Bình Liêu: Đến là… yêu
Không nhộn nhịp như Sa Pa, cũng không có núi đá cao sừng sững hay ruộng bậc thang trải dài trùng điệp như Hà Giang, Bình Liêu ẩn chứa nét đẹp riêng, níu chân ai chẳng muốn về…
Sống lưng khủng long ở Bình Liêu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ba năm trước, tôi và những người bạn có dịp đến Bình Liêu, nơi còn nguyên nét đẹp hoang sơ, mộc mạc. Chuyến đi cho chúng tôi kỷ niệm đáng nhớ, quen thêm những người bạn dễ mến, ngắm thêm vẻ đẹp của Tổ quốc và làm được điều vượt qua giới hạn của bản thân.
“Ngôi nhà” của các cột mốc
Cách thành phố Hà Nội gần 300 km, Bình Liêu là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh. Là vùng biên viễn, Bình Liêu có 43,168km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Địa phương này có năm dân tộc đang sinh sống gồm Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa và người Kinh, được xem là “dân tộc thiểu số” khi chỉ chiếm dưới 4% tỷ lệ dân số nơi đây.
Ngoài phong cảnh hùng vĩ, Bình Liêu như “ngôi nhà” của các cột mốc với hơn 60 cột, nhiều điểm nằm rải rác trên đường tuần tra biên giới. Nổi bật là cột mốc 1305 với “sống lưng khủng long” và con đường tuần biên đẹp nhất Việt Nam, mốc 1307 là nơi ngắm nhìn những dãy núi trùng trùng điệp điệp, mốc 1317 (2) ngay cạnh cửa khẩu Hoành Mô nhộn nhịp, mốc 1327 được mệnh danh là “cột mốc thiên đường” bởi con đường với những bậc thang dẫn lên đỉnh núi mù sương, mốc 1300 là “đồi hạnh phúc” ngoằn ngoèo uốn lượn, cách đó không xa là cột mốc 1297 thuộc Lạng Sơn, nơi được gọi là “thiên đường cỏ lau”.
Vì nằm ở vùng núi Đông Bắc, Bình Liêu được thiên nhiên ưu ái với khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Mỗi mùa, nơi đây lại khoác lên mình những bộ cánh khác nhau, hấp dẫn những tín đồ ưa xê dịch.
Mùa Xuân, không khí nơi đây se se lạnh, khắp nơi là màu hồng của hoa đào, điểm xuyết thêm màu trắng của hoa mận. Mùa Xuân cũng là mùa của các lễ hội truyền thống mang bản sắc riêng ở Bình Liêu được cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn gìn giữ bao đời nay. Đến Bình Liêu vào tháng Ba, bạn sẽ được thưởng thức món đặc sản trứng kiến cuộn lá sau sau (cây phong hương), cùng nhiều món ăn truyền thống đặc sắc khác.
CNN: 23 điểm đến tốt nhất để du lịch năm 2023
Mùa Hè, bạn có thể đắm chìm trong khung cảnh xanh mướt của ruộng bậc thang và ngâm mình dưới dòng nước trong lành, mát lạnh chảy từ các thác nước tự nhiên giữa núi rừng, hay tại những con suối đẹp như tranh. Đây cũng là mùa hoa Trẩu rực rỡ nhất. Đối với người Bình Liêu, hoa Trẩu không chỉ làm đẹp cho núi rừng mà còn gắn bó rất nhiều với cuộc sống.
Mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm ở Bình Liêu với thời tiết mát mẻ. Thời gian này, Bình Liêu tràn ngập sắc trắng của những bông cỏ lau nở rộ, trải dài hai bên cung đường tuần biên, hay vẻ đẹp cổ tích của cỏ lau hồng trên dãy núi Cao Ba Lanh. Ngoài ra, trên những thửa ruộng bậc thang lại tràn ngập sắc vàng của lúa chín của mùa màng bội thu. Lúc này, vùng biên viễn khoác lên vẻ đẹp hoang sơ với màu vàng cỏ cháy, phóng mắt xa xa, xen giữa những cánh rừng xanh ngát là những “khoảng trời” màu đỏ của cây phong hương.
