Biểu tình hỗn loạn ở thủ đô Paris: Tổng thống Macron phản ứng gay gắt
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích những người đụng độ với cảnh sát Paris trong cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng là “đáng xấu hổ”.
“Thật đáng xấu hổ cho những ai tấn công các sỹ quan cảnh sát” – ông Macron viết trên mạng xã hội Twitter. “Không có chỗ cho bạo lực như vậy ở nước (Pháp) Cộng hòa này”.
Đám đông hỗn loạn vây kín khu vực Điện Elysee ngày 24/11 trong một cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng và các chương trình thuế của chính phủ. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để kiềm chế những người biểu tình.
Đám đông tập trung ở khu vực trung tâm thủ đô Paris ngày 24/11. (Ảnh: Getty Images)
Cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào “áo khoác vàng” – lấy hình ảnh chiếc áo nổi bật của những người biểu tình – trong một chiến dịch bắt đầu 2 tuần trước tập trung phản đối tăng giá nhiên liệu. Làn sóng phản đối nhanh chóng lan sang tình trạng giá cả tăng cao đặc biệt ở khu vực nông thôn và những phản đối khác chống lại các chính sách của Tổng thống Macron.
Hơn 100.000 người biểu tình xuống đường trong khoảng 1.600 cuộc biểu tình khắp nước Pháp ngày 24/11, bộ nội vụ nước này cho biết. Phần lớn các cuộc biểu tình trôi qua trong hòa bình – trừ cuộc biểu tình ở thủ đô Paris nơi có khoảng 8.000 người tham gia.
5.000 cảnh sát được điều động ở Paris. Họ tạo ra những rào chắn kim loại xung quanh điện Elysee để ngăn người biểu tình tiếp cận những tòa nhà quan trọng như văn phòng tổng thống và quốc hội. Một người phát ngôn của nhóm biểu tình khẳng định họ mang theo tinh thần ôn hòa. “Chúng tôi không ở đây để gây sự với cảnh sát, chúng tôi chỉ muốn chính phủ lắng nghe chúng tôi.”
Dù vậy, sáng sớm 24/11, một số người cố gắng phá vỡ hàng rào của cảnh sát. Họ đốt lửa, phá các tấm biển trên phố, rào chắn, lấy đá từ nền đường lên ném vào cảnh sát trong khi hét to những câu khẩu hiệu chống lại Tổng thống Macron.
Cuộc biểu tình trở nên bạo lực và tiếp tục hỗn độn cho tới buổi tối, khi cảnh sát ổn định phần lớn khu vực. Cơ quan chức năng cho biết 19 người bị thương trong các cuộc đối đầu, bao gồm 4 cảnh sát. Khoảng 40 người đã bị bắt.
Hơn 100.000 người biểu tình xuống đường trong khoảng 1.600 cuộc biểu tình khắp nước Pháp ngày 24/11. (Ảnh: Reuters)
Tại những nơi khác trên toàn nước Pháp, biểu tình phản đối diễn ra khắp nơi. Hàng loạt vật cản chắn đường được dựng lên để làm chậm các tuyến đường chính. Một số trạm thu phí bị “chiếm” và phải để xe cộ đi qua. Có những đụng độ nhỏ xảy ra, hơn 130 người bị bắt trên toàn nước Pháp.
Theo BBC, các cuộc biểu tình và bạo lực lần này diễn ra ở quy mô nhỏ hơn và ít nghiêm trọng hơn so với tuần trước, khi 280.000 người tham gia biểu tình khiến 2 người chết và hơn 600 người bị thương.
Tổng thống Pháp chỉ trích những người đụng độ bạo lực với cảnh sát và tấn công người khác. (Ảnh: AP)
Trong bài đăng trên Twitter, Tổng thống Pháp ca ngợi sự dũng cảm và chuyên nghiệp của lực lượng an ninh. Ông nói: “Thật đáng xấu hổ cho những người tấn công họ. Đáng xấu hổ cho những người tấn công các công dân khác và nhà báo.” Truyền thông Pháp cho biết một số phóng viên đã bị tấn công ở các thành phố phía Nam Toulouse và Beziers.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cáo buộc những người biểu tình bị ảnh hưởng bởi lãnh đạo đảng cực hữu Đại hội Quốc gia Pháp (National Rally), Marine Le Pen. Đáp lại, bà Le Pen buộc tội ông Castaner thiếu trung thực.
