Bình luận “sếp” trên Facebook thế nào thì không phạm luật?
Việc bình phẩm, nhận xét so với việc cố tình xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác rất dễ bị nhầm lẫn là một. Vậy nên, người dùng Facebook có thể bị rơi vào trường hợp như các vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua.
Vừa qua, đã có nhiều tranh luận xung quanh vụ việc một số cán bộ “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên mạng xã hội Facebook. Sau đó không lâu, tại Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội), một sinh viên khoa Cầu đường đã bị triệu tập để làm rõ hành vi bình luận chưa phải phép với Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế của ngôi trường này.
Ngoài ra, còn có hàng loạt vụ việc khác liên quan tới bình phẩm trên Facebook. Qua đó có thể thấy, Facebook – một môi trường ảo, nhưng đang có những tác động nhất định vào đời sống thật.
Đánh giá về thực trạng mạng xã hội hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn – chuyên gia công nghệ của một công ty quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam – cho biết: Theo thống kê mới nhất từ Facebook, Việt Nam có hơn 30 triệu người dùng Facebook, và mỗi người dành trung bình 2,5 giờ để lướt Facebook mỗi ngày.
“Để mường tượng sự khổng lồ của con số này, có thể hiểu cộng đồng Facebook tại Việt Nam đang chiếm 1/3 dân số Việt Nam và gấp 4 lần dân số của Lào. Điều đáng nói ở đây là mỗi người trên Facebook đều có quyền tự viết bài và đăng tải thông tin. Theo tôi, đây chính là lý do tại sao các thông tin hiện nay được truyền tải rất nhanh, đơn cử như sự kiện khủng bố liên hoàn tại Paris (Pháp) vừa rồi. Thậm chí, thông tin xuất hiện trên Facebook còn nhanh hơn cả các báo lớn danh tiếng của nước Pháp”, ông Tuấn nói.
Thống kê lượng người dùng Facebook tại Việt Nam và các nước trong khu vực, tính đến tháng 11.2015. (Nguồn: Statista)
Video đang HOT
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Trưởng đại diện Văn phòng luật sư Thạch Thảo) nêu quan điểm: “Người dùng Facebook phải hết sức tỉnh táo, đặc biệt đừng nghĩ rằng Facebook là mạng xã hội không ai kiểm soát nên cho mình toàn quyền quyết định những nội dung, thông tin muốn đăng tải. Việc bình phẩm một ai đó, như lãnh đạo hoặc cấp trên hoàn toàn không có gì sai nếu những câu bình phẩm mang tính chất nhận xét về cách làm việc hay thái độ cư xử của họ. Đó là những thông tin phản ánh hết sức cần thiết để những người bị bình phẩm tự soi lại mình và có những điều chỉnh sao cho phù hợp và tốt hơn”.
Tuy nhiên, theo luật sư Thảo, việc bình phẩm, nhận xét so với việc cố tình xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác rất dễ bị nhầm lẫn là một. Vậy nên người dùng Facebook có thể bị rơi vào trường hợp như các vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua. Ngoài ra, cũng có trường hợp người dùng Facebook cố tình gây nhập nhằng giữa tự do ngôn luận và xúc phạm danh dự, uy tín người khác.
“Hiện nay, có một số người cho rằng, quyền tự do ngôn luận là quyền được pháp luật cho phép và bảo vệ, mọi người đều có quyền phát ngôn của mình. Đúng là pháp luật cho phép tự do ngôn luận, nhưng không đồng nghĩa với việc lợi dụng quyền đó để xúc phạm danh dự người khác hay bịa đặt thông tin, vu khống”, luật sư Thảo nói thêm.
Người dùng cần phải tỉnh táo khi sử dụng Facebook để tránh những sự cố có thể xảy ra liên quan tới pháp luật. (Ảnh minh họa: WP)
Trước đó, chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn từng nhấn mạnh: “Mạng xã hội là tiến bộ của nhân loại, là sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Do đó, phải tìm cách để mạng xã hội phát triển lành mạnh, không thể vì một lý do nào đó mà hạn chế, ngăn cản mạng xã hội phát triển”.
Song song với đó, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá, mạng xã hội hiện nay còn nhiều bất cập, như: Thông tin dàn trải, vụn vặt, hỗn tạp, mang tính cá nhân; bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông và phản ứng dây chuyền; thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, có nội dung phản cảm, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục…
Làm nhục người khác có thể bị xử lý hình sự Luật sư Nguyễn Thạch Thảo cho biết: Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp người đó đã qua đời, mất năng lực hành vi dân sự hay chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, bất cứ hành vi nào khác xâm phạm đời tư của cá nhân mà chưa được sự đồng ý của người đó đều là vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm, những người này sẽ bị kiện ra tòa để bồi thường thiệt hại do uy tín danh dự của đối phương bị xâm phạm. Cụ thể, người này có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 Bộ luật hình sự (BLHS) về “tội làm nhục người khác” hoặc Điều 122 BLHS về “tội vu khống”.
Theo Danviet
Bị đuổi học vì nói xấu giáo viên trên facebook: Gia đình chuyển trường cho học sinh
Trao đổi với phóng viên Dân trí, phụ huynh nữ sinh Nguyễn Thị Vũ Q. lớp 12A6 trường THPT Lê Lợi - Hà Đông cho biết, tâm lý của cháu vẫn chưa ổn định, nếu trở lại ngôi trường cũ càng gây căng thẳng thêm, do vậy gia đình viết đơn xin chuyển trường cho cháu.
Thông tin từ bà Hà Phương, phụ huynh của nữ sinh Nguyễn Thị Vũ Q. lớp 12A6 trường THPT Lê Lợi - Hà Đông bị nhà trường đuổi học 10 ngày vì lên facebook nói xấu cô giáo, cho biết: "Ngày 8/11, sau nhiều ngày xảy ra sự việc, lần đầu tiên Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi mời tôi đến trường để trao đổi và hướng giải quyết sự việc. Tại buổi làm việc, hiệu trưởng nhà trường mong muốn gia đình đưa cháu trở lại trường sớm nhất vào đầu tuần (hôm nay 9/11) để cháu hòa nhập lại với bạn bè".
Tuy nhiên, bà Phượng cho rằng, nhà trường đuổi học cháu và cô giáo có lời nói không tốt đã gây ra cú sốc nặng đối với cháu. Sau khi sự việc xảy ra, cháu thay đổi tâm lý, có biểu hiện trầm cảm. Thậm chí cháu đã có ý định nhảy từ tầng 3 của trường xuống để tự tử. Gia đình đã phải đưa cháu đi bệnh viện để điều trị.
Do vậy, để đảm bảo an toàn, ổn định tâm lý cho cháu, gia đình tôi có nguyện vọng chuyển cháu sang trường khác, để cháu có thể nguôi ngoai đi sự việc vừa qua, tập trung vào việc học tập vì kỳ thi đại học đang đến gần.
"Hôm nay (9/11), gia đình tôi sẽ gửi đơn xin chuyển trường cho cháu tới Ban Giám hiệu trường THPT Lê Lợi và Sở GD-ĐT Hà Nội. Đồng thời, gia đình chờ đợi hướng giải quyết của Sở" - Bà Phương nhấn mạnh.
Như Dân trí đã đưa tin, sau khi phát hiện học sinh Q, lớp 12A6 lên facebook có lời lẽ ám chỉ xúc phạm cô giáo chủ nhiệm với nội dung:"Thật chẳng hiểu nổ tại sao lại bị đối xử như vậy? Tại sao không nói thẳng ra rằng "vì không đi học thêm nên dù có trả lời đúng tôi vẫn không cho điểm. Thực sự mình không muốn vì một người như vậy mà phá hủy đi niềm yêu thích của bản thân về bộ môn Văn".
Ngày 12/10, Ban giám hiệu Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) đã yêu cầu nữ sinh này viết bản tường trình. Trong bản tường trình, nữ sinh thừa nhận hành vi xúc phạm giáo viên trên trang cá nhân và viết bản kiểm điểm xin lỗi giáo viên và nhà trường.
Ngày 19/10, tại buổi chào cờ, nhà trường công bố quyết định đình chỉ học 10 ngày đối với nữ sinh này trong khi em đang nằm viện vì bị sang chấn tâm lý với hình thức kỷ luật mà nhà trường đưa ra. Sự việc khiến phụ huynh bức xúc, có đơn khiếu nại gửi Sở GD-ĐT Hà Nội.
Ngày 6/11, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã xuống trường làm việc và yêu cầu nhà trường báo cáo toàn bộ các văn bản kỷ luật học sinh.
Trao đổi với Dân trí, ông Dũng cho biết, khi nhà trường giải trình đầy đủ sự việc, Sở sẽ có chỉ đạo chính thức. Tuy nhiên, trước mắt, Sở yêu cầu nhà trường phải liên hệ với gia đình để đưa cháu trở lại trường trong thời gian sớm nhất.
"Làm giáo dục cái quan trọng nhất là sự tiến bộ của học sinh. Nhà trường là nơi giáo dục chứ không phải là nơi kết tội học sinh. Làm thế nào để nhà trường, học sinh và gia đình học sinh luôn tìm được tiếng nói chung thì giáo dục mới hiệu quả" - ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Hồng Hạnh
Theo Dantri