Bình Dương vay tiền xử lý rác sinh hoạt thành phân bón, phát điện
Là tỉnh có công nghiệp và đô thị hóa phát triển nhanh nên sức ép về xử lý rác thải, nước thải rất lớn nhưng Bình Dương đã chủ động sử dụng nhiều nguồn vốn để chủ động nắm bắt công nghệ, biến rác thải thành phân bón, điện năng bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành chứng kiến Ngân hàng phát triển Châu Á và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản ký thỏa thuận cho vay triển khai dự án xử lý rác thải thành phân bón và phát điện – Ảnh: B.SƠN
Ngày 9-12, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã chứng kiến thỏa thuận cho vay giữa Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với Công ty nước – môi trường Bình Dương (BIWASE) để đầu tư dự án xử lý rác thải đô thị và rác thải công nghiệp, biến rác thành phân bón hữu cơ, phát điện.
Khoản vay trị giá 20 triệu USD (hơn 460 tỉ đồng) lần này gồm 7 triệu USD từ các nguồn vốn thông thường của ngân hàng ADB, 6 triệu USD từ Quỹ cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân hàng đầu Châu Á do ADB quản lý và 7 triệu USD từ JICA do ADB sắp xếp.
Video đang HOT
Khoản vay này sẽ giúp Bình Dương có thêm nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác công suất 840 tấn/ngày và lò đốt rác có công suất phát điện thêm 5MW/giờ.
Khi dự án được hoàn thành, toàn bộ rác thải sinh hoạt được tập kết về khu liên hợp xử lý rác thải tỉnh Bình Dương (trên 2.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, hiện công suất xử lý mới đạt 1.700 tấn/ngày) sẽ được phân loại toàn bộ và tái chế làm phân hữu cơ, qua đó giảm thiểu số lượng rác thải chôn lấp.
Đối với lò đốt rác thu nhiệt phát điện được tài trợ vốn vay của đối tác quốc tế, dự án tại Bình Dương sẽ được đầu tư công nghệ tiên tiến, qua đó xỉ tro còn lại thấp và xỉ tro này sẽ tiếp tục được tái chế ra các loại gạch, bê tông để bảo vệ môi trường.
Một máy phát điện từ xử lý rác thải tại khu liên hợp xử lý rác thải tỉnh Bình Dương. Dự kiến toàn bộ rác thải sinh hoạt được tập kết về khu liên hợp này sẽ được xử lý, tái chế chứ không chôn lấp – Ảnh: B.SƠN
Trước đó, ngân hàng ADB và JICA cũng từng cho Công ty nước – môi trường Bình Dương vay tổng cộng 36 triệu USD không qua bảo lãnh Chính phủ (doanh nghiệp tự chủ và tự trả vốn) để thực hiện các dự án xử lý rác thải và nước thải.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương – cho biết trước đây các cơ quan quốc tế cho vay với các dự án xử lý nước thải, rác thải để bảo vệ môi trường phải có sự bảo lãnh của Nhà nước.
Tuy nhiên, khoản vay 20 triệu USD lần này, cũng như một số khoản vay trước đó được Ngân hàng ADB và JICA Nhật Bản cho vay không thông qua bảo lãnh Chính phủ. Qua đó đã giúp giảm áp lực nợ công và cho thấy các dự án môi trường tại Bình Dương có hiệu quả, tạo được niềm tin và đạt tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác quốc tế.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án đúng pháp luật, minh bạch và có chính sách phù hợp để dự án đạt hiệu quả kinh tế, có thể tự chủ kinh phí hoàn trả vốn vay.
Bảo vệ môi trường Công viên địa chất Non nước Cao Bằng
Ngày 7/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi "Sáng kiến Bảo vệ môi trường" trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng năm 2022.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng trao Giấy chứng nhận cho các sáng kiến đạt giải Nhất (Khối Trung học cơ sở).
Theo ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của học sinh, đoàn viên thanh niên và cộng đồng về việc giữ gìn, bảo vệ môi trường; hướng tới xây dựng lối sống xanh, chung tay bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua cuộc thi, tỉnh Cao Bằng sẽ tìm ra những sáng kiến, giải pháp hiệu quả có thể áp dụng trong thực tiễn, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong vùng công viên địa chất nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung...
Bên cạnh đó, cuộc thi cũng là một sáng kiến góp phần hiện thực hóa các lĩnh vực trọng tâm của Công viên địa chất toàn cầu và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc như thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai và tai biến địa chất, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên...
Được phát động từ ngày 15/10 - 25/11, cuộc thi "Sáng kiến Bảo vệ môi trường" trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng năm 2022 đã nhận được 66 sáng kiến dự thi (cấp Trung học Cơ sở có 48 sáng kiến, cấp Trung học Phổ thông có 18 sáng kiến).
Nhóm học sinh Trường THCS Hợp Giang, thành phố Cao Bằng thuyết trình sáng kiến Thiết bị thu gom rác tự động trên khu vực nước lặng.
Sau vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 20 sáng kiến vào vòng chung kết. Trong đó có những sáng kiến về giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức tại trường học và địa phương; phân loại xử lý rác thải; sản phẩm tái chế và vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm thiết kế sử dụng công nghệ thông minh... Có những sáng kiến đòi hỏi sự kỳ công nghiên cứu hoặc đã triển khai tại nhà trường như: Thiết bị thu gom rác tự động trên khu vực nước lặng; Sử dụng lò đốt rác thân thiện để xử lý rác thải trong trường học; Hệ thống xả nước tiện ích nhà vệ sinh; Tháp đá bảo vệ môi trường....
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức trao 2 giải Nhất cho Trường Trung học cơ sở Hoàng Tung (huyện Hòa An) với sáng kiến Hệ thống xả nước tiện ích nhà vệ sinh và Trường Trung học phổ thông Đàm Quang Trung (huyện Hà Quảng) với sáng kiến Tháp đá bảo vệ môi trường. Ban Tổ chức cũng trao 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 8 giải Khuyến khích và các giải phụ cho những sáng kiến lọt vào vòng chung kết.
'Thảm họa' rác thải sau những phiên chợ đêm phố cổ Hà Nội Sau mỗi đêm phiên chợ diễn ra, khi các ki ốt bán hàng thu dọn, cảnh rác thải vứt bừa bãi trên các tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường... Chợ đêm phố cổ Hà Nội - "chợ phiên" đặc biệt giữa lòng phố cổ từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc, thu hút người dân...