Biểu tượng thời trang nữ quyền
Thời trang mang hơi hướng nữ quyền với thiết kế skirt suit không chỉ dừng lại ở mức đẹp, hợp mốt mà còn ngầm thể hiện vị trí và uy quyền của phái nữ.
Trong tiếng Anh, thuật ngữ skirt suit dùng để chỉ những bộ trang phục bao gồm áo vest kết hợp với chân váy bút chì hay còn gọi là váy âu phục. Huyền thoại thời trang Coco Chanel đã giới thiệu đến công chúng skirt suit cách đây 100 năm, vào năm 1914. Kể từ đó, thiết kế này luôn được coi là biểu tượng của xu hướng thời trang nữ quyền, một nét đẹp thanh lịch cùng thông điệp khẳng định vị thế của phái đẹp trên toàn thế giới. Đây cũng là trang phục phổ biến của nữ giới làm việc trên thương trường, chính trường, toà án, hay trong ngành ngân hàng và các ngành nghề đòi hỏi sự khắc khe, tính kỷ luật cao.
Skirt suit và những người nổi tiếng
Skirt suit từng gắn liền với hình ảnh của nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, biệt danh “Bà đầm thép”. Trong thời gian đương nhiệm trên chính trường, bà Thatcher để lại dấu ấn với những chiếc skirt suit Tory màu xanh đậm vừa thể hiện nữ tính nhưng cũng đầy sự mạnh mẽ, tự tin. Skirt suit cũng là trang phục quen thuộc của Nữ hoàng Anh Elizabeth II hay thủ tướng Anh Theresa May như một thông điệp ngầm về hình ảnh cá nhân.
Như một thông điệp về sự độc lập, mạnh mẽ và uy nghi, skirt suit cũng gắn liền với những nhân vật nữ chính trong nhiều phim điện ảnh lớn. Từ nữ diễn viên Marlene Dietrich trong bộ phim Stage Fright năm 1950 đến Tippi Herden trong The Birds năm 1963 đều ghi dấu với những bộ skirt suit. Cũng là váy âu phục, nhưng với thiết kế skirt suit tartan màu vàng mang đến cho nữ diễn viên Cher Horowitz trong bộ phim Clueless năm 1955 nét tinh nghịch, tươi tắn.
Trong phim ảnh hiện đại, bộ phim dài tập Suits (khởi chiếu từ 2015 đến nay) ghi dấu ấn với hình ảnh nữ nhân vật Jessica Pearson – giám đốc hãng luật quyền lực và quyết đoán trong các thiết kế skirt suit đơn sắc.
Skirt suit trở lại với làng mốt
Năm nay, skirt suit được tôn vinh trong nhiều bộ sưu tập của các nhà mốt với phong cách mới, tinh tế và hiện đại hơn nhưng vẫn giữ nguyên nét uy quyền vốn có.
Nhà mốt Erdem lấy cảm hứng từ Adele Astaire (nghệ sĩ múa người Mỹ, người sau này trở thành quý tộc Anh) cho bộ sưu tập Thu – Đông 2018. Skirt suit của Erdem – nhà mốt nổi tiếng với phong cách nữ tính được biến tấu với chi tiết kẻ sọc hoặc họa tiết hoa lớn trên áo đen kết hợp với chân váy rủ mềm mại.
Skirt suit trên sàn diễn Thu Đông 2018 được thương hiệu Moschino lấy hình tượng của Jackie Kennedy váy âu phục đi kèm với mũ hộp. Louis Vuitton với chi tiết thắt eo ở phần áo và chất liệu ánh kim nổi bật. Eudon Choi nổi bật với thiết kế với hai hàng khuy (double-breasted) chuẩn mực và Calvin Klein với sự tái cấu trúc, bất đối xứng, đem đến sự phức tạp cho các thiết kế.
Video đang HOT
Giám đốc toàn cầu phụ trách thu mua của công ty thiết kế thời trang Net-a-porter, Elizabeth von der Goltz, nhìn nhận việc skirt suit quay trở lại trong bộ sưu tập của các nhà thiết kế giúp hồi sinh kỹ thuật may đo tinh tế. Von der Goltz cho rằng sự đón nhận váy âu phục thể hiện người phụ nữ ngày càng nắm giữ vai trò nổi bật trên thương trường và xã hội: “Chúng ta may mắn được sống trong thời đại nơi người phụ nữ là những nhà lãnh đạo, được truyền cảm hứng để nắm các quyết định quan trọng. Đối với tôi, xu hướng này thật sự đáng chú ý”.
Thanh Dương
Theo sgtiepthi.vn
Ảnh hưởng của bốn kiểu cha mẹ phổ biến đến sự phát triển của trẻ
Xác định được kiểu nuôi dạy con, bạn có thể tìm cách điều chỉnh để mang lại kết quả tốt nhất.
Cách nuôi dạy của phụ huynh có thể ảnh hưởng rất lớn đến trẻ về mọi mặt, từ cân nặng đến cảm xúc về bản thân. Các nhà nghiên cứu đã xác định bốn kiểu nuôi dạy con phổ biến: Độc tài (Authoritarian parenting); uy quyền nhưng thấu hiểu (Authoritative parenting); dễ dãi, nuông chiều (Permissive parenting); không để tâm (Uninvolved parenting).
Ảnh: Verywell
1. Độc tài
Bạn có thấy câu nào dưới đây giống mình không?
- Bạn tin rằng trẻ cần được trông nom nhưng không được lên tiếng.
- Khi nói đến quy tắc, bạn chỉ chấp nhận quy tắc do mình đặt ra.
- Bạn không xem xét cảm xúc của con.
Nếu bất kỳ câu nào trên đây đúng, bạn có thể là một phụ huynh độc tài. Bạn muốn trẻ tuân thủ các quy tắc mà không hề có ngoại lệ.
Cha mẹ độc tài thường nói "Bởi vì bố/mẹ bảo thế" khi đứa trẻ hỏi lý do đằng sau một quy tắc. Họ không quan tâm đến việc đàm phán, thương lượng với trẻ. Họ cũng không cho phép trẻ tham gia vào việc giải quyết một vấn đề nào đó.
Cha mẹ độc tài thường trừng phạt thay vì tìm cách khác để uốn nắn con vào kỷ luật. Vì vậy, họ không tập trung dạy trẻ cách đưa ra lựa chọn tốt hơn mà muốn khiến trẻ cảm thấy có lỗi vì những sai lầm của chúng.
Trẻ em được nuôi dạy bởi kiểu cha mẹ này có xu hướng tuân theo quy tắc trong xã hội. Tuy nhiên, sự vâng lời được rèn giũa từ nhỏ đồng nghĩa với việc chúng nghĩ rằng ý kiến của mình không có giá trị, do đó lòng tự trọng không cao.
Mặt khác, chúng cũng có thể trở nên thiếu thân thiện và hung hăng. Chúng không nghĩ về cách thay đổi để trở nên tốt hơn trong tương lai mà bị dồn nén bởi cảm xúc tiêu cực với cha mẹ. Vì cha mẹ độc tài thường quá nghiêm khắc, con cái của họ có thể trở thành kẻ nói dối sành sỏi do muốn tránh bị trừng phạt.
2. Uy quyền nhưng thấu hiểu
Những đặc điểm của kiểu cha mẹ này được mô tả như sau:
- Bạn đặt rất nhiều nỗ lực vào việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ tích cực với con.
- Bạn giải thích lý do đằng sau các quy tắc.
- Bạn thực thi các quy tắc và đưa ra hậu quả, nhưng cân nhắc về cảm xúc của con.
