Bill Gates và Mark Zuckerberg bỏ đại học và thành tỷ phú nhưng các chuyên gia khuyên bạn “đừng dại” mà bỏ đại học
Bill Gates bỏ đại học giờ là tỷ phú có trong tay 95 tỷ USD. CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng bỏ đại học nốt và giờ có 70 tỷ USD. Nhưng còn bạn, đừng dại mà nghỉ học đại học chỉ để nói gương các tỷ phú nổi tiếng.
Thật vậy theo nghiên cứu của trang web việc làm Adview (Anh Quốc) cho thấy, cứ 8 tỷ phú trong danh sách Forbes 400 (400 người giàu nhất nước Mỹ) lại có một người bỏ học đại học. Nghe thì có vẻ bỏ học đại học là một “thượng sách” cho những ai muốn làm giàu từ khi còn trẻ. Nhưng thực tế có phải như vậy?
Không hề, thế giới chỉ có một Bill Gates và cũng chỉ có một Mark Zuckerberg mà thôi. Như vậy cơ hội để bạn trở thành Bill Gates thứ hai nếu bỏ học đại học là rất thấp, nếu không muốn nói là không thể.
Kết quả trên có được nhờ một nghiên cứu tổng hợp trên 362 tỷ phú bằng cách theo dõi hồ sơ giáo dục công khai của họ. Trong đó có khoảng 44 người bỏ học. Kết quả trên khá trùng hợp với phân tích của Forbes trước đó trong năm 2017 cho thấy, có 16% tỷ phú trong thống kê của họ không có bằng cử nhân.
Có thể kể đến nhiều doanh nhân nổi tiếng mà không cần đến bằng đại học, đó là đồng sáng lập Microsoft Paul Allen, sáng lập gia Dell, ông Michael Dell, đồng sáng lập Apple Steve Jobs hay Larry Ellison (đồng sáng lập Oracle), Daniel Ek (đồng sáng lập dịch vụ nghe nhạc Spotify).
Danh sách này có thể khơi gợi nên nguồn cảm hứng “bỏ đại học” cho nhiều người trong bối cảnh sinh viên Mỹ phải chật vật trả nợ sau khi ra trường. Các sinh viên Mỹ sau khi ra trường nếu không tìm được công việc có mức lương khá, họ sẽ phải còng lưng để trả số tiền nợ đại học.
Nhà đầu tư Peter Thiel cũng đồng ý với quan điểm “bỏ đại học” để tìm kiếm những sự mới mẻ hơn, thay vì bị bó buộc trong một khuôn khổ khi ngồi trên giảng đường đại học. Ông thậm chí còn có hẳn một quỹ riêng khởi động từ năm 2011 với mục đích trao thưởng 100 ngàn USD cho các doanh nhân thành đạt sau khi bỏ đại học.
Bỏ học đại học chứ không phải là “bỏ học”
Dù bạn có nghe, có nhìn thấy bao nhiêu tấm gương thành công trước mắt nhờ bỏ học đại học thì hãy đừng lấy niềm tin đó “vận” cho mình. Bởi đó là suy nghĩ áp đặt thành công của người khác cho mình trong khi bản thân lại không thể cố gắng và làm được như họ.
Các chuyên gia trong lĩnh vực việc làm khẳng định, bỏ học đại học, chấp nhận rủi ro, không sợ thất bại và không ngừng học hỏi là những yếu tố giúp một người đạt được thành công. Nhưng nếu bạn không đủ sự tự tin như họ, một tấm bằng đại học với kiến thức từ giảng đường trao cho bạn sẽ hữu ích hơn nhiều.
Video đang HOT
Scott Galloway, giáo sư bộ môn marketing tại Trường kinh doanh NYU Stern chia sẻ với trang Business Insider: “Sẽ luôn có những con người như Jay-Z, Kobe Bryants hay Mark Zuckerberg, những người đã bỏ học đại học. Nhưng bạn nên tự nhủ rằng, bạn không phải là họ và tốt nhất bạn nên đi học đại học thì hơn”.
Tỷ phú Jack Ma có được thành công như hiện nay là nhờ quá trình tích lũy kinh nghiệm khi còn học đại học
Những Bill Gates hay Mark Zuckerberg chỉ là một số ít những người thành công nhờ việc bỏ học đại học. Nhưng ít ai biết rằng, họ đã phải lao động và học tập miệt mài đến thế nào thì mới có được thành công như hiện nay.
