Bình Định đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng
Ngày 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong đó, hỗ trợ khôi phục hạ tầng giao thông là 180 tỷ đồng; hỗ trợ khôi phục hạ tầng đê điều, thủy lợi, nước sinh hoạt là 180 tỷ đồng; hỗ trợ đời sống dân sinh là 100 tỷ đồng; hỗ trợ giống lúa để phục vụ sản xuất đông xuân 2016-2017 là 40 tỷ đồng.
Lũ mấy ngày nay, nhiều người dân Bình Định phải ăn mì tôm sống cầm hơi chống chọi với lũ
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp một gói ODA cho các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định, để phục hồi, tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, dân sinh, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.
Đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ giống lúa, vắc xin, thuốc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đề nghị Bộ Y tế giúp địa phương phòng chống dịch bệnh sau lũ; đề nghị Bộ Tài nguyên – môi trường hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn địa phương xử lý môi trường sau lũ để đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị hỗ trợ gần 68.000 bộ sách giáo khoa và 926.000 cuốn vở cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh; miễn học phí học kỳ 2 năm học 2016-2017 cho học sinh các cấp của tỉnh.
Ghi nhận của PV Dân trí, đến sáng 19/12, nhiều địa phương của Bình Định giao thông vẫn chia cắt. Hàng trăm hộ dân ở thôn Hưng Liêm (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) vẫn bị cô lập do nước bao vây các tuyến giao thông liên thôn. Để di chuyển người dân phải đi 2 chặng ghe máy, tốn 10.000 đồng/lượt.
Vừa từ thôn qua thị trấn đi chợ bằng đi ghe, bà Lê Thị Kim Loan (54 tuổi, thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa), cho biết: “3 ngày nay người dân bị cô lập, nước ngập nhà cửa, lúa gạo ướt, giao thông chia cắt, chợ búa không đi được, nước sạch không có nên mấy ngày nay phải ăn mì tôm sống phát ớn. Hôm nay, nước rút tranh thủ đi chợ mua ít thức ăn cải thiện”.
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 500 tỉ đồng hỗ trợ lũ lụt
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12/2016, Bình Định phải gánh chịu liên tiếp 5 đợt lũ lớn nhất trong lịch sử, làm 31 người chết (trong đó có 8 học sinh bị lũ cuốn trôi), hàng chục người bị thương; hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, nước sạch, trường học, cơ sở y tế bị hư hỏng nghiêm trọng; hàng trăm ngôi nhà bị sập; hàng ngàn người mất hết tài sản, nhà cửa, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, đời sống rất cơ cực.
Video đang HOT
Sáng 19/12, nước lũ vẫn bao vây thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, Bình Định)
Bé Dương Ngọc Bích (4 tuổi), mấy ngày liền phải ăn mì tôm sống
Không có ai giữ con nên chị Xoan phải bế con lên ghe đi qua thị trấn Tuy Phước mua thức ăn
Người dân di chuyển bằng ghe máy qua hai chặng tốn 10.000 đồng/lượt.
Doãn Công
Theo Dantri
Thủ tướng chỉ đạo đối phó mưa lũ, cứu trợ nhân dân
Ngày hôm nay (15/12), Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 2263/CĐ-TTg gửi UBND các tỉnh liên quan, yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục mưa lũ đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Trung.
Công điện của Thủ tướng đã gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Đình, Phú Yên, Khánh Hòa; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Công an.
Nội dung Công điện của Thủ tướng nêu rõ, từ ngày 11/12/2016 đến nay, tại các tỉnh miền Trung tiếp tục xảy ra các đợt mưa lớn, nhiều hồ chứa nước phải vận hành xả lũ đã gây ngập lụt tại vùng thấp trũng, ven sông suối thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, thiệt hại người, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Dự báo, từ ngày 15 đến 18 tháng 12, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa sẽ tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm, đặc biệt từ Quảng Ngãi tới Khánh Hòa 300 - 400 mm, một số nơi có thể mưa cục bộ lớn hơn; lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên lên nhanh, đêm nay (ngày 15 tháng 12) các sông ở Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và bắc Phú Yên lên báo động 2 đến báo động 3, đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có thể lên trên mức báo động 3 từ 0,5 - 1,3 m (đợt lũ này tương đương và có thể cao hơn đợt lũ đầu tháng 12 vừa qua); nguy cơ tiếp tục xảy ra ngập lụt kéo dài tại vùng thấp trũng, khu vực ven sông, nhất là tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa.
Nước tiếp tục dâng cao trong ngày 15/12 khiến Hội An ngập lụt trên diện rộng (Ảnh: Công Bính).
Đây là đợt mưa lớn, trong khi dung tích trữ của nhiều hồ chứa nước trong khu vực đã cơ bản đạt mức thiết kế nên sẽ phải vận hành xả lũ, đồng thời khu vực này đã bị ngập lụt nhiều ngày trong các đợt mưa lũ vừa qua, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân trong và sau lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Tài nguyên yà Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ" và cấp báo động; chủ động xử lý các tình huống, sự cố phát sinh trong và sau mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, trong đó tập trung:
- Rà soát các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn, nhất là đối với các hộ ở ven sông, suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
- Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân đi lại an toàn trong vùng ngập lũ, tránh chủ quan dẫn tới thiệt hại; căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương quyết định cho học sinh ở các vùng bị ngập sâu, chia cắt nghỉ học để bảo đảm an toàn.
- Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, an toàn cho người và phương tiện trên các công trình đang thi công dở dang trên sông, suối.
- Phối hợp chặt chẽ với các chủ hồ kiểm tra, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
- Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn, nhất là ở vùng cửa sông, tránh xảy ra sự cố đứt dây neo, trôi tàu thuyền dẫn tới những thiệt hại về người, phương tiện khi mưa lũ.
- Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị đói, khát; chủ động huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh ngay sau khi lũ rút.
3. Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và lực lượng y tế cơ sở sẵn sàng lực lượng, cơ số thuốc dự phòng, kịp thời xử lý hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
4. Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra lũ nhân tạo; vận hành an toàn hệ thống lưới điện và bảo đảm cung cấp điện; có phương án chủ động điều tiết thị trường, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo địa phương kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.
6. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực xung yếu để kịp thời khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường sắt Bắc Nam, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính; chủ động triển khai phương án giải quyết ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường sắt khi xảy ra sự cố ngập lụt, sạt lở.
7. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự vùng bị thiên tai, chủ động cấm phương tiện giao thông hoạt động trên các tuyến đường bị ngập sâu, bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát và hướng dẫn giao thông qua các khu vực bị ngập lũ, đặc biệt qua các ngầm, tràn, khu vực nước chảy xiết; sẵn sàng hỗ trợ sơ tán nhân dân, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
8. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng phương tiện, lực lượng, chủ động tham gia hỗ trợ địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
9. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến mưa lũ, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh thiệt hại do mưa lũ để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
10. Các Bộ, ngành khác: theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai các phương án đối phó, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để hỗ trợ địa phương đối phó với mưa lũ.
11. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Chỉ 2 đợt mưa lũ, 65 mạng người, trên 7000 tỷ đồng trôi theo dòng nước Ngày 2/12, chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề chỉ sau 2 đợt mưa lũ là do tình trạng chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó...