“Binh sĩ ma” khiến Afghanistan nhanh chóng rơi vào tay Taliban
Cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan cho rằng, sự sụp đổ của chính quyền và quân đội Afghanistan là do những quan chức tham nhũng và “hai mang” tạo ra “binh sĩ ma”, thổi phồng quy mô lực lượng an ninh.
Taliban đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8 (Ảnh: Reuters).
BBC dẫn lời cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan Khalid Payenda cho biết, những quan chức tham nhũng trong chính quyền Afghanistan cũ đã thổi phồng số lượng binh sĩ và cảnh sát thực tế. Do vậy, phần lớn 300.000 binh sĩ và cảnh sát thực tế không hề tồn tại.
Theo ông Payenda, lực lượng an ninh của Afghanistan đã bị phóng đại lên hơn 6 lần để các quan chức tham nhũng được hưởng tiền lương biên chế của các “binh sĩ ma”. Khi các binh sĩ đào ngũ hoặc tử trận, một số chỉ huy sẽ giữ lại thẻ ngân hàng và rút tiền lương từ đó.
Jack Waltling, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết ngay cả quân đội Afghanistan cũng không biết chính xác họ thực sự có bao nhiêu binh sĩ, bởi có cả số binh sĩ “ảo” do nạn quan liêu, tham nhũng.
Quy mô thực sự của lực lượng an ninh Afghanistan từ lâu đã là một vấn đề bí ẩn. Một báo cáo năm 2016 của Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ phụ trách vấn đề tái thiết Afghanistan (SIGAR) nói rằng: “Cả Mỹ và các đồng minh của Afghanistan đều không biết chính xác Afghanistan có bao nhiêu binh sĩ và cảnh sát, bao nhiêu người thực sự đang làm nhiệm vụ hay bản chất nhiệm vụ của họ là gì”. Một báo cáo gần đây của SIGAR cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc vì tình trạng tham nhũng cũng như tính chính xác của các dữ liệu về quy mô lực lượng an ninh Afghanistan”.
Ông Payenda cho biết thêm, những binh sĩ làm nhiệm vụ thực sự của Afghanistan thường bị nợ hoặc bị chậm lương, làm nhiệm vụ trong điều kiện thiếu thốn. Điều này đã làm rệu rã tinh thần chiến đấu của họ. Trong khi đó, một số chỉ huy quân sự “hai mang” vừa nhận lương của chính phủ, vừa nhận tiền từ Taliban. Đó là lý do tại sao Taliban có thể giành kiểm soát Afghanistan sau một đợt tiến công nhanh gọn, thậm chí ở một số nơi như thủ đô Kabul, Taliban chiếm đóng mà không cần phải giao tranh.
Trái với việc thổi phồng lực lượng của Afghanistan, lực lượng của Taliban tỏ ra mạnh hơn so với những dữ liệu chính thức. Trung tâm Chống khủng bố Mỹ tại Học viện Quân sự West Point ước tính Taliban có khoảng 60.000 tay súng. Bên cạnh đó là mạng lưới chân rết với các nhóm vũ trang và những người ủng hộ Taliban, có thể đưa quân số của lực lượng này vượt 200.000 người.
Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8 và lập ra một chính phủ lâm thời chủ yếu gồm các nhân vật cấp cao của lực lượng này và đồng minh. Đến nay, chính quyền mới ở Afghanistan do Taliban thành lập chưa được quốc gia nào công nhận. Chính quyền Taliban cũng phải đối mặt với không ít thách thức như cuộc khủng hoảng tài chính, bất ổn xã hội và các vụ tấn công do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) gây ra.
Phóng viên ảnh liều mạng tiếp cận Taliban
Danish Siddiqui đã thiệt mạng khi cùng lực lượng đặc nhiệm của Afghanistan đối đầu với Taliban, với hy vọng có được những tư liệu chân thực về cuộc chiến.
Khi chiến dịch tái chiếm Afghanistan của Taliban bắt đầu tăng tốc vào tháng 6, hàng trăm người đã chết và hàng chục nghìn người phải chạy trốn. Danish Siddiqui, 38 tuổi, phóng viên ảnh của Reuters ở New Delhi, muốn đưa tin về tình hình ở Afghanistan. Anh nói với sếp "nếu chúng ta không đi thì ai đi?".
Ngày 11/7, Siddiqui tới một căn cứ của Lực lượng Đặc nhiệm Afghanistan ở thành phố Kandahar. Ở đó, anh cùng tham gia với một đơn vị gồm vài trăm lính tinh nhuệ, được giao nhiệm vụ quét sạch Taliban.
Video đang HOT
Ngày 13/7, Siddiqui tham gia nhiệm vụ giải cứu thành công một cảnh sát bị Taliban bao vây. Trên đường trở về, đoàn xe của anh bất ngờ bị tấn công. Taliban khai hỏa và phá hủy ba chiếc xe khác trong đoàn ngay trước mắt Siddiqui.
Siddiqui đã ghi lại hình ảnh vụ nổ ngay bên cạnh chiếc xe của anh và các binh sĩ phía trước lái xe lao qua rào chắn. Tư liệu mà Siddiqui gửi về đã được đăng trên trang tin của Reuters và sau đó chính anh cũng chia sẻ lên Twitter.
"Chuyện này thật điên rồ", một người bạn phản hồi qua WhatsApp.
Siddiqui, người chuyên đưa tin về chiến tranh, bạo lực và khủng hoảng tị nạn, trấn an người bạn rằng Reuters đã đánh giá rủi ro trước khi để anh tham gia nhiệm vụ với đội đặc nhiệm của Afghanistan.
"Đừng lo lắng. Tôi biết khi nào nên rút lui mà", Siddiqui viết.
Ba ngày sau, 16/7, Siddiqui và hai đặc công Afghanistan thiệt mạng trong cuộc tấn công của Taliban khi đang tham gia một nhiệm vụ khác, nỗ lực chiếm lại thị trấn biên giới Spin Boldak nhưng bất thành. Đây là mốc đầu tiên trong sự sụp đổ liên tiếp sau đó của quân đội Afghanistan. Trong những tuần tiếp theo, Taliban chiếm lần lượt từng thành phố.
Ảnh chụp của Danish Siddiqui ở thủ đô Kabul, Afghanistan hôm 8/7. Ảnh: Reuters .
Những báo cáo ban đầu cho biết Siddiqui trúng đạn khi đang cố chụp ảnh tại khu chợ ở Spin Boldak, cửa khẩu biên giới với Pakistan. Nhưng kiểm tra thông tin liên lạc của Siddiqui với Reuters và thông tin từ một chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Afghanistan cho thấy Siddiqui ban đầu bị thương do trúng một mảnh rocket. Anh được sơ tán đến một nhà thờ Hồi giáo địa phương để điều trị. Sĩ quan hàng đầu của Afghanistan cho biết Siddiqui bị giết sau khi bị bỏ lại cùng hai binh sĩ trong một cuộc rút quân hỗn loạn vì Taliban tấn công.
Thiếu tướng Haibatullah Alizai, người từng là chỉ huy Quân đoàn Tác chiến Đặc biệt của Afghanistan tiếp đón Siddiqui ở Kandahar, nói rằng trong trận chiến khốc liệt, binh lính của ông đã rút khỏi Spin Boldak và bỏ rơi Siddiqui với hai binh sĩ đi cùng, vì nhầm rằng họ đã lên đoàn xe rút quân.
"Họ đã bị bỏ lại", Alizai nói.
Câu chuyện xung quanh cái chết của Siddiqui vẫn chưa rõ ràng. Quan chức an ninh Afghanistan và quan chức chính phủ Ấn Độ nói dựa trên hình ảnh, thông tin tình báo và khám nghiệm thi thể của Siddiqui, cơ thể anh đã bị tra tấn trong khi bị Taliban bắt giữ. Phía Taliban bác bỏ cáo buộc này.
Philip Boyce, chuyên gia người Anh tại Forensic Equity, đã xem lại những bức ảnh đăng trên mạng xã hội sau vụ tấn công và so sánh với những hình ảnh và phim chụp X-quang thi thể của Siddiqui. Boyce kết luận rằng "rõ ràng Siddiqui đã bị bắn nhiều lần nữa trước khi chết". Một số báo cáo còn nói thi thể của Siddiqui bị xe cán qua.
Zabihullah Mujahid, một người phát ngôn của Taliban, nói thương tích của Siddiqui xảy ra trước khi Taliban phát hiện ra anh.
Cái chết của Siddiqui đã gây chấn động lớn ở Ấn Độ và cộng đồng báo chí toàn cầu. Siddiqui từng nhận giải thưởng Pulitzer cùng các đồng nghiệp cho loạt ảnh ấn tượng về người tị nạn Rohingya ở Myanmar năm 2018. Tại Ấn Độ, Siddiqui cũng là phóng viên ảnh nổi tiếng, với những hình ảnh chân thực về đại dịch Covid-19 hồi đầu năm nay. Những tác phẩm như vậy khiến Siddiqui trở thành một trong những phóng viên ảnh quan trọng nhất của Ấn Độ.
Trong một email gửi cho nhân viên vào ngày 23/7, Tổng biên tập Reuters Alessandra Galloni nói Siddiqui là "đồng nghiệp tuyệt vời và người bạn tận tụy của chúng tôi", đồng thời ca ngợi sự dũng cảm và những cống hiến của anh.
Trước khi tới Afghanistan, một người bạn thân của Siddiqui cho biết anh đã bắt đầu xem xét khả năng tham gia trực tiếp cùng lực lượng chiến đấu của Afghanistan. Đây là một chiến thuật phổ biến đối với các tổ chức tin tức hoạt động ở khu vực chiến tranh, để vừa tiếp cận cuộc xung đột vừa nhận được sự bảo vệ từ lực lượng chiến đấu.
Siddiqui đã rất hăng hái gia nhập lực lượng đặc nhiệm ở Kandahar hôm 11/7. Lần kết hợp đầu tiên của anh diễn ra ngay trong buổi tối hôm đó. Hai ngày sau, 13/7, Siddiqui đã có tư liệu và hình ảnh về cuộc tấn công vào đoàn xe của anh để gửi về tòa soạn.
Nhiều đồng nghiệp của Siddiqui ở Delhi đã trêu chọc anh về nhiệm vụ táo bạo đó. Khi một đồng nghiệp nói rằng anh đang làm việc mà không tính toán rủi ro, Siddiqui đáp rằng "tất cả mọi thứ đã được đánh giá rủi ro".
Sau lần tác nghiệp hôm 13/7, Siddiqui đã được ban biên tập hỏi có muốn tiếp tục hay không. Sau khi cân nhắc, Siddiqui cho biết anh muốn tiếp tục tác nghiệp ở Afghanistan. Siddiqui đã ở lại căn cứ của lực lượng đặc nhiệm ở ở Kandahar trong hai ngày 14 và 15/7 để chờ đợi thông tin về nhiệm vụ tiếp theo.
Trong khi đó, ngày 14/7, lực lượng Taliban đã tới Spin Boldak, thị trấn ở biên giới với Pakistan, một địa điểm buôn thuốc phiện nổi tiếng. Lực lượng đặc nhiệm đã đề nghị đưa Siddiqui đi cùng trong nỗ lực chiếm lại thị trấn của họ.
Vào ngày 15/7, buổi tối trước khi thiệt mạng, Siddiqui đã chia sẻ với nhóm bạn về trải nghiệm của bản thân khi tham gia cùng lực lượng đặc nhiệm trong nhóm chat WhatsApp riêng.
"Đây là chuyện hoàn toàn điên rồ", một người bạn trả lời.
Tối cùng ngày, Siddiqui cũng nhắn tin cho các đồng nghiệp ở Afghanistan và Pakistan để thông báo rằng ông sẽ nộp báo cáo mới vào sáng hôm sau, nhưng không đề cập tới kế hoạch tham gia nhiệm vụ chiến đấu ở Spin Boldak.
23h04 ngày 15/7, Siddiqui gửi tin nhắn cho ban biên tập ở Singapore nói rằng "đã rời căn cứ". Anh đi cùng xe với thiếu tá Sadiq Karzai, người chỉ huy cuộc chiến ở Spin Boldak.
Hàng chục chiếc Humvee đã rời căn cứ với mục tiêu giành lại Spin Boldak, theo tin nhắn mà Siddiqui gửi cho Gibran Peshima, trưởng văn phòng Reuters ở Pakistan và Kabul lúc 5h09 ngày 16/7. Lúc 6h33, Siddiqui gọi cho Peshima từ một số điện thoại của Afghanistan. Trong cuộc điện thoại kéo dài 4 phút, Siddiqui nói ông đang mong chờ để gặp lực lượng Taliban trong vài phút tới.
Thẻ nhớ máy ảnh của Siddiqui gồm 350 bức ảnh đã ghi lại hành trình của anh. Lúc 7h03, Siddiqui băng qua một chiếc xe cảnh sát bị bỏ lại, lốp phía trước bên phải đã nổ tung. Anh đang ở núi Wat, cách Spin Boldak khoảng 12 km. Lúc 7h30, Siddiqui gửi tin nhắn thoại cho Peshimam, báo cáo về cuộc giao tranh ác liệt.
Bức ảnh cuối cùng được chụp lúc 7h34 cho thấy một lính đặc công tiến sát một bức tường và sử dụng súng phóng lựu RPG. Phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Siddiqui cách trung tâm thị trấn Spin Boldak khoảng 2,1 km.
Lúc 7h41, Siddiqui gửi tin nhắn thoại cho Masood, người phụ trách ban biên tập ảnh ở Singapore. Có tiếng súng lớn. Siddiqui hỏi một người khác "Đó là gì? RPG à?". Một phút sau, tin nhắn thoại khác được gửi đi với nội dung "Masood, tôi bị trúng đạn".
Hai người nói chuyện điện thoại khoảng ba phút. Siddiqui nói với Masood rằng anh bị trúng mảnh đạn ở phía sau cánh tay trái. Sau đó, điện thoại được chuyển cho một thành viên của đội đặc nhiệm và người này đảm bảo vết thương không đáng ngại.
"Chúng tôi đang đưa anh ấy ra khỏi đây", người đàn ông nói.
Ba chiếc xe Humvee của lực lượng Afghanistan bị Taliban phá hủy ở Kandahar hôm 13/7. Ảnh: Reuters.
7h53, Siddiqui nói chuyện với một đồng nghiệp ở Kabul, thông báo anh đang trú ẩn tại một nhà thờ.
7h59, Siddiqui chia sẻ vị trí hiện tại với Masood thông qua tính năng theo dõi trên điện thoại thông minh. Trong tin nhắn cuối cùng của anh lúc 8h01, Siddiqui trả lời câu hỏi của Masood về vết thương của mình. "Chỉ thấy đau thôi", anh nói.
Trong một giờ tiếp theo, tín hiệu điện thoại của Siddiqui di chuyển chậm từ Spin Boldak dọc theo đường chính hướng về Kandahar. Peshimam, Masood và nhiều đồng nghiệp khác ở Kabul cố gắng liên lạc với Siddiqui nhưng không có hồi âm. Tín hiệu theo dõi của Siddiqui dừng lại lúc 9h06 tại núi Wat.
10h sáng, Masood và đồng nghiệp ở Kabul tiếp tục gọi cho Siddiqui. Nhưng điều khiến họ lo lắng là cả hai lần người nhận đều không phải Siddiqui. Đó là một người lạ tự nhận là chủ cửa hàng trước khi tắt máy.
Masood lập tức thiết lập cuộc trao đổi trực tuyến với ban biên tập và quản lý để giải thích tình hình. Giữa cuộc họp, một phóng viên ảnh khác của Reuters ở Kabul gửi tin nhắn cho Masood về những bức ảnh chia sẻ trên mạng xã hội. Masood lập tức nhận ra người trong ảnh chính là Siddiqui.
"Ôi Chúa ơi, anh ấy đã chết", ông nói. Không khí im lặng bao trùm cuộc trao đổi.
Bốn tuần sau, Taliban chiếm thủ đô Kabul.
Cảnh báo bị Biden phớt lờ về khủng hoảng Afghanistan Trong khi đội ngũ cố vấn của Biden ngỡ ngàng trước chiến thắng chớp nhoáng của Taliban, Lầu Năm Góc đã cảnh báo ông ngay từ đắc cử. Kể từ thời điểm các hãng truyền thông tuyên bố Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 7/11/2020, giúp ông trở thành tổng tư lệnh các lực lượng...