Mùa Đông là mùa lạnh nhất trong năm ở Bình Liêu, là thời điểm để “săn” băng tuyết, là mùa thu hoạch hoa Sở ở địa phương này, cũng là dịp check-in yêu thích của nhiều người. Vào đầu tháng 12, hoa Sở nở trắng đồi, men theo các con đường vào khắp thôn bản. Lễ hội hoa Sở cũng là một trong những dịp lễ hội đặc sắc của vùng cao biên giới Quảng Ninh, tái hiện những nét văn hóa đa dạng của đồng bào nơi đây. Vào dịp này, đồng bào các dân tộc ở Bình Liêu nô nức đi hội, khoe trang phục truyền thống rực rỡ đầy màu sắc.
Những trải nghiệm đáng nhớ
Sau khi mải mê tìm kiếm thông tin trên các diễn đàn và có cuộc trò chuyện với Hùng, quản trị viên một hội nhóm về du lịch Bình Liêu và được tư vấn kỹ càng, chúng tôi quyết định đến đấy vào đầu tháng 12, khi thời tiết đang se se lạnh.
Chặng đầu tiên, chúng tôi được chú Tuất, một cựu chiến binh về hưu, đưa đến điểm leo mốc 1305, là cột mốc cao nhất không chỉ ở Bình Liêu mà còn cả tỉnh Quảng Ninh. Đường lên mốc dài hun hút với nhiều đoạn dốc khiến chúng tôi “chùn chân, mỏi gối”, muốn… quay về vạch xuất phát. Thế rồi, cứ nhiều lần tự động viên nhau “chỉ còn đoạn ngắn như mấy con dao quăng thôi”, chúng tôi đã chinh phục được cột mốc 1305. Tuy vất vả, cả quãng đường, chúng tôi lại thu được vào tầm mắt cảnh quan hùng vĩ miền biên ải của Tổ quốc với những dãy núi đồi trùng điệp, được ngắm nhìn “sống lưng khủng long” phủ màu vàng cỏ cháy và cả những tiếng cười rộn rã cùng cảm giác “thật đã” khi đến đích.
Video đang HOT
Kết thúc hành trình leo cột mốc 1305, chúng tôi lại đến đỉnh Cô Đơn ở dãy núi Cao Ly để đến điểm cắm trại qua đêm. Tại đây, chúng tôi gặp những người bạn mới dễ mến. Kể về cơ duyên mở dịch vụ cắm trại, chị Minh Lô chia sẻ, chị đơn giản là thích cắm trại vì thích đắm chìm trong không khí trong lành và ngắm nhìn núi rừng, sông suối… hay thích ngồi bên đống lửa tám chuyện nhâm nhi rượu, trà với bạn bè. Cuối cùng, sau một chuyến đi cắm trại với nhóm bạn ở khu vực mốc 1297 (thuộc Lạng Sơn) thì chị được các bạn khuyến khích làm dịch vụ cắm trại ở Bình Liêu.
Phụ nữ Dao Thanh Y trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Hùng Trương)
Chị kể về chuyến đi đến huyện A Lưới ở Huế chỉ để nhìn xem cách quản lý homestay nhỏ của một gia đình, đi Pù Luông chơi nghỉ ở resort để xem cách phục vụ đối với khách như thế nào… Xuyên suốt từ năm 2011 cho đến 2018, chị đi phượt nhiều nơi ở phía Bắc, Trung, Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm làm dịch vụ. Mới đầu, công việc còn rất vất vả, có những lúc rất oải vì không có khách, nhưng đến mùa Thu năm 2019, từ khi đón đoàn khách trải nghiệm dịch vụ cắm trại trọn gói, từ đó, người này rỉ tai người kia, nhiều đoàn khách mới đã biết đến Bình Liêu, nhóm chị lại có thêm động lực để vận hành khu trại của mình, đồng thời còn giúp những hộ dân xung quanh có thêm phần thu nhập nhỏ qua dịch vụ tắm lá người Dao…
Tối đến, ngồi quanh đống lửa bập bùng, thưởng thức đặc sản của vùng đất Bình Liêu, chúng tôi cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, trải nghiệm của bản thân. Mỹ Hạnh và Phương, hai cô gái cùng học y nhưng người học Hà Nội còn người học ở Huế, vì có cùng đam mê với nghề bác sĩ và sở thích đi du lịch, họ đã quen nhau và tổ chức buổi đầu gặp mặt ngay tại Bình Liêu, sau đó tiếp tục hành trình lên Tây Bắc. Hay bốn chàng sinh viên Đại học Xây dựng, Bách Khoa, đam mê du lịch “bụi”, đã đồng hành qua những cung đường của Tổ quốc, Bình Liêu là điểm đến không thể bỏ ngoài “bản đồ phượt” của họ. Cặp đôi Minh Hương và Dũng, vừa tốt nghiệp đại học lại phải yêu xa khi người Hà Nội, kẻ ở Hải Dương, vì cuộc sống, họ hẹn nhau cùng phấn đấu vì tương lai, cố gắng dành thời gian để cùng nhau trải nghiệm những vùng đất mới….