Cha mẹ uy quyền nhưng thấu hiểu đầu tư thời gian và tâm sức vào việc ngăn chặn các vấn đề về hành vi trước khi bột phát. Họ cũng sử dụng các chiến lược kỷ luật tích cực để củng cố hành vi tốt, chẳng hạn khen ngợi và treo thưởng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những đứa trẻ có cha mẹ uy quyền thường trở thành người có trách nhiệm khi lớn lên và cảm thấy thoải mái khi bày tỏ ý kiến của mình. Do đó, chúng có xu hướng sống hạnh phúc và thành công, có khả năng đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định đúng đắn.
3. Nuông chiều
- Bạn thiết lập các quy tắc nhưng hiếm khi thực thi.
- Bạn không thường xuyên đặt ra hậu quả.
- Bạn nghĩ rằng con sẽ học tốt nhất khi bố mẹ ít can thiệp.
Nếu những câu nói đó nghe khá quen thuộc, bạn có thể là một phụ huynh nuông chiều con. Kiểu phụ huynh này khá dễ tha thứ và chấp nhận nhiều thái độ chưa đúng mực với cách nghĩ "trẻ con ấy mà". Dù đã đề ra hình phạt, nhưng khi phạt con, họ có thể mềm lòng khi trẻ năn nỉ hoặc chỉ phạt "phiên phiến" vì trẻ hứa sẽ không tái phạm.
Cha mẹ nuông chiều thường đảm nhiệm vai trò bạn bè nhiều hơn vai trò phụ huynh. Họ khuyến khích con chia sẻ về các vấn đề của mình, nhưng không cố gắng nhiều trong việc ngăn cản những lựa chọn chưa tốt hoặc hành vi xấu.
Trẻ em được nuông chiều từ bé có thể gặp nhiều khó khăn trong việc học, không coi trọng quy tắc và thể hiện nhiều vấn đề về hành vi. Chúng thường có lòng tự trọng thấp và dễ cảm thấy buồn bã.
Vấn đề về sức khỏe cũng có thể là hậu quả của kiểu nuôi dạy này. Bố mẹ không hạn chế lượng thức ăn vặt dẫn đến việc trẻ bị béo phì. Bố mẹ không uốn nắn trẻ thực hiện các thói quen tốt như đánh răng mỗi ngày dẫn đến việc trẻ bị sâu răng.
4. Không để tâm
Những câu dưới đây có phải đang mô tả bạn hay không:
- Bạn không hỏi con về trường học hoặc bài tập về nhà.
- Bạn hiếm khi biết con đang ở đâu hoặc cùng ai.
- Bạn không dành nhiều thời gian với con.
Nếu đúng, bạn có thể là một phụ huynh ít để tâm đến con. Kiểu cha mẹ này có khuynh hướng không nắm được những gì con họ đang làm, ít đặt ra quy tắc. Trẻ có thể không nhận được nhiều sự chú ý và hướng dẫn từ cha mẹ.
Thông thường, cha mẹ không để tâm mong đợi trẻ tự phát triển. Họ không dành nhiều thời gian hoặc tâm sức để đáp ứng nhu cầu cơ bản của trẻ.
Họ bỏ bê con cái nhưng không phải lúc nào cũng do có chủ ý. Ví dụ, một phụ huynh có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể không có khả năng chăm sóc nhu cầu thể chất hoặc tinh thần của trẻ trên cơ sở nhất quán. Đôi khi, họ thiếu hiểu biết về sự phát triển của trẻ hoặc đơn giản là quá bận rộn với việc kiếm tiền hoặc quán xuyến gia đình.
Trẻ em được nuôi dạy theo cách này thường phải vật lộn với các vấn đề về lòng tự trọng. Chúng có xu hướng học kém ở trường, thường xuyên gặp vấn đề về hành vi và xếp hạng thấp về hạnh phúc.
Thùy Linh
Theo Verywell
Tình thâm chia năm xẻ bảy Tình máu mủ ruột rà bỗng chốc tan biến vì quyền thừa kế một căn nhà... "Chị em tôi sẽ kháng án đến cùng" - nguyên đơn trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "Tranh chấp di sản thừa kế" thốt lên khi chủ tọa chưa kịp đọc hết bản án. Kết quả xét xử hầu như theo đúng mong muốn ban...