Bình Định Bắc: Nâng cao tiêu chí “cứng”, giữ vững tiêu chí “mềm”
Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã cán đích năm 2015. Hiện nay, xã đang tập trung đầu tư để nâng chất các tiêu chí, tăng thu nhập cho người dân…
Nâng chất các tiêu chí
Bà Phan Thị Hiệp – Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) chỉ là bước khởi đầu cho chặng đường dài phía trước của địa phương. Xã cần phải duy trì và nâng chất các tiêu chí đã đạt, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Qua đó, phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Địa phương đang nỗ lực nâng cao tiêu chí “cứng”, giữ vững tiêu chí “mềm”.
Trạm y tế xã được đầu tư xây dựng mới khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Ảnh: T.H
Cụ thể, theo bà Hiệp, địa phương đã phát huy tối đa sức mạnh nội lực, “lấy dân làm gốc” để làm “đòn bẩy” hoàn thành tất cả các tiêu chí. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, nhằm giúp người dân hiểu được vai trò vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được. Xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn xã, nâng cao tỷ lệ km đường trục xã và đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm…
Những năm qua, Bình Định Bắc đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa được 13km đường trục xã, liên xã, 11,2km đường trục thôn; 10km đường ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa, 8,34km đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Xã cũng đã bê tông hóa được 8km kênh mương nội đồng, tỷ lệ diện tích đất sản xuất được tưới và chủ động nước đạt trên 90%.
Hàng loạt các công trình phúc lợi khác ở Bình Định Bắc cũng được đầu tư, như: Sân bóng chuyền, cầu lông, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng,… Xã hiện có 3 trường học (mẫu giáo, tiểu học và THCS) đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Nhà văn hóa trung tâm xã được đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn với hội trường trên 200 chỗ ngồi và có 5 phòng chức năng; 5/5 nhà văn hóa thôn, khu thể thao thôn đạt chuẩn…
Cơ sở hạ tầng của xã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Xã đang đẩy mạnh thực hiện tiêu chí 20 về xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”; chọn thôn Đồng Dương để xây dựng, phấn đấu hoàn thành khu dân cư kiểu mẫu vào cuối năm 2018.
Nhiều hộ thu nhập 150-200 triệu đồng từ rừng
Video đang HOT
Nhờ ươm cây keo và phát triển kinh tế vườn rừng mà nhiều nông dân ở Bình Định Bắc thu nhập 150 – 200 triệu/năm. Ảnh: T.H
Để nâng cao đời sống người dân, Bình Định Bắc đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn rừng – là thế mạnh của địa phương. Nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, tại xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao, như: Mô hình trồng rừng, trồng tiêu, trồng lúa với hơn 258ha (năng suất trung bình đạt trên 50 tạ/ha), chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi gà vịt…
Toàn xã hiện có trên 362ha rừng sản xuất, với hơn 60% số hộ có rừng. Tiêu biểu phải kể đến là các hộ Trà Tấn Ẩn, Trần Thị Viên, Trần Cúc (ở thôn Đồng Dương) trồng từ 5-10ha rừng/hộ. Hay mô hình trồng tiêu của hộ Trần Thông, Trà Tấn Tám (ở thôn Đồng Dương); hộ ông Nguyễn Tấn Lập, Nguyễn Văn Bến, Lê Công Hạnh (ở thôn Bình An)… Thu nhập bình quân của mỗi hộ này đạt từ 150-200 triệu đồng/năm.
Theo UBND xã Bình Định Bắc, nhờ chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà kinh tế của xã tiếp tục phát triển ổn định. Tổng giá trị kinh tế của xã năm 2017 đạt 160 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 31,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,18%.
Theo Danviet
Cử nhân xứ Quảng về quê trồng rau trên nền cát trắng, có 30 triệu/tháng
Tốt nghiệp Đại học kinh tế và có việc làm ổn định nhưng chàng trai 8X lại về quê làm nông dân, biến vùng cát trắng thủa nào thành nơi đẻ ra tiền. Đó là anh Hồ Sơn Ca, thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Bắt bãi cát đẻ ra tiền
Anh Hồ Sơn Ca thực hiện giấc mơ làm nông dân của mình ở vùng cát trắng bằng mô hình trồng rau sạch cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Hồ Sơn Ca, cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trần Hậu
Trò chuyện với Dân Việt, anh Ca cho biết, mặc dù có công việc khá tốt tại TP. Đà Nẵng sau khi cầm tấm bằng cử nhân kinh tế, nhưng anh luôn trăn trở về nông nghiệp sạch. Đầu năm 2015, anh quyết định thôi việc ở Đà Nẵng về ngoài quê Quảng Nam để bắt tay xây dựng mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Mặc dù nhận được nhiều lời can ngăn, phàn nàn của người thân, nhưng anh Ca vẫn quyết định chọn trồng rau VietGAP làm hướng đi khởi nghiệp cho bản thân.
Theo anh Ca, lưới che phủ trên rau giúp tránh được mưa lớn, nắng gắt và sâu bệnh; cho rau sinh trưởng tốt. Ảnh: Đoàn Hồng
Tìm hiểu và nhận thức rõ về thương hiệu rau sạch, anh Ca đã mạnh dạn vay mượn tiền từ người thân, cộng thêm số tiền tích lũy được khoảng 100 triệu đồng để mua đất, đầu tư hệ thống trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi vùng Hưng Mỹ, cát phủ trắng cả làng, nếu trồng theo kiểu truyền thống thì hiệu quả không cao.
Anh Ca biến vùng cát trắng làng Hưng Mỹ đẻ ra tiền. Ảnh: Đoàn Hồng
Ngay vụ đầu, dù kinh nghiệm chưa nhiều nhưng anh Ca đã lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. Vừa làm, vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nên vườn rau của anh phát triển khá tốt và cho thu nhập cao dần theo thời gian. Cứ thế, anh lấy số tiền lãi lứa rau này để đầu tư vào lứa rau tiếp theo và phát triển thêm diện tích trồng rau VietGap.
Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của anh Ca có ưu điểm là giảm thiểu côn trùng, sâu bệnh tấn công và làm hư hại rau. Ảnh: Trần Hậu
Hiện vườn rau sạch của anh Ca đã có diện tích hơn 1ha, gồm các giống rau như: cải bẹ, xà lách, rau muống, ngò rí, cần tây, tần ô, mồng tơi... Khách hàng chính mà anh Ca nhắm đến là các siêu thị nông sản sạch, các resort, nhà hàng,...
"Khi mới tham gia sản xuất rau VietGAP, tôi còn nhiều bỡ ngỡ phải dành nhiều thời gian học hỏi cách thức chăm sóc rau từ các hộ đi trước. Rồi tôi tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn trồng rau an toàn do Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức để có thêm kinh nghiệm, áp dụng vào sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap" - anh Ca chia sẻ.
Mỗi ngày, anh Ca cung cấp ra thị trường khoảng 100kg rau củ các loại. Ảnh: Trần Hậu
Hiện tại, mỗi ngày anh Ca cung cấp ra thị trường khoảng 100kg rau củ các loại, với giá bán trung bình từ 20 - 25 nghìn đồng/kg (tùy vào loại rau); mỗi lứa khoảng 20-30 ngày là thu hoạch. Hàng tháng, sau khi trừ chi phí anh Ca lãi hơn 30 triệu đồng.
Tạo thương hiệu rau sạch Mỹ Hưng xứ Quảng
Anh Ca cho hay: "Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP thì tất cả các khâu phải tuân thủ đúng quy trình. Nguồn nước tưới, lượng phân bón phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Không được trồng liên tục một loại rau trên cùng diện tích. Nếu tuân thủ đúng các quy trình thì rau an toàn sẽ cho năng suất cao, đáp ứng đủ điều kiện để các công ty thực phẩm thu mua. Khi đó, không còn khó khăn về đầu ra".
Anh Ca đã biến vùng cát trắng thành vựa rau sạch. Ảnh: Trần Hậu
Điểm khác biệt của mô hình trồng rau sạch của anh Ca là rau bón bằng phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục. Bên cạnh đó, anh Ca không dùng hóa chất bảo vệ thực vật. Rau được phủ lưới hoặc trồng trong nhà lưới, nên hạn chế được sâu bệnh và phát triển tốt, có mùi vị thơm ngọt đặc trưng của làng rau Hưng Mỹ.
Anh Ca kiểm tra chất lượng rau thu hoạch. Ảnh: Trần Hậu
Vừa rồi, anh Ca đã thành lập Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng để nhằm cung cấp giống, phân bón, lưới che, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho làng rau Hưng Mỹ. Đến thời điểm này, HTX có 23 thành viên tham gia sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với hơn 50 vệ tinh cung cấp sản phẩm rau sạch.
"Thương hiệu rau sạch mang tên HTX rau sạch Mỹ Hưng đã và đang chiếm được sự tin dùng của khách hàng, bởi các sản phẩm rau sạch, an toàn, tươi ngon, giá thành ổn định. Thời gian tới, tôi dự tính đầu tư mở rộng thêm diện tích để sản xuất, cũng như liên kết thêm với các hộ sản xuất rau tại làng nhằm có nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường...". - anh Ca bày tỏ.
Vườn rau của anh Ca chỉ dùng phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai nên chất lượng rau rất tốt, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Trần Hậu
Ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều nhìn nhận: "Nhờ sản xuất rau sạch, gia đình anh Ca đã vươn lên làm giàu ở nông thôn, và là tấm gương tiêu biểu cho bà con nông dân học tập. Dù rất bận bịu với công việc của HTX nhưng anh Ca luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con trong và ngoài xã về phương pháp trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP".
Theo Danviet
Long An: Bứt phá với nhiều chính sách đặc thù giúp các xã nghèo Tỉnh Long An đang có nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các xã nghèo hoàn thành Chương trình NTM. Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Liêm (ảnh) - Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Long An, về vấn đề này. Xin ông cho biết, hiện tỉnh Long An đã triển khai Chương trình...