Bình Phước: Thanh tra Sở Y tế dùng bằng giả
Ngày 10.10, nguồn tin từ UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh xử lý bà Ngô Minh Chiến – thanh tra viên, thuộc phòng Thanh tra Sở Y tế – sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) giả.
ảnh minh họa
Năm 2004, bà Chiến được Sở Y tế tỉnh nhận vào làm việc, năm 2008, bà Chiến được chuyển sang phòng Thanh tra, với bằng cấp chuyên môn là dược sĩ trung học, rồi được cử đi học lớp ngắn hạn thanh tra viên. Cũng trong năm 2008, bà Chiến dùng bằng tốt nghiệp THPT giả để dự tuyển và được cho đi học lớp đại học hành chính K88-TC54 hệ vừa làm vừa học, văn bằng 1, khóa 2008-2012 tại Trường Chính trị tỉnh. Lúc này, có đơn tố cáo bà Chiến…
Qua xác minh, tháng 6.2013, CA tỉnh có công văn gửi Sở Y tế khẳng định, bằng tốt nghiệp THPT của bà Chiến là giả. Theo lời khai của bà Chiến: Vì muốn đi học chuyên tu đại học dược sĩ, nhưng không có bằng tốt nghiệp THPT, năm 2005, bà Chiến nhờ cháu là Lê Văn Hưng tìm chỗ đăng ký học bổ túc THPT. Hưng nhờ một đối tượng tên Cầu, cuối năm 2008, Cầu gửi cho bà Chiến bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc mang tên Ngô Minh Chiến, số hiệu 0758275/BTPT, kỳ thi ngày 28.5.2008, hội đồng thi Trung tâm GDTX quận Thủ Đức, ngày cấp bằng 3.11.2008.
Video đang HOT
Sau khi liên hệ với Sở GDĐT TPHCM và Trung tâm GDTX quận Thủ Đức để xác minh, 2 cơ quan này khẳng định, không cấp văn bằng tốt nghiệp THPT nào cho người có tên Ngô Minh Chiến (SN 1976).
Theo Laodong
Thi công chức Hà Nội: Cạnh tranh quyết liệt
Trở thành công chức của Thủ đô Hà Nội không hề đơn giản. Các thí sinh sẽ phải trải qua kỳ thi tuyển với tỷ lệ "chọi" rất cao. Không ít thủ khoa, người từng tốt nghiệp đại học nước ngoài không vượt qua nổi các kỳ sát hạch.
Thi trắc nghiệm trên máy tính sẽ đảm bảo khách quan hơn (Ảnh minh họa)
Thi trắc nghiệm 3 môn
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa phê duyệt danh sách 3.837 người đủ điều kiện thi công chức vào 45 cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP Hà Nội (năm 2013). Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vinh, tại kỳ thi công chức năm nay, các thí sinh sẽ thi tuyển 5 môn gồm Ngoại ngữ; Tin học; Trắc nghiệm chuyên ngành; Viết chuyên ngành; Viết kiến thức chung.
Đáng chú ý, theo yêu cầu mới, các thí sinh dự thi tuyển công chức Thủ đô sẽ phải thi 3 môn trắc nghiệm trên máy tính gồm Tiếng Anh; Tin học; Trắc nghiệm chuyên ngành. Dự kiến, sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 23-10 tại Trung tâm Đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Sở Thông tin & Truyền thông. Nội dung thi trắc nghiệm sẽ chia làm 2 ca (sáng - chiều). Mỗi ca thi là 200 thí sinh. Với các thí sinh thi ngoại ngữ tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp, sẽ thi viết trên giấy (ngày 13-10). Kết quả các môn thi trắc nghiệm trên máy tính sẽ được công bố trên máy tính và giải quyết thắc mắc ngay khi thí sinh thi xong mỗi ca thi. Chỉ những thí sinh đạt 50 điểm trở lên với môn ngoại ngữ và tin học mới được tiếp tục thi viết 2 môn (Kiến thức chung và Kiến thức chuyên ngành) vào ngày 10-11. Kết quả thi sẽ được công bố vào cuối tháng 11 và thông báo kết quả trúng tuyển vào cuối tháng 12-2013.
