Binh sĩ Israel tiến về Rafah, thủ lĩnh Hamas đang chạy trốn
Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, trong bối cảnh binh sĩ Israel tiến xa hơn về phía Nam ở Dải Gaza, các thủ lĩnh Hamas, kể cả quan chức hàng đầu của tổ chức này, đang bỏ chạy.
Binh sĩ Israel được triển khai ở phía Nam Dải Gaza ngày 23/1. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN, ngày 5/2, trong một cuộc họp báo, ông Gallant cho biết, hoạt động quân sự của Israel tại thành phố Khan Younis ở phía Nam Gaza sẽ sớm đạt được mục tiêu khi binh sĩ tiến về Rafah – thành trì cuối cùng còn lại của Hamas. Ông nói: “Lực lượng của chúng tôi hoạt động trên bộ ở hầu hết lãnh thổ Dải Gaza”.
Israel đã công khai cáo buộc thủ lĩnh Hamas, ông Yahya Sinwar, là người đứng sau vụ tấn công Israel ngày 7/10/2023, khiến ông này trở thành một trong những mục tiêu chính của Israel trong cuộc chiến ở Gaza.
Theo ông Gallant, thủ lĩnh Sinwar không liên lạc với các tay súng Hamas và buộc phải chạy trốn từ nơi ẩn náu này sang nơi ẩn náu khác khi quân đội Israel đang truy đuổi gắt gao. Ông Gallant nói: “Ông ta không lãnh đạo các lực lượng; ông ta bận rộn với sự sống còn của cá nhân mình. Thay vì là người đứng đầu Hamas, ông ta trở thành người chạy trốn”.
Ông Gallant cũng tuyên bố rằng lực lượng Israel đã tiêu diệt hoặc làm bị thương nặng khoảng một nửa số tay súng Hamas ở Gaza.
Về phần mình, Husam Badran, người phát ngôn của Hamas tại Qatar, đã bác bỏ những tuyên bố của ông Gallant, nói rằng đây là nỗ lực để nâng cao tinh thần cho binh sĩ Israel. Theo một tuyên bố của ông Badran được cơ quan truyền thông Hamas là Al Aqsa công bố vào cuối ngày 5/2, các tay súng Hamas vẫn hoạt động ở tất cả các khu vực của Gaza.
Video đang HOT
Trong khi đó, ngày 5/2, hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng chiến thắng của Israel trước Hamas ở Gaza sẽ giáng một đòn chí mạng vào Hamas cũng như các nhóm khác trong khu vực. Ngoài ra, ông Netanyahu cảnh báo việc không giành được chiến thắng sẽ đe dọa an ninh của Israel. Ông nói: “Nếu không có chiến thắng hoàn toàn, những người Israel phải rời bỏ nhà cửa sẽ không thể quay trở lại, vụ thảm sát tiếp theo sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Iran, Hezbollah và những nước khác sẽ ăn mừng”.
Liên quan tình hình Gaza, ngày 5/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Saudi Arabia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông. Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm thúc đẩy đề xuất về một đề xuất về lệnh ngừng bắn giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel để đổi lấy việc phóng thích các con tin.
Đây là chuyến công du thứ 5 của ông Blinken tới khu vực này kể từ khi xung đột giữa Hamas-Israel bùng phát ngày 7/10 năm ngoái. Tại Riyadh, ông Blinken đã có cuộc gặp Thủ tướng Saudi Arabia, Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman và Ngoại trưởng nước chủ nhà, Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud. Sau đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ đến Egypt, Qatar và Israel, nhằm thúc đẩy tiến triển đàm phán với Hamas về một dự thảo đề xuất cho một lệnh ngừng bắn kéo dài hơn để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Đề xuất này được xây dựng sau cuộc họp trước đó ở Paris (Pháp) với sự tham gia của các quan chức Mỹ, Israel, Qatar và Ai Cập.
Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ưu tiên hàng đầu đối với Ngoại trưởng Blinken trong chuyến công du này là phát đi thông điệp rõ ràng và trực tiếp với các nước trong khu vực rằng Mỹ muốn chấm dứt tình trạng xung đột leo thang.
Xung đột Hamas-Israel chưa có dấu hiệu kết thúc sau hơn 3 tháng giao tranh khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Theo người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas ở Liban Osama Hamdan, phong trào này vẫn đang nghiên cứu dự thảo thỏa thuận trao đổi con tin nhiều giai đoạn do các bên trung gian đề xuất trong cuộc đàm phán ở Paris. Tuy nhiên, Hamas vẫn kiên quyết giữ điều kiện ban đầu là một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Bên cạnh đó, Hamas cũng yêu cầu trả tự do cho hàng nghìn tù nhân đang chấp hành án tù ở Israel vì các tội danh liên quan xung đột giữa Palestine và Israel, kể cả những tù nhân đang bị kết án chung thân.
Trong khi đó, phía Israel kiên quyết không chấp nhận ngừng bắn lâu dài và chỉ ngừng chiến dịch quân sự một khi đánh bại hoàn toàn Hamas.
Israel sắp tấn công nơi trú ẩn cuối cùng của hơn 80% người Gaza
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã lên kế hoạch tấn công mặt đất vào Rafah, "nơi trú ẩn cuối cùng" cho người Gaza mà trước đó được coi là "vùng an toàn"
Bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X vào cuối ngày 2/1 của Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant nói rằng Rafah sẽ trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo của quân đội Israel. Ảnh chụp tài khoản X của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant
Hãng tin Al Jazeera có trụ sở ở Qatar ngày 3/2 dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ nhắm mục tiêu tiếp theo vào Rafah, khu vực phía Nam Dải Gaza, vốn được chính Israel trước đây coi là "vùng an toàn" và yêu cầu thường dân Palestine di tản đến.
Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X vào cuối ngày 2/1, ông Gallant nói rằng Lữ đoàn Khan Younis của tổ chức Hamas đã bị giải tán và quân đội Israel sẽ tiếp tục tới tới Rafah để hoàn thành nhiệm vụ của mình ở đó.
Ông Gallant nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ tiếp tục cho đến cuối cùng, không còn cách nào khác".
Các binh sĩ quân đội Israel tác chiến ở thành phố Khan Younis lớn nhất Nam Gaza. Ảnh cắt từ clip của Lực lượng Phòng vệ Israel.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Israel được đưa ra trong bối cảnh phần lớn các khu vực ở Dải Gaza bị bắn phá nặng nề và hầu hết người Palestine phải tìm nơi trú ẩn ở Rafah, khu vực nằm ở phía Nam Gaza - dải đất thuộc Palestine.
Điều này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi trong số những người phải di dời và lo ngại từ các tổ chức viện trợ toàn cầu khi nơi cuối cùng được quân đội Israel chỉ định là "vùng an toàn" ở Gaza đang bị đe dọa.
Theo thông tín viên Hani Mahmoud của Al Jazeera, "đối với nhiều người, nó làm tăng mức độ hoảng loạn. Họ không có nơi nào khác để đi. Đây là nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở Gaza. Ngoài ra, chỉ có biên giới Ai Cập".
Hiện nay, khoảng 1,9 triệu trong số 2,3 triệu người của Gaza bị dồn vào Rafah gần biên giới với Ai Cập. Họ ở trong các tòa nhà dân cư hoặc ngủ trên đường phố mà không được bảo vệ hoặc có cơ sở hạ tầng cơ bản.
Ngày 2/2, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã mô tả thị trấn biên giới Rafah ở phía Nam Gaza là "nồi áp suất của tuyệt vọng".
Người phát ngôn của OCHA - ông Jens Laerke chia sẻ: "Tôi muốn nhấn mạnh về những quan ngại sâu sắc của chúng tôi đối với tình trạng leo thang xung đột ở Khan Younis, dẫn đến sự gia tăng số lượng người di tản tìm nơi ẩn náu ở Rafah trong những ngày gần đây. Hàng ngàn người Palestine đã tiếp tục chạy trốn về phía Nam, nơi đang nhận hơn một nửa dân số khoảng 2,3 triệu người của Gaza. ... Rafah là chiếc nồi áp suất của tuyệt vọng, và chúng tôi lo sợ về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Trẻ tị nạn Palestine tại một lớp học ở Rafah, Dải Gaza, ngày 24/1. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ New York Times, gần như toàn bộ 2,3 triệu cư dân của Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa sau hơn ba tháng Israel không kích và ra lệnh sơ tán. Rafah ở khu vực biên giới với Ai Cập, từng là thành phố với 300.000 dân, nay trở thành nơi ẩn náu chính cho những người phải di dời.
Những người Palestine di tản chen chúc tại Rafah chia sẻ với Al Jazeera rằng họ lo sợ nguy cơ xảy ra tấn công trên bộ nhằm vào thành phố này.
Phong trào Hamas thông báo đang nghiên cứu đề xuất ngừng bắn Ngày 30/1, thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh cho biết nhóm này đã nhận được đề xuất ngừng bắn sau cuộc thảo luận tại Paris (Pháp) và sẽ nghiên cứu đề xuất này. Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 23/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN Trong một tuyên bố, ông Haniyeh cho biết phản ứng của...