Biểu tình đòi thủ tướng từ chức ở Malaysia
Cuộc đại biểu tình bắt đầu ngày 29.8 với ước tính tới 50.000 người tham gia. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định khó dẫn đến sự ra đi của Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Hàng chục ngàn người Malaysia xuống đường biểu tình đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức – Ảnh: Reuters
Được lĩnh xướng bởi liên minh Bersih với ngọn cờ đấu tranh đòi cải cách hệ thống bầu cử, cuộc biểu tình với tên gọi “Bersih 4″ lần này không những nhận được sự hậu thuẫn của nhiều đảng chính trị đối lập, mà cả một số thành viên đảng cầm quyền UMNO.
Chủ tịch Bersih, bà Maria Chin Abdullah, tuyên bố “Bersih 4″ không nhằm mục đích lật đổ chính phủ, mà chỉ nhằm loại bỏ “những chính khách tham nhũng”. Không cần suy diễn, ai cũng hiểu “chính khách tham nhũng” mà cuộc biểu tình nhắm đến chính là Thủ tướng Najib Razak.
Hồi đầu tháng 7.2015, tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Cơ quan Điều tra Malaysia cho hay tài khoản cá nhân của ông Najib Razak đã nhận 5 khoản tiền mờ ám tổng cộng gần 700 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 3.2013 – 2.2015. Các khoản tiền này được cho là có liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB, do chính ông Najib thành lập và làm chủ tịch hội đồng cố vấn, vốn đang nợ hơn 11 tỉ USD. Ông Najib cuối cùng đã thừa nhận những khoản tiền này do một nhà hảo tâm Trung Đông tài trợ cho mục đích chính trị và không liên quan đến 1MDB nhưng dư luận không khỏi nghi ngờ về điều đó.
Trang tin điện tử Malaysiakini cho hay có trên 50.000 người đã tham gia cuộc biểu tình mà nhà cầm quyền gọi là “phi pháp” tại thủ đô Kuala Lumpur trong chiều 29.8 với chiếc áo thun vàng biểu tượng của Bersih. Tổ chức này lên kế hoạch biểu tình liên tục từ 14 giờ ngày 29.8 đến hết ngày 30.8 và người biểu tình sẽ ngủ đêm ngoài đường. Đến cuối ngày hôm qua 29.8, chưa có thông tin đụng độ giữa người biểu tình và khoảng 4.000 cảnh sát được điều động bảo vệ trật tự.
Khó đổ
Bình luận về cuộc đại biểu tình mà báo chí quốc tế cho là “tăng thêm áp lực” lên ông Najib, tiến sĩ Oh Ei Sun, chuyên gia Malaysia tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), nói với phóng viên Thanh Niên rằng “Bersih 4″ “sẽ chẳng gây mấy ảnh hưởng lên vị thế của Thủ tướng Najib”.
Video đang HOT
Theo tiến sĩ Oh, “chỉ có những bậc cao tay của UMNO hoặc những nghị sĩ trong liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN) mới có thể lật đổ ông Najib, bằng cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông ta”. Tuy nhiên, khả năng này rất thấp. “Trong tư cách Chủ tịch đảng UMNO cũng như Chủ tịch liên minh BN với quyền lực to lớn để ban phát ân huệ chính trị, ông Najib có thể kiểm soát chặt chẽ tất cả những người dưới mình”, ông Oh, cũng là cố vấn không chính thức cho ông Najib về các vấn đề Trung Quốc và bang Sabah, giải thích.
Cùng nhận định như ông Oh, tiến sĩ Yang Razali Kassim, biên tập chuyên mục Bình luận của Trường Rajaratnam, trong các bài viết về chính trị Malaysia gần đây cũng thừa nhận sự “cao tay” của ông Najib qua việc loại bỏ Phó thủ tướng Muhyiddin Yassin và Tổng chưởng lý Abdul Gani Patail ngày 28.7. Phó thủ tướng Muhyiddin là người công khai chỉ trích 1MDB, còn Tổng chưởng lý Abdul Gani là người đứng đầu cuộc điều tra các cáo buộc chống lại thủ tướng.
Chưa hết, ông Najib cũng đưa vào nội các nhân vật trước đây công khai chống lại ông, trong khi cảnh sát bắt nhiều thành viên nhóm điều tra 1MDB. Bằng các ngón đòn này, ông Razali cho rằng các cuộc điều tra chống lại ông Najib đã “chết yểu”.
Thục Minh
(VP Singapore)
Theo Thanhnien
Hàng ngàn người Malaysia tuần hành đòi Thủ tướng từ chức
Ngày 29.8, hàng ngàn người Malaysia tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô Kuala Lumpur, yêu cầu Thủ tướng Najib Razak phải từ chức trước những cáo buộc tham nhũng, bất chấp cảnh sát nước này gọi đây là cuộc tuần hành phi pháp.
Người dân Malaysia tuần hành ở thủ đô Kuala Lumpur, yêu cầu Thủ tướng Najib Razak phải từ chức - Ảnh: Reuters
Hàng người dân Malaysia mặc áo thun vàng đã tham gia cuộc tuần hành tại trung tâm thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 29.8, theo AFP.
Lực lượng an ninh được bố trí dày đặc khắp các con đường nhằm ngăn chặn kế hoạch chiếm Quảng trường Độc lập tại thủ đô Kuala Lumpur của những người tham gia tuần hành.
"Chúng tôi muốn cho ông Najib thấy có rất nhiều người không muốn ông ta làm Thủ tướng", một cô giáo về hưu tên Sheila Devaraj (58 tuổi) tham gia cuộc tuần hành, cho biết.
Cũng giống như nhiều người dân Malaysia, bà Devaraj bày tỏ sự lo ngại về giá cả leo thang, tăng trưởng kinh tế giảm và đồng tiền mất giá. "Vụ bê bối của ông Najib là một sự sỉ nhục...", bà Devaraj cho hay.
Trước khi cuộc tuần hành bắt đầu, Bersih, một liên minh các tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức nhân quyền ở Malaysia, tuyên bố sẽ tập trung hàng chục ngàn người tham gia tuần hành phản đối Thủ tướng Najib tại thủ đô Kuala Lumpur và hai thành phố khác ở Malaysia vào ngày 29 và 30.8, theo AFP.
Chính quyền Malaysia ngày 28.8 gọi cuộc tuần hành này là "bất hợp pháp", đồng thời tuyên bố sẽ chặn tất cả các website "cổ súy, phát tán thông tin, kêu gọi người dân tham gia cuộc tuần hành".
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (viết tắt TI, trụ sở ở Đức) lên tiếng đề nghị chính quyền Malaysia cho phép người dân tiến hành cuộc tuần hành này. "Chính phủ Malaysia nên lắng nghe người dân", Chủ tịch TI, Jose Ugaz cho biết.
Các tài khoản cá nhân của ông Najib đã bị đóng kể từ khi vụ việc bị phanh phui và hiện vẫn chưa rõ số tiền này đang ở đâu. Vụ việc này khiến nhiều người dân Malaysia và cả những quan chức trong đảng cầm quyền của ông Najib bức xúc, AFP cho hay.
The Wall Street Journal (Mỹ) là tờ báo đầu tiên phanh phui vụ việc này trong một bài phóng sự điều tra hồi tháng 7. The Wall Street Journal hôm 2.7 từng dẫn lời các điều tra viên của chính quyền Malaysia cho hay họ đã phát hiện gần 700 triệu USD được chuyển qua các cơ quan chính phủ, ngân hàng và công ty có dính líu với Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB và sau đó vào tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib.
Chính Thủ tướng Najib lập ra 1MