Biểu tượng Britney Spears: Chúng tôi sẽ mãi yêu sự lẫy lừng này… thật mù quáng
Khi cuộc đời và những thăng trầm gắn liền với ánh đèn sân khấu – Britney Jean Spears!
Hôm nay, có một người phụ nữ chính thức bước sang tuổi 37: Britney Jean Spears! Đối với cộng đồng Britney’s Army trên toàn thế giới, đã từ lâu, họ đã không xem Britney là một nữ ca sĩ ngạo nghễ, sống trong ánh hào quang của Hollywood nữa. Trong tâm trí của họ, Britney hiện tại là một người phụ nữ bình dị, sống an vui cùng hai cậu nhóc Sean Preston và Jayden James, ngày ngày chăm chỉ post những niềm vui giản dị (có phần ngô nghê) lên Instagram, như một “mẹ bỉm sữa” chính hiệu.
Chỉ có điều, bà “mẹ bỉm sữa” ấy là một biểu tượng của văn hóa Pop, là “giấc mơ Mỹ khi chỉ vừa 17 tuổi”, dù sự nghiệp đã đi qua thời hoàng kim một quãng rất xa, nhưng đều đặn xuất hiện trong top 10 nữ nghệ sĩ “cá kiếm” nhất mỗi năm của Forbes, các thành tích, chứng nhận, giải thưởng và kỉ lục vẫn còn ở đó, chưa hề suy suyển.
Đối với người hâm mộ, dường như mọi cột mốc cuộc đời, những thăng trầm của Britney Spears đều được đánh dấu bằng một sân khấu. Đó có thể là những sân khấu hoành tráng, nơi Britney phô diễn tất cả năng lượng và tài năng. Hoặc đó cũng có thể là một sân khấu thảm họa, nơi ghi dấu một biến cố lớn trong cuộc đời của Công chúa nhạc Pop. Và dưới đây, chính là những cột mốc đáng nhớ, với Britney, với ngành công nghiệp nhạc Pop, và với chúng ta.
Đầu tiên, xin mời bạn trở về thời điểm hơn 30 năm về trước, trở lại thời điểm khi Britney Jean Spears hẵng còn là một cô bé ngây thơ, non nớt, mới từ vùng quê Louisiana bước ra phố thị, bắt đầu theo đuổi bước đường âm nhạc với cuộc thi Star Search. Cô gái bé nhỏ ấy đã thực sự chinh phục trái tim của tất cả khán giả bằng ca khúc Love Can Build A Bridge. Một chất giọng thiên phú, sáng và khoẻ, hứa hẹn rất nhiều tiềm năng. Có bao nhiêu người ngồi tại khán phòng lúc đó biết được rằng cô gái đang đứng trước mặt họ – chỉ vài năm sau đó đã vụt sáng, trở thành một hiện tượng toàn cầu, người đã vực dậy nhạc Pop đang trong thời điểm thoái trào và sẽ làm cho cả làng nhạc ầm ĩ bất kì lúc nào xuất hiện?
Cuộc đời tiếp tục đưa đẩy cô bé ấy vào Mickey Mouse Club, một “lò đào tạo tài năng” của Hollywood và gặp hai cô cậu bé đồng trang lứa: Justin Timberlake và Christina Aguilera. Ít ai biết được rằng, thời điểm Britney và Xtina đang dưới chung một mái Nhà Chuột, giọng hát của Britney lại được đánh giá cao hơn cả Christina. Tuy nhiên, cuộc sống quả thật biết sắp xếp các câu chuyện tréo ngoe khi hiện tại, Christina Aguilera mới là người được xưng tụng “Giọng ca của thế hệ” – còn Britney thì, bạn cũng biết rồi đấy. Quãng thời gian thiếu niên của Britney dường như chỉ có Mickey Mouse Club, nơi tôi luyện nên tài năng, nhưng cũng chính là nơi đã bóp nghẹt sự vô lo, vô ưu mà một cô bé tuổi teen nên có được. Tuy nhiên đó đã là một câu chuyện rất khác.
