Bình Thuận: Chính quyền bất lực trước nạn khai thác cát lậu
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, nhưng chính quyền cơ sở gần như bất lực.
Xã Hàm Chính hiện là một trong những điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Từ quốc lộ 28, vượt hơn 15km, chúng tôi đã vào được điểm nóng Trũng Liêm.
Trên con đường giao cắt với đường sắt kề gần kênh thủy lợi, xe ben chở cát ngang nhiên phóng nhanh trên đường. Nhiều đoạn trên đường liên xã Hàm Chính – Hàm Liêm và các đường nhánh bị xuống cấp thấy rõ do tần suất xe chở cát và đá trái phép ra vào liên tục.
Con đường qua thôn Trũng Liêm, xã Hàm Chính xuống cấp do xe chở cát lậu
“Chỉ mặt” cát tặc
Ông Dương Anh Đức, ở thôn Trũng Liêm bức xúc: “Phải nói ở đây xe chở cát nhiều lắm; nào là tư nhân, các công ty ở thành phố mua bán, rồi khai thác. Trong đó toàn là máy múc, chở đi rầm rộ ghê lắm. Dân ở đây thấy, nhưng đâu có dám nói”.
Qua cầu bê tông qua bên kia kênh chính Sông Quao có hai con đường dẫn vào các điểm khai thác. Đầu đường có người mắc võng nằm chốt cảnh giới người lạ. Người dân địa phương phản ánh, mỏ cát trái phép ở đây đa phần nằm trong đất của các “đại gia”.
Xe chở cát lậu ra khỏi hiện trường tại “điểm nóng” xã Hàm Liêm
Họ đội lốt làm trang trại, nhưng thực chất là để khai thác khoáng sản trái phép bên trong. Ngoài lấy cát, họ còn tổ chức khai thác đá cung cấp cho các cơ sở vật liệu xây dựng trong tỉnh.
Video đang HOT
Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra từ nhiều năm nay trên dải đất hơn 10km thuộc địa bàn thôn 6, thôn Trũng Liêm và thôn Ninh Thuận, xã Hàm Chính. Ngoài các đối tượng khai thác nhỏ lẻ, phải kể đến 3 doanh nghiệp lớn công khai làm cát lậu ở khu vực này là: Sơn Thắng, Quang Hiền và Quốc Lợi.
Xe chở cát khai thác trái phép ở thôn Trũng Liêm, xã Hàm Chính
Chính quyền xã Hàm Chính thừa nhận tồn tại tình trạng này ở địa phương và cho biết, thời gian qua xã đã thành lập tổ xử lý vi phạm tài nguyên khoáng sản, đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý. Ủy ban nhân dân xã cũng đã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; rà soát, mời các đối tượng khai thác đến ký cam kết không tái phạm. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy.
Ông Huỳnh Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàm Chính cho biết: “Các giải pháp đặt ra như thế, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng chưa được chấm dứt hoàn toàn. Nếu như tổ công tác không kịp thời kiểm tra, thì tình trạng tổ chức khai thác khoáng sản trái phép lại nổi lên”.
Xe chở cát lậu ngang nhiên chạy qua trước mặt trụ sở UBND xã Hàm Liêm
Kề bên xã Hàm Chính, tình trạng khai thác cát trái phép ở xã Hàm Liêm cũng đang diễn ra rầm rộ. “Cát tặc” tập trung đông nhất ở khu vực 1.200ha thuộc địa bàn thôn 2, cách trung tâm xã khoảng 15km. Rất khó để tiếp cận với khu vực này. Mỗi lần thâm nhập vào điểm nóng bằng xe máy, chúng tôi đều bị các đối tượng cảnh giới bám theo. Phải mất hơn 3 ngày, bằng nhiều biện pháp, chúng tôi mới có thể bí mật vào sát khu vực đang khai thác để chụp ảnh và ghi hình.
Tại hiện trường, máy múc, máy hút, xe ben hoạt động liên tục. Một người dân ở thôn 2, xã Hàm Liêm (xin được giấu tên) cho biết: Mọi hoạt động đều công khai ngày cũng như đêm, bất chấp pháp luật. Ở đây lâu lâu cũng thấy có đoàn của huyện và của xã đi vào kiểm tra. Nhưng sau vài tiếng đồng hồ đoàn kiểm đi khỏi, thì mọi chuyện lại diễn tiến bình thường. Có ngày, xe vào ra trên 100 chuyến.
Ở điểm nóng Hàm Liêm, có ít nhất 6 đầu mối khai thác cát trái phép. Trong đó, 2 đối tượng có “máu mặt” nhất ngang nhiên khai thác từ nhiều năm qua là: ông Trần Văn Xê (người dân thường gọi là Tư Xê, nguyên là Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận) và ông Nguyễn Minh Đức (người dân thường gọi là Đức nhà báo, ông này từng là cộng tác viên cho 1 tờ báo địa phương).
“Lực bất tòng tâm” nhìn cát tặc
Lãnh đạo xã Hàm Liêm cho biết, mặc dù từng kiểm tra nhắc nhở nhiều lần, nhưng chính quyền cơ sở gần như bất lực. Ngồi ở phòng làm việc, ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàm Liêm chỉ tay ra đường nói với chúng tôi: “Xe ben chở cát hằng ngày chạy qua đây, nhưng xã cũng không thể làm gì được vì công an xã không có thẩm quyền chặn xe lớn”.
Các chủ cát lậu ở Hàm Thuận Bắc thường đội lốt làm trang trại
Trước đó, xã cũng đã lập tổ kiểm tra vi phạm, đích thân Chủ tịch xã làm tổ trưởng, hàng tuần đều đi xe máy vào hiện trường kiểm tra, nhưng vẫn không xử lý được. Hễ tổ kiểm tra rời trụ sở xã, ngay tức khắc có “vệ tinh” ngồi trước cảnh giới báo tin.
Địa bàn xa, khi vào đến hiện trường, các phương tiện khai thác đều đã ngừng hoạt động, nên tổ kiểm tra không có cơ sở để xử lý. Thậm chí đã có một cán bộ địa chính của xã khi làm nhiệm vụ bị đối tượng khai thác cát lậu hành hung dã man, phải nhập viện.
Về hướng giải quyết sắp tới, ông Nguyễn Quang Minh cho biết: “Chúng tôi đang rà soát tất cả các đối tượng lại và hoàn thành các báo cáo gửi cho cấp trên, để kiến nghị cấp trên giúp cho xã trong công tác quản lý. Nói thật, thẩm quyền của xã thì có hạn, mà nếu để như thế này hoài thì chúng tôi sẽ bị mất cán bộ, Nhà nước cũng mất đi nguồn tài nguyên”.
Dẫu biết rằng, trong thời gian đến, nếu cát tặc tiếp tục lộng hành trên địa bàn, lãnh đạo xã cùng các công chức phụ trách khoáng sản ở các điểm nóng này có khả năng bị kỷ luật theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận. Nhưng, lực bất tòng tâm.
Hiện tại, họ chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ quyết liệt từ các sở ngành và chính quyền cấp trên.
Theo_An ninh thủ đô
Xử lý nghiêm khắc việc khai thác khoáng sản trái phép tại Hà Nội
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu các cấp, ngành tại Hà Nội phải xử lý thật nghiêm khắc và triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và các vi phạm về đê điều trên địa bàn.
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả đợt tổng kiểm tra, tập trung xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và các vi phạm về đê điều trên địa bàn thành phố, tổ chức vào ngày 10/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Hùng yêu cầu: "Với toàn bộ những vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và các vi phạm về đê điều trên địa bàn, các cấp, ngành phải kiên quyết xử lý thật nghiêm khắc, triệt để hơn nữa".
Khai thác cát trái phép (Ảnh minh họa)
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, chỉ có xử lý thật nghiêm khắc, triệt để thì mới có thể cải thiện được tình hình vi phạm đang diễn ra trên địa bàn thành phố hiện nay. Nếu các cấp, ngành chỉ xử lý theo hình thức "đánh trống, phát động" mà không làm thì vi phạm sẽ diễn biến ngày càng phức tạp và dẫn đến không thể kiểm soát được.
Ông Hùng nêu rõ: "Trong thời gian tới, Công an Hà Nội tiếp tục là đơn vị chủ công trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong quá trình triển khai, thực hiện, nếu Công an thành phố Hà Nội có vướng mắc gì, UBND TP Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ, xin cơ chế đặc thù cho Công an thành phố hoạt động nhằm đạt được kết quả cao nhất. Công an thành phố Hà Nội tập trung tham mưu cho UBND TP những giải pháp chỉ đạo trên lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông nói chung và đường thủy nội địa nói riêng".
Theo đánh giá của đại diện Sở Tài nguyên Môi trường, Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải thành phố cũng như đại diện các quận, huyện Phúc Thọ, Ba Vì, trên địa bàn thành phố hiện nay, ngoài tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy bởi tình trạng hoạt động của những bến khách ngang sông còn nhiều phức tạp với các vi phạm chủ yếu như chở ô tô trái phép, người đi đò không mặc áo phao, thiếu thiết bị an toàn, dụng cụ cứu sinh cứu đắm...,
Thực tế hiện nay, đáng lo ngại là tình trạng khai thác cát sỏi vẫn lén lút hoạt động tại các địa bàn giáp ranh vào ban đêm và sáng sớm khi vắng lực lượng chức năng. Một số đối tượng lợi dụng việc thi công các công trình trên sông, nạo vét chỉnh, trị luồng, thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông để khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông trái phép.
Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, dù đã có những chuyển biến tích cực song thời gian qua, trên địa bàn thành phố, những vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và các vi phạm về đê điều vẫn diễn ra.
Trong thời gian qua có 4.956 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra xử phạt với tổng số tiền phạt hành chính hơn 2 tỷ đồng; tạm giữ và tịch thu nhiều tang vật, phương tiện có liên quan.
Riêng vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến đê, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với thanh tra Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý 538 trường hợp vi phạm, tạm giữ 51 phương tiện và 467 bộ giấy tờ.
Các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện và thị xã có đường sông đi qua đã kiểm tra xử lý 143 vụ với 202 đối tượng vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tạm giữ 179 tàu thuyền các loại, 2 máy xúc, tịch thu 6 tàu, thuyền, 109 đầu nổ, 10 sên vòi hút cát và các tang vật khác có liên quan đến hành vi vi phạm. Riêng vi phạm về bảo vệ đê điều, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử phạt 151 trường hợp...
Khánh Công
Theo_VnMedia
Xây thế trận khép kín ngăn "cát tặc" Để ngăn chặn các đối tượng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, ngoài sự nỗ lực tuần tra, xử lý của các lực lượng chức năng Hà Nội, không thể thiếu sự phối hợp từ những tỉnh, thành phố giáp ranh. Hoạt động khai thác...