Binh hùng tướng mạnh
Nga sở hữu lực lượng hùng mạnh đóng ngay trên đất Ukraine trong khi chính quyền Kiev bị cho là không đủ lực để giành lại Crimea.
Một số tàu chiến thuộc Hạm đội biển Đen neo tại Sevastopol – Ảnh: Reuters
Quân đội Nga hoạt động tại bán đảo Crimea từ cách đây hơn 200 năm khi Nữ hoàng Catherine xây dựng một căn cứ hải quân ở Sevastopol. Căng thẳng nổ ra giữa Ukraine và Nga về cách phân chia Hạm đội biển Đen sau khi Liên Xô tan rã. Đáng chú ý nhất là vụ binh biến trên tàu tuần tra hải quân 112. Ngày 20.7.1992, thủy thủ đoàn đã treo cờ Ukraine và nhổ neo tiến về thành phố Odessa của Ukraine. Ba tàu trung thành với Nga thuộc hạm đội đã đuổi theo và đâm vào tàu 112. Sau cuộc binh biến, tàu 112 trở thành con tàu đầu tiên của hải quân Ukraine. Ngày 28.5.1997, Nga và Ukraine đồng ý phân chia Hạm đội biển Đen theo tỷ lệ lần lượt 80% và 20%. Thỏa thuận này cho phép Nga thuê cảng Sevastopol đến 20 năm (2017). Hiện tại, cả hải quân Ukraine và Nga đều hoạt động ở Sevastopol.
Thực lực của Hạm đội biển Đen bao gồm một tàu tuần dương tên lửa, một tàu tuần dương chống ngầm, một tàu khu trục và hai khinh hạm, một số tàu đổ bộ và một tàu ngầm chạy diesel. Căn cứ chính của Nga ở Crimea là đại bản doanh của Hạm đội biển Đen và căn cứ của một lữ đoàn lính đánh bộ tại Sevastopol. Ngoài ra, còn có 4 trung đoàn tên lửa ở 4 căn cứ khác nhau, một số trung tâm liên lạc và căn cứ không quân. Lữ đoàn đánh bộ có khoảng 2.500 thủy thủ và khoảng từ 200 đến 300 biệt kích.
Lần giao chiến gần đây nhất của Hạm đội biển Đen là vào tháng 8.2008 khi nổ ra cuộc chiến giữa Nga và Georgia. Trong lúc tham gia sứ mệnh đổ bộ, Hạm đội biển Đen chống 4 tàu Georgia tấn công và đánh chìm 1 tàu chỉ trong 90 giây. Theo tường thuật, Hạm đội biển Đen đã áp sát Georgia chỉ trong vòng 1 ngày sau khi chiến sự nổ ra.
Video đang HOT
Ngày 21.4.2010, Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là Viktor Yanukovych ký hiệp ước Kharkov gia hạn việc thuê Sevastopol đến năm 2042 nhằm đổi lại thỏa thuận bán khí đốt giá rẻ. Hiệp ước Kharkov bị những người Ukraine thân châu Âu phản ứng dữ dội. Chính quyền hiện tại ở Kiev đang đe dọa hủy bỏ hiệp ước Kharkov và đuổi Hạm đội biển Đen khỏi Sevastopol vào năm 2017.
Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn lời Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ quân sự ở Moscow Ruslan Pukhov nhận xét quân đội Ukraine tuy đông đảo và thiện chiến (130.000 binh sĩ thường trực, hơn 1 triệu quân dự bị) nhưng sử dụng khí tài lạc hậu và yếu kém nên khó có đủ khả năng đơn độc giành lại quyền kiểm soát Crimea. Theo ông Pukhov, vũ khí hiện nay của Ukraine chủ yếu là từ thời Liên Xô. “Hơn 20 năm qua, do liên tục suy thoái kinh tế nên Ukraine hầu như không thể đầu tư nâng cấp gì nhiều cho quân đội”, ông Pukhov nói. Có lẽ vì vậy mà hôm 2.3, Đại sứ Ukraine tại LHQ Yuriy Sergeyev tuyên bố nước ông sẽ kêu gọi trợ giúp từ bên ngoài nếu Nga mở rộng hành động quân sự, theo Reuters.
Tuy nhiên, chuyên gia Igor Sutyagin nhận định với The New York Times rằng Nga sẽ không tiến quân thêm đến những nơi khác vì sẽ vấp phải sự chống trả toàn lực của lực lượng Ukraine cũng như đối diện nguy cơ các đối tác bên ngoài nhảy vào.
