Bình Dương đề xuất lập đồn công an tại các khu công nghiệp
Chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, hiệp hội chế biến gỗ, may mặc và đại diện các doanh nghiệp, chủ đầu tư tại tỉnh Bình Dương. Động thái này nằm trong một loạt những nỗ lực của Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn và có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại vì những kẻ lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc, đã đập phá khiến hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng.
Tại buổi tiếp xúc, ông Lee Jong Hoe, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, hiện vấn đề các doanh nghiệp quan tâm là chăm lo cho công nhân lao động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Bình Dương đề xuất lập đồn công an tại các khu công nghiệp.
“Việc khôi phục lại tình hình an ninh trật tự, đảm bảo quyền lợi hợp pháp về tính mạng và tài sản, không để tái diễn những sự cố như vừa qua sẽ giúp ổn định tình hình, giúp các doanh nghiệp hoạt động an toàn. Như vậy, tỉnh Bình Dương chắc chắn sẽ nhanh chóng khôi phục niềm tin và hình ảnh về môi trường đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lee Jong Hoe nói.
Tương tự, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM Yamaguchi Kimio bày tỏ, việc các doanh nghiệp được hỗ trợ, đảm bảo tuyệt đối an toàn sẽ là những thông điệp truyền tải cho thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng Việt Nam là một môi trường đầu tư ổn định, an toàn.
Ông Hàn Vay Chi, chủ đầu tư khu công nghiệp Việt Hương cho biết, hiện khu công nghiệp có 80% là doanh nghiệp Đài Loan và hơn 95% trong số đó đã hoạt động trở lại. Ông cho biết là một nhà đầu tư có mặt từ năm 1995 và ông hiểu các doanh nghiệp tại khu đánh giá rất cao về môi trường đầu tư, các chính sách của tỉnh.
“Chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ về sự cố đáng tiếc, xảy ra ngoài ý muốn. Các doanh nghiệp đều mong muốn tiếp tục đầu tư, làm ăn tại Bình Dương. Trong thời gian tới sẽ có 2 đoàn khảo sát đến Bình Dương để tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh”, ông Hàn Vay Chi chia sẻ.
Chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã gặp phải sau sự cố đáng tiếc vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết triển khai mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn sức khoẻ, tài sản của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang đến đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, trong thông báo số 207, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo địa phương cần xử lý đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất; tiêu thụ được sản phẩm hàng hoá của mình. Nhất là các doanh nghiệp bị mất hồ sơ, giấy tờ các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Video đang HOT
Về bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại cần tạo điều kiện với thủ tục đơn giản hơn; vận dụng các hình thức hỗ trợ các thiệt hại cho doanh nghiệp. Hay giúp giảm, giãn thuế hoặc chậm nộp các khoản thuế liên quan, hoàn thuế đối với các sản phẩm, hàng hoá đã bị cháy, thiệt hại…
Về nhóm giải pháp về tín dụng, ngân hàng sẽ xem xét từng khoản cho vay, hạn mức, lãi suất và tăng thêm tín dụng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhóm giải pháp về lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có đủ lao động; kể cả tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa lao động từ nước ngoài vào Việt Nam. Đối với người lao động, Chính phủ chỉ đạo phối hợp giải quyết chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công an, VKSND khẩn trương điều tra, làm rõ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, tìm cách thu hồi các tài sản của doanh nghiệp.
“Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước trong việc xây dựng môi trường thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm cho lao động. Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi để có sự chỉ đạo kịp thời nhằm sớm khôi phục tình hình sản xuất kinh doanh, khôi phục môi trường sản xuất kinh doanh an toàn, thân thiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định tỉnh sẽ triển khai kịp thời có hiệu quả thông báo số 207 của Thủ tướng Chính phủ để sớm hỗ trợ cho doanh nghiệp; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp an tâm quay lại sản xuất kinh doanh.
“Các hành vi vi phạm pháp luật của hàng trăm người đang được củng cố hồ sơ để sớm đưa ra xét xử nghiêm minh theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua”, ông Cung khẳng định.
Chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng thông báo sẽ tiếp thu đề xuất của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời xử lý tình huống có thể xảy ra. Theo đó tỉnh sẽ thành lập đội bảo vệ các doanh nghiệp, xây dựng môi trường hài hoà giữa chủ doanh nghiệp và người lao động để chung sức cùng nhau bảo vệ sức khoẻ, tài sản của doanh nghiệp.
