“Billiards đã cứu cuộc đời tôi”
Đó là tâm sự của tay cơ huyền thoại người Thổ Nhĩ Kỳ Semih Sayginer khi tham gia biểu diễn ở Giải vô địch billiards châu Á 2012 tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP.HCM.
Sayginer biểu diễn ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng – Ảnh: Bá Phúc
Sayginer được mệnh danh là “phù thủy” hay “hoàng tử Thổ Nhĩ Kỳ” khi từng đăng quang ngôi vô địch thế giới và châu Âu. Ngoài ra, anh còn đi khắp thế giới để chinh phục người hâm mộ billiards bằng những đường cơ biểu diễn hài hước, lạ và cầu kỳ đến nỗi “chỉ có người điên mới nghĩ ra”, như lời anh nói.
Tay cơ 48 tuổi này nói: “Nếu không đến với billiards, có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ theo hướng khác mà phần đen tối sẽ nhiều hơn. Nói vậy bởi một đứa trẻ mồ côi như tôi rất dễ nhiễm những thói hư tật xấu như hút chích, bài bạc…”.
Sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em ở vùng ngoại ô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. 14 tuổi, Sayginer bị sốc nặng khi cả cha lẫn mẹ đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Bỗng chốc mất tất cả tình yêu cha mẹ, đến trường bị khinh miệt vì mồ côi… khiến Sayginer bị trầm cảm.
Video đang HOT
May mắn là Seyginer vẫn còn người bạn tốt là Iker. Năm 16 tuổi, Sayginer được Iker đưa đến một CLB billiards để chơi thử. Không ngờ ngay lần đầu cầm cơ, Sayginer đã khiến mọi người xung quanh kinh ngạc khi tỏ ra có năng khiếu và bắt chước các tư thế đánh rất nhanh. Những lời khen đó khiến Seyginer thích thú khi anh thấy mình được mọi người quan tâm. Thế là Seyginer mày mò tự học để rồi chỉ tám tháng sau đã trở thành nhà vô địch Thổ Nhĩ Kỳ lúc 17 tuổi.
Đó là giải đấu mà Seyginer nhớ mãi trong đời dù anh từng lên ngôi vô địch châu Âu, thế giới. Để được dự giải, Seyginer phải đến Istanbul ở nhờ ký túc xá của bạn. Không có tiền, Sayginer nhờ thợ mộc mài cây cơ với đầu cơ được quấn giấy báo cho khỏi xước. Đuôi cơ được dán bằng cục cao su của dép lê. Khi ra đấu, Seyginer cố ôm cây cơ trong người để đối thủ không biết chuyện này.
Ngày đó, Sayginer còn chịu áp lực rất lớn từ sự phản đối của anh chị trong nhà vì billiards khi đó không được người dân Thổ Nhĩ Kỳ xem là môn thể thao mà chỉ là trò bài bạc. Sayginer nói: “Anh chị buộc tôi phải đến trường học nghề điện nhưng bước chân tôi luôn hướng đến CLB billiards. Với tôi, billiards là sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cơ thể khỏe mạnh. Bạn cần có thể lực tốt và cơ bắp mạnh để có thể thi đấu trong thời gian dài. Đồng thời, trí óc phải luôn minh mẫn để tính toán đường bi. Tôi chưa bao giờ cầm cơ đánh độ kiếm tiền để giữ nét đẹp thể thao cho billiards”.
Quyết bỏ học để theo nghiệp billiards, Sayginer chuyển đến Istanbul tự kiếm tiền sinh sống. Anh làm đủ thứ nghề từ lau dọn, phục vụ bàn, thu ngân, sửa điện… và sống tiết kiệm trong những căn nhà trọ ọp ẹp để có dư tiền. Nhưng bao nhiêu tiền dành dụm được đều bay vèo theo các giải đấu thất bại liên tục của Sayginer từ năm 1988-1991.
Với quyết tâm vươn ra châu lục, Seyginer cùng một người bạn lái xe hơi ba ngày liên tục từ Istanbul sang Bỉ để thi đấu năm 1991. Giải đấu này tiếp tục là một thất bại ê chề khi Sayginer chỉ biết lóng ngóng đứng nhìn vì không biết ngoại ngữ và khớp trước đối thủ.
Sayginer bắt đầu gây được tiếng vang năm 1992 khi đánh bại tay cơ huyền thoại người Bỉ từng 35 lần vô địch thế giới Raymond Ceulemans tại Giải World Cup billiards ba băng ở Berlin. Và chỉ hai năm sau, Sayginer trở thành nhà vô địch giải đấu này. Ngoài ra, trong sự nghiệp của mình, Sayginer còn đăng quang Giải vô địch billiards ba băng châu Âu 1999 và vô địch thế giới billiards ba băng năm 2003.
Thành tích nổi bật của Seyginer đã giúp phong trào billiards tại Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Anh là người đặt nền móng cho sự ra đời của Liên đoàn Billiards Thổ Nhĩ Kỳ để giúp đất nước này trở thành thế lực mới của billiards thế giới.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cây vợt Vũ Mạnh Cường vẫn 'cày ải' ở tuổi 42
Nhiều người thấy choáng khi lão tướng Mạnh Cường vẫn xuất hiện tại giải vô địch quốc gia năm nay.
Cây vợt lão tướng vẫn ra sân thi đấu để lấy thành tích cho đội nhà. Ảnh: TN.
Vũ Mạnh Cường chẳng xa lạ gì với làng bóng bàn Việt Nam khi anh là người giúp bóng bàn Việt Nam hai lần vô địch SEA Games, từng là tay vợt số một quốc gia nhiều năm liền. Sau một thời gian ngắn gác vợt trên tất cả sân đấu đỉnh cao để tập trung vào công tác huấn luyện tại CLB bóng bàn Hà Nội T&T, hai năm trước việc Mạnh Cường bất ngờ trở lại thi đấu ở tuổi 40 khiến không ít người bị "sốc".
Tưởng chừng năm đó Mạnh Cường trở lại chỉ vì "ngứa nghề" nhưng một năm sau tại giải vô địch quốc gia 2011 được tổ chức tại quê nhà Hải Dương, Mạnh Cường lại "tái xuất giang hồ" trong vai trò một HLV kiêm VĐV. Mạnh Cường bảo, ảnh trở lại là để lấy nguồn cảm hứng cho các học trò, muốn họ nhìn mình như một tấm gương phấn đấu. Không có tuổi già, chỉ có ý chí phấn đấu kiên cường của VĐV mà thôi.
Những tường sau hai năm "tạo cảm hứng" cho các học trò, Mạnh Cường sẽ lui về tập trung cho công tác huấn luyện. Ấy vậy mà giải năm nay, Mạnh Cường lại đăng ký tham dự, mà tham dự ở nội dung đôi nam nữ hẳn hoi chứ không phải nội dung đơn nam, đôi nam như trước. Ở tuổi 42, Mạnh Cường phát "phì" nhiều hơn với những năm trước, anh cũng già đi và nếu ai chưa từng biết đến anh, đều cảm thấy "sốc" thật sự.
Thực ra, chuyện một tay vợt đã bước sang tuổi "băm" vẫn còn "máu" thi đấu không phải là chuyện bây giờ mới kể. Trước đây, một cây vợt Hải Dương nổi tiếng khác, nay là Trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT Nguyễn Đức Long cũng từng "tái xuất giang hồ" ở tuổi 40, rồi thi đấu chung với cả... con gái mình.
Thế nhưng, cứ mỗi lần có một "hiện tượng" như vậy xảy ra, người hâm mộ cũng chẳng biết nên buồn hay vui. Với Mạnh Cường, người hâm mộ vui vì lại được chiêm ngưỡng những quả giật bóng đã trở thành "thương hiệu" của anh, thậm chí ngay cả những động tác thổi bóng cách đây hơn chục năm về trước, vẫn được tái hiện. Các "hậu bối" có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm từ "đàn anh" của mình, nên ai cũng cảm thấy thú vị khi được xem Mạnh Cường thi thố.
Thế nhưng, nhìn sâu xa hơn, chỉ cần một cú "trở lại" khá ngoạn mục của Vũ Mạnh Cường thì cái khoảng trống mênh mông về trình độ lẫn lực lượng của bóng bàn Việt Nam đã lộ ra hoàn toàn. Và nếu như tại giải vô địch quốc gia lần này, sau một thời gian dài gác vợt, Mạnh Cường lại làm được một "cái gì đó" ở cái tuổi 42 của mình, thì chẳng biết nói gì nữa với bóng bàn Việt Nam.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Kiếm thủ 9x và chiếc vé Olympic lịch sử Nguyễn Tiến Nhật đã đi vào lịch sử làng đấu kiếm nước nhà khi là người đầu tiên giành vé chính thức dự Thế vận hội. Nguyễn Tiến Nhật là một trong những kiếm thủ hàng đầu Việt Nam khi từng xếp hạng 75/223 ở nội dung kiếm ba cạnh nam tại giải vô địch thế giới diễn ra tại Italy vào năm...