Bigdata và trí tuệ nhân tạo đang đưa ngành bảo hiểm vào “thời đại mới”
Ngành bảo hiểm xuất hiện khái niệm mới: công nghệ bảo hiểm ( Insurtech) nhờ bàn tay thần kỳ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Tống Thùy Linh, 30 tuổi, nhân viên môi giới bất động sản gõ vào công cụ tìm kiếm: “bảo hiểm ung thư”. Cô nhấp vào ePrudential, trang thương mại điện tử của công ty bảo hiểm uy tín tại Việt Nam. Sau khi cô trò chuyện với PRUbot, một chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoạt động 24/7 trên Facebook Messenger của Prudential Việt Nam, Linh được yêu cầu trả lời trực tuyến một câu hỏi thẩm định duy nhất để hoàn tất việc tham gia sản phẩm bảo hiểm bệnh ung thư PRU-iProtect.
Tại Việt Nam, đất nước có hơn 2/3 dân số trẻ dưới 35 tuổi như Linh, việc mua bảo hiểm, vốn là sản phẩm phức tạp, đang ngày càng trở nên đơn giản và nhanh chóng. Khách hàng không cần đợi để xếp lịch gặp đại lý mà chỉ cần nói chuyện với một đại diện của công ty được tạo lập bởi trí thông minh nhân tạo. Họ cũng không tốn nhiều tuần mới có thể cầm trong tay bản tư vấn hợp đồng bảo hiểm mà chỉ cần thông qua các ứng dụng công nghệ là có thể nhận ngay bản thảo hợp đồng phù hợp với nhu cầu của họ. Một vài công ty bảo hiểm còn giảm phí nếu khách hàng chạy đủ 10 ngàn bước mỗi ngày hay cung cấp hồ sơ cho thấy các chỉ số sức khỏe tốt.
Hội thảo Định phí Việt Nam với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia định phí bày tỏ sự quan tâm đến chủ đề ứng dụng Bigdata và trí tuệ nhân tạo trong ngành bảo hiểm.
Sự thay đổi về nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng đặt ngành bảo hiểm nhân thọ trước yêu cầu phải mang lại sự tiện lợi cùng giải pháp bảo hiểm hiệu quả và thông minh hơn. Bài toán được giải quyết nhờ bàn tay thần kỳ của công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang lan rộng và các doanh nghiệp bảo hiểm không thể đứng ngoài làn sóng này. “Prudential đã và đang áp dụng sáng kiến đổi mới giúp chúng tôi chủ động gia tăng kết nối với khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt trao cho họ sự chủ động nhiều hơn khi tham gia bảo hiểm. Khai thác tiềm năng, hoá giải thách thức mà Big Data mang lại cũng không nằm ngoài định hướng đó” – Ông Clive Darren Baker – Tổng Giám đốc Prudential chia sẻ.
Làn sóng công nghệ 4.0 khiến khán phòng Hội nghị Định phí Việt Nam 2018 tại TP.HCM được lấp kín hơn 200 chỗ ngồi, so với con số khiêm tốn chỉ 15 khách tham dự trong hội nghị lần đầu tiên cách đây hơn chục năm. Gần 20 công ty bảo hiểm tại Việt Nam cùng thảo luận về một xu hướng đang nổi lên trong ngành: cách dữ liệu lớn (big data) đang thay đổi ngành này như thế nào. Rachel Wang, chiến lược gia cấp cao khu vực Đông Nam Á của công ty tái bảo hiểm RGA nhận xét, bảo hiểm là một trong hai ngành tài chính “hưởng lợi nhiều nhất từ dữ liệu lớn” vì chưa bao giờ dữ liệu lớn được tập hợp ở quy mô lớn và hiệu quả theo thời gian thực như bây giờ.
Thông qua việc phân tích các dữ liệu lớn về nhân khẩu học, hành vi tiêu dùng, hệ sinh thái xã hội, dữ liệu y tế và sinh trắc học… tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ các sáng kiến dọc theo ngành bảo hiểm từ tiếp thị (ví dụ: tiếp thị online) đến phân phối (phân chia và tiếp cận đúng nhóm khách hàng), quản lý rủi ro, tạo ra sản phẩm, định giá, dịch vụ khách hàng đến văn phòng. “Dữ liệu lớn có thể bắt được cảm xúc và suy nghĩ của khách hàng. Chúng ta sẽ nhận ra, đôi khi, cái mà chúng ta muốn bán không phải là cái mà khách hàng thực sự cần,” bà Rachel Wang chia sẻ, xu hướng sắp tới là các công ty bảo hiểm đưa ra các sản phẩm riêng cho từng khách hàng dựa trên dữ liệu của họ.
Dữ liệu lớn đang dần phá vỡ các rào cản cũ dẫn các công ty bảo hiểm bước vào thời đại mới, liên quan đến hầu hết phân khúc từ bảo hiểm ô tô, sức khỏe, nhà ở và nhân thọ. Bà Rachel Wang kể câu chuyện, khi bà tăng tốc độ lái xe, lập tức, thông tin sẽ được gửi cho công ty bảo hiểm xe hơi và họ đề xuất các gói bảo hiểm về lái xe an toàn ở các mức rủi ro kèm theo mức giá khác nhau.
Ngoài ra, Chatbot là một điển hình khác của việc thay thế dần các nhân viên tư vấn bảo hiểm trong việc thu thập dữ liệu và giao tiếp với khách hàng thông qua giọng nói, với các ngôn ngữ khác nhau và thậm chí nhận dạng được cảm xúc của khách hàng. Liem Phan, trưởng bộ phận Định giá khu vực Đông Nam Á của công ty Swiss Re, những người làm công việc trung hòa quyền lợi khách hàng và giá trị của công ty, chia sẻ, am hiểu dữ liệu lớn mở ra cho các chuyên viên định phí cơ hội nghề nghiệp lớn hơn: “Chúng tôi phân tích, đánh giá dữ liệu thu thập bằng cách áp dụng các mô hình toán học trong tài chính và bảo hiểm để phát triển và định giá một sản phẩm bảo hiểm”.
“Chúng ta đang ở thời điểm có tính chất bước ngoặt,” ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Giám sát Bảo hiểm, bộ Tài chính, phát biểu tại Hội nghị Định phí Việt Nam 2018. Theo ông, Việt Nam vẫn còn nhiều dữ liệu vẫn chưa được khai thác liên quan đến tình trạng sức khỏe, dân số, tài sản, đầu tư, thẻ tín dụng… Qua đó, các nhà bảo hiểm có thể tìm cách để hiểu hơn nhu cầu khách hàng, vừa có thể đưa ra các dự đoán giảm thiểu rủi ro. Giới chuyên môn còn nhìn nhận, việc sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo còn có thể giúp hạn chế các vấn đề gian lận, trục lợi bảo hiểm.
Video đang HOT
Ông Clive Baker nhận xét vai trò của dữ liệu lớn đang mở ra những cơ hội cho những công ty dẫn đầu sự thay đổi như Prudential nhằm nắm bắt nhu cầu tiêu dùng mới của khách hàng. Tại Prudential Việt Nam, ban lãnh đạo vạch ra rất cụ thể các khâu mà họ có thể áp dụng 4.0 dọc theo chu trình trải nghiệm bảo hiểm của khách hàng, thường bắt đầu từ giai đoạn tìm hiểu – thu hút – tiếp xúc – mua hàng (giao kết Hợp đồng bảo hiểm) – trải nghiệm dịch vụ và giải quyết các quyền lợi hoặc đáo hạn hợp đồng.
Cụ thể, sau khi người dùng tìm kiếm thông tin về công ty trên trang web chính thức của Prudential hoặc trên các cỗ máy tìm kiếm như Google, Facebook, họ sẽ được dẫn vào blog chính thức của Prudential Việt Nam là Life Companion. Tại đây khách hàng được cập nhật các kiến thức bảo hiểm và bài viết hữu ích về nuôi dạy con, cải thiện mối quan hệ, chăm sóc sức khỏe, hoạch định tài chính được trình bày theo cách dễ hiểu.
Tiếp đến, chatbot tư vấn bảo hiểm PRUbot và công cụ Matchbook giúp khách hàng có nhu cầu đặt lịch hẹn với chuyên viên tư vấn tài chính, đáp ứng thói quen chủ động tìm kiếm thông tin và tìm kiếm tư vấn viên của người dùng internet thế hệ mới. Trong giai đoạn tiếp xúc và mua hàng, khách hàng thao tác đơn giản bốn bước và thanh toán bằng các hình thức thanh toán trực tuyến trên trang thương mại điện tử ePrudential.
Để hoàn thiện chuỗi trải nghiệm khách hàng ngày càng suôn sẻ, công nghệ 4.0 hậu thuẫn từ đằng sau. “Cuối cùng, bảo hiểm và internet có thể sáp nhập lại với nhau nhưng hoàn toàn không thay thế nhau,” Rachel Wang nhận xét. Điều này nảy sinh một khái niệm mới trong ngành bảo hiểm Việt Nam: Insurtech (công ty công nghệ bảo hiểm).
Theo Dan Tri
Trí tuệ nhân tạo đã tạo ra những điều không tưởng tại Việt Nam
Mặc dù trí tuệ nhân tạo - AI mới manh nha xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, khi phong trào cách mạng công nghệ 4.0 lan đến Việt Nam, nhưng công nghệ này cũng đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ tại Việt Nam.
Ảnh: TechFunnel
Trí tuệ nhân tạo - AI đang là một trong những công nghệ được quan tâm nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, là một trong những đại diện tiêu biểu của làn sóng công nghiệp lần thứ tư.
Trên thế giới, người ta đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo nên những sản phẩm có tính chất đột phá như Sophia - robot đầu tiên được trao quyền công dân hay những robot trong các nhà máy có thể thay thế hoàn toàn con người.
Với tính chất ngày càng phẳng của thế giới, mặc dù thuật ngữ AI chỉ mới thịnh hành ở Việt Nam trong vài năm gần đây, nhưng đã có nhiều tổ chức - doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng nó và công việc nghiên cứu - kinh doanh, tạo ra những kết quả rực rỡ; ngoài lĩnh vực sản xuất đã âm thầm áp dụng trong nhiều năm trước, bây giờ còn có thêm lĩnh vực y học và marketing.
Chữa và tầm soát ung thư bằng trí tuệ nhân tạo
Một trong những nguyên nhân khiến bệnh ung thư rất khó chữa là bởi khả năng tiến hóa mạnh mẽ của các tế bào ung thư khiến quá trình di căn lan ra toàn thân diễn ra rất nhanh.
Các tế bào ung thư luôn tiến hóa để sống được trong các mạch máu, chúng sẽ theo mạch máu đến nhiều chỗ khác trong cơ thể chúng ta, nếu gặp tác nhân bên ngoài tấn công, chúng sẽ thành lập một cơ chế gọi là "cảm tử" - các tế bào ung thư bên ngoài sẽ liều chết để bảo vệ những tế bào ung thư ở giữa, sau đó, kẻ sống sót bám vào thành mạch máu và làm ổ ở chỗ mới. Điều này khiến căn bệnh ung thư rất hay kháng thuốc và điều trị khó khăn.
Tuy nhiên, qua nhiều năm nghiên cứu, con người đã có một vài giải pháp để có thể chữa hoặc ngăn ngừa bệnh ung thư thông qua việc giải mã được bộ gen của con người - vì căn nguyên của bệnh ung thư là do đột biến gen gây ra. Thông qua giải mã bộ gen, con người có thể tầm soát được ung thư và can thiệp sớm, khiến tế bào ung thư không thể di căn hoặc di căn chậm.
"Để có thể giải mã được bộ gen của một con người, cần tới công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Nhờ 2 công nghệ này, các bác sỹ có thể hiểu được các tế bào ung thư ở mức độ phân tử, điểm mạnh - điểm yếu của chúng và chúng sẽ di căn như thế nào.
Thông qua bản đồ gene của mỗi người, các bác sỹ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chính xác cho từng cá nhân cụ thể cũng như có thể điều chỉnh theo tiến trình điều trị và theo thời gian", ông Phan Minh Liêm, Viện trưởng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ trình bày.
Cũng theo ông Liêm, trong cuộc chiến với ung thư, chỉ khi "biết mình biết ta mới có thể trăm trận trăm thắng", mà muốn hiểu biết tường tận từng chân tơ kẻ tóc các tế bào ung thư thì cần phải giải mã được bộ gene người thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đây là cách duy nhất mà con người có thể theo dõi được sự tiến hóa của tế bào ung thư.
Hiện tại, ở Việt Nam đã có dịch vụ giải mã bộ gen người - chiết ADN sau đó đưa vào phân giải điện từ, với giá cả phù hợp hơn nhiều người dân chứ không còn quá đắt đỏ như trước kia. Mỗi người có 32.000 gene, thế nên chỉ có khi sử dụng máy học - machine learning (một ứng dụng cơ bản của AI) mới có thể phân tích được dữ liệu mà bộ gen con người cung cấp, đồng thời có thể xử lý những thuật toán quan trọng để cho ra dữ liệu cuối cùng.