Cũng cần phải chú ý rằng, họ đã bỏ học tại những ngôi trường danh tiếng như thế nào. Đó là Harvard, Stanford hay Pennsylvania. Đây cũng là nơi đã nuôi dưỡng 326 tỷ phú Mỹ. Điều đó cũng đã phần nào cho thấy tố chất con người, bản lĩnh và ý chí mới là thứ quyết định tất cả.
Thực tế cho thấy, có 94% giới lãnh đạo bao gồm cả các nhà báo, chính trị gia, CEO hàng đầu nước Mỹ đều là những người tốt nghiệp đại học. Nói như vậy là để thấy những người bỏ học đại học và giờ trở thành tỷ phú là một trong số những ngoại lệ hiếm có và đôi khi nó không phải là quy tắc có thể áp dụng bừa bãi cho tất cả mọi người.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, các nhà tuyển dụng đã không còn quá coi trọng cái “mác” bằng cấp của ứng viên. Đây sẽ là tiền đề không thể tốt hơn để những người không có cơ hội học đại học hoặc có lý tưởng riêng muốn thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng. Từ đó xây dựng cho mình cơ sở thực hiện hóa các mục tiêu làm giàu trong tương lai.
Theo GenK
Bill Gates: "Paul Allen đã thay đổi cuộc đời tôi như thế đó"
Bài viết cảm động là lời chia tay của Bill Gates dành cho đồng sáng lập Microsoft, vĩ nhân Paul Allen.
Bill Gates và Paul Allen năm 1983, ngay sau khi viết xong MS-DOS cho laptop Tandy và kí hợp đồng viết MS-DOS cho IBM.
Tôi chạm mặt Paul Allen hồi lớp bảy, bằng cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời tôi.
Tôi ngay lập tức thần tượng anh. Anh học cao hơn tôi hai lớp, người rất cao, tự chứng minh cho mọi người thấy khả năng thiên tài của mình với cái máy tính. (Sau này, anh có một bộ râu rất "ngầu", thứ mà tôi chẳng bao giờ nuôi được). Chúng tôi thân thiết với nhau bằng máy nhắn tin Teletype, thiết bị vài vị phụ huynh đã tặng cho trường, đều được nối tới một mạch chủ điều khiển từ xa.
Dần dần, chúng tôi dành mọi thời gian rảnh để nghịch bất cứ thứ máy móc nào chúng tôi gặp. Tại cái tầm tuổi trẻ đáng lẽ là tuổi trốn nhà đi chơi, Paul và tôi lại trốn nhà, treo tường vào dùng trộm máy tính bên trong Đại học Washington. Nghe chuyện là đã thấy đây là hai cậu "geek" thực thụ, mà cũng đúng thế thật, nhưng những buổi trốn nhà vẫn là những trải nghiệm mang lại đầy tri thức, và tôi chẳng rõ liệu mình có dám làm thế, nếu không có anh Paul đi cùng.
Nhưng tôi biết chắc chắn rằng, chuyến phiêu lưu sẽ kém vui nếu thiếu anh.
(Hành vi "mượn tạm" máy trái phép dần trở thành một phần không thể thiếu giữa chúng tôi. Sau này, khi tôi trở thành sinh viên tại Harvard, đã có lần tôi bị khiển trách vì để Paul dùng máy tính của trường mà không xin phép).
Khi lên cấp hai, trước cả khi đại đa số người dân biết tới cái máy tính, anh Paul đã dự đoán rằng các con chip sẽ trở nên cực mạnh, sẽ mở cửa cho cả một ngành mới phát triển. Nhiều người không biết rằng Microsoft không phải dự án đầu tiên chúng tôi làm cùng nhau đâu. Đó là dự án Traf-O-Data, một cái máy có khả năng phân tích thông tin thu được từ hệ thống giám sát giao thông trên đường. Chúng tôi đã tạo ra sản phẩm mẫu, hoạt động được, chúng tôi đã mường tượng ra cảnh bán được sản phẩm đi muôn nơi.
Cuối cùng không ai muốn mua cỗ máy này cả, chúng tôi phải dừng đầu tư vào dự án.
Tháng Mười hai năm 1974, chúng tôi nhen nhúm dự án tiếp theo, mong muốn nó sẽ thành công hơn. Anh Paul và tôi đều sống tại khu vực Boston - anh đi làm còn tôi đi học. Chợt một ngày, anh chạy đến chỗ tôi và kéo tôi tới một quầy báo. Anh chỉ cho tôi bìa tập san tháng Giêng của Popular Electronics: một cỗ máy tính mới toanh có tên Altair 8800, chạy một con chip mạnh mẽ hoàn toàn mới.
Anh Paul quay sang tôi mà rằng: " Chuyển biến đang diễn ra mà chúng ta không góp được phần nào trong đó!" Câu nói của anh Paul đánh dấu giây phút sự nghiệp học đại học của tôi dừng lại. Chúng tôi bắt đầu chuyến phiêu lưu mới, Microsoft.
Những ngày đó, con chip vẫn còn hạn chế lắm, đến mức bạn không thể tiến hành "native development", ý rằng bạn không thể dùng máy để phát triển phần mềm được. Việc viết code, làm phần mềm trên con chip đó rất khó. Anh Paul có ý tưởng: viết những đoạn code giả lập chip trên một chiếc máy tính mạnh, rồi chuyển code làm được trên phần mềm giả lập về máy tính yếu hơn để nó chạy được.
Đột phá trên là viên gạch nền móng cho phép Micrsoft thành công vào những năm đầu, Paul xứng đáng nhận mọi lời tán dương cho ý tưởng ấy.
Với tư cách là cá nhân đầu tiên tôi từng cộng tác làm việc, anh Paul đề ra một bộ quy chuẩn ít người đáp ứng nổi. Anh suy nghĩ rất rộng, có biệt tài giải thích những chủ đề phức tạp theo cách dễ hiểu. Khi trưởng thành, anh theo đuổi rất nhiều khía cạnh thú vị khác nhau, bao gồm nghệ thuật, kĩ năng giao tiếp, trí tuệ nhân tạo. Anh muốn ngăn chặn nạn săn voi trái phép, muốn xây dựng thành phố thông minh, muốn tăng tốc độ ngành nghiên cứu não.
Vô cùng may mắn khi tôi gặp anh lúc tôi còn rất trẻ, tôi có thể nhìn thấy bộ óc vĩ đại đó trước bất kì ai trên thế giới. Khi tôi còn là cậu thiếu niên, tôi tò mò về mọi thứ chạy xăng. Người ta lọc xăng thế nào? Tôi hỏi người hiểu biết nhất mà tôi quen. Anh Paul giải thích cực kì dễ hiểu mà lại khiến tôi càng thêm hứng thú. Đó là một ví dụ trong vô số những cuộc trò chuyện đã làm tôi sáng mất, những cuộc trò chuyện rải rác suốt cả chục thập kỉ tiếp theo.
Anh Paul "ngầu" hơn tôi. Anh rất thích nghe nhạc Jimi Hendrix, tôi còn nhớ anh chơi bài "Are You Experienced? - Bạn có kinh nghiệm đầy mình không?" cho tôi nghe. Thời đó, tôi chẳng có chút kinh nghiệm về bất kì khía cạnh nào, chính anh Paul đã muốn chia sẻ thứ âm nhạc tuyệt vời ấy với tôi. Đó là bản chất của anh. Anh Paul trân trọng cuộc sống và yêu mến tất cả những người xung quanh mình, mọi tình cảm phát ra từ trái tim anh đều hiện hữu rõ ràng.
Sở thích của anh nhiều bao nhiêu, thì lòng bao dung của anh lớn bấy nhiêu. Tại quê nhà Seattle, anh gây quỹ xây nhà cho người vô gia cư, đẩy tiền vào dự án nghiên cứu não bộ, cấp vốn cho các khóa học nghệ thuật. Anh xây nên Bảo tàng Văn hóa Đại chúng, địa điểm tuyệt vời lưu giữ những thứ đáng giá nhất của âm nhạc, của khoa học viễn tưởng, của phim ảnh.
Khi tôi ngẫm về Paul, tôi nhớ tới một con người đầy đam mê, một con người tình cảm giữ toàn bộ gia đình và bạn bè trong lòng. Tôi cũng nhớ tới một kỹ sư công nghệ và một con người bác ái muốn làm nên những điều vĩ đại, và cũng đã làm được.
Paul xứng đáng có thêm thời gian sống trên cõi đời này. Anh ấy sẽ là người tận dụng mọi khoảnh khắc mình có. Tôi sẽ nhớ anh nhiều lắm.
Lời tiễn biệt Paul Allen do Bill Gates viết, do Wall Street Journal đăng tải.
Theo Tri Thuc Tre
Bill Gates: Paul Allen tin rằng máy tính sẽ giúp thay đổi thế giới và chúng tôi đã làm được điều đó Paul Allen, người cùng Bill Gates sáng lập hãng Microsoft đã qua đời ngày 15/10 vì căn bệnh ung thư ở tuổi 65. Để tưởng nhớ người đồng nghiệp, cộng sự, đồng thời là người bạn thân hơn 50 năm, Bill Gates đã có bài viết trên blog cá nhân về Paul Allen. Microsoft sẽ không bao giờ hiện hữu trên cõi đời...