“Bình Dương đã xin ý kiến Chính phủ, Bộ Công an để thành lập thêm các đồn công an tại các khu, cụm công nghiệp để kịp thời phối hợp công an các địa phương kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp an tầm đầu tư, sản xuất kinh doanh”, ông Lê Thanh Cung nói.
Theo VnExpress
Gặp Tư lệnh đầu tiên của cảnh sát biển Việt Nam
Suốt thời gian qua, khi biển Đông lại nổi sóng, Đại tá Hồ Minh Giáp - vị Tư lệnh đầu tiên của lực lượng Cảnh sát biển không bỏ lỡ bất cứ thông tin nào xung quanh vụ giàn khoan Hải Dương-981.
Ra đời 16 năm, với lực lượng CSB non trẻ, cuộc đụng độ với Trung Quốc ở giàn khoan Hải Dương-981 là nhiệm vụ khó khăn nhất cho đến giờ. Nhưng cựu Tư lệnh Hồ Minh Giáp nói ông tin vào những người chiến sĩ Cảnh sát biển, những người sẽ bám trụ tới cùng, bảo vệ chủ quyền vùng biển của đất nước....
Ký ức của người tiên phong
"Sở dĩ tôi tin như vậy bởi những người lính cảnh sát biển (CSB) chúng tôi hiểu rõ lắm sự quan trọng của chủ quyền biển đảo đối với đất nước. Biển Đông là nguồn sống của hàng triệu người dân ở khắp 30 tỉnh ven biển; cũng là một phần vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai. Yêu vùng biển này, bảo vệ nó bằng cả mạng sống của mình là bài học đầu tiên mà những người lính CSB phải thuộc trước khi gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp này" - vị cựu Tư lệnh Cảnh sát chia sẻ trong những ngày biển Đông đang dậy sóng.
Tháng 8/1998, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập lực lượng CSB. Từ khi ra đời, CSB Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, đảm bảo sự an toàn cho hoạt động của ngư dân trên biển và giám sát việc chấp hành luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thanh viên trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Các cán bộ chiến sĩ trên tàu 8003 vận hành các thiết bị truyền tín hiệu về trung tâm chỉ huy BTL Cảnh sát biển. Ảnh: CSB
Những ngày đầu, lực lượng CSB Việt Nam chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ của cơ quan cục, cùng với 2 vùng CSB, chỉ có thể hoạt động ở những vùng biển gần đất liền. Doanh trại cho cán bộ chiến sĩ, cầu cảng, cơ sở vật chất cho tàu bè hoạt động đều không có.
Đại tá Hồ Minh Giáp kể, khi nhận nhiệm vụ mới, ông cùng với những nhân sự đầu tiên của CSB đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: "Thời gian đầu, cả Cục chỉ được cấp cho 2 xe ô tô, một xe 12 chỗ, 1 xe 4 chỗ cho cá nhân tôi - Cục trưởng. Nhưng cái xe 4 chỗ đó một thời gian dài được trưng dụng thành xe chung của cả Cục. Hầu như ngày nào Cục cũng phải cử người lên họp ở Hà Nội... Những ngày đầu cũng không có tiền công tác phí, đi công tác cùng nhau, nếu anh em cấp dưới mời bữa sáng, tôi sẽ mời bữa trưa, nhưng ai cũng vui vẻ".
Những người lính tiên phong xây dựng lực lượng những ngày đầu đã phải khắc phục những khó khăn đó, không quản ngại lặn lội suốt dọc bờ biển từ Đông Bắc đến Tây Nam để khảo sát vị trí đóng quân, xây dựng cầu cảng.
Một trong những điều khiến Đại tá Hồ Minh Giáp tự hào nhất trong giai đoạn đầu xây dựng lực lượng là việc vượt khó, hoàn thiện dần đội hình tàu xuồng cho các hải đội CSB. Thay vì mua tàu của nước ngoài với giá thành cao, thuế suất nặng, Đại tá Hồ Minh Giáp đã mạnh dạn đề nghị đặt hàng sản xuất tàu xuồng trong nước từ chính các công ty, các nhà máy của Bộ Quốc phòng như Z189 của Quân khu 3, công ty Hồng Hà, công ty Xuân Thu...
Những xí nghiệp này, ban đầu chỉ là nơi sản xuất các vật dụng cơ giới vận tải đơn giản, nhưng sau khi được CSB đề nghị phối hợp đã mạnh dạn cử người đi học nước ngoài để thực hiện chiến lược cung cấp tàu xuồng lâu dài cho toàn lực lượng. Trong quá trình đó, những người lính CSB với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trên biển đã nhiệt tình giúp đỡ các xí nghiệp đóng tàu để hoàn chỉnh dần về mặt kỹ thuật. Đến giờ, những xí nghiệp như Z189 hay Xuân Thu đã có thể đóng được tàu dùng để chở và là bến đáp cho trực thăng trên biển. Thành công này đã góp phần tiết kiệm đáng kể ngân sách cho Nhà nước.
Đại tá Hồ Minh Giáp. Ảnh: CSB
Người lính biển chúng tôi không bao giờ biết đầu hàng...
Nếu như lực lượng Hải quân có nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển khi đất nước có chiến tranh, thì những người lính CSB có vai trò như những cảnh sát trên đất liền. CSB cũng phải phá án ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm trên biển, thậm chí cả cướp biển. Năm 2012, CSB vùng 3 - đóng ở Vũng Tàu đã bắt được 11 tên cướp biển quốc tịch nước ngoài đang gây án trên vùng biển Việt Nam.
Ngoài những nhiệm vụ đó, một trong những nhiệm vụ thiêng liêng nhất của lực lượng CSB là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực thềm lục địa. Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam vừa qua là cuộc đụng độ lớn nhất của CSB Việt Nam với Trung Quốc cho đến thời điểm này. Đã có những chiến sĩ CSB trong lúc làm nhiệm vụ đã bị tàu Trung Quốc tấn công dẫn đến bị thương.
"Máu đã đổ, nhưng tôi tin những người lính CSB sẽ không bao giờ lùi bước" - ở trong quân ngũ hơn 40 năm, gắn bó trọn cuộc đời mình với biển, Đại tá Hồ Minh Giáp nói một trong những việc mà những người lính biển như ông khắc cốt ghi tâm chính là sự đề phòng, cảnh giác cao độ với những âm mưu bành trướng của Trung Quốc: "Từ những năm 1960 - 1970, chúng tôi đã nghe Trung Quốc ám chỉ về đường lưỡi bò, về tham vọng áp đặt chủ quyền lên toàn bộ biển Đông".
"Ban đầu chỉ là những lời đánh tiếng xa gần, nhưng người Trung Quốc có một quan niệm rất cần cảnh giác: cái gì sai, nói đi nói lại lâu ngày sẽ thành đúng. Họ tuyên truyền cho người dân về tư tưởng bành trướng ở biển Đông, khiến người dân trong nước tin đường lưỡi bò là đúng đắn. Trung Quốc luôn âm mưu thôn tính dần biển Đông, và hôm nay, họ đang từng bước một thực hiện toan tính đó".
Nhưng cũng như những người dân Việt Nam, Đại tá Hồ Minh Giáp tin vào chính nghĩa, tin vào sức mạnh, vào lòng yêu nước của người Việt. Dù đã nghỉ hưu được 8 năm nay, nhưng những ngày biển Đông đang sôi sục như thế này, vị Tư lệnh già của CSB Việt Nam nói ông lúc nào cũng ở tâm thế sẵn sàng: "Nếu Tổ quốc cần, nếu lực lượng cần, chỉ cần hô một tiếng, người lính già như tôi sẽ lại lên đường, làm tất cả những gì mà sức tôi còn có thể".
Tôi có hỏi Tư lệnh Hồ Minh Giáp một câu: "Những người lính đang canh gác vùng biển của Tổ quốc, khi đối mặt với những lực lượng đang đe doạ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, nhất là đó lại là Trung Quốc - một quốc gia quá mạnh về kinh tế và quân sự hiện nay - họ có sợ hãi không?".
Đại tá Hồ Minh Giáp đã trả lời: "Những người lính biển chúng tôi lạ lắm: khi trở về đất liền, chúng tôi hạnh phúc được đoàn tụ với vợ con. Nhưng khi đã đứng ở trên biển, chúng tôi chỉ có cách duy nhất là nhìn về phía trước và chiến đấu tới cùng. Những người lính biển là những người không bao giờ biết đầu hàng!".
Theo Vietnamnet
Đập tan tham vọng bá chủ biển Đông: Giương cao "nỏ thần" pháp lý... Được coi là "Hội nghị Diên Hồng" của giới giảng dạy, nghiên cứu và học tập luật học, không khí buổi tọa đàm khoa học "Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế" do Đại học Luật Hà Nội tổ chức hôm qua - 20/5 đã nóng lên theo từng...