Binh sĩ bị hành đến chết, Đài Loan sôi sục
Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hôm qua bị hàng trăm người giận dữ vây hãm, khi ông tham dự lễ tang của một hạ sĩ trẻ tuổi, vừa tử vong vì bị cấp trên ngược đãi.
Hàng chục nghìn người Đài Loan cầm biểu ngữ “ Chúng tôi muốn sự thật” và ảnh chân dung của hạ sĩ Hồng Trọng Khâu xuống đường biểu tình hồi cuối tháng trước. Ảnh: AP
AFP mô tả, những người biểu tình, bao gồm cả người thân và những người ủng hộ, đã hô vang “Chúng tôi muốn sự thật” khi ông Mã cùng các vệ sĩ tiến vào tang lễ của hạ sĩ Hồng Trọng Khâu tại tư gia ở thành phố Đài Trung.
Tang lễ diễn ra một ngày sau khi hơn 100.000 người đổ ra đường phố Đài Bắc để phản đối về cái chết của hạ sĩ Hồng và “sự cẩu thả” của quân đội khi điều tra vụ việc.
Hồng, 24 tuổi, chết vì say nắng hôm 4/7, sau khi trải qua những bài tập trừng phạt nghiêm khắc vì mang điện thoại thông minh vào doanh trại. Hồng tử vong chỉ ba ngày trước khi anh này hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc của mình.
Ông Mã cam kết sẽ không để bi kịch trên tái diễn trong quân đội khi ông gửi lời chia buồn đến gia đình của Hồng.
Video đang HOT
“Là lãnh đạo của ba lực lượng vũ trang, tôi xin cam kết rằng Hồng Trọng Khâu sẽ không ra đi một cách vô ích và bi kịch tương tự sẽ không xảy ra thêm lần nào nữa”, ông Mã nói với bố của hạ sĩ Hồng.
18 quan chức quân đội đã bị truy tố hồi tuần trước quanh cái chết của Hồng, trong đó có cựu chỉ huy lữ đoàn của anh, sau khi các công tố viên quân sự kết thúc việc điều tra. Các quan chức này bị truy tố vì nhiều cáo buộc, từ ngược đãi gây chết người và ngộ sát, đến áp đặt hình phạt trái phép đối với một cấp dưới, cùng các vi phạm về quyền tự do cá nhân.
4 nghi phạm bị giam giữ đã lần lượt được một tòa án quân sự phóng thích sau khi được bảo lãnh hồi tuần trước, khiến dư luận càng thêm phẫn nộ. Ông Mã cho hay các công tố viên quân sự đã kháng cáo lại quyết định của tòa án trên.
Cuộc biểu tình hôm 3/8 là cuộc biểu tình lớn thứ hai kể từ sau cái chết của Hồng. Trước đó, hôm 20/7, khoảng 30.000 người đã tập trung bên ngoài cơ quan quốc phòng ở Đài Bắc để biểu tình. Ông Mã đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc, trong khi người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Kao Hua-chu nhận trách nhiệm chính trị về cái chết của Hồng.
Gia đình của Hồng cho hay hạ sĩ này nhiều lần bị từ chối không cho uống nước trong suốt thời gian bị phạt, dù đã gần ngã khuỵu, và trước đó anh đã nộp đơn khiếu nại về những hành vi ngược đãi khác của các cấp trên.
Theo VNE
Nghị sĩ Đài Loan ẩu đả vì nhà máy hạt nhân
Các nhà lập pháp Đài Loan vật lộn với nhau trên sàn nhà và hất nước vào mặt đối phương trong cuộc tranh cãi gay gắt về dự án xây dựng nhà máy hạt nhân thứ tư trên hòn đảo.
Các nghị sĩ Đài Loan trong vụ ẩu đả mới nhất hôm nay. Ảnh: AP
Trong đoạn video được phát sóng trực tiếp trên truyền hình về vụ ẩu đả hôm nay, hàng chục nghị sĩ chen chúc nhau để giành chỗ trên một dãy ghế chính trong phòng họp.
Trong khi một số người túm áo giằng co và chửi bới thì một số khác lại ra sức cầm cốc và chai nhựa hất nước vào người của phe đối lập, AFP đưa tin. Giữa phòng, hai nam nghị sĩ vật nhau ngã xuống sàn nhà, sau đó bị những người khác xông vào can ngăn và lôi đi.
Trong khung cảnh hỗn loạn, tiếng hô đồng thanh của một số nghị sĩ vang lên: "Ủng hộ Nuke 4 là hãm hại trẻ em".
Cơ quan lập pháp Đài Loan đang dự kiến bỏ phiếu để quyết định tổ chức trưng cầu về dự án nhà máy hạt nhân thứ tư được gọi là Nuke 4 trên đảo. Kể từ khi được bắt đầu thi công vào năm 1999, nhà máy này đã trở thành tâm điểm tranh cãi ở Đài Loan. Nhà máy đã được hoàn thành 90% và dự kiến đi vào hoạt động năm 2015.
Theo đảng đối lập Dân chủ Tiến bộ (DPP), do vụ ẩu đả, cuộc bỏ phiếu có thể sẽ bị trì hoãn đến tuần tới. DPP phản đối Nuke 4 với những lo ngại về an toàn, trong khi đảng cầm quyền Quốc dân đảng lại cảnh báo rằng, việc hủy bỏ dự án xây dựng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về điện và gây tổn thương nền kinh tế.
Cơ quan lập pháp Đài Loan từ lâu đã nổi tiếng với nhiều vụ xô xát giữa nghị sĩ các phe đối lập. Hồi tháng 6, các quan chức của đảo cũng tung nắm đấm và ném cà phê vào nhau trong một cuộc tranh luận về thuế.
Trong vụ việc mới nhất, các nghị sĩ Đài Loan hứng chịu nhiều chỉ trích nặng nề từ công chúng trên các diễn đàn và mạng xã hội.
"Cơ quan lập pháp hỗn loạn hơn cả cái chợ, còn các nghị sĩ thì hành động như những kẻ ngốc. Thật đáng xấu hổ", một người có tên Dick Wang bình luận trên China Times.
Trong khi các nghị sĩ trên đấu đá với nhau, khoảng 100 nhà hoạt động môi trường đã tập trung bên ngoài tòa nhà, hô vang các khẩu hiệu chống năng lượng hạt nhân.
Những lo ngại về các nhà máy hạt nhân trên đảo nảy sinh từ năm 2011, khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima I ở Nhật Bản bị sóng thần tàn phá, dẫn đến thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau sự cố Chernobyl năm 1986.
Các nhóm hoạt động đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình trên đường phố trong những tháng qua để kêu gọi chính quyền ngay lập tức ngừng xây dựng nhà máy thứ tư và tiến tới ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân.
Giống như Nhật Bản, đảo Đài Loan cũng thường xuyên đối mặt với các trận động đất. Năm 1999, một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter đã giết chết khoảng 2.400 người ở Đài Loan và trở thành thiên tai khủng khiếp nhất trong lịch sử hòn đảo này.
Theo VNE
Vùng lãnh thổ Đài Loan giả định bị tấn công vào 2017 Vùng lãnh thổ Đài Loan hôm qua (15/7) đã khai hỏa một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày dựa trên kịch bản giả định là đối phó với một cuộc tấn công bất ngờ từ phía Trung Quốc vào năm 2017. (Ảnh minh họa) Theo tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin, Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan đã tiến...