Bình Dương sau “bão”
Về Bình Dương sau sự kiện công nhân phản đối Trung Quốc bị những kẻ đục nước béo cò biến thành vụ phá hoại các nhà máy, chúng tôi cảm nhận phảng phất đâu đó sự bàng hoàng còn đọng lại trên gương mặt của người dân.
Nhiều công nhân cố gắng né tránh các câu hỏi về sự việc đó. Họ nhận ra rằng tình yêu nước cũng có thể bị lợi dụng bằng những cách không ai ngờ.
Đám đông bị lợi dụng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ việc xảy ra bắt đầu từ Công ty Thông Dụng (phường An Phú, thị xã Thuận An) trong hai ngày 12 và 13/5/2014 rồi lan ra khắp tỉnh Bình Dương.
Công ty Hàn Quốc trở lại làm việc
Buổi chiều, công nhân chuẩn bị ăn cơm chiều thì xuất hiện lời kêu gọi tuần hành chống Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. Công đoàn đã giải thích cho công nhân phải bình tĩnh.
Công ty này có 8.600 công nhân, 300 người không ăn cơm, bỏ về nhà. Công ty này do Đài Loan đầu tư, nhưng theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương trong công ty có một số chuyên gia người Trung Quốc. Trước tình hình lộn xộn, công ty và công đoàn cho anh em công nhân về nghỉ.
Một nhóm chừng vài trăm người, họ gồm công nhân và nhiều người lạ mặt không phải công nhân, kéo đi đập cửa các công ty khác trong khu công nghiệp kêu gọi. Khoảng 3 giờ liền không ai hưởng ứng, vì công nhân vẫn còn làm việc. 8 giờ tối, nhóm này kéo lại công ty gây rối. Bấy giờ lãnh đạo công đoàn đã họp trong đêm, kêu gọi công nhân thể hiện lòng yêu nước đúng pháp luật.
Ngày 13/5, nhóm kích động đã lôi kéo được công nhân 4 xưởng trong số 7 xưởng đi tuần hành. Đoàn công nhân khoảng 5.000 người đi các nơi, trong khi 3.000 người khác bỏ về nhà. “Ban đầu, đoàn người chỉ hô hào chống Trung Quốc ôn hòa. Họ xô cửa, gõ cửa các công ty. Nhiều người đều nghĩ rằng đây là cuộc tuần hành yêu nước nên tham gia” – các công nhân ở Thuận An cho biết.
Một cán bộ công đoàn cơ sở nói: “Sau vụ việc xảy ra ở Bình Dương, người công nhân mới thấy cần phải đoàn kết với nhau hơn. Cần phải trao đổi thông tin với nhau để biết đúng sai, biết bảo vệ sản xuất và không bị cuốn theo những kẻ kích động”.
Đoàn người tuần hành ngày càng đông và như phản ứng dây chuyền tuần hành nổ ra hầu như khắp tỉnh Bình Dương.
“Ngày 13/5, đoàn tuần hành lên tới 15.000 người – ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết – Sở dĩ công nhân tham gia vì họ nghĩ đây là tuần hành yêu nước, không hề biết mình đang bị kẻ xấu lợi dụng”.
Anh Hòa, bảo vệ một công ty ở Khu sản xuất Bình Chuẩn kể: “Công ty chúng tôi do vợ chồng người Đài Loan làm chủ. Ban đầu đoàn tuần hành vào kêu gọi công nhân đi tuần hành, vợ chồng giám đốc còn đứng ở sân để xem, không nói gì. Khoảng 3 tiếng sau, họ quay lại, xô cửa đập phá, anh em trong công ty vội chở vợ chồng giám đốc về thành phố cho an toàn”.
Mọi việc thực sự xấu đi vào tối ngày 13/5. Nhân lúc trời tối, các công ty lại không còn ai quản lý nữa, do ban lãnh đạo đã rời khỏi khu công nghiệp, kẻ xấu bắt đầu ra tay. “Trong đêm, chúng tổ chức đập phá rất nhiều công ty, ăn cắp tài sản, tiền bạc – ông Nhân nói – đến rạng sáng, chúng chia nhau đi đốt các công ty”.
Video đang HOT
Việc phá hoại tài sản và cướp bóc, đốt phá các công ty chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Nhiều nhân chứng cho biết: “Chúng là đầu gấu, không phải công nhân. Chúng xăm trổ đầy mình, luôn miệng gào thét kích động công nhân đốt phá, còn chúng thì trộm cắp, tẩu tán tài sản”.
Kẻ xấu kêu gọi công nhân về chính công ty của mình để trộm cắp, do số công nhân này biết rõ địa hình và các phòng ban. “Nhiều công nhân rất sợ bọn đầu gấu, nhưng không dám làm gì”.
Một số bảo vệ công ty ở Thuận An nói: “Chúng tôi không có công cụ hỗ trợ không biết đối phó ra sao. Chúng tôi chỉ biết đứng nhìn”.
Hậu “bão”
Đi về các khu công nghiệp, các nhà máy, chúng tôi nhìn thấy dấu vết của sự đập phá vẫn còn đó. Người dân sống quanh các khu công nghiệp vẫn còn thảng thốt: “Cảnh tượng thật kinh hoàng, lửa cháy, tài sản bị lấy đi”. Giờ đây, các chợ các cửa hàng trước nhà máy đã mở lại, nhưng vẫn còn hiu hắt.
Thái độ của công nhân khá dè dặt. Một cán bộ làm việc ở khu công nghiệp cho biết: “Nhiều công nhân cảm thấy ân hận khi bị kẻ xấu xúi giục phá công ty. Giờ quay lại làm trong chính công ty ấy, họ không muốn nhắc đến những ngày tuần hành đó nữa”.
Chị Trúc, một cán bộ làm việc ở tỉnh cho biết: “Một số công ty thậm chí hạn chế gặp gỡ các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí. Họ chỉ muốn những chuyện không vui ấy qua đi càng sớm càng tốt”.
Cho đến thời điểm này, Công an Bình Dương đã khởi tố 117 vụ án, 259 đối tượng với các hành vi trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng…
Một số công nhân nói với tôi: “Ai mà chẳng đi tuần hành hả anh! Nhưng chúng em không bao giờ là những kẻ ăn cắp”. Sự thật bẽ bàng, từ cuộc tuần hành yêu nước đã bị kẻ xấu biến thành vụ phá hoại và giờ đây người tuần hành với động cơ tốt đẹp lại bị liên quan đến những kẻ phá hoại.
Hiện nay, việc tính toán thiệt hại của các công ty ở Bình Dương vẫn còn tiếp tục. Ngoài hàng loạt công ty nước ngoài bị thiệt hại, nhiều công ty Việt Nam cũng bị vạ lây và thiệt hại không nhỏ. Điển hình là công ty Đông Hưng, Đại Thuận…
Một cán bộ tỉnh Bình Dương cho biết việc hạn chế tổn thất thành công nhất trong vụ việc lợi dụng lòng yêu nước của công nhân để phá hoại ở Bình Dương đó là hạn chế tối đa thiệt hại về người. Tuy vậy, nhiều vấn đề khác cũng cần được nhìn nhận, đó là việc tổ chức công nhân trong các khu công nghiệp như thế nào để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc khi họ bị kẻ xấu lợi dụng.
Quá bất ngờ
Một cán bộ tỉnh Bình Dương cho biết: “Bọn phá hoại có mưu mô. Chúng gây rối ở một số khu công nghiệp gây chú ý của mọi người, trong khi đó chúng lại cướp phá những khu công nghiệp khác. Do vậy, cơ quan chức năng cũng vất vả trong đối phó”. Kẻ xấu đã lợi dụng đám đông, lẫn lộn trong đám đông bị kích động, khiến việc xử lý trở nên nhạy cảm bởi công nhân dễ hiểu nhầm là nhà nước trấn áp tuần hành của người yêu nước.
Tổ chức công đoàn cho biết thắng lợi lớn nhất của họ là giảm được thiệt hại về người. Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói: “Chỉ có một chuyên gia Trung Quốc bị chết. Người này không bị đánh mà do đi trốn nên bị ngạt”. Công nhân các công ty đã sơ tán được toàn bộ chuyên gia và ban giám đốc chủ yếu là người Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật … khỏi các vụ gây rối một cách an toàn.
Nhiều người cũng cho rằng sự việc xảy ra bất ngờ, ngoài sự dự tính của công ty và lực lượng bảo vệ. Anh Quốc, làm tại một công ty ở Tân Uyên cho biết: “Không hiểu bằng cách nào chúng lại lôi kéo được một số công nhân trong công ty ra đi tuần hành rồi bất ngờ quay lại phá chính nhà máy của mình”. Theo nhiều công nhân thì những kẻ phá hoại, ngoài bọn côn đồ còn có những công nhân từng bị sa thải, đuổi việc.
Các bảo vệ công ty thở dài: “Bọn phá hoại quá đông. Công an theo dõi để bắt những kẻ phá hoại vào ngày hôm sau. Nhiều kẻ gian đã phải đem tài sản công ty đến nộp rồi”. Chỉ riêng Công an phường Thuận Giao, TX.Thuận An khi tuần tra tại các khu nhà trọ trên địa bàn đã thu hồi 6 đầu CPU, 6 màn hình vi tính, 2 tủ lạnh, 230 máy may công nghiệp, 1 thùng bàn máy may, 8 thùng quần áo, 14 thùng giầy…
Các cơ quan điều tra đang làm việc để tìm nguyên nhân đằng sau vụ việc phá hoại sản xuất ở Bình Dương. Một số doanh nghiệp cho biết hợp đồng bị ảnh hưởng, nguyên liệu mất, dây chuyền thiết bị phải mất nhiều thời gian mới khôi phục được.
Khôi phục sản xuất
Các công nhân ở khu công nghiệp cho biết việc khôi phục sản xuất diễn ra nhanh. “Chỉ sau một ngày sự việc diễn ra, chúng tôi đã đi làm bình thường” – Công nhân ở Thuận An cho biết. Các công nhân tại khu sản xuất Bình Chuẩn cũng kể: “Lãnh đạo công ty chúng tôi là người Đài Loan, quyết sống chết với công ty. Ngay hôm sau ông đã trở lại làm việc mà không hề sợ những kẻ phá rối”.
Khi đến làm việc tại Công đoàn Khu công nghiệp, chúng tôi được anh Ngọc Vân làm ở Ủy ban Kiểm tra cho biết hơn 95% công nhân ở Bình Dương đã trở lại làm việc. Các công ty cho biết “đang động viên công nhân làm tăng ca để kịp hoàn thành khối lượng hàng hóa xuất khẩu”.
Lãnh đạo tỉnh nói ngành bảo hiểm xã hội Bình Dương dự kiến chi khoảng 650 tỷ đồng trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp ốm đau cho công nhân các doanh nghiệp bị đốt phá.
Cần thủ lĩnh công đoàn
Theo anh Hỗ, làm việc ở một công ty bị phá cho biết: “Người đi tuần hành rất đông, nhưng những kẻ vào công ty phá rối không nhiều. Phần lớn mọi người chỉ đứng ngoài hàng rào. Kẻ xấu lợi dụng cướp phá vào lúc chập tối, khi công nhân đã ra về”. Tuy vậy, anh cũng “rất buồn vì tham gia phá hoại có kẻ là công nhân trong công ty”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng một tỉnh có hàng trăm ngàn công nhân làm trong các khu công nghiệp và rải rác các doanh nghiệp, vậy ai sẽ quản lý, ai sẽ lãnh đạo công nhân và lý do gì mà kẻ xấu lại có thể lợi dụng được công nhân dễ dàng như vậy?
Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, công đoàn trong các khu công nghiệp, các nhà máy hoạt động rất tốt theo pháp luật hiện hành, song: “Công đoàn cơ sở chỉ mới lo được việc phát triển sản xuất của công ty, chăm lo đời sống của công nhân, còn việc phổ biến thông tin xã hội, đời sống đất nước bên ngoài nhà máy còn hạn chế. Người công nhân suốt ngày làm việc, ít được tiếp xúc với thông tin thời sự và chủ trương đường lối của nhà nước nên đã bị kẻ xấu lôi kéo và lợi dụng”.
Một số công nhân cho rằng “Công đoàn ở các nhà máy phần lớn kiêm nhiệm nên không thật nhiệt tình, một số khác lại hưởng lương của nhà máy, nên việc đại diện quyền lợi của công nhân lâu nay rất mờ nhạt”.
Khi xảy ra sự việc tuần hành bị lợi dụng biến thành phá hoại, loa công đoàn phát đi lời kêu gọi công nhân bình tĩnh, nhưng lời tuyên bố của công đoàn nhà máy bị chìm lấp trong đoàn người hỗn loạn nên hiệu quả chẳng đáng là bao.
Không ít công nhân mặc áo xanh mà vẫn đi theo sự chỉ đạo của những kẻ xấu xăm trổ đầy mình phá hoại và cướp bóc chính nhà máy của mình.
Theo ông Bùi Thanh Nhân, không phải công nhân nào cũng tham gia công đoàn, việc phát triển công đoàn cả về số lượng và chất lượng vẫn cần được chú trọng hơn nữa.
Theo Tiền Phong
Trung Quốc nên tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ thay vì gây hấn với các nước
Trang Tân Đường Nhân (tiếng Trung) có trụ sở ở Mỹ vừa có bài viết đề cập đến việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép tại Biển Đông ngay vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - Phòng Phong Huy đã có chuyến thăm tới Mỹ, hai bên đã có những lời lẽ lớn tiếng dành cho nhau trước vấn đề Biển Đông mà dường như không bên nào nhường bên nào. Theo đó, vì sao Trung Quốc lại có một thái độ cứng rắn như vậy và điều này liệu có làm phát sinh một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, là điều mà dư luận đang hết sức quan ngại.
Mặc dù phía Việt Nam đã có nhiều hoạt động phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng vào ngày 15/05/2014, Phòng Phong Huy sau buổi hội đàm cùng với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Dempsey ngoan cố nói, Trung Quốc không rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Người dân Sài gòn xuống đường phản đối Trung Quôc
Sau đó, trong cuộc họp báo vào ngày 16/05/2014 ông Phòng còn lớn tiếng chỉ trích chiến lược tái cân bằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ mang lại bầu không khí căng thẳng cho khu vực này, đáp lại, Mỹ cho biết chiến lược của mình không nhằm vào Trung Quốc.
Mỹ chỉ trích hành động khiêu khích của Trung Quốc
Nhà Trắng ngày 16/05/2014 cho biết, việc Trung Quốc đặt giàn khoan ngoài Biển Đông là một hành động mang tính khiêu khích, phá hoại mục tiêu chung là giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và duy trì trật tự và ổn định trong khu vực, hơn nữa còn làm cho tình hình căng thẳng leo thang. Mỹ gọi đây là một "hành động nguy hiểm".
Reuters dẫn lời một quan chức quân sự giấu tên của Mỹ cho biết, quy tắc trong hành động của Trung Quốc dường như là cho thấy Trung Quốc chỉ muốn giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông qua vũ lực và đe dọa. Hành động của Bắc Kinh thực sự chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Nhà phân tích James - Hardy cho biết trên tờ Jane's Defense Weekly rằng, hành động của Trung Quốc hiện nay là nguy hiểm. Ông cho rằng, theo truyền thống, và trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, bất luận là tại Đông Á với mục tiêu là Nhật Bản hay là Biển Đông thì rõ ràng Trung Quốc đang cố gắng để cải thiện vị thế của mình trong khu vực Châu Á.
Một quan chức quân sự Mỹ cho rằng, "vấn đề cơ bản" là Mỹ phải chờ xem mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc là gì để một lần nữa đặt nó vào tầm ngắm của họ.
Bình luận viên thời sự nổi tiếng, chủ biên tập "Trung quốc sự vụ" - Ngũ Phàm nói về hành động ngang ngược của Trung Quốc rằng đối với việc chăm chăm vào tình hình căng thẳng ngoài Biển Đông thì việc mà chính quyền Trung Quốc cần làm bây giờ là: "Ngày kỷ niệm Thiên An Môn 04/06/2014 đã đến, những người ủng hộ dân chủ trong nước đã bắt đầu đưa ra nhiều tiếng nói khác nhau. Trong đó các khẩu hiệu đều than phiền về nền kinh tế bất ổn, xã hội hỗn loạn, đình công ở nhiều nơi. Do đó điều Trung Quốc cần làm hiện nay là nên gác lại những bất đồng với thế giới bên ngoài, tập trung đề cao chủ nghĩa dân tộc trong nước".
Liệu Mỹ - Trung Quốc có phát sinh xung đột?
Ngũ Phàm cho rằng, mặc dù cả hai bên Mỹ và Trung đều không nhượng bộ trước vấn đề Biển Đông, nhưng nhất định sẽ không phát sinh xung đột. Cả hai bên sẽ "siết chặt con ốc quan hệ, nhưng sẽ không siết đứt nó".
Ngũ Phàm cho rằng: "Cả hai bên (Trung và Mỹ) đều không muốn chiến tranh, đặc biệt là Tổng thống Obama lại càng không. Obama hiện nay đang phải giải quyết các vấn đề liên quan đến Châu Âu, rồi Ukraine, Syria và Iran. Nếu nơi nào cũng gây chiến, thì đó là điều không thể".
CTV Nguyễn Việt (Theo NTDTV)
Công an đang xác minh người lạ đi từng nhà dụ tuần hành ở Hà Nội Có tin cho biết ở vùng ven Hà Nội đang xuất hiện những kẻ đi từng nhà vận động dụ dỗ người dân tham gia vào cuộc tuần hành ngày 18/5 tới. Hình ảnh vụ tuần hành ở Bình Dương của công nhân. Ban đầu cuộc tuần hành là ôn hòa nhưng những kẻ xấu và quá khích đã nhân đà đập phá...