Theo TNO
Quân Nga tràn vào Crimea
Theo AP và CNN ngày 2.3, một lực lượng lớn quân Nga đã tiến vào bán đảo Crimea của Ukraine và chính quyền Kiev đã gần như mất quyền kiểm soát khu vực này.
Lực lượng được cho là lính Nga hoặc "thân Nga" đã kiểm soát hầu hết bán đảo Crimea - Ảnh: AFP
Tờ Le Monde ngày 2.3 dẫn lời đại diện Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Andriy Paruby cho biết: "Bộ Quốc phòng ra lệnh tổng động viên toàn bộ quân dự bị để đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ sau khi Nga vi phạm các thỏa thuận song phương". Cùng ngày, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố nước này sẽ đóng cửa không phận đối với mọi máy bay phi dân sự, đồng thời nhận định những động thái mới nhất của Moscow là "tuyên chiến". Ông Turchynov kêu gọi cộng đồng quốc tế có những biện pháp thiết thực để hỗ trợ Kiev trước tình hình ngày càng phức tạp ở Cộng hòa tự trị Crimea (Ukraine). Hôm qua, Quốc hội Ukraine đề nghị các nước gửi quan sát viên đến nước này. Ngay sau khi Thượng viện Nga "bật đèn xanh" để Tổng thống Vladimir Putin can thiệp quân sự vào Ukraine, Kiev đã đặt quân đội vào tình trạng báo động và tăng cường biện pháp an ninh đối với các trung tâm hạt nhân và những "vị trí chiến lược" trên toàn quốc.
Đến nay, ông Putin vẫn chưa đưa ra thêm bất kỳ tuyên bố gì về khả năng can thiệp quân sự ở nước láng giềng. Trước đó, trong kiến nghị trình lên thượng viên, Tổng thống Nga đề nghị được động binh "trong trường hợp khẩn cấp" để đảm bảo an toàn cho công dân và lực lượng quân sự của nước này tại Ukraine. Khoảng 60% dân số Crimea là người gốc Nga, trong đó nhiều người có 2 quốc tịch Ukraine - Nga. Le Monde dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết ông Putin sẽ đưa ra quyết định "tùy theo diễn biến tại Crimea". Còn theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigori Karasine, sự phê chuẩn của thượng viện không đồng nghĩa với việc Moscow sẽ nhanh chóng động binh. Văn bản được thông qua chỉ cho biết nước này có thể huy động cả lực lượng của Hạm đội biển Đen đang đồn trú tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea lẫn lực lượng từ Nga. Tới tối qua, chính quyền lâm thời Ukraine kêu gọi Nga ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề Crimea.
Giải pháp liên bang ? Theo Le Monde, những chính trị gia thân Nga ở Kiev đã thảo luận rất nhiều về khả năng "liên bang hóa" Ukraine như một giải pháp "chia cắt không bạo lực" nước này. Ngoài ra, tờ L'Express dẫn nguồn tin riêng cho biết Quốc hội Nga đang xem xét một dự luật giúp tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận những lãnh thổ mới. Thông tin này "vô tình" khớp với việc người biểu tình tại Crimea liên tục kêu gọi chính quyền địa phương tổ chức trưng cầu với 3 lựa chọn chính: tiếp tục là cộng hòa tự trị thuộc Ukraine; trở thành quốc gia độc lập; tái sáp nhập Nga.
Nga "bắt đầu tấn công"
Trong lúc Moscow cùng lúc "treo lơ lửng" cả biện pháp ngoại giao lẫn quân sự đối với Kiev thì tình hình tại Crimea và các khu vực phía đông đang rất nóng bỏng. Nhiều quan chức cấp cao Ukraine khẳng định từ 28.2, khoảng 6.000 binh sĩ Nga đã có mặt tại Crimea. Interfax dẫn nguồn tin quân sự từ Kiev cho biết 2 tàu chiến chống tàu ngầm thuộc Hạm đội Baltic của Nga đã xuất hiện ở vùng biển ngoài khơi thành phố Sevastopol.
Đến tối qua, truyền thông Ukraine dẫn lời một thành viên của đảng UDAR và dân địa phương loan tin quân đội Nga đã bắt đầu "tấn công căn cứ của đơn vị hải quân 39 ở Sevastopol và xe bọc thép chở quân đã vây kín lối vào căn cứ". "Một sĩ quan Ukraine đã bị bắt làm tù binh. Một tòa nhà bốc cháy và đã có tiếng nổ lớn", một nguồn tin tại chỗ cho hay.
Chưa hết, theo Bộ Quốc phòng Ukraine, ngày 2.3, nhiều tay súng người Nga đã tịch thu vũ khí tại một căn cứ quân sự ở thành phố Sudak. Cơ quan này cũng cho biết khoảng 1.000 tay súng (không rõ quốc tịch) đã phong tỏa lối ra vào của một căn cứ bộ binh Ukraine ở Perevalne (Crimea) và bắt buộc binh sĩ ở đây giao nộp vũ khí. Theo AP, nhóm quân nhân bao vây căn cứ này đang sử dụng ít nhất 13 xe quân sự và 4 xe bọc thép được trang bị nhiều súng máy hạng nặng. Hiện Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về những thông tin nói trên.
Cũng trong ngày 2.3, theo kênh truyền hình RT, soái hạm Hetman Sahaydachniy của Ukraine bất ngờ quay lưng với Kiev và giương cờ hải quân Nga sau một đợt tuần tra ở vịnh Aden. Đại diện Hội đồng Quốc phòng và Đối ngoại thuộc Thượng viện Nga Igor Morozov xác nhận tàu chiến này đã "đứng về phía Nga". Giới quan sát nhận định cú "chuyển hướng" đột ngột của tàu Hetman Sahaydachniy cảnh báo nếu quan hệ giữa Kiev với Moscow tiếp tục căng thẳng, có khả năng Ukraine sẽ còn hao hụt lực lượng do các tướng lĩnh hoặc binh sĩ ủng hộ Nga đào ngũ. Bằng chứng là RIA-Novosti đưa tin nhiều binh sĩ Ukraine đóng tại Crimea đã bỏ ngũ hoặc tham gia lực lượng tự vệ của chính quyền Crimea, vốn đang muốn tăng quyền tự trị và thậm chí là ly khai khỏi Ukraine. Một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Kiev đã mất kiểm soát ở Crimea là việc quân đội nước này rút 2 tàu tuần duyên khỏi Crimea và di chuyển tới cảng biển khác ở biển Đen, theo Reuters.
Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Crimea Vladimir Konstantinov cho biết ngoài bán đảo Crimea, nhiều thành phố ở miền đông và nam Ukraine cũng tổ chức biểu tình ủng hộ Nga trong dịp cuối tuần qua. Hàng chục ngàn người đã biểu tình tại Kharkov trong ngày 1.3. Trước trụ sở chính quyền thành phố này đã xảy ra đụng độ giữa khoảng 300 người biểu tình thân Nga và những người ủng hộ chính phủ lâm thời, làm ít nhất 97 người bị thương, theo hãng tin Itar-Tass. Người biểu tình còn đợi đêm xuống để đặt cờ Nga kế cờ Ukraine ở nhiều cơ quan chính phủ của Kharkov và các thành phố khác như Donetsk, Odessa, Dnipropetrovsk...
Nga có thể bị loại khỏi G8 Trước những tuyên bố cứng rắn của Nga, trả lời kênh truyền hình NBC ngày 2.3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Moscow có thể đánh mất vị trí trong nhóm G8 nếu tiếp tục ý định can thiệp quân sự vào Ukraine. Ông còn nặng lời chỉ trích Moscow đang có "hành động hung hăng". Tuy nhiên, trong thông cáo trước đó, ông Kerry tuyên bố Nga vẫn sẽ được mời tham dự những cuộc họp sắp tới của các tổ chức quốc tế và khu vực về Ukraine để trình bày quan điểm về các lợi ích chiến lược của nước này. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington "tôn trọng quan hệ lâu đời giữa Nga và Ukraine cũng như những lo ngại về tình hình an ninh của công dân và căn cứ quân sự Nga tại Crimea". Hiện cả Mỹ, Anh và Pháp đều tuyên bố tạm hoãn quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến được tổ chức tại Sochi (Nga) vào tháng 6. Theo Le Monde, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Nga sẽ bị cô lập về chính trị và kinh tế nếu tiếp tục "có hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine. Đáp lại, ông Putin khẳng định Moscow có quyền bảo vệ quyền lợi và cộng đồng nói tiếng Nga trong trường hợp bạo lực bùng nổ ở miền đông Ukraine. Hôm qua, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cáo buộc Nga "đe dọa hòa bình và an ninh của châu Âu" còn Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi ông Putin đàm phán khẩn cấp với Kiev để giảm căng thẳng.
Theo TNO
Nga sẽ dùng chiến thuật gì nếu đánh Ukraine? Các chuyên gia quân sự quốc tế nhận định rằng nếu đánh Ukraine, Nga sẽ nhắm vào khu tự trị Crimea và khu vực miền đông của Ukraine và lực lượng vũ trang Ukraine tỏ ra "yếu ớt so với Nga" nếu định giành lại Crimea. Bản đồ khu tự trị Crimea với căn cứ không quân và căn cứ hải quân của...