Chà, chúng ta có gì đây? Một Britney đã lớn, đã trở thành một hiện tượng toàn cầu với bản hit quốc tế … Baby One More Time, đang đứng trên sân khấu Lễ trao giải Grammy – Giải thưởng âm nhạc danh giá nhất hành tinh – để tự tin mang đến công chúng hai ca khúc trong album đầu tay: … Baby One More Time và From The Bottom of My Broken Heart. Đây không phải là sân khấu xuất sắc nhất của Britney Spears trong thời điểm đó, nhưng vẫn được chọn. Vì sao ư? Đây là nơi cô bé 17 tuổi Britney Spears lần đầu tiên nếm một thất bại lớn trước người bạn đồng trang lứa.
Cụ thể, Britney Spears lẫn Christina Aguilera đều nằm trong danh sách đề cử của giải Best New Artist, một trong “Big Four” của Grammy. Và bạn đoán xem? Người biểu diễn là Britney, nhưng người được xướng tên và mang về chiếc kèn danh giá là Xtina. Đây cũng là lúc truyền thông bắt đầu đặt hai cô gái lên bàn cân, những sự so sánh bắt đầu, kéo theo những tranh cãi đầu tiên.
Đến với VMAs 2000, lúc này Britney đã phát hành album thứ hai: … Oops! I Did It Again, những tranh cãi xoay quanh hình tượng và phong cách bắt đầu ngày càng dữ dội. Phụ huynh của các fan tuổi thiếu niên bắt đầu cảm thấy quan ngại khi cô gái teen pop mà con họ thần tượng 1-2 năm về trước bỗng trở nên quyến rũ và… người lớn hơn! Và bằng động tác vứt bỏ chiếc áo vest đen khi kết thúc bản cover (I Can’t Get No) Satisfaction của huyền thoại The Rolling Stones – lộ ra bộ jumpsuit màu da xuyên thấu nóng đến “nhức” mắt – cả thế giới đã biết được, cô nàng nữ sinh ngây thơ đã không còn nữa, và đừng mong gì tìm lại.
Ở tuổi 19, Britney đã có sân khấu để đời đầu tiên, không chỉ trong lịch sử của MTV Video Music Awards, mà là còn trong làng nhạc thế giới. Với sân khấu trên, ta như thấy một Janet Jackson phiên bản da trắng, với những bước nhảy dứt khoát, sắc sảo đến lạnh người. Madonna và Janet Jackson chính là hai nguồn cảm hứng lớn nhất của Britney Spears lúc bấy giờ, cô gái ấy không bắt chước, không sao chép mà được trao truyền lại, thổi vào linh hồn và bản sắc của chính mình.
Và rồi, thời khắc bạn trông đợi đã đến – VMAs 2003 – sân khấu tuyệt đỉnh đã đưa cái tên Britney Spears sánh ngang với các tượng đài Madonna, Michael Jackson, luôn luôn xuất hiện trong danh sách các sân khấu ấn tượng nhất lịch sử làng nhạc đương đại, luôn nằm trong top đầu các màn trình diễn đỉnh cao của VMAs trong lịch sử.
Đó là thời điểm Britney chính thức rời bỏ hình ảnh cô nàng dịu ngọt, tiến đến và chiếm lĩnh hình tượng một show girl bùng cháy, bản lĩnh và khát khao. Sân khấu mô phỏng một cánh rừng nguyên sinh với bầy cọp và sư tử thật, được giữ trong các chiếc lồng kiên cố. Britney xuất hiện trong một chiếc lồng sắt, cạnh một chú sư tử dũng mãnh. Ấn tượng đến run rẩy. Ra khỏi chiếc lồng là màn phô diễn vũ đạo ấn tượng và nóng bỏng đến mức, Britney phải nghỉ ngơi đúng 1 tuần mới có sức lực trở lại sau màn trình diễn. Sự phấn khích được đẩy lên tột cùng khi một chú trăn vàng Miến Điện dài gần 2 mét xuất hiện, được Britney bế đặt lên vai và đưa hình ảnh ấy đi vào lịch sử nhạc Pop.
Kết thúc màn trình diễn này, có vẻ như trong tương lai Britney không còn có khả năng để tái hiện lại, dù chỉ là một nửa. Đó là sân khấu Britney đã toả sáng nhất trong những lần toả sáng và làm lu mờ tất cả các tiền bối của đêm đó, nhắc đến VMAs 2001 là nhắc đến Britney Spears! Màn trình diễn này trở thành kinh điển và thực sự xứng được gắn hai chữ “huyền thoại”.
