Bình Liêu phát huy thế mạnh thiên nhiên và bản sắc văn hóa
Bình Liêu có nhiều rừng, sông, suối, có đường biên cột mốc.. đặc biệt là có những con người thân thiện, yêu thiên nhiên và biết giữ gìn những bản sắc dân tộc.
Bình Liêu đã đề cao vai trò của con người và thiên nhiên để trở thành thế mạnh, từ đó phát triển tốt du lịch.
Từ tháng 10/2020, huyện Bình Liêu đã ra kế hoạch số 3338/KHUBND tổ chức Tuần văn hóa, du lịch Bình Liêu năm 2020 thời gian thực hiện đến hết năm 2020. Qua đó, nhiều giá trị về cảnh vật thiên nhiên con người được phát huy một cách tốt nhất.
Đầu tiên phải kể đến “Hội Mùa vàng Bình Liêu 2020″ để nhằm giới thiệu với du khách vẻ đẹp hùng vĩ của ruộng bậc thang Bình Liêu và những giá trị đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số trên toàn huyện. Chương trình sẽ được tổ chức ở các bản Ngàn Pạt, Khe O, Cao Thắng, xã Lục Hồn và một số khu vực có ruộng bậc thang đẹp như bản Sông Moóc, xã Đồng Văn, bản Lục Ngù, Pò Đán, xã Húc Động. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tổ chức cho khách tham quan, trải nghiệm gặt hái trên ruộng bậc thang, thực hiện nghi lễ “Mừng cơm mới mùa vàng”.
Tổ chức cho du khách trải nghiệm ăn cơm mới, tái hiện nghi lễ đám cưới của người Sán Chỉ, tổ chức các trò chơi đánh quay, ném còn, kéo co, giao lưu hát soóng cọ. Du khách còn được trải nghiệm leo núi Cao Xiêm, xem các cầu thủ bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ, hay trải nghiệm giao lưu bay dù lượn trên mùa vàng…
Lễ mừng cơm mới của Bình Liêu sẽ được tổ chức thường xuyên từ tháng 11 năm nay.
Có nhiều hoạt động mà trước đây của bà con đôi khi cả năm chỉ tổ chức có 1 lần hoặc một vài lần thì nay đã hoạt động thường xuyên hơn. Như đá bóng nữ người dân tộc thiểu số Sán Chỉ, với các dân tộc khác trước đây chỉ có vào ngày lễ hội đình Lục Nà (xã Lục Hồn) hay lễ hội Sán Chỉ (xã Húc Động), thì từ tháng 11 năm nay được tổ chức đều đặn vào chiều thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại xã Húc Động mà đơn vị thực hiện là UBND xã Húc Động.
Xã Húc Động nằm giáp với xã Đại Dực (Tiên Yên), tuy khác huyện nhưng có đường giao thông nối liền với nhau. Tháng 9 vừa qua, xã Đại Dực đã thành lập Đội bóng đá nữ Sán Chỉ. Do vậy, các xã liền kề có rất nhiều điều kiện để giao lưu. Khác với đá bóng ở các đô thị, người ta thường đề cao đá bóng nam thì ở Bình Liêu, môn đá bóng nữ lại tạo hào hứng với du khách.
Chị em phụ nữ Sán Chỉ thi đấu tại Giải Bóng đá xã Húc Động 2020 ở sân Nhà Văn hóa xã Húc Động.
Các môn ném còn, múa sạp, bịt mắt bắt dê, đánh quay một thời chỉ xuất hiện các dịp lễ, tết thì nay lại được diễn ra thường xuyên vào cuối tuần tại sân Nhà văn hóa huyện do UBND thị trấn và Đoàn Thanh niên huyện Bình Liêu đứng ra tổ chức. Môn đánh quay (còn gọi là đánh gụ) Bình Liêu rất chú trọng đến các đội đánh quay nữ. Trò chơi một thời gần như độc quyền của đàn ông, nay lại được chị em phát huy một cách tinh tế khiến nhiều du khách thích thú.
Video đang HOT
Huyện Bình Liêu còn tổ chức kết nối với các đơn vị lữ hành đưa du khách đến trải nghiệm các sản phẩm du lịch địa phương, đi tham quan các tuyến điểm du lịch của huyện từ các chương trình Bình Liêu mùa hoa lau gắn với đường biên cột mốc biên giới, Bình Liêu mùa hoa dong riềng gắn với trải nghiệm làm miến dong. Du khách còn nhiều lựa chọn với các điểm tham quan các tuyến điểm du lịch: Đình Lục Nà, vườn hoa Cao Sơn, thác Khe Vằn, thác Sồn Moóc, thác Khe Tiền, chợ Trung tâm thị trấn Bình Liêu.
Từ nhiều năm nay, Bình Liêu đã phát huy giá trị cây sở vào phát triển du lịch.
Từ năm 2015, huyện Bình Liêu đã phát huy giá trị cây sở vào phát triển du lịch qua Lễ hội hoa sở. Bà con đã trồng thành truyền thống từ nhiều năm nay và diện tích cây sở toàn huyện nay là 468,27 ha, đem sản lượng hạt khô từ 120 tấn đến 150 tấn/năm. Hoa sở nở rộ từ tháng 11 đến qua tết dương lịch năm sau trên các con đường thôn. Lễ hội hoa sở cũng là dịp để xã Đồng Tâm và huyện Bình Liêu giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch của mình. Từ nhiều ngày trước khi diễn ra lễ hội, du khách từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và huyện Bình Liêu cùng đến xã Đồng Tâm, chiêm ngưỡng cảnh tươi đẹp tự nhiên của núi rừng biên cương.
Thông qua lễ hội, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc của Bình Liêu cũng được thể hiện qua các điệu múa, những làn điệu soóng cọ mượt mà của người Sán Chỉ, hát then của người Tày, hát pả dung của người Dao, cùng với các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc cũng được thể hiện với muôn sắc rực rỡ. Ai thích thể thao thì tham dự các trò chơi dân gian của bà con như: Ném còn, giã gạo, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co. Người khéo tay thì tham gia thi tách hạt sở… Đến ngày hội, bạn còn được người dân địa phương mời thưởng các món ăn độc đáo vào đúng dịp cơm mới như bánh cốc mò, xôi ngũ sắc được nấu từ gạo nếp nương và năm loại lá rừng để tạo thành ngũ sắc.
Vào tháng 11, đúng mùa hoa sở cũng là mùa cơm mới ở huyện Bình Liêu. Lễ mừng cơm mới của người Tày, cơm mới thường là gạo nếp nương, nấu với lá gừng, hạt gạo dù nấu chín vẫn mang màu xanh của lá gừng. Trước đây các nhà đều chọn ngày Tuất để nấu cơm mới, thì nay cơm mới được nấu thường xuyên hơn và là ẩm thực của Bình Liêu làm vừa lòng các thực khách.
Vậy là với cảnh sắc núi rừng, con người thật thà chất phác một thời vượt khó thì nay lại tạo ấn tượng với du khách khi đến với Bình Liêu.
Biến triển vọng thành sản phẩm du lịch ở vùng dân tộc thiểu số
Có thể nói, tiềm năng phát triển du lịch văn hóa từ những vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh khá dồi dào.
Tuy nhiên, đây cũng chủ yếu là những vùng mà điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ đầu tư lớn để đánh thức những tiềm năng...
Những nét chấm phá sinh động
Có lẽ, Bình Liêu là địa phương sớm nhất của tỉnh biết kết hợp giữa điều kiện tự nhiên thuận lợi và khai thác các giá trị văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, để làm du lịch.
Sắc màu văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch ưa trải nghiệm văn hóa.
Hiện nay, huyện đã có một số điểm du lịch như thế tại bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), bản Cáu (xã Lục Hồn), bản Lục Ngù (xã Húc Động). Trong đó, bản Sông Moóc nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của người Dao Thanh Phán.
Nơi đây cũng có homestay Sông Moóc House do tư nhân xây dựng và khai thác phục vụ du khách với quy mô 8 phòng riêng khép kín và 1 khu nghỉ tập thể từ tháng 3/2019. Tại homestay này, những người đón tiếp và phục vụ khách là người dân địa phương, được đào tạo cơ bản về dọn dẹp, nấu nướng, đón khách, giới thiệu những điểm tham quan quanh khu vực.
Bên cạnh đó, điểm du lịch tại Bản Cáu, nơi tập trung đông cộng đồng người Tày, lại gắn với lễ hội đình Lục Nà, ngôi đình duy nhất của huyện, được coi là rất linh thiêng đối với đồng bào các dân tộc nơi đây. Còn điểm du lịch tại bản Lục Ngù lại là nơi tập trung sinh sống của đồng bào người Sán Chỉ.
Mặc dù các điểm du lịch này vẫn còn ở dạng tự phát là chính nhưng cơ sở khai thác du lịch khá tốt. Lễ hội đình Lục Nà hàng năm thực sự là ngày hội của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận, với các nghi lễ và hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, như: Diễn xướng dân gian truyền thống, hát Then, đàn Tính của người Tày cùng trò chơi dân gian và các môn thể thao như đẩy gậy, kéo co, đánh quay, ném còn, cờ tướng, nhảy bao bố, đi guốc mộc, chọi chim và thi đấu bóng đá...
Đội văn nghệ người Tày thôn Bản Cáu khá nổi tiếng trên địa bàn, với nhiều thế hệ già, trẻ nối tiếp nhau, có thể biểu diễn để phục vụ du khách đến tham quan bản. Bà con dân tộc thiểu số các vùng sẵn sàng làm du lịch và đang tiếp cận dần các kiến thức cần thiết.
Xóm họ Đặng (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, Móng Cái) đã được đầu tư trở thành "xóm bích họa" với những bức tranh tường đầy tính nghệ thuật. Ảnh: PV
Các doanh nghiệp, như Công ty CP Du lịch Sen Á Đông dự kiến có dự án đầu tư tại Sông Moóc. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Khe Vằn, huyện đã xây dựng đề án di chuyển 9 hộ dân hiện ở khu vực vùng lõi chân thác ra phía ngoài. Đồng thời, tỉnh đầu tư xây dựng đường mới dẫn từ trung tâm huyện vào Húc Động, trong khi tuyến đường từ trung tâm xã chạy vào thác Khe Vằn đã được bê tông hóa, hai bên trồng cây xanh tạo cảnh quan đẹp, góp phần thu hút du khách tới đây.