Chuyện trò rôm rả đến nửa đêm, chúng tôi về lều ngủ, cả khu trại yên tĩnh hòa vào không gian núi rừng rộng lớn, gần đó bếp lửa than hồng vẫn còn sáng le lói, mang lại cảm giác an yên. Sáng sớm, chúng tôi dậy đón bình minh, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang nằm xen kẽ với các bản làng thanh bình dưới thung lũng. Khu trại vỏn vẹn hơn chục cái lều nằm giữa núi đồi hoang sơ lại mang đến những trải nghiệm khó quên…
Sau đó, chúng tôi được chú Tuất lái xe đến khám phá các cột mốc 1300 và 1297 ngắm đồi cỏ lau và những ngọn đồi nhấp nhô, đều tăm tắp như những viên sô cô la truffle. Trong chuyến đi, chúng tôi được trò chuyện và tham gia live stream của chú Tuất. Chú kể, về hưu, chú làm lái xe để kiếm thêm thu nhập, còn mở live stream chỉ để giao lưu với bạn bè, dần dà, hoạt động này thu hút nhiều người xem hơn, khiến nhiều người biết đến Bình Liêu hơn, khiến chú càng có động lực với công việc này.
Kết thúc hành trình, chúng tôi quay về Hà Nội với cuộc sống vội vã thường ngày. Thời gian dần trôi, một Bình Liêu mộc mạc, đầy sức sống, hấp dẫn như nàng sơn nữ vùng biên viễn luôn để lại cho chúng tối những hồi ức không thể nào quên. Hai ngày một đêm dường như không đủ để chúng tôi “thẩm thấu” hết nét hấp dẫn của Bình Liêu.
Hẹn Bình Liêu một ngày không xa với mùa lau ngập tràn sắc trắng trữ tình và màu vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang mùa bội thu.
Cảm nhận trọn vẹn hơn Cao Bằng...
Đến Cao Bằng không thể quên thác Bản Giốc hay hang Pắc Bó, nhưng để cảm nhận trọn vẹn hơn vẻ đẹp của non nước Cao Bằng, bạn cần có thêm những khám phá mới ở mảnh đất vùng biên xinh đẹp này.
Cảnh bình yên ở làng đá cổ Khuổi Ky. (Ảnh: Hà Anh)
Về Cao Bằng đúng mùa du lịch Thác Bản Giốc, chúng tôi lựa chọn ở lại làng đá Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là "Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người" từ năm 2008.
Ngôi làng yên bình, xinh xắn của bà con dân tộc Tày nằm trong khuôn viên chỉ chừng 1ha, dựa lưng vào núi đá, mặt nhìn ra dòng suối nhỏ, đã mở đầu cho một hành trình với nhiều khám phá thú vị...
Ngôi làng cổ đặc biệt
Làng đá Khuổi Ky có 14 ngôi nhà với những bức tường đá kiên cố, được thiết kế hai mái, lợp bằng ngói âm dương thể hiện rõ sự riêng biệt của đồng bào dân tộc nơi đây. Đá cũng được sử dụng trong các công trình khác như hàng rào, bậc thang, cối xay, bếp lò... khiến mỗi ngôi nhà chắc chắn tựa pháo đài.
Không chỉ bị thu hút bởi kiến trúc nhà sàn đá độc đáo, bất kỳ ai tới thăm ngôi làng hơn 400 năm tuổi này còn cảm nhận được bản sắc văn hóa của người Tày miền Đông Cao Bằng với phong tục tập quán và trang phục thuần chất bản địa.
Bên cạnh duy trì nếp sống hằng ngày với công việc trồng lúa ngô, người dân Khuổi Ky đang đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là dịch vụ lưu trú homestay và mô hình trải nghiệm sinh hoạt văn hóa Tày.
Các dịch vụ du lịch đều thu hút được lượng khách đáng kể, cả trong nước và quốc tế, mang lại thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
Giống như Tày Homestay mà chúng tôi lưu trú, mỗi ngôi nhà ở đây đều có điều hòa, bình nước nóng lạnh, chỗ nấu ăn với bếp ga, tủ lạnh và một số đồ dùng cần thiết để khách có thể tự nấu ăn.
Nếu lưu trú dài ngày, khách có thể theo chân người dân tham gia các hoạt động trải nghiệm sản xuất và lao động của người dân tộc Tày như đi hái măng, đào củ hay đi làm đồng, bắt cá hoặc cùng chế biến những món ăn đặc trưng như món thịt heo hun khói, lạp xưởng gác bếp và các loại rau sạch trồng ở bìa rừng.
Khám phá động Ngườm Ngao. (Ảnh: Hà Anh)
Chinh phục "Động Hổ"
Nghỉ tại làng Khuổi Ky cũng là điều kiện thuận lợi để chúng tôi đến với Ngườm Ngao - hang động có vẻ đẹp kỳ thú, ẩn mình trong một ngọn núi hùng vĩ ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.
Theo nghĩa của tiếng Tày thì "ngườm" có nghĩa là động, "ngao" có nghĩa là hổ, nên Ngườm Ngao tức là "Động Hổ". Những lời truyền miệng như trong động có nhiều hổ sinh sống, hay nghe tiếng nước chảy trong động hòa vào nhau như tiếng hổ gầm.. kết hợp với vẻ đẹp hoang sơ do thiên nhiên tạo tác, càng cuốn hút trí tò mò của chúng tôi.
Trước đây, Ngườm Ngao mới khai thác ở tuyến tham quan trong phạm vi chừng 1km, nhưng hiện nay Ban quản lý đã mở rộng thêm các tuyến tham quan mới giúp du khách có thể khám phá hết hang động kỳ bí này.
Dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của hướng dẫn viên là một cô gái Tày, người bản địa, chúng tôi đã lựa chọn tuyến tham quan mới với cung đường dài tới 3km. Càng đi sâu vào trong động càng thấy choáng ngợp trước một không gian rộng lớn với nhiều hành lang, hệ thống nhũ đá đủ hình dạng, kích thước do bàn tay thần kỳ của thiên nhiên chế tạo.
Ngờm Ngao được chia thành nhiều khu như khu "tứ trụ thiên đình" với những cột đá trông như cột chống trời, khu trung tâm với không gian thạch nhũ kỳ vĩ, khu châu báu là những núi nhũ lấp lánh ánh vàng, ánh bạc...
Du hành trong không gian động, du khách bắt gặp rất nhiều hình ảnh kỳ thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con đại bàng, cây san hô, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược...
Có lẽ, điều đặc biệt nhất khi bước vào mê cung kỳ diệu này là mỗi người được phát huy trí tưởng tượng phong phú của chính mình. Không nhất thiết phải tuân theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, bất kỳ ai đều có thể tự do và thích thú với những liên tưởng riêng mình.
Ở Ngườm Ngao sau một cơn mưa rừng, chúng tôi bắt gặp dòng suối chảy xiết trong động và những vũng lớn có thể soi bóng các thạch nhũ trên mặt nước. Sau nhiều cung đường leo trèo, lội suối là trải nghiệm chèo bè trong động, chiêm ngưỡng miệng núi lửa, cửa hang tựa như hang Én ở Sơn Đoòng... rất xứng đáng để dân yêu thích khám phá trải nghiệm.
Cảnh quan Cao Bằng. (Ảnh: Hà Anh)
Hương sắc Thu vùng biên
Đến Cao Bằng vào tháng 10, chúng tôi không bỏ qua cơ hội được nhìn ngắm cảnh sắc Thu đặc biệt của miền sơn cước phong thuỷ hữu tình này.
Đó là núi Mắt Thần - cái tên được đặt cho một ngọn núi nằm trong thung lũng Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, đang là một điểm check-in được nhiều người yêu thích.
Ngọn núi này còn được gọi bằng cái tên khác là "núi Thủng" (tiếng Tày là"Phja Piót") do ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như "con mắt" của núi với đường kính hơn 50m.
Núi Mắt Thần nằm gọn trong lòng thung lũng giữa quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Dù chỉ ghé thăm địa điểm này trong chốc lát, nhưng ai cũng kịp thu vào tầm mắt cả khung cảnh hùng vĩ của ngọn núi cùng với một vùng thảo nguyên thơ mộng bên hồ nước xanh trong.
Ngoài núi Mắt Thần, thì cảnh đẹp Phong Nậm - địa danh ở huyện Trùng Khánh cũng là trong những điểm săn ảnh của các nhiếp ảnh gia mỗi độ Thu về.
Đón chúng tôi trước lúc hoàng hôn, thung lũng Phong Nậm khoác lớp áo vàng rộm nổi bật bên núi đồi trùng điệp và dòng sông Quây Sơn uốn lượn như một dải lụa vắt ngang giữa các cánh đồng, rặng tre và nếp nhà của người dân.
Vào đúng mùa gặt, nơi đây hiện lên một khung cảnh đồng quê no ấm, yên bình với những bó nếp thơm treo trước hiên nhà, những cây rơm rạ được xếp hàng ngay ngắn trên những thửa ruộng mới gặt...
Dù là địa danh nổi tiếng, ở Phong Nậm vẫn chưa phát triển dịch vụ du dịch. Anh Phó Chủ tịch xã cho biết, cả xã mới chỉ có một ngôi nhà homestay chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài hay lui tới. Thu nhập chính của người dân nơi đây vẫn là những ruộng lúa, nương ngô và hoạt động đánh bắt cá.
Tuy nhiên, khi khách có nhu cầu trải nghiệm công việc sản xuất, người dân Phong Nậm rất niềm nở và nhiệt tình hướng dẫn. Bà con tiết lộ bí quyết khi thu hoạch lúa nếp, họ phải hái từng bông, rồi phơi trong nhà để gạo nếp giữ nguyên được hương vị, không bị vỡ như tuốt lúa bằng máy.
Một trải nghiệm thú vị khác trong chuyến đi là chúng tôi tới tận vườn để thu hoạch hạt dẻ cùng người bản địa.
Tại những vườn dẻ bạt ngàn của Trùng Khánh, người dân thường dùng sào tre móc cành và rung cho quả chín rụng, hoặc chờ khi hạt đủ độ chín sẽ tự rụng xuống gốc, chỉ việc thu lượm về.
Quả dẻ chín có đường nứt ở vỏ ngoài, bên trong có từ một đến ba hạt. Do bề ngoài vỏ có gai nên người dân mang cây gắp vào vườn nhặt trái và tách hạt tại chỗ. Khi tách lớp vỏ gai bên ngoài ra, hạt dẻ có màu nâu sẫm, lớp lông tơ màu trắng nhạt, nhân có màu vàng, ăn sống có vị thơm ngon và bùi ngậy.
Cùng người dân thu hoạch và thưởng thức hạt dẻ, chúng tôi còn được giới thiệu nhiều đặc sản khác của địa phương, trong đó các các món ăn chế biến từ hạt dẻ như bánh hạt dẻ, xôi, cốm hạt dẻ, rượu nấu từ hạt dẻ...
Chia tay Cao Bằng rồi, những hương vị nồng ấm ấy càng gây thương nhớ trong ngày Thu se lạnh.
Hấp dẫn thác Khe Tiền ở Bình Liêu Thác Khe Tiền nằm ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Thác bắt nguồn từ rừng đầu nguồn Quảng Nam Châu quanh năm xanh tươi, mây phủ. Thác đang là điểm đến mới, thu hút được sự yêu thích của du khách. Với khoảng cách 30km, du khách sẽ đi mất khoảng 1h đồng hồ theo hành trình...