Nếu như nói kỉ nguyên Britney là kỉ nguyên lột xác và bùng nổ thì đến kỉ nguyên In The Zone, đó là lúc Britney đã có sự chín, không còn là của một thiếu nữ, mà là một người đàn bà bản năng và đầy nguy hiểm. Và Toxic ra đời, đem về giải Grammy đầu tiên cho Britney, có vẻ là đủ để chứng minh cho tư duy âm nhạc của cô nàng. Toxic vẫn được xưng tụng là giai điệu đến từ tương lai.
Lựa màn trình diễn debut tại ABC của Toxic có vẻ không thể nào hợp hơn khi nói về giai đoạn này. Đầy nguy hiểm, vũ đạo đã được Britney hoàn thiện đến mức thần sầu: từ thần thái, cử điệu cho đến từng ánh mắt, từng cú hất tóc, tất cả đều đã được hoàn thiện, không dư thừa và không thiếu bất kì một chi tiết nhỏ nào. Đây có thể xem như là lúc cái tên của Britney đã vượt qua tất cả mọi rào cản, và được đặt lên đỉnh cao nhất. Trước đó, đã có một Ông Hoàng nhạc Pop Michael Jackson, đã có tiếp một Nữ hoàng nhạc Pop Madonna, và giờ đây, không còn nghi ngờ gì nữa, cả thế giới nghiêng đầu, kính cẩn đưa Britney Spears đến danh vị Công chúa nhạc Pop.
Video đang HOT
Like a Virgin vốn là bản hit huyền thoại của Madonna, bài hát đã đưa Madonna đến địa vị cao cao tại thượng của làng nhạc Pop ngay từ những năm 80 của thế kỉ 20. Và, với việc mặc lên mình chiếc áo soiree trắng, hóa thân thành một cô dâu nóng bỏng trên sân khấu, sánh vai cùng Madonna và Christina Aguilera. Bộ ba đã tạo nên một trong những sân khấu đáng tranh cãi nhất trong lịch sử đương đại.
Từ nụ hôn gây chấn động dư luận của Madonna và Britney, đến thái độ của Christina Aguilera sau sân khấu, đến biểu cảm của bạn trai lúc bấy giờ là Justin Timberlake và cả một triệu câu chuyện hậu trường đằng sau màn trình diễn đó. Britney tiếp tục là cái tên tốn giấy mực nhất của báo giới và truyền thông những năm sau đó. Và nụ hôn giữa Britney và Madonna tiếp tục trở thành một trong những biểu tượng kinh điển của làng nhạc Pop đương đại. Gần như đó là thời điểm Britney làm bất kì chuyện gì đều trở thành tiêu đề được cả.
Tưởng tượng đi, đặt bạn vào tình thế của một người hâm mộ vào thời điểm ấy, khi hàng ngày báo chí lắp đầy thông tin bằng những hình ảnh tồi tệ nhất của Britney: cạo đầu, khóc lóc như một người tâm thần, vật vờ nơi vỉa hè Hollywood trước ánh mắt cú diều của những kẻ cơ hội, ôm chầm lấy hai đứa con khóc trong vô thức, tấn công người khác bằng dù… Thậm chí, một điều mà người hâm mộ luôn luôn lo sợ: Britney sẽ tự tử, với bối cảnh và những áp lực liên tục đến vậy, âu việc tự tử cũng hoàn toàn là một khả năng. Đó là một trong những giai đoạn suy sụp tinh thần kinh hoàng và đình đám nhất Hollywood, những ngày tháng đó, hàng đoàn paparazzi chực chờ trước cổng nhà Britney… Xin chào mừng bạn đến với kỉ nguyên đen tối nhất, suy sụp nhất, đáng thương nhất nhưng cũng đáng trân trọng nhất của Britney Spears.
