Bình Điền đồng hành cùng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Theo dự kiến của Ban tổ chức (BTC), sẽ có hàng chục ngàn nông dân và du khách trong và ngoài nước đổ về thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lăk tham dự Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, diễn ra từ ngày 8 – 13. 3.2017.
Đây là sự kiện lớn và đặc thù của khu vực Tây Nguyên, đã được BTC gồm UBND tỉnh Đắk Lắk, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các đơn vị tài trợ duy trì đều đặn 2 năm/lần, từ năm 2005. Lễ hội đã từng bước xây dựng thành thương hiệu, tạo điểm đến ngày càng hấp dẫn nhân dân địa phương và du khách trong những ngày đầu năm, chuẩn bị bước vào một mùa sản xuất cà phê mới giữa đại ngàn.
Lễ hội nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên; tạo ra cơ hội quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nức tiếng thơm ngon nói riêng, cà phê khu vực Tây Nguyên nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa- phát huy bản sắc- liên kết phát triển”, lễ hội diễn ra nhiều hoạt động: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê; Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4; các hội thảo chuyên đề về cà phê; Lễ hội đường phố; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên và phục dựng các nghi lễ văn hóa Tây Nguyên; Hội thi Nhà nông đua tài; Đêm hội vào mùa…Ngoài ra còn có: Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; công bố các chương trình du lịch “Hành trình lịch sử” (Các tour du lịch cà phê gắn với các giá trị văn hóa cồng chiêng).
“Điểm mới của Lễ hội lần thứ 6 này là sự gắn kết giữa hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc, liên kết từ thương mại, văn hóa, đến đầu tư, tạo đà cho Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung phát triển bền vững”, ông Nguyễn Tuấn Hạ, Phó Chủ tịch tỉnh, Phó BTC lễ hội cho biết.
Thượng tướng Tô Lâm, UVBCT, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh thêm: “Lễ hội góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Cty CP Phân bón Bình Điền, đánh giá Lễ hội ngày càng càng thu hút nhiều nông dân và du khách bởi các hoạt động được tổ chức luôn đổi mới, có ý nghĩa và hấp dẫn hơn.
Đồng hành cùng Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột từ năm 2013, ngoài việc tài trợ kinh phí, Bình Điền còn cùng BTC xây dựng đề án và tổ chức nhiều hoạt động, như: “Đêm hội vào mùa”, hội thi “Nhà nông đua tài”, khen thưởng nông dân sản xuất cà phê giỏi…thu hút đông đảo nông dân và du khách tham dự, trở thành những hoạt động chính, trọng tâm của lễ hội.
Từ việc khen thưởng nông dân sản xuất cà phê giỏi tại Đắk Lắk, BTC đã mở rộng ra Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và năm nay là thêm các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Đồng Nai, Bình Phước…Hoạt động nhằm thời tôn vinh những nhà khoa học, hiệp hội có những đóng góp xuất sắc cho ngành cà phê nước nhà trong những năm qua.
“Đóng góp cho lễ hội thành công là một phần; cho người trồng cà phê, ngành cà phê, cho hương vị cà phê Việt Nam bay xa, đó mới là cái đích đến của Công ty Bình Điền. Và vì vậy Bình Điền sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng lễ hội”, ông Lê Quốc Phong khẳng định.
Theo Danviet