Biểu tình rầm rộ phản đối “thắt lưng buộc bụng”
Các cuộc biểu tình rầm rộ tiếp tục tái diễn tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha biểu thị sự phẫn nộ của dân chúng đói với kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và các chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ các nước này đưa ra.
Hàng nghìn người tham gia biểu tình ở Madrid ngày 29-9
Tại Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, hàng nghìn người biểu tình ở quảng trường Neptura, giữa bảo tàng Prado và trụ sở tòa nhà Quốc hội để phản đối các chính trị gia bị cáo buộc đã “cướp” phúc lợi xã hội để giải cứu các ngân hàng làm ăn tồi tệ. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát chống bạo động và lực lượng biểu tình ngay gần trụ sở Quốc hội Tây Ban Nha. Cảnh sát đã phải sử dụng dùi cui để giải tán đám đông trong khi những người biểu tình không ngừng ném chai lọ về phía cảnh sát. Các đơn vị phản ứng nhanh đã có mặt để đưa những thành phần gây rối ra khỏi khu vực đụng độ. Đài truyền hình Nhà nước Tây Ban Nga ngày 30-9 cho biết, các cuộc đụng độ đã làm ít nhất 2 người bị thương, cảnh sát đã bắt giữ 12 người.
Các cuộc biểu tình bùng phát sau khi nội các của Thủ tướng Mariano Rajoy ngày 28-9 đã trình lên Quốc hội Tây Ban Nha dự thảo ngân sách cho năm 2013. Theo đó, Madrid dự trù sẽ cắt giảm chi tiêu thêm 39 tỷ euro, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách, cắt giảm chi tiêu công để cứu trợ ngành ngân hàng đang hoạt động yếu kém tại nước này. Kế hoạch này được công bố vào lúc tình hình xã hội Tây Ban Nha căng thẳng trong nhiều tháng qua do khó khăn kinh tế và nạn thất nghiệp trầm trọng, một nửa thanh niên trong tuổi lao động dưới 26 tuổi không có việc làm.
Tây Ban Nha đang là “điểm nóng” của cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro, các chuyên gia lo ngại rằng chính phủ nước này khó có thể cắt giảm được những khoản ngân sách khổng lồ cũng như các khoản nợ. Để khắc phục khủng hoảng, chính phủ nước này không ngừng áp dụng những biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra gần đây và sẽ còn tiếp tục khi người dân đấu tranh yêu cầu chính phủ có những thay đổi trong chính sách nhằm đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, người dân có một cuộc sống tốt hơn, công ăn việc làm được đảm bảo.
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, hàng nghìn người dân đã biểu tình yêu cầu chấm dứt chương trình “thắt lưng buộc bụng” dự kiến được đưa ra vào giữa tháng 10 tới. Các cuộc biểu tình ôn hoà do Tổng liên đoàn lao động Bồ Đào Nha tổ chức diễn ra sau khi chính phủ đề xuất tăng thuế an sinh xã hội, một động thái đe doạ đến cuộc sống của người dân Bồ Đào Nha vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các chính sách khắc khổ và cắt giảm chi tiêu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Bồ Đào Nha đã đạt mức kỷ lục 15% khi đất nước rơi vào cảnh suy thoái trầm trọng nhất kể từ năm 1970.
Theo ANTD
Liều "doping" cho kinh tế Mỹ
Cuối cùng thì Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải tung ra gói kích thích kinh tế thứ 3 kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế năm 2008 nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang có dấu hiệu trì trệ.
FED tung gói kích thích kinh tế thứ 3 để giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế Mỹ
Gói kích thích kinh tế mới được Chủ tịch FED Ben Bernanke công bố trong cuộc họp báo ngày 13-9 tại Thủ đô Washington. Không nói rõ giá trị của gói kích thích kinh tế mới nhất này song người đứng đầu FED cho biết, mỗi tháng cơ quan này sẽ mua 40 tỷ USD chứng khoán được sự hỗ trợ của các khoản cho vay mua nhà, trong nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc FED tung ra gói kích thích kinh tế lần thứ 3 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát năm 2008 tại Mỹ không làm ai bất ngờ và ngạc nhiên. Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư, lẽ ra gói kích thích kinh tế này đã phải được đưa ra sớm hơn, tức là vào cuộc họp đầu tháng 8 vừa qua của ban lãnh đạo FED.
Dư luận đồn đoán về gói kích thích kinh tế thứ 3 (QE3) đã rộ lên ngay sau khi số liệu kém lạc quan về kinh tế Mỹ trong 2 quý đầu năm 2012 được công bố vào cuối tháng 7 vừa qua. Báo cáo cập nhật của FED lúc ấy xác định đà phục hồi của kinh tế Mỹ đang có chiều hướng chậm lại với tốc độ tăng GDP trong quý II vừa qua chỉ đạt 1,5% so với mức 2% của quý I-2012.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý II chững lại đã khiến ông Bernanke phải thừa nhận trong cuộc điều trần cuối tháng 7 trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi vừa phải. Tăng trưởng không như dự định cũng buộc Nhà Trắng phải hạ dự báo tăng GDP cả năm 2012 của Mỹ từ 2,7% xuống 2,3% và năm 2013 từ 3% xuống 2,7%.
Song thật bất ngờ là ban lãnh đạo FED, sau cuộc họp được mô tả là tranh cãi nảy lửa trong 2 ngày đầu tháng 8 vừa qua, vẫn quyết định chưa tung ra gói kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế trì trệ. Giới chuyên gia cho rằng, sau khi đã phải mua hơn 2.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và các khoản cho vay thế chấp mua nhà kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, FED muốn chờ đợi thêm một thời gian nữa mới quyết định có tung ra gói kích thích kinh tế thứ 3 hay không.
Nói về gói kích thích mới nhất, biện pháp kích thích này - bơm thêm mỗi tháng 40 tỷ USD và chưa biết khi nào sẽ kết thúc - nhằm thúc đẩy thị trường lao động nội địa, khuyến khích giới chủ thuê thêm nhân công. FED còn cam kết, nếu thị trường lao động trong nước "không cải thiện đáng kể" thì ngân hàng sẽ mua thêm chứng khoán thế chấp mua nhà và các tài sản khác, đồng thời "sử dụng các công cụ chính sách khác" để thúc đẩy kinh tế Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Gói kích thích kinh tế thứ 3 đã được giới đầu tư hồ hởi đón nhận khi các chỉ số chứng khoán chủ lực của thị trường Mỹ cũng như châu Âu để tăng khá mạnh, trong đó các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và Standard & Poor 500 đã tăng lên mức cao nhất kể từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi mạnh hơn của kinh tế Mỹ cùng những căng thẳng về mặt địa chính trị tại khu vực Trung Đông nhiều dầu mỏ đã đẩy giá dầu thô thế giới lên mức cao nhất trong 4 tháng qua.
Theo ANTD
Tăng dự trữ quốc gia về nông nghiệp Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan đề nghị tăng thêm cơ số dự trữ quốc gia về nông nghiệp giai đoạn 2013-2015 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Bộ này nhận định, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp, gây tác hại lớn cho...