Bình Định: Thuận Ninh sơn thủy hữu tình
Hồ Thuận Ninh nằm ở thôn M6, cách trung tâm xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định chừng 12 km, vốn là một thung lũng lớn được ngăn dòng, tích nước thành hồ chứa thủy lợi từ năm 1993.
Với dung tích thiết kế 35,36 triệu m3, hồ Thuận Ninh đảm bảo cấp nước tưới cho 2.700 ha đất canh tác của huyện Tây Sơn và một phần của huyện Phù Cát.
Bao bọc quanh hồ là những cánh rừng xanh ngăn ngắt một màu. Mùa nước cạn, khách có thể chạy xe máy ra các cồn đảo thả mình thư giãn giữa rừng cây, câu cá thư giãn. Ven hồ có nhiều triền cỏ xanh mượt mênh mông, những bãi đá điểm xuyết trên bờ cát. Có nhiều đoạn nhiều tán cây cổ thụ chồm ra ven hồ tạo thành những khung cảnh để ta lưu lại nhiều khuôn hình tuyệt đẹp.
Giữa hồ Thuận Ninh có một đảo nhỏ, nhiều người thường thuê xuồng chở ra đây để câu cá. Ảnh: Đỗ Đình Thi
Tầm này hồ bắt đầu tích nước, những đợt sóng chao nghiêng liên tục làm không gian như mênh mông hơn. Không nhiều và rộng như dạo mùa hè nhưng những ngày mưa này ven hồ vẫn có rất nhiều chỗ có thể cắm trại, thả câu và ngắm cảnh. Nếu ở lại qua đêm bạn sẽ được ngắm hồ Thuận Ninh lung linh, quyến rũ lúc hoàng hôn và rực rỡ, sống động lúc bình minh ló dạng.
Video đang HOT
Những năm gần đây, du khách gần xa thường đến hồ Thuận Ninh thưởng ngoạn, câu cá. Nhiều bạn trẻ tổ chức thành nhóm nhỏ dựng lều cắm trại qua đêm. Xóm chài ven hồ Thuận Ninh đặc biệt mến khách, ta có thể mua các loại thủy sản khai thác từ lòng hồ và nhờ họ chế biến, mượn đồ và tổ chức một bữa tiệc nhỏ ngoài trời. Mách nhỏ bạn, món cá mương nướng, cuốn ngọn lộc vừng, ngành ngạnh chấm muối ớt chanh ở đây rất lạ vị.
Cảnh giới khoáng đạt hồ Núi Một
Được xây dựng với mục đích phục vụ nước tưới tiêu cho vùng hạ lưu của TX An Nhơn và một phần huyện Tuy Phước, hồ chứa nước hồ Núi Một (thôn An Trường, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn, Bình Định) trở thành điểm du lịch trải nghiệm tuyệt vời cho những người yêu thiên nhiên.
Đến hồ Núi Một vào mùa xuân bạn sẽ có dịp ngắm nhìn một vùng non xanh, nước biếc đắm say lòng người, với màu xanh ngút ngàn của trời mây, của núi cao, của rừng già...
Từ TP Quy Nhơn di chuyển theo hướng QL19, tới ngã tư xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), rẽ trái là đường tới hồ Núi Một. Một vùng hồ rộng lớn, nước xanh như ngọc, soi bóng mây trời, vẻ đẹp của một vùng non xanh, nước biếc đắm say lòng người.
Vào mùa nước cạn, hồ Núi Một phơi một phần đáy, vùng này giống như thảo nguyên bao la. Ảnh: Nguyễn Phước Hoài.
Đặt chân tới hồ Núi Một vào ngày xuân nắng ấm, hút vào mắt tôi vẻ đẹp của một vùng trời nước bao la, thảm cỏ xanh chạy ngút về xa xa. Đứng trên bờ hồ lộng gió, phóng tầm mắt ra bốn phía là màu xanh của cây rừng, của cỏ biếc; soi bóng xuống mặt hồ phẳng như gương là trời xanh, mây trắng, một bức tranh thiên nhiên rực rỡ, mê hoặc lòng người.
Vào mùa xuân, lòng hồ như mặt gương soi in bóng trời xanh, mây trắng. Ảnh:Nguyễn Phước Hoài.
Chỉ mới men con đường nhỏ ven hồ thôi đã kịp cảm nhận dường như thiên nhiên ưu ái ban cho vùng đất này những mảng xanh của trời, của cây cỏ, của núi rừng đan xen vào nhau, soi bóng xuống lòng hồ tĩnh lặng. Thi thoảng những con sóng gợn lăn tăn khi có con gió nhẹ lướt qua làm lay động mặt nước. Còn nếu bơi thuyền ra giữa hồ nhất định bạn sẽ không muốn vào bờ nữa bởi những không gian xanh đan quyện vào nhau trong tĩnh lặng đến khôn cùng đã đưa bạn đến một cảnh giới khoáng đạt nhất.
Bạn không nên bỏ qua Di tích lịch sử căn cứ địa cách mạng An Trường nằm cạnh hồ Núi Một. Bạn sẽ đi theo những bậc đá xen giữa rừng già chừng 500 m để lên với hang Ông Dài - nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến.
Có hai thời điểm đẹp nhất để khám phá hồ Núi Một là mùa xuân và cuối mùa hạ - đầu thu. Sự chuyển mình của thời gian, của thiên nhiên đã dệt hương sắc cho nơi đây. Nếu đến hồ những ngày này, bạn sẽ hút ánh nhìn say đắm bởi vẻ đẹp trong veo của trời mây, của nước hồ trong xanh soi bóng cỏ cây. Còn những ngày cuối hạ, đầu thu, khi nước hồ vơi nhiều, một vùng thảo nguyên uốn lượn dần hiện lên giữa lòng hồ. Bạn sẽ có cơ hội ngắm đồng cỏ mênh mông ngay rất gần, bạn sẽ thấy 3 màu cỏ xanh - vàng - cỏ úa đan xen nhau dệt nên vùng thảo nguyên bát ngát; trên thảo nguyên này là những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Dưới cái cây cô độc giữa hồ đó, người chăn bò nằm dưới bóng mát, ngắm trời mây... Đó là vẻ đẹp của hồ những ngày cuối hạ, chớm thu.
Ở cuối hồ là một ngôi làng nhỏ nép bên rừng già và vươn một phần ra ven hồ - làng Canh Tiến thuộc xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Đồng bào Bana ở đây từ người lớn đến trẻ con đều hiếu khách. Ảnh:Đặng Trung Hiếu
Mùa nước cạn, bạn sẽ có cơ hội đi hết một vòng quanh hồ bằng đường mòn. Bên kia hồ nước là một ngôi làng nhỏ của người đồng bào Bana, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, Vân Canh). Ở đây đồng bào rất hiếu khách, bạn sẽ có cơ hội theo họ len lỏi giữa rừng già để thu hái sản vật dưới tán rừng; đi lấy mật ong, đi hái dâu rừng... và rất nhiều điều thú vị khác đang chờ đón bạn.
Thư giãn trên đồi Lâm Viên Nằm ngay trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), đồi Lâm Viên gần đây nổi lên là một điểm check-in thu hút nhiều du khách bởi thiên nhiên thoáng đãng, cảnh sắc tươi mát với những hàng thông xanh rì rào trong gió, nhìn khung cảnh giống như bạn đang ở Đà Lạt. Khung cảnh thơ mộng tại đồi...