Ông Phan Minh Liêm - Viện trưởng Viện y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: Alobacsy
Còn theo tiết lộ của ông Cao Anh Tuấn - CEO Gene Friend Way, từng là kỹ sư cấp cao tại Google chuyên về mảng Dữ liệu lớn và Trí tuệ Nhân tạo, thì với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, giá cả của dịch vụ giải mã gene ngày càng rẻ và theo ông dự đoán, giá cả của nó sẽ ngày càng rẻ hơn - có thể bằng mua một đôi giày vào ngày nào đó. Trong thời buổi sơ khai của ngành dịch vụ giải mã gene, để giải mã một bộ gene người cần mất 3 tỷ USD, sau đó giảm xuống còn 100 triệu USD, bây giờ chỉ còn từ 600 USD đến 1.000 USD.
Ngành marketing đang làm những điều không tưởng với AI
Ngoài lĩnh vực y học, thì marketing cũng là một trong những ngành nghề ứng dụng trí tuệ nhân tạo sớm nhất tại Việt Nam.
Tiki - doanh nghiệp dẫn đầu mảng thương mại điện tử Việt Nam đã dùng AI vào công việc marketing của mình trong vài năm gần đây.
Như chia sẻ của ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO của Tiki đầu năm 2018, thì công ty của ông có một đội nhóm các bạn kỹ sư công nghệ chuyên nghiên cứu AI để ứng dụng vào hoạt động marketing cả sản phẩm lẫn thương hiệu Tiki. AI giúp các chiến dịch AI của Tiki làm những điều mà trước đây họ không thể: quảng bá sản phẩm theo thời gian thực, các thông điệp quảng cáo vừa sâu sắc lại được cá nhân hóa, các banner quảng cáo sản phẩm có thể tự "chạy" theo các khách hàng mục tiêu khi họ online....
Khi Tiki có thông tin khách hàng một cách tương đối, AI sẽ tự động phân tích những hoạt động của họ mỗi khi online cũng như những hành động khi vào trang web của Tiki để đưa ra những đề nghị hợp lý.
Ví dụ: khi một người phụ nữ tầm 30 tuổi thường xuyên lên Google xem về việc nên và không nên làm với một bà bầu, đồng thời vào trang web của Tiki đặt mua tả giấy; qua phân tích và xử lý bằng AI, máy kết luận khách hàng đó có thể đang mang bầu, nên trang web sẽ tự động chạy thêm những đề nghị mua hàng khác đến khách hàng đó như váy bầu, sữa...
Hoặc nếu các doanh nghiệp không có khả năng nuôi kỹ sư, có thể dùng dịch vụ AI ở các công ty dịch vụ, như Appier - doanh nghiệp công nghệ chuyên cung cấp nền tảng trí tuệ nhân tạo hàng đầu châu Á có trụ sở tại Đài Loan, vừa mới đến thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo người đại diện của Appier tại Việt Nam, thì các công cụ tự động bắt nguồn từ công nghệ trí tuệ nhân tạo là một phần quan trọng trong việc duy trì lượng khách hàng trung thành một cách hiệu quả cả trước, trong và sau một sự kiện mua sắm. Nhờ vào sự tiến bộ của AI, đặc biệt là khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, các doanh nghiệp có thể tự động hóa việc "tìm kiếm khách hàng".
Để xây dựng một cái nhìn toàn diện về khách hàng mục tiêu, bước đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là theo dõi hành trình mua sắm của khách hàng trên tất cả các thiết bị họ sử dụng. Các doanh nghiệp cần biết về những gì người mua hàng đang tìm kiếm cả bên trong lẫn bên ngoài trang web của mình để hiểu rõ xu hướng của khách hàng đối với các sản phẩm, nhãn hiệu và nội dung cũng như mức độ thường xuyên và tần suất tìm kiếm.
Quy tắc 80/20 (dành 80% ngân sách của bạn cho 20% khách hàng có giá trị nhất) cho phép đo lường một cách chính xác với quy mô lớn trên từng đối tương cụ thể.
Tuy nhiên đo lường nhu cầu của khách hàng chỉ là một nửa câu chuyện. Kết nối liên tục với khách hàng để tăng tăng khả năng liên kết là điều cực kỳ quan trọng nhằm chuẩn bị cho những chiến dịch giảm giá nhắm đến họ trong các sự kiện mua sắm sau này.
Theo nhiều chuyên gia marketing, trong tương lai, doanh nghiệp nào biết sử dụng AI hiệu quả sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến giành sự yêu mến của khách hàng, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo The Leader
Top những công nghệ hàng đầu 'hút' khách tại Triển lãm CES 2019 Triển lãm Điện tử Tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) 2019 đang trở nên thu hút hơn bao giờ hết với những công nghệ được cho là sẽ trở thành xu hướng chủ đạo, thống trị đời sống, kinh tế, xã hội loài người trong thời gian tới. 5G là công nghệ chủ đạo và được bàn thảo nhiều nhất tại CES...