Bên cạnh Bình Liêu, một số vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số của các địa phương khác cũng hé lộ những tiềm năng cho phát triển du lịch. Như ở Móng Cái thì xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn được đánh giá là phù hợp hơn cả. Nơi đây không chỉ có những ngọn núi cao và cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn các phiên chợ, các lễ hội vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện xóm Họ Đặng đã được đầu tư trở thành xóm bích họa, tất cả các gia đình đều nổi bật lên với những bức tranh vẽ đầy tính nghệ thuật trên những bức tường, ô cửa của từng nhà. Mỗi người dân nơi đây đều đã được tuyên truyền và sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch.
Được biết, sau khi Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng xóm họ Đặng được phê duyệt, TP Móng Cái đã giao cho xã Bắc Sơn, Hải Sơn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng cư dân địa phương tham gia phát triển du lịch. Xây dựng sơ đồ, bản đồ quy hoạch phát triển các điểm du lịch. Triển khai các nhiệm vụ, dự án hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch, cơ sở dịch vụ trên địa bàn. Tổ chức cho doanh nghiệp và người dân phát triển mới các sản phẩm dược liệu, các sản phẩm OCOP phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách...
Điểm du lịch homestay Sông Moóc do tư nhân đầu tư tại bản Sông Moóc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu). Ảnh lấy từ trang web dulichbinhlieu.com.vn.
Ngay ở TP Hạ Long thì khu vực Hoành Bồ cũ mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số, đang từng bước phát triển loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm, tâm linh và dã ngoại, thể thao. Còn ở Ba Chẽ, tiềm năng về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ là khá cao, như tại thôn Làng Cổng và thôn Nà Bắp (xã Đồn Đạc), thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn) và thôn Bắc Văn (xã Thanh Sơn).
Huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch Ba Chẽ, đề án bảo tồn phục dựng văn hóa đồng bào Dao Thanh Phán, Thanh Y trên địa bàn. Bước đầu của việc thực hiện các đề án là cử đại diện của các thôn, làng, xã đi học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương như SaPa, Hà Giang... và từng bước xây dựng một đội ngũ hạt nhân chuẩn bị các khâu cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại từng thôn...
Lấy người dân làm trung tâm
Phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh định hướng gắn với loại hình du lịch cộng đồng của Quảng Ninh. Cho ý kiến về Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tại cuộc họp của tỉnh vào đầu tháng 10 vừa qua, lãnh đạo Sở Du lịch đã đề xuất ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng cho các địa phương Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu đến năm 2025.
Đề xuất này nhằm đảm bảo việc phát triển các điểm du lịch cộng đồng có tính khả thi cao, tránh trùng lặp, đảm bảo sự kết nối với các địa bàn trung tâm du lịch. Bởi lẽ, những điểm du lịch giàu tiềm năng gắn với cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh mà bài viết đề cập ở phần trên hầu hết đều nằm ở vùng sâu, xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc đầu tư khai thác các giá trị tài nguyên trên địa bàn để phát triển du lịch còn rất hạn chế, cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ thực sự mạnh để bứt phá.
Cụ thể hơn, hiện nay hệ thống đường giao thông của một số địa phương vẫn còn chưa hoàn thiện hoặc đã xuống cấp dẫn tới việc khó tiếp cận với điểm du lịch. Các điểm du lịch chưa xây dựng hệ thống sản phẩm đặc thù.
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cũng như nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị cảnh quan và tài nguyên tự nhiên, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống... để phát triển du lịch và cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch nhìn chung còn hạn chế về chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp...
Du lịch cộng đồng nói chung, du lịch cộng đồng gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thực tế sẽ phải cạnh tranh mạnh với các loại hình du lịch khác đang rất phát triển ở Quảng Ninh. Đó là chưa kể việc cạnh tranh trong mối tương quan với các địa phương có điều kiện tự nhiên, văn hóa tương tự như ở vùng cao Tây Bắc chẳng hạn.
Để có thể tạo dựng một thương hiệu riêng, một sản phẩm độc đáo có lợi thế, việc phát triển các điểm du lịch gắn với cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng cần tính đến sự cân bằng, hài hòa với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như hệ sinh thái tự nhiên của các bản, làng vùng cao, sâu, xa.
Đồng thời, tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với tiềm năng mà địa phương sở hữu; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng tham gia, làm chủ và được hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch trên địa bàn...
Lên Bình Liêu ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín Thu về là thời điểm vùng cao Bình Liêu bước vào mùa đẹp và lãng mạn nhất trong năm. Chắc hẳn sẽ là trải nghiệm thú vị khi được chiêm ngưỡng các cung đường, các thửa ruộng bậc thang tầng lớp ở Lục Hồn, Đồng Văn và nhiều địa điểm khác. Đây cũng là một trong những hoạt động chính của Hội mùa...