Binh đoàn 12 tri ân với các cựu chiến binh, thân nhân Bộ đội Trường Sơn
Ngày 17-5, tại Hà Nội, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Bộ tư lệnh Trường Sơn, Bộ tư lệnh Binh đoàn 12, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thân nhân các đồng chí nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Bộ đội Trường Sơn.
Thông tin tại buổi gặp mặt cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, cùng với quân và dân cả nước làm nên “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, lập nên kỳ tích vĩ đại, góp phần đặc biệt quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Truyền thống vẻ vang và niềm vinh quang ấy được các cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn 12 ngày nay kế tục và phát huy.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Trải qua 42 năm làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, Binh đoàn 12 đã tham gia xây dựng hàng trăm công trình trọng điểm khắp mọi miền của đất nước và nước bạn Lào; đặc biệt là các công trình ở địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đem lại hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh to lớn. Trong thời gian tới, Binh đoàn 12 xác định nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững sự ổn định của đơn vị, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tài chính, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa.
Thân nhân các đồng chí nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Bộ đội Trường Sơn tham quan Triển lãm “Ký ức Trường Sơn”.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã tiến hành lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) và tham quan Triển lãm “Ký ức Trường Sơn”.
Tin, ảnh: GIA MINH – LA DUY
Video đang HOT
Theo Baobienphong
QĐND Online
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - 'Cánh đại bàng của Trường Sơn'
Cuộc đời của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội, của cả dân tộc ta. Những ngày này, khi ông vừa ra đi ở tuổi 96, đồng đội, đồng chí, chiến sĩ nhớ thương ông và tự hào gọi ông là "Cánh đại bàng của Trường Sơn".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam đã có nhiều chia sẻ về vị tướng đáng kính của quân đội ta.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có 10 năm công tác trên tuyến đường - chiến trường Trường Sơn mà tài thao lược và nhân cách sáng ngời của ông đã toả sáng để cùng với cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, quân đội giao phó trong việc chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước bạn Lào, Campuchia.
Thiếu tướng Hoàng Kiền là một trong những người may mắn được chứng kiến nhiều việc làm cũng như có những kỷ niệm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở chiến trường Trường Sơn. Ông được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào cuối năm 1970, khi vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn xuống làm việc với Binh trạm 32. Ấn tượng đầu tiên của Thiếu tướng Hoàng Kiền về Tướng Đỗng Sỹ Nguyên đó là "vị chỉ huy có dáng vóc cao lớn với mái tóc cắt cua, bước đi nhanh nhẹn".
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến làm việc với Binh trạm 32 ngày đó là để phát động phong trào "Binh trạm vạn tấn" với nhiệm vụ mỗi tháng phải phấn đấu đưa 1 vạn tấn hàng vượt Đường 9 chi viện miền Nam.
"Đây là tuyến đường bị địch đánh phá ác liệt, phải có những cách làm sáng tạo mới vượt qua khó khăn. Phong trào do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên phát động và trực tiếp chỉ đạo đã đạt kết quả rất tốt. Hằng tháng, số hàng vận chuyển qua Đường 9 đều đạt trên 1 vạn tấn, bảo đảm việc chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam", Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết.
Theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, Trường Sơn là chiến trường, nơi đây bị không quân Mỹ tập trung đánh phá với quy mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là tuyến chi viện quân sự chiến lược chạy qua lãnh thổ 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, với 5 trục dọc, 21 trục ngang có tổng chiều dài hơn 17.000 km. Đây là tuyến giao thông bị Mỹ tập trung đánh phá ác liệt bằng những loại vũ khí hiện đại nhất cùng hơn 4 triệu tấn bom đạn, chiếm một nửa số bom đạn sử dụng ở Việt Nam. Nhưng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của mình đã chỉ huy các lực lượng của bộ đội Trường Sơn đánh bại âm mưu của Mỹ khi chúng muốn ngăn chặn bước tiến của bộ đội ta trên tuyến đường này".
Thiếu tướng Hoàng Kiền còn chia sẻ về công sức của các lực lượng mở Đường 20 Quyết Thắng, một trục ngang từ Đông sang Tây Trường Sơn, tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là trọng điểm được gọi là ATP (A là cua chữ A, T là ngầm Ta Lê, P là đèo Phu Là Nhích) bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất.
Dưới tài chỉ huy của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, chúng ta đã mở thành công con đường này. Đây là
minh chứng cho sức mạnh dời non lấp biển, xứng đáng với danh hiệu "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi" của quân và dân ta.
Sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự thán phục và Đại tướng gọi Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công - kỳ tích - kỳ quan.
Từ năm 1971, Mỹ dùng máy bay AC130 lắp thiết bị hồng ngoại có thể bắn được vào ban đêm để đánh phá con đường. Đây cũng là giai đoạn gian khổ nhất của bộ đội Trường Sơn.
"Trước tình hình đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã giao cho nhiều cán bộ trực tiếp nghiên cứu, có người ngồi cùng xe vận tải để tìm hiểu. Ông đã nghĩ tới 2 phương án, thứ nhất đề nghị cấp trên trang bị tên lửa cho bộ đội Trường Sơn; thứ hai nghiên cứu cho xe vận tải chạy ban ngày", Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết.
Cuối cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cho triển khai đồng thời 2 biện pháp là vừa điều tên lửa vào áp sát Đường 9 để tiêu diệt AC130 vừa mở đường kín (đường K) cho xe chạy ngày để tránh AC130. Với 533 km đường chuyển sang chạy ngày, bộ đội ta đã đối phó hiệu quả với AC130 cùng các loại máy bay khác của Mỹ.
Để thực hiện phương án cho xe chạy ban ngày, cuối năm 1971 đầu năm 1972, Bộ Chỉ huy đã điều lực lượng công binh, thanh niên xung phong tập trung mở đường K. Con đường chạy dưới tán cây rừng, đoạn nào trống phải ngụy trang bằng giàn cây. Tuyến đường K sau khi được mở đã kéo dài được khoảng 400 km. Đường kín đã trở thành một sáng tạo đặc biệt của bộ đội Trường Sơn.
"Việc chuyển xe sang chạy ban ngày thành công và đã giải quyết được nhiều vấn đề vì vừa chuyển được hàng hóa, vừa hạn chế được thương vong cho bộ đội. Sáng tạo này mang dấu ấn lớn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên", Thiếu tướng Hoàng Kiền nói.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973), chủ trương làm đường cơ bản được mở ra bao gồm 2 trục Đông và Tây Trường Sơn. Với tầm nhìn chiến lược, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã bàn với Bộ Chỉ huy Bộ đội Trường Sơn tranh thủ thời cơ tập trung sửa chữa, nâng cấp đường Trường Sơn chuẩn bị cho giai đoạn sau.
Bộ Chỉ huy tổ chức 2 đoàn công tác, đoàn thứ nhất do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên phụ trách kiểm tra dọc phía Đông, đoàn công tác còn lại do Đại tá Đặng Tính (Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn) kiểm tra toàn tuyến phía Tây để lập phương án xây dựng cơ bản 2 hướng Đông, Tây Trường Sơn.
Đường Trường Sơn là đường đất nên mùa mưa, đất bị tạo thành lớp bột dày 20-30 cm, ô tô di chuyển rất khó nên muốn vận chuyển lớn phải dải đá lên mặt đường. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Bộ Chỉ huy đã cho tập trung lực lượng công binh lớn của các Sư đoàn 470, 472, 473, 565 làm đường.
"Đường Trường Sơn đã được cải tạo, xây dựng khẩn trương, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, chi viện, bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đi đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước", Thiếu tướng Hoàng Kiền nhận định.
Thiếu tướng Hoàng Kiền còn cho biết ngay sau Hiệp định Paris, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo việc quy tập mộ liệt sĩ Trường Sơn về một nghĩa trang. Các đội quy tập mộ liệt sĩ được thành lập ở các sư đoàn triển khai ngay. Kết quả là trong số hơn 20.000 người đã ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn, đến nay chúng ta đã quy tập được 10.263 hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
"Gần đây, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã vào nghĩa Trang Trường Sơn chọn vị trí nơi yên nghỉ cuối cùng cho mình bên đồng đội một thời Trường Sơn rực lửa. Nay ông ra đi, ý nguyện của ông chắc là sẽ được thực hiện", Thiếu tướng Hoàng Kiền xúc động bày tỏ.
10 năm làm Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, cán bộ chiến sĩ Trường Sơn rất tự hào gọi ông là "Cánh đại bàng của Trường Sơn", Thiếu tướng Hoàng Kiền đã viết nên những câu thơ để nhớ ông, ông mãi mãi là đại bàng bất tử của núi rừng Trường Sơn: " Mười năm nhiệt huyết hăng say/ Đại bàng vươn cánh tung bay mọi miền/ Gương Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên/ Tài năng, nhân cách sáng ngời Trường Sơn"!
Nhật Nam
Theo ĐCSCN
Quảng Nam huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 41,6% tổng số xã. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 31,58 triệu đồng/năm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,3% tổng số xã. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn...