“Bình đẳng với chồng” – một “ca khó” của phụ nữ Việt!
Bình đẳng với mình là biết điểm dừng. Để về nhà nấu cơm, để bình an với bình cà vại dưa mà không bận tâm đến chuyện xã hội đang gọi ta là gì…
Ngày chưa lấy chồng, mẹ bảo tôi rằng cần phải hướng tới sự bình đẳng. Ở đó, phụ nữ có quyền làm việc như đàn ông, và (tất nhiên) hưởng thụ cũng như đàn ông vậy. Nghĩa là có không chuyện chồng khinh rẻ vợ vì vợ có/ không làm ra tiền. Không có chuyện người phụ nữ làm gì cũng cần hỏi ý kiến chồng và đợi chồng đồng ý. Ở đó, gia đình bên nội cũng được tôn trọng y như gia đình bên ngoại.
Nhưng chính ở nhà tôi, tôi đã nhìn mẹ mình bằng cái nhìn dành cho một siêu nhân. Mẹ đi làm như bố, kiếm tiền ngang với bố (có thể còn nhiều hơn), nhưng mọi việc trong nhà, từ cọ toalet đến phơi quần áo, từ dạy chúng tôi học bài đến việc dậy đúng vào 5h sáng để chuẩn bị ngày mới cho cả gia đình, mẹ tôi đều đảm nhiệm hoàn toàn. Bố không bao giờ làm việc nhà. Cuối giờ làm của bố là bia bọt, thể thao và… giao lưu! Mọi việc trong nhà, bố đều có thể hạnh họe và bắt bẻ! Khi bắt đầu biết nhận thức, tôi hỏi mẹ tôi xem, có cần phải cố gắng thế không. Mẹ bảo, không làm thế thì không lẽ ở nhà và đợi bố tôi đưa tiền? Tôi nghi ngại rằng tôi cũng không hề cảm thấy mẹ được tự do trong cái cách mà mẹ đang “bình đẳng”. Mẹ thở dài, luôn “chống chế” với tôi theo kiểu “biết làm sao được!”
Bình đẳng là một “ca khó”. (Ảnh minh hoạ)
Tôi quan sát những gia đình xung quanh, đa số các bà vợ đều kêu ca về chuyện chồng và vợ đều đi làm như nhau nhưng ti tỉ việc trong nhà đều do vợ làm. Vậy nên đã có lúc tôi tưởng như một ông chồng biết nấu ăn, bếp núc sẽ làm vợ họ vui. Nhưng không, còn gì khủng khiếp hơn việc ta phải sống với “bà mẹ chồng” thứ hai. Khi mà ta rửa rau, người ấy không tin, đem ra rửa lại. Khi mà ta nấu ăn, người ấy ngồi chê bai công thức. Khi mà ta lau nhà, người ấy bảo: “tránh ra”, rồi người ấy lau nhà sạch bóng, kể từ đó trở đi ta phải lấy “bà mẹ chồng thứ hai” ấy làm gương? Nghĩ đến mà toát mồ hôi hột! Có hôm, cô giáo cũ của tôi share bài viết lên facebook cá nhân, là câu chuyện về ông chồng nào đó kiếm mỗi tháng nghìn đô, vẫn đeo tạp dề, rửa bát nấu ăn. Tôi vào bình luận rằng: “cô ơi, em sợ nhất mẫu đàn ông mặc váy. Cơm nước nồi niêu em lo được hết, chứ anh ấy nhúng vào, em không còn giá trị nào à?”…
Cuối cùng thì sao? Có cần phải biết nấu ăn không? Bình đẳng là gì?
Video đang HOT
Thật ra, tôi nghĩ, bình đẳng là khi người ta trao cơ hội cho cả nam và nữ như nhau. Nếu phụ nữ muốn, có thể lên vũ trụ. Nhưng ngược lại, nếu họ quen với “dưa hành thịt mỡ” trong bếp thì cũng được! Không có chuyện bắt tất cả phụ nữ ở nhà, cấm họ không được quyền “ho he”, nhưng cũng không có chuyện buộc tất cả phụ nữ đi làm tám tiếng như nam giới. Công việc ngoài xã hội đôi khi là một cái “bàn thờ” mà phụ nữ “trèo” lên ấy ngồi rồi thì không dám “xuống”. Tôi đã nghe những người bạn của tôi nói rằng họ không dám nghỉ việc ở nhà vì đã quen với cảm giác mình cũng sáng đi tối về, có công có việc như ai. Đã mất công bố mẹ cho ăn học, giờ đột ngột ở nhà… Tôi cho là, thành kiến xã hội còn “căng” đến mức không tôn trọng phụ nữ khi họ ở nhà nuôi con, thì sao có thể gọi là bình đẳng?
Tôi đã từng làm một người bạn của tôi mất lòng. Khi chị cứ nhất định không muốn ở nhà chăm con dù tiền kiếm được cũng chỉ bằng tiền đi thuê người trông trẻ. Tôi bảo chị mù quáng – đi thuê người về làm mẹ rồi để mẹ lại đi làm thuê. Trong cuộc nói chuyện ấy tôi dùng từ “ngu”. Chị giận tôi lâu, tự ái tôi nhiều! Còn tôi thì chả thấy mình nói có gì sai cả. Chị cứ đòi bình đẳng với ai chứ chưa hề bình đẳng với mình!
Bình đẳng với mình! Nghĩa là hãy lắng nghe xem mình muốn điều gì, điều gì có thể khiến mình vui: Bánh nướng hay là bánh xe vũ trụ? Hãy đối xử theo cách mình mong đợi chứ không phải theo đời mong đợi, hay những lý luận nào mong đợi.
Bình đẳng với mình, là cứ thản nhiên may vá thêu thùa, nấu ăn cài tóc, làm nơ hoa. Nếu chồng không thích thế, tốt nhất hãy đổi chồng thay vì đổi cái điều mà mình thực sự muốn làm!
Bình đẳng với mình là biết điểm dừng. Để về nhà nấu cơm, để bình an với bình cà vại dưa mà không bận tâm đến chuyện xã hội đang gọi ta là gì. Là thản nhiên chờ người đàn ông yêu ta đủ để yêu cả những gì ta có thể làm cho cái sự bình đẳng, bình an và thản nhiên của mình.
Tôi sợ nhất những người luôn tự “tạo hình”. Nghĩa là chạy theo cái cách mà xã hội hô hào. Nào là đảm đang, nào là kiên cường, nào là thế này lại còn thế nọ, đã khá kiểu này lại giỏi kiểu kia! Tôi sợ lắm! Kiểu phụ nữ “tượng đài” luôn khiến cho chính mình và những người xung quanh mệt mỏi vô cùng. Không ít những bà mẹ chồng vừa cố gắng làm một người cán bộ cần mẫn 8 giờ, lại cặm cụi vá víu và nấu nướng đến ngứa cả mắt với con dâu khi nó được chồng yêu! Không hiếm kiểu phụ nữ cả đời chỉ dám nhìn mấy cô ca sĩ mà xuýt xoa nhưng không dám may cho mình cái váy, rồi ghét lây cả những người “dám mặc đẹp” hơn mình. Rồi cũng chẳng ít người gồng lên quá sức, kiểu công ty cũng giỏi, việc nhà cũng ngoan, kiểu vừa lòng sếp lại hài lòng chồng, nên sinh ra quạnh quẽ, và ngơ ngác, không đủ bình an khi đối diện với mình.
Cũng không hiếm những người cố gắng lừa gạt chính mình để tạo ra cảm giác “mọi người nhìn mình đều rất tốt”. Chỉ có chính mình nhìn mình là không được an lành! Bất bình đẳng với chính mình như thế, ta còn đòi bình đẳng với ai?
Theo Công Luận
Đòi bình đẳng hay tự hạ thấp giá trị bản thân
Ngày nay không ít phụ nữ đòi quyền bình đẳng giới bằng những cách chẳng bình đẳng chút nào.
Ảnh minh họa
Họ là những người đi tiên phong bài trừ lối sống nhường nhịn, cam chịu của thế hệ các bà, các mẹ. Họ kịch liệt phản đối những quan điểm kiểu đàn bà là phải suốt đời cặm cụi trong chái bếp chật chội, nóng hầm hập, đàn bà phải cố sinh con trai cho nhà chồng, phải hy sinh mọi thứ cho chồng con, có bị đánh đập, la mắng cũng mặc định số kiếp mình phải thế, đàn bà có thể chịu đói, chịu nhục, chịu khổ, chịu "gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non" nhưng chồng họ cứ phải áo là quần lượt, làm những việc "đao to, búa lớn" như ngồi sáng tác thơ đọc chơi trong lúc vợ làm quần quật ngoài đồng, ngồi đãi bạn thịt chó, rượu ngon để thể hiện gu ăn uống sành điệu và tấm lòng rộng rãi trong khi vợ con dưới bếp thèm thuồng vét nước kho đến thủng nồi.
Để đẩy xa thời kỳ mông muội đó của đàn bà, những cô nàng yêu chuộng "bình đẳng" vùng lên đòi được cưng chiều như bà hoàng, đòi không làm lụng vẫn sống sướng sung, đòi nửa kia phải vừa giỏi kiếm tiền vừa chăm nội trợ trong khi mình kho cá còn cháy, lương còn chưa đủ tiền phấn son.
Họ đòi độc lập, tự do, đòi người đàn ông đời mình phải biết quan tâm vừa đủ, tinh tế, phóng khoáng vừa đủ để tôn trọng khoảng không gian riêng của mình nhưng sẽ đùng đùng nổi giận nếu chàng không cho đọc hộp tin nhắn riêng của chàng, sẽ bứt rứt không yên nếu không được tiết lộ chàng dùng mật khẩu gì cho máy tính cá nhân, sẽ kiêm luôn nhiệm vụ bảo mẫu, ngày chục lần gọi điện kiểm tra chàng đang ở đâu, làm gì, với ai.
Họ tuyên bố vị trí của mình không phải ở xó bếp mà là ở salon làm đẹp nên đặc điểm chung của họ là xinh đẹp mỹ miều, chân không dài thì cũng thon trắng nõn nà, ngực không bơm đẫy đà thì mặt cũng được đầu tư những lớp trang điểm thần kỳ khiến vịt đều hóa thiên nga. Và nếu có đấng mày râu nào cả gan lên tiếng "Nếu như anh không có tiền, không có xe, không có nhà, không có nhẫn kim cương, nhưng anh có một trái tim yêu em thì em có bằng lòng gả cho anh không?" Các nàng sẽ chống chế "Nếu như em không có ngực, không có mông, không có vẻ ngoài xinh đẹp, không được cao ráo, nhưng em có một trái tim thiện lương yêu thương thì anh có đồng ý cưới em không?".
Hóa ra giá trị của những chân dài đòi "bình đẳng" chỉ là ở ngực, ở mông. Đàn ông được mặc định là "con trâu" quần quật kiếm tiền, còn phụ nữ với vẻ ngoài bắt mắt sẽ là là công cụ tình dục hay con búp bê trưng trong nhà để ngắm? Phân công lao động kiểu ấy thật là bất bình đẳng!
Những quý cô vòi vĩnh đàn ông cho mình cuộc sống nhung lụa chỉ vì "em đẹp em có quyền" đang tự hạ thấp giá trị bản thân, họ thừa nhận không thể sống bằng chính đồng tiền do mình kiếm ra, họ cũng như phụ nữ ở những thế kỷ xa xưa, quan niệm đàn bà con gái không thể lao vào thương trường, không thể làm một học giả xuất sắc, không thể có sự nghiệp đồ sộ, nên họ vẫn chọn nép sau lưng đàn ông.
Khi tự cho phép mình quyền nhõng nhẽo thái quá hay nổi giận vô cớ, phụ nữ đang tự chứng minh họ là đứa con gái lên 10 hoặc thần kinh có vấn đề, bởi chỉ có trẻ con hoặc người tâm thần mới được nhường nhịn còn hai người yêu nhau tự nguyện, bình đẳng sẽ không có chuyện chàng suốt ngày phải chạy theo nàng chiều chuộng những đòi hỏi cực kỳ vô lý.
Bình đẳng giới không có nghĩa là phụ nữ được tôn sùng làm bà hoàng, cũng không có nghĩa phải ăn thua chia chác, đi ăn chia đôi tiền, tôi tặng anh nhà lầu, anh phải tặng tôi xe xịn, nay tôi nấu cơm, mai anh bỏ việc về sớm mà nấu,.... Bình đẳng là sẻ chia, thấu hiểu, là cả hai cùng chung vai gánh vác áp lực cơm áo, gạo tiền, nỗi lo bệnh tật hay tuổi già ập đến, chung trách nhiệm nuôi dạy con cái, trách nhiệm vun vén, giữ gìn tình cảm. Là nàng có lúc nũng nịu thích được cưng chiều, thì chàng cũng có những giây phút yếu lòng cần một dựa vào một bờ vai dịu dàng nhưng vững chắc.
Theo DanTri
"Bình đẳng với chồng" một "ca khó" của phụ nữ! Bình đẳng với mình là biết điểm dừng. Để về nhà nấu cơm, để bình an với bình cà vại dưa mà không bận tâm đến chuyện xã hội đang gọi ta là gì...Là thản nhiên chờ người đàn ông yêu ta đủ để yêu cả những gì ta có thể làm cho cái sự bình đẳng, bình an và thản nhiên của...