còn người, còn đảo; Trái tim còn đập, còn ánh sáng," con mắt thần của biển vẫn sáng, vẫn hiên ngang, sừng sững giữa biển trời.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Long Châu, mặc dù chỉ cách đảo Cát Bà 15km nhưng đảo Long Châu hội tụ nhiều yếu tố đặc trưng, vừa kích thích sự tò mò, vừa thử thách lòng dũng cảm của những ai đã một lần đặt chân lên đảo.
Mùa mưa thì mưa xối xả, khiến bao nhiêu đất mang ra đảo cũng trôi hết, để lại toàn sỏi đá. Mùa khô, có những đợt 3-4 tháng Long Châu không có mưa, phần lớn các loại cây trồng đều chết lụi.
Sét ở đây cũng khủng khiếp hơn bất cứ nơi đâu. Sét dội vào núi đá để lại những hố sâu và tiếng động kinh hoàng như bom B52.
Thêm nữa là đảo có rất nhiều rắn. Mỗi khi mưa xuống, rắn xanh, rắn nâu xuất hiện khắp nơi. Đã có nhiều cán bộ, chiến sỹ bị rắn cắn phải đưa về cấp cứu trong các trạm tiền phương.
Địa chất khác biệt đã tạo nên những yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt ở Long Châu so với các đảo trong quần đảo Cát Bà. Bởi vậy, các loài động vật được con người đưa ra đảo gần như không thể tồn tại. Cây xanh, hoa lá cũng không phải ngoại lệ do thiên nhiên khắc nghiệt...
Hiện thực ước mơ "gieo mầm hoa trên đảo đá"
Ở Long Châu, đã có nhiều đoàn công tác mang cây ra tặng đảo. Nhưng vì thiếu đất, thiếu nước, phần lớn các loại cây trồng đều không tự phát triển.
Mỗi lần ra đảo, Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng phải bố trí mang theo hàng trăm bao đất. Đất được nghiên cứu, phối trộn với những giá thể có tính năng giữ ẩm tốt, giàu dinh dưỡng để cây có thể phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Hơn 2 năm triển khai chương trình, đã có hàng vạn cây giống, hàng triệu hạt giống hoa các loại được đưa ra ươm trồng tại đảo.
Hàng trăm bao đất được vận chuyển từ đất liền ra đảo để trồng hoa và cây xanh. (Ảnh: TTXVN)
Theo nhà báo Mai Hương, có những chuyến đi, 50% số thành viên Câu lạc bộ bị say sóng.
Nhưng khi vừa bước chân lên đảo, như có một luồng sinh khí mới, cả đoàn lại nhộn nhịp bắt tay vào việc, tranh thủ thời gian ngắn ngủi ở trên đảo để lao động, quyết tâm thực hiện ước mơ "gieo mầm hoa trên đảo đá."
Dừa cạn, hoa sứ, huệ tây, tóc tiên, chiều tím, mào gà, cúc, xương rồng, hoa giấy, là những loài hoa được ưu tiên trong chương trình phủ hoa cho đảo đá. Đây là những loài cây có màu sắc rực rỡ, dễ phát tán hạt, có chiều cao thấp, dễ thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt.
Để trải nghiệm, tháng 4/2019, gần 150 giò lan hồ điệp và lan Dendro các màu cũng được Câu lạc bộ đưa ra đảo trồng tại những vị trí phù hợp.
Tuy nhiên, hơn 90% số hoa đã hư hỏng do sự khắc nghiệt của thời tiết trên đảo. Các loại cây trồng khác, dù đã được lựa chọn kỹ nhưng tỷ lệ cây tồn tại cũng không nhiều.
Đặc biệt, cây bàng vuông được mang về từ Trường Sa do Trung tá Hoàng Thanh Hải, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Bà phối hợp với Câu lạc bộ Đô thị xanh trồng tại Long Châu cũng không thể tồn tại sau 2 mùa khô trên đảo.
Từ sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, phương án trồng cây nhiều lần được Câu lạc bộ Đô thị xanh thay đổi. Các chậu hoa được trải dọc tuyến đường xuyên đảo.
Trên núi, phương án nhúng vải vào ximăng, tạo môi trường sống ổn định, vừa giữ ẩm trong mùa khô, vừa giữ cho đất không bị xói trôi trong mùa mưa được thực hiện.
"Cái khó ló cái khôn," cây hoa giấy là giải pháp được cho là khả thi hơn cả đã được lựa chọn để trồng trong năm cuối thực hiện chương trình.
Trong tháng 11/2019, hơn 100 bao đất, 60 chậu hoa giấy và hàng chục chậu hoa khác tiếp tục được đưa ra gieo trồng trên đảo Long Châu.
Kiên trì để thành công. Mặc dù kết quả đạt được chưa như mong đợi, nhưng với nhiều giải pháp được tính toán căn cơ, hoa đã nở trên đảo đá Long Châu.
Ông Dương Văn Hùng, công nhân kỹ thuật Trạm Hải đăng Long Châu đã có thâm niên gần 20 năm công tác tại đảo cho hay: "Có những lúc hoa nở rực rỡ, nhưng vào mùa khô thì cây cũng lụi đi nhiều. Tuy nhiên, với những người thường xuyên gắn bó với đảo như chúng tôi thì chỉ một sắc hoa đã làm vơi đi rất nhiều nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Thấy sự kiên trì của các thành viên Câu lạc bộ Đô thị xanh trong chương trình phủ hoa cho đảo Long Châu, chúng tôi càng có thêm động lực để lao động, chiến đấu, bảo vệ ngọn hải đăng của biển, bảo vệ biển đảo quê hương."
Nhà báo Mai Hương chia sẻ, Câu lạc bộ Đô thị xanh Hải Phòng hiện có khoảng 1.800 thành viên, trong đó có 80% là người Hải Phòng, số còn lại đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Bắc và một số địa phương phía Nam như Sài Gòn, Vĩnh Long...
Cùng với sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, đến nay sau hơn 2 năm với gần 10 chuyến tàu mang đất và hoa ra đảo, Câu lạc bộ đã thu hoạch những thành quả ban đầu đáng khích lệ.
Như những "nghệ nhân thêu hoa trên đá," những người mang trái tim yêu biển đảo quê hương đã "thêu" cả nụ cười, "thêu" niềm lạc quan và "thêu" ý chí quyết tâm cho những người giữ biển, canh ngọn hải đăng Long Châu luôn rực sáng để dẫn lối, soi đường cho những con tàu vươn khơi, cập bến an toàn./.
Huệ Hương
Theo TTXVN/Vietnam
Suối Tiên đón gần 10.000 lượt khách du xuân Canh Tý Từ mùng 2 - 5 Tết (26 - 29/1), danh thắng Suối Tiến (Phan Thiết, Bình Thuận) đã đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan, bình quân mỗi ngày có trên 2.000 lượt. Khách đông, nhưng tình hình trật tự, vệ sinh môi trường và giá cả dịch vụ vẫn được duy trì tốt đã làm hài lòng du khách. Suối Tiên...