Và tiếp tục là một sân khấu Gimme More không thể nào thảm họa hơn nữa của Britney. Dường như đó là lúc cả thế giới đều chống lại cô, từ đồng nghiệp đến hậu bối, tất cả đã cười hoặc cũng sẽ thầm cười nhạo. Britney đã hết thời. Britney không còn gì có thể cứu vãn được nữa. Britney đã chạm đáy. Britney nên từ bỏ sự nghiệp đi. Vì sao lại chọn sân khấu khủng hoảng này? Để luôn nhắc nhở rằng, để có được năm 2018, Britney đã trải qua năm 2007. Thậm chí, đã trở thành một câu nói cửa miệng của người Mỹ: Nếu Britney đã trải qua được năm 2007, thì bạn có thể trải qua được ngày hôm nay.
Có nhiều khoảnh khắc hồi sinh của Britney, như phượng hoàng trùng sinh từ đống tro tàn, nhưng xin chọn sân khấu tại Good Morning America, sân khấu lớn đầu tiên chứng kiến một Britney hồi sinh thực thụ. Tuy nhiên, thần thái đã không còn được như xưa, mọi thứ của quá khứ giờ đã là hào quang vọng lại. Và đấy là lúc người hâm mộ biết, họ nên trân trọng Britney đến như thế nào.
Đây có thể không phải là một sân khấu đỉnh cao về dàn dựng, nhưng nó chính là sự báo hiệu đầu tiên của một kiếp người mới, của một Britney mới trở về từ cõi chết. Vì thế, luôn nằm trong tim của người hâm mộ và có một vị trí đặc biệt.
Sân khấu Billboard Music Awards 2016 không hề có bất kì ca khúc nào mới, nhưng đây là sân khấu minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói: Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Với gàn 10 phút trình diễn trên sân khấu với loạt hit của quá khứ, Britney đã khiến cho khán giả phải há hốc mồm vì đã đưa họ trở về với không khí của hoài niệm. Và khán giả ở đây bao gồm cả loạt sao trẻ đình đám của Hollywood. Sân khấu Billboard Music Awards 2016 không nhằm mục đích tạo nên cái mới, mà nhằm mục đích khẳng định: Britney chính là thần tượng của các thần tượng, và vị thế đã được xác lập không gì có thể lay chuyển được.
Tuổi 37 an yên nhé, Công chúa của chúng tôi!
Britney Spears đã hoàn toàn không còn ở trên đỉnh cao nữa, đó là một sự thật. Và gần như không có khả năng Britney Spears sẽ lại lấy lại hào quang như trước, đó cũng là một sự thật nốt. Và người hâm mộ của nàng Công chúa nhạc Pop đã sớm nhận ra điều ấy từ lâu và đã không còn hi vọng vào bất kì điều gì đột phá nữa. Thế nhưng, đã gọi là tình yêu rồi thì không thể thiếu một chút mù quáng, một chút cố chấp và rất nhiều sự hi sinh từ cả hai phía.
Họ vẫn chấp nhận với một Britney mệt mỏi và “trả bài” cho xong hết show trên sân khấu, để đổi lại, họ vẫn thấy được một Britney Spears thực sự hạnh phúc với cuộc sống cá nhân, với hai chú nhóc Sean Preston và Jayden James, vẫn ngày ngày đăng tải “những-thứ-trời-ơi-đất-hỡi” trên trang Instagram cá nhân, vẫn thường xuyên mặc những bộ đồ “chả-ai-hiểu-nỗi” ra đường và tiếp tục làm những thứ “trên-trời-rớt-xuống” trên sân khấu. Thôi, nói nhiều quá rồi, một sinh nhật và tuổi mới phải thật hạnh phúc nhé, cô gái, Britney Jean Spears!
Mừng Sinh nhật Britney Spears, nàng Công chúa nhạc Pop trong lòng chúng ta. Mọi kỉ lục, thành tích và vinh quang, Britney đều đã từng, và có vẻ như đã đến lúc Britney có thể ngồi mỉm cười, xem lại những giải thưởng đã trải qua, và bồi hồi khi xem lại những video trong quá khứ. Hai mươi năm xuất hiện trong làng nhạc là hai mươi năm đầy dấu ấn, với một người nghệ sĩ mà nói, có vẻ như không cần đòi hỏi gì thêm nữa.
Theo Sao Star
Tại sao các lễ trao giải âm nhạc đình đám ngày càng sụt giảm rating và mất đi sức hút?
Không chỉ sụt giảm rating mạnh, các lễ trao giải âm nhạc còn gặp nhiều vấn đề về chất lượng cũng như vướng vào cuộc chạy đua khốc liệt của thời đại mạng xã hội.
Lần đầu tiên sau một thập kỷ qua, lượt theo dõi trực tiếp của Grammy đã tụt xuống mức kỷ lục chỉ còn 19,8 triệu lượt theo dõi. Bên cạnh đó, AMAs, VMAs và các giải thưởng khác cũng "chạm đáy" rating khi không có nổi 7 triệu lượt xem trực tiếp. Đồng thời, sự sụt giảm rating của các lễ trao giải đang cho thấy các giải thưởng âm nhạc đã dần mất đi vị thế và sự quan tâm trong lòng khán giả.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ rating "lẹt đẹt" của các lễ trao giải âm nhạc đình đám nhất trên thế giới?
Thiếu hụt các màn trình diễn ấn tượng
Cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000 là thời kỳ "vàng son" của các lễ trao giải MTV khi các nghệ sĩ đã mang đến những màn trình diễn đi vào huyền thoại. Chẳng ai có thể quên được hình ảnh Britney Spears vác trên mình chú trăn vàng khổng lồ khi đang chuyển mình với những vũ điệu nóng bỏng trong "I'm Slave For U", Beyonce khoe bụng khi trình diễn cực sung ca khúc "Love On Top" trên đôi giày cao gót, hay màn khóa môi lịch sử của Madonna và Britney Spears làm "bùng nổ" thế giới...
Những màn biểu diễn đó không chỉ tuyệt vời, sáng tạo mà còn trở thành những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của văn hóa nhạc Pop. Cứ thế, mỗi năm đến những lễ trao giải, người yêu nhạc trên toàn thế giới lại phấn khích và đón chờ một chương trình hấp dẫn với những sân khấu trình diễn mãn nhãn.
Britney Spears trong bộ đồ xanh nóng bỏng quấn trên mình chú trăn vàng khi trình diễn I'm Slave For You đã trở thành một "kiệt tác" mang biểu tượng.
Beyonce khoe bụng bầu sau khi trình diễn những note cao chót vót của ca khúc Love On Top đã trở thành một trong những khoảnh khắc lịch của MTV.
Thế nhưng, trái ngược với sự mong đợi của công chúng, những lễ trao giải đang ngày càng nhạt nhòa, lỗi thời và mất chất. Thực tế, không phải các nghệ sĩ thiếu sáng tạo hay không chịu đầu tư cho tiết mục của mình mà họ không còn lựa chọn các giải thưởng âm nhạc là nơi để đánh bóng tên tuổi như trước kia nữa. Thay vào đó, họ tìm đến mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác như một phương thức hiệu quả hơn để quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình.
Đã lâu rồi công chúng không còn được thưởng thức những phần trình diễn gây "chấn động" dư luận nữa mà thay vào đó là những màn biểu diễn nhạt nhòa.
Ngó lơ sức ảnh hưởng của các dòng nhạc phổ biến
Năm 2017, nhạc Rap/Hip-hop đã vượt qua Rock để trở thành dòng nhạc phổ biến nhất nước Mỹ. Thậm chí khi còn là underground dòng nhạc này đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào văn hóa đại chúng từ cách ăn mặc cho đến những câu giao tiếp hàng ngày. Mặc dù được xếp hạng cao chót vót tại các BXH âm nhạc hay đứng đầu lượt tải về ở các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, thế nhưng khi những ca khúc rap được đề cử ở bất cứ giải thưởng nào từ AMAs, VMAs cho đến cả Grammy thì hầu hết đều ít được biểu diễn hoặc thường ra về tay trắng.
Hãy thử nhìn lại các màn trình diễn của các nghệ sĩ ở mọi lễ trao giải trong năm vừa qua sẽ thấy sự chênh lệch rõ rệt. Ví dụ như AMAs diễn ra vào tháng 10 vừa qua có tổng cộng 11 nghệ sĩ biểu diễn nhưng trong đó, chỉ duy nhất Cardi B và Posh Malone là có tiết mục rap chính. Điều này cũng xảy ra tương tự ở VMAs hay Billboard Awards...
Sự chênh lệch về các phần biểu diễn gây nên bức xúc không nhỏ cho cộng đồng yêu nhạc rap.
Sự phân biệt này ở Grammy còn rõ ràng hơn. Chúng ta có thể thấy sự nở rộ mạnh mẽ của nhạc rap qua sự "tranh đua" khốc liệt giữa Drake và Kendrick Lamar, Jay-Z, khi những tác phẩm của họ đều nhận được "cơn mưa" lời khen từ khán giả và các nhà phê bình.
Thế nhưng ở Grammy, album "DAMN" (Kendrick Lamar) vẫn bị thất bại trước "24k Magic" (Bruno Mars), còn Jay-Z thì ra về tay trắng. Thậm chí, Drake còn chẳng có đề cử do bất đồng quan điểm.
Dù được các nhà chuyên môn đánh giá cao nhưng họ lại thường bị "nhọ" với các giải thưởng âm nhạc.
Vắng bóng những cái tên hạng A
Mặc dù các lễ trao giải luôn là nơi "thiên thời địa lợi" để các ca sĩ đánh bóng tên tuổi của mình và nhận được sự quan tâm lớn từ truyền thông. Nhưng một vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ lão làng gần như chẳng thiết tha gì việc xuất hiện tại các giải thưởng âm nhạc cuối năm. Họ bận rộn với các dự án riêng hoặc có nhiều cách để PR mình hơn là việc dành thời gian quý báu để xuất hiện tại các lễ trao giải mặc dù nhận được rất nhiều đề cử đi chăng nữa.
Các giải thưởng âm nhạc là dịp để những nghệ sĩ tên tuổi cùng hội tụ với nhau.
Điển hình nhất là MTV VMAs - giải thưởng có sự hội tụ đông đủ nhất của các ngôi sao chỉ sau Grammy, VMAs không chỉ đem đến nhiều màn trình diễn ấn tượng mà còn để lại nhiều khoảnh khắc đi vào lịch sử. Dù vậy, VMAs cũng không thể tránh khỏi sự "lạnh nhạt" của các nghệ sĩ sau nhiều năm tổ chức. Diễn ra vào tháng 8 năm nay, một danh sách dài khách mời toàn những cái tên "máu mặt" như Taylor Swift, Rihanna, Drake, vợ chồng Jay-Z...nhưng lại chẳng có ai xuất hiện.
AMAs tổ chức ngay sau đó cũng phải chịu chung số phận với MTV VMAs. Dù có sự góp mặt của những cái tên như Dua Lipa, Camila Cabello, Cardi B...thì cũng chẳng cứu vớt được mức rating thấp thảm hại. Dù đang hot trong làng nhạc và rất chăm chỉ tới tham dự các lễ trao giải nhưng các nghệ sĩ trẻ lại không đủ sức hút như những ngôi sao hạng A để có thể "cầm chân" khán giả tới cuối chương trình.
Dù là những gương mặt đang nổi trong làng nhạc, thế nhưng tên tuổi của họ vẫn chưa đủ để lôi kéo khán giả theo dõi lễ trao giải.
Những trò đùa nhạt nhẽo cùng Host kém duyên
Một trong những lý do khiến các lễ trao giải âm nhạc nói riêng và nhiều lễ trao giải nói chung mất điểm trong lòng khán giả nằm ở những câu bông đùa nhạt nhẽo thậm chí là kém duyên của Host (người dẫn dắt chương trình). Năm 2016, cô nàng người mẫu Gigi Hadid đã tạo ra một cuộc tranh cãi ầm ĩ khi "nhại" lại gương mặt và giọng nói của phu nhân tổng thống - bà Melania Trump tại lễ trao giải AMAs. Trò đùa này không hề vui vẻ gì, thậm chí còn khiến cô nàng bị "ném đá" vì đụng chạm đến vấn đề kì thị sắc tộc.
Điều này cũng xảy ra tương tự với Katy Perry vào năm 2017 khi làm Host cho VMAs. Mặc dù không vô ý nói lời mang tính kỳ thị sắc tộc như Gigi thế nhưng một loạt những chuỗi hành động kỳ lạ khi dẫn chương trình của Katy Perry đã khiến người xem cảm thấy khó chịu. Vậy nên, việc cài cắm các tình huống hài hước gây cười vào các lễ trao giải là điều hợp lý, nhưng các nhà sản xuất cũng như các host không nên lạm dụng và cần biết điểm dừng đúng lúc.
Một trong những khoảnh khắc "đáng xấu hổ" của Gigi Hadid ở AMA 2016.
Lạm dụng chiêu trò rẻ tiền
Những năm trở lại đây, khán giả khi theo dõi các giải thưởng âm nhạc thường chẳng bận tâm tới những người thắng giải mà chỉ chú ý đến yếu tố "drama" hay câu chuyện thị phi bên lề mà thôi. Nắm được thị hiếu ấy, các nhà sản xuất đã lợi dụng nghệ sĩ để dựng nên chiêu trò nhằm thu thêm rating cho lễ trao giải của mình.
Tiêu biểu là tại MTV AMAs 2015, chẳng mấy ai ấn tượng với các tiết mục trình diễn đặc sắc hay các hạng mục giải thưởng quan trọng mà chỉ sôi nổi bàn tán về màn "khẩu chiến" của Nicki Minaj và Taylor Swift, cảnh Justin Bieber khóc lóc trên sân khấu...
Khán giả chẳng còn quan tâm ai thắng hay thua ở các lễ trao giải nữa mà chỉ tập trung vào drama.
Thời lượng phát sóng và nội dung quá dài dòng
Các lễ trao giải lớn nhỏ hiện nay như BMAs, AMAs, VMAs...đều kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, thậm chí Grammy năm vừa qua còn kéo dài tới tận 3 tiếng rưỡi. Trong thời đại bận rộn cùng sự cạnh tranh khốc liệt giữa các show giải trí và sự ra đời của rất nhiều dịch vụ truyền thông khác nhau, việc khán giả dành ra vài giờ đồng hồ chỉ để theo dõi một chương trình trao giải âm nhạc có lẽ là điều bất khả thi. Nhất là khi độ tuổi mục tiêu của các lễ trao giải này là các thanh - thiếu niên từ 14 - 25 tuổi, độ tuổi dễ bị phân tâm và thu hút bởi mạng xã hội.
Phải chăng các nhà sản xuất đang quá tham lam khi nhồi nhét nhiều nội dung cho một chương trình trao giải đơn giản? Riêng việc chiếu hết tất cả đề cử và các phần trình diễn đã chiếm hầu hết thời lượng lên sóng, chưa kể đến các bài phát biểu, thảm đỏ, phần quảng cáo cùng với ti tỉ thứ linh tinh khác đã làm người xem mệt mỏi và buộc phải "bỏ cuộc" giữa chừng.
Các bài diễn văn lê thê, cùng những thứ không cần thiết đang khiến cho các lễ trao giải mất chất.
Bội thực lễ trao giải
Vấn đề lớn nhất khiến các lễ trao giải nhận được ít sự quan tâm của công chúng là do có quá nhiều lễ trao giải diễn ra trong một năm. Đếm sơ trên đầu ngón tay, đã có tới 6, 7 giải thưởng khác nhau liên tiếp diễn ra như VMAs, AMAs, EMAs, Billboard Music Award, Grammy...
Thực tế, các lễ trao giải này đều "na ná" nhau từ hạng mục đề cử cho đến danh sách nghệ sĩ tham dự. Thậm chí, một vài giải thưởng giờ đây giống như một cuộc "chạy đua" vote giữa các fandom hơn là một giải thưởng âm nhạc thực sự.
Hàng chục lễ trao giải diễn ra mỗi năm khiến khán giả cảm thấy bị "bội thực".
Theo Tri Thức Trẻ
7 gương mặt nữ nổi bật của làng nhạc quốc tế ra mắt ở No.1 Hot 100 trong thập niên 2010 Với việc đạt No.1 đầu tiên trong sự nghiệp cùng ca khúc 'thank u next', Ariana Grande vừa gia nhập câu lạc bộ những nghệ sĩ nữ có single debut ở No.1 Hot 100 trong thập niên 2010. Mới đây, Billboard vừa đưa ra danh sách 32 bản hit debut ở No.1 Hot 100. Danh sách quy tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng...