Biểu tình rầm rộ ở Ukraine, hàng chục người bị thương
Cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Kiev của Ukraine đã sử dụng hơi cay để trấn áp đoàn người biểu tình chống chính phủ vào ngày 30.11, khiến hàng chục người bị thương.
Cảnh sát chống bạo động dùng dùi cui trấn áp người biểu tình ở thủ đô Kiev ngày 29.11 – Ảnh: AFP
Khoảng 10.000 người biểu tình đã tập trung tại thủ đô Kiev vào đêm 29.11, theo AFP.
Đến sáng 30.11, vẫn còn khoảng 1.000 người cố thủ tại quảng trường Độc Lập (thủ đô Kiev).
Theo AFP, cảnh sát chống bạo động đã phải dùng hơi cay và dùi cui để trấn áp người biểu tình ở quảng trường này.
Những người tổ chức biểu tình cho rằng đã có hàng chục người tham gia biểu tình bị bắt và hàng chục người khác bị thương sau những cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động.
“Thật khủng khiếp! Chúng tôi biểu tình trong hòa bình, nhưng họ đã tấn công chúng tôi”, Lada Tromada, một người tham gia biểu tình cho biết.
Được biết, hôm 21.11, chính quyền Ukraine tuyên bố hoãn việc ký kết một thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với EU “nhằm đảm bảo an ninh quốc gia”.
Video đang HOT
Những người biểu tình cho rằng động thái của chính quyền Ukraine là không dân chủ, ảnh hưởng đến đời sống của họ, đồng thời kêu gọi tổng thống Viktor Yanukovych từ chức và thả cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.
Theo TNO
"Nữ tướng" Thái tự tin đương đầu trên hai mặt trận
Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ Thái Lan tiếp tục gây sức ép ngày một mạnh mẽ lên nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra khi cuộc biểu tình của họ bước sang ngày thứ năm.
Cùng với đó, trong Quốc hội, bà Yingluck cũng phải đương đầu với làn sóng chỉ trích của phe đối lập đang nhăm nhe tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà. Tuy nhiên, dù phải đối mặt với một cuộc chiến bị dồn ép quyết liệt trên hai mặt trận như vậy, "nữ tướng" Yingluck vẫn tỏ ra khá tự tin và điềm tĩnh.
Nữ Thủ tướng Thái Lan
Người biểu tình bao vây thêm hàng loạt cơ quan chính phủ
Trong ngày hôm qua (27/11), những người biểu tình tiếp tục thắt chặt vòng vây và chiếm giữ thêm nhiều trụ sở, cơ quan bộ ngành của chính phủ Thái Lan ở thủ đô Bangkok khi lệnh bắt giữ thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban cùng nhiều người khác được đưa ra.
Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đã tụ tập bên ngoài trụ sở chính của nhiều bộ ngành, thổi còi và ép các nhân viên chính phủ phải ngừng làm việc để gia nhập vào làn sóng biểu tình của họ. Hầu hết các quan chức và nhân viên chính phủ đều đã phải rời trụ sở làm việc của mình ngay khi người biểu tình ập đến.
Làn sóng biểu tình đường phố hôm qua đã nhằm mục tiêu vào trụ sở của các cơ quan bộ, ngành đóng ở khu vực ngoại ô thủ đô Bangkok như Bộ Thương mại, Bộ Y tế và Cục Điều tra Đặc biệt.
Cục Điều tra Đặc biệt đã phải nhanh chóng sơ tán nhân viên sau khi ít nhất 1.000 người biểu tình bao vây tòa nhà của họ. "Chúng tôi đã phải ra lệnh sơ tán mọi người ra khỏi tòa nhà của Cục Điều tra Đặc biệt. Tất cả các nhân viên của chúng tôi được yêu cầu rời khỏi nơi làm việc trong vòng nửa tiếng đồng hồ", một quan chức của Cục Điều tra Đặc biệt - ông Tharit Pengdit cho biết. Cục Điều tra Đặc biệt của Thái Lan là một phiên bản kiểu Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Mỹ. Cơ quan này bao gồm nhiều bộ phận xử lý các vấn đề khác nhau như thuế, nhập cư hay đất đai.
Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan gần đây đã buộc tội thủ lĩnh của cuộc biểu tình - ông Suthep Thaugsuban về vai trò của ông này với tư cách là Phó Thủ tướng trong cuộc đàn áp người biểu tình khiến hơn 90 người thiệt mạng năm 2010.
Hiện tại, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck đang xử lý cuộc biểu tình một cách rất bình tĩnh và kiềm chế. Cảnh sát vẫn đứng gác quanh cổng của những trụ sở, tòa nhà của các cơ quan chính phủ và họ nhận được lệnh không sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Vì thế, hiện tại, sau 5 ngày biểu tình, chưa xảy ra bất kỳ vụ đụng độ bạo lực nào giữa cảnh sát và người biểu tình.
Không chỉ tại thủ đô Bangkok, ở khu vực phía nam Thái Lan, những người biểu tình chống chính phủ cũng bao vây nhiều hội đồng tỉnh.
Ông Suthep, thủ lĩnh các cuộc biểu tình đường phố ở Thái Lan hiện nay, đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào của mình cho đến khi cái gọi là "chính quyền của ông Thaksin" bị lật đổ hoàn toàn. Từ hồi đầu tuần, ông này đã chỉ đạo những người biểu tình xông vào chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính và Cục Ngân sách cùng những tòa nhà xung quanh đó. Trong vài ngày qua, lực lượng biểu tình đã khiến một loạt bộ phải đóng cửa như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Du lịch và gần đây nhất là Bộ Thương mại và Bộ Y tế...
Cảnh sát Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ ông Suthep cùng một số thủ lĩnh biểu tình khác nhưng họ vẫn chưa tìm được cách để bắt giữ những nhân vật này mà không kích động tình trạng bạo lực trong nước.
Mục tiêu của những người biểu tình là làm tê liệt chính phủ của bà Yingluck để từ đó lôi kéo sự can thiệp của quân đội dưới hình thức một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền này.
Các cuộc biểu tình kiểu như trên đã trở nên quá quen thuộc ở đất nước Thái Lan trong thời gian 7 năm qua, kể từ sau khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006.
Dù đã rời xa chính trường và rời xa đất nước Thái Lan trong suốt 7 năm qua nhưng ông Thaksin vẫn đủ sức ảnh hưởng để gây ra những cơn sóng gió liên tục trên chính trường Thái Lan. Ông này là nhân vật gây phân cực sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Trong khi được hàng triệu triệu người dân nghèo, người dân vùng nông thôn yêu quý thì ông Thaksin lại là vị chính khách bị ghét cay ghét đắng bởi các thành phần hoàng gia, quý tộc, trung lưu. Lực lượng này ít hơn về số lượng so với những người ủng hộ cựu Thủ tướng nhưng lại có ưu thế nhiều hơn về sức mạnh và ảnh hưởng. Chính vì lẽ đó, chính trường Thái Lan đã trở thành nơi chứng kiến cuộc đấu dai dẳng không dứt giữa một bên là phe ủng hộ ông Thakin (áo đỏ) và một bên là phe chống ông này (áo vàng).
Nữ Thủ tướng Thái kêu gọi đối thoại
Nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck hiện tại đang phải đương đầu với một cuộc chiến trên hai mặt trận. Một mặt, bà Yingluck phải đối diện với làn sóng biểu tình rầm rộ chống chính phủ trên khắp các đường phố. Trong khi đó, ở Quốc hội, bà cũng vừa phải trải qua hai ngày tranh luận đầy căng thẳng về vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà. Nữ Thủ tướng trẻ tuổi và mảnh mai này đã phải xoay sở chống đỡ cùng lúc trên hai mặt trận.
Tuy vậy, đến thời điểm này, người ta cho rằng, bà Yingluck vẫn giữ được một thái độ bình tĩnh và tự tin khi xử lý cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi bà lên cầm quyền.
Nhà lãnh đạo Thái Lan hôm qua đã lên tiếng cho biết, chính phủ của bà sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với người biểu tình trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng mỗi lúc một trầm trọng trên chính trường đất nước hiện nay.
Bà Yingluck kêu gọi tất cả các bên ngồi xuống và đối thoại với nhau để chấm dứt tình trạng bất ổn, rối loạn trong nước, tránh gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. "Chính phủ luôn để ngỏ cánh cửa đàm phán. Bất kỳ việc gì tốt cho số đông, chúng tôi đều sẵn sàng hợp tác", bà Yingluck đã nói như vậy với hãng thông tấn Thái Lan.
Nữ Thủ tướng Thái cũng một lần nữa khẳng định, dù thực thi Luật An ninh Nội địa ở khắp thủ đô Bangkok và những tỉnh xung quanh, chính phủ vẫn cam kết tuân thủ theo các biện pháp hòa bình và quyết không sử dụng vũ lực với người biểu tình.
"Chính phủ của tôi sẽ không dùng đến bạo lực". Đề cập đến những cáo buộc của phe đối lập cho rằng chính phủ của mình là "con rối" trong tay cựu Thủ tướng Thaksin, bà Yingluck nhấn mạnh: "Đây không phải là chính quyền của ông Thaksin. Cái gọi là chính quyền Thaksin không bao giờ tồn tại ở đây. Chỉ có một chính quyền duy nhất. Đó là chính quyền được bầu lên một cách dân chủ".
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Diễn biến mới nhất cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan Hàng ngàn người biểu tình Thái Lan đã chiếm được các cơ quan công quyền nhà nước, buộc nữ thủ tướng Yingluck phải áp đặt luật an ninh đặc biệt. Những diễn biến mới nhất dấy lên lo ngại rằng rất có thể kịch bản đẫm máu năm 2010 sẽ tái diễn. Hàng nghìn người bao vây trụ sở công quyền Phát ngôn...