Video đang HOT
Giá diesel, nhiên liệu phổ biến nhất được các tài xế Pháp sử dụng, đã tăng khoảng 23% trong vòng 12 tháng trở lại đây, lên mức trung bình 1,71 USD một lít, mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Giá dầu trên thế giới cũng đã tăng trước khi giảm trở lại nhưng chính quyền Tổng thống Macron đã tăng thuế hydrocarbon năm 2018 lên 7,6 cent một lít diesel và 3,9 cent đối với petrol, trong một phần của chiến dịch thúc đẩy phương tiện và nhiên liệu bảo vệ môi trường.
Quyết định tăng giá thêm 6,5 cent đối với diesel và 2,9 cent đối với petrol vào ngày 1/1/2019 của Chính phủ Pháp được cho là “giọt nước tràn ly”.
Tổng thống Pháp cho rằng giá dầu thế giới đóng vai trò trong 3/4 mức giá tăng trong nước. Ông cũng cho biết cần thêm thuế nhiên liệu để tạo nguồn vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Giá diesel, nhiên liệu phổ biến nhất được các tài xế Pháp sử dụng, đã tăng khoảng 23% trong vòng 12 tháng trở lại đây. (Ảnh: AP)
Khung cảnh hỗn loạn trên đường phố Paris rực rỡ ánh đèn đón Giáng sinh. (Ảnh: AP)
Một người đàn ông bị chảy máu đầu khi tham gia biểu tình. (Ảnh: KCS Presse/ MEGA)
5.000 cảnh sát đã được điều động tại Paris. (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình đốt phá và tạo nhiều vật cản trên đường. (Ảnh: KCS Presse/MEGA)
Lực lượng chức năng phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để kiềm chế đám đông. (Ảnh: New Pictures)
Khói dày đặc tại khu vực biểu tình. (Ảnh: EPA)
Hơn 1.000 cuộc biểu tình diễn ra trên toàn nước Pháp. (Ảnh: Reuters)
Các cuộc biểu tình và bạo lực lần này diễn ra ở quy mô nhỏ hơn và ít nghiêm trọng hơn so với tuần trước, khi có 280.000 người tham gia, 2 người chết và hơn 600 người bị thương.
Từ giá nhiên liệu, các cuộc biểu tình lan sang phản đối các chương trình thuế và chính sách khác của chính phủ, cũng như mức giá cả đắt đỏ tại một số khu vực nông thôn. (Ảnh: EPA)
(Tổng hợp)
PHƯƠNG ANH
Cảnh sát Paris dùng vòi rồng, lựu đạn cay trấn áp người biểu tình
Biểu tình phản đối tăng thuế xăng dầu ở Pháp đã kéo sang ngày thứ 8, leo thang bạo lực làm tê liệt đường xá Paris, buộc cảnh sát chống bạo động phải giải tán bằng biện pháp vũ lực.
Hàng nghìn cảnh sát Pháp được huy động toàn quốc để kiểm soát các cuộc biểu tình. Phong trào phản đối tăng thuế xăng dầu đã leo thang bạo lực, chuyển thành một chiến dịch phản đối Tổng thống Emmanuel Macron và nhóm người giàu tại Pháp. Ít nhất 2 người đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng biểu tình bắt đầu vào ngày 17/11. Ảnh: AP.
Cảnh sát buộc phải sử dụng vòi rồng và lựu đạn cay để giải tán những đám đông biểu tình có xu hướng bạo lực, vượt ra khỏi khu vực đăng ký tuần hành và tiến vào các vùng cấm. Hơn 3.000 cảnh sát được huy động tại Paris ngày 24/11, tập trung tại các quận có nhiều khách du lịch. An ninh được siết chặt sau khi người biểu tình tìm cách tuần hành đến dinh tổng thống Pháp tuần trước. Ảnh: AP.
Các vụ đụng độ căng thẳng ngày 24/11 xảy ra ngay trên đại lộ Champs-Elysees, nơi mới 2 tuần trước còn là điểm đón tiếp hàng chục lãnh đạo quốc tế nhân kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I. Người biểu tình đốt các tấm gỗ ép ngay giữa đường, giơ cao những biểu ngữ đòi "khai tử thuế". Ảnh: AP.
Cảnh sát Paris cho biết ít nhất 19 người, trong đó có 4 cảnh sát, bị thương nhẹ trong ngày bạo lực leo thang giữa thủ đô Paris. Một người biểu tình bị trọng thương đã được đưa đến bệnh viện. Cảnh sát cũng bắt giữ hàng chục người biểu tình tìm cách ném đồ vật, đe dọa lực lượng chức năng. Tổng thống Macron ngày 24/11 đã lên án các hành vi tấn công cảnh sát, đe dọa cuộc sống của người dân. Ảnh: AP.
Tình trạng đập phá diễn ra ngay trên các tuyến đường thủ đô Paris. Người biểu tình lấy bàn ghế và vật liệu xây dựng để lập chướng ngại vật, đốt xe gắn máy bày tỏ sự phẫn nộ. "Sẽ có nội chiến và tôi cũng như mọi công dân khác đều đã sẵn sàng", Benjamin Vrignaud, một người biểu tình 21 tuổi đến từ thành phố Chartres ở phía tây nam Paris, khẳng định. Ảnh: AP.
Cả ngày 24/11, đại lộ nổi tiếng của thủ đô Paris với kiến trúc Khải Hoàn Môn chìm trong hỗn loạn, khói đen và màu vàng neon - sắc áo của những người biểu tình. Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Cristophe Castaner, khoảng 8.000 người biểu tình đã đổ về Champs-Elysees trong ngày cao điểm này. Các cuộc biểu tình trên toàn nước pháp thu hút gần 106.000 người tham gia. Ảnh: AP
Biểu tình kéo dài đến tận khuya 24/11. Đại lộ Champs-Elysees vẫn ngổn ngang chướng ngại vật và đồ dùng bị người biểu tình đốt cháy. Theo Bộ Nội vụ Pháp, dù leo thang về mức độ bạo lực nhưng quy mô của các cuộc biểu tình đang có xu hướng giảm. Cơ quan này cho biết cuộc biểu tình hôm 17/11 tại Paris có đến 280.000 người tham gia. Ảnh: AP.
Theo báo cáo của cảnh sát Paris, các khu vực nhạy cảm về an ninh và cấm biểu tình như xung quanh Điện Elysees, nơi làm việc của tổng thống Pháp, hay tòa nhà quốc hội bên bờ sông Seine đã được đảm bảo an toàn trong ngày 24/11. Ảnh: AP.
Cảnh sát đã tiến hành khoảng 130 vụ bắt giữ trên cả nước. Ông Castaner công kích những người biểu tình hành động nổi loạn và theo phe cực hữu. Ông còn cáo buộc lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen đã kích động người biểu tình leo thang bạo lực. Ảnh: AP.
Tình hình bất ổn kéo dài thách thức nghiêm trọng uy tín của Tổng thống Macron. Tỷ lệ tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã tụt dốc trong thời gian gần đây. Ông trở thành trung tâm cơn bão giận dữ của những người biểu tình áo vàng, cáo buộc chính phủ trung hữu ưu ái cho giai cấp giàu có và vô cảm với những khổ cực của người dân Pháp. Ảnh: AP.
Sự giận dữ của người biểu tình chủ yếu tập trung vào quyết định tăng thuế dầu diesel lên 0,07 euro/lít trong cuối năm 2018 và sẽ tiếp tục tăng thêm trong những năm sau, theo Bộ trưởng Giao thông Elisabeth Borne. Thuế xăng cũng tăng nhẹ trong cùng giai đoạn. Hiện giá xăng tại Paris là hơn 1,64 euro/lít. Ảnh: AP.
Tổng thống Macron vẫn kiên quyết giữ lập trường tăng thuế nhiên liệu là biện pháp cần thiết để đất nước giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đầu tư cho các loại năng lượng sạch. Đây cũng là một trong những xương sống trong chiến lược cải cách kinh tế mà nhà lãnh đạo 40 tuổi theo đuổi. Ảnh: AP.
Nhiều chính trị gia lo ngại bất đồng xoay quanh thuế nhiên liệu sẽ không dừng lại mà tiếp tục diễn biến phức tạp. "Tại Pháp, khi thuế không còn được người dân chấp nhận, cách mạng sẽ nổ ra", chính trị gia cực tả Jean-Luc Melenchon trả lời trên đài truyền hình BFMTV. Ảnh: AP.
Thanh Danh
Theo Zing
Pháp điều tra các khoản tài trợ tranh cử của Tổng thống Macron Các công tố viên Pháp ngày 21-11 đã mở cuộc điều tra nguồn gốc các khoản tài trợ trị giá 144.000 euro cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Emmanuel Macron hồi năm 2017. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron Hãng Reuters dẫn nguồn tin tại văn phòng công tố cho biết, cuộc điều tra diễn ra sau khi Ủy ban Quốc gia...