8 người lấy 1
Năm 2013, trong khi số thí sinh đủ điều kiện thi công chức lên tới 3.837 người thì chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có 512 "suất", gồm 231 chỉ tiêu công chức khối sở, ban, ngành và 281 công chức khối quận, huyện, thị xã. Tính bình quân, tỷ lệ "chọi" trung bình khoảng 1/8. Trong đó, có những đơn vị có tỷ lệ "chọi" rất cao (khoảng 1/20). Song, cá biệt, có đơn vị tuyển dụng 1 chỉ tiêu và cũng chỉ có 1 thí sinh đủ điều kiện dự tuyển. Sở Công Thương Hà Nội là một trong các đơn vị tuyển dụng công chức nhiều nhất (41 chỉ tiêu) và cũng là đơn vị có số thí sinh đăng ký dự tuyển đông nhất (526 thí sinh). Một số đơn vị có tỷ lệ "chọi" cao như huyện Hoài Đức (tuyển dụng 2 nhưng có tới 46 thí sinh đủ điều kiện dự tuyển), huyện Quốc Oai (tuyển dụng 4 nhưng có 68 thí sinh dự tuyển). Trong khi đó, tình hình ở huyện Đan Phượng lại không có gì căng thẳng khi chỉ tuyển dụng 1 chỉ tiêu cho vị trí cán bộ Phòng Tư pháp và cũng chỉ có 1 thí sinh đủ điều kiện dự tuyển vị trí này.
Thủ khoa cũng trượt
Trước khi kỳ thi diễn ra, Sở Nội vụ TP Hà Nội đã thông báo kết quả kiểm tra, sát hạch tuyển công chức không thông qua thi trong kỳ tuyển dụng công chức TP Hà Nội năm 2013. Kết quả kỳ kiểm tra, sát hạch cho 43 thí sinh diện xét tuyển đặc cách (không qua thi) cho thấy, có đến 14 thí sinh "không đạt yêu cầu" (trong đó 9 thí sinh có điểm không đạt và 5 thí sinh bỏ sát hạch).
Cụ thể, 9 thí sinh không đạt điểm, gồm 5 thủ khoa các trường đại học trong nước (dự tuyển vào các Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở TT-TT; Sở LĐ-TB&XH) và 4 thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi nước ngoài. Đáng chú ý, cả 4 thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi nước ngoài không đỗ, đều có số điểm kiểm tra, sát hạch khá thấp (35 điểm; 30 điểm; 34,3 điểm; 36,7 điểm/thang điểm 100). Trước thực tế này, một số ý kiến cho rằng, không phải thủ khoa nào cũng giỏi và không phải có bằng giỏi đại học nước ngoài là trình độ cao. Trước đó, trao đổi với báo chí về một vài trường hợp thủ khoa về Hà Nội làm nhưng cuối cùng lại ra đi vì không đạt hiệu quả, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, ông Trần Huy Sáng chia sẻ: "Cuộc sống rất phong phú. Có những người học rất tốt, nghiên cứu tốt nhưng vào việc cụ thể thì không thích ứng. Đó là sở trường, sở đoản của mỗi người. Nhưng đó là cá biệt, đa số người học tốt, thông minh, tài giỏi, về cơ bản ra thực tiễn sẽ làm việc tốt. Quá trình quản lý, sử dụng sau tuyển dụng là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Cơ quan tuyển dụng phải tạo điều kiện cho họ cống hiến nhưng bản thân con người đó phải hoàn thiện mình để phù hợp với những công việc cụ thể mà trong trường không đào tạo".
Thành Nam
Theo ANTD
Thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm tại các bệnh viện ở TP.HCM Tối 7.10, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã có kết luận thanh tra về hàng loạt sai phạm tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM. Trong đó, đề nghị thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước hơn 3,384 tỉ đồng tiền thất thu tại Bệnh viện Bình dân. Phim chụp X-quang của bệnh nhân được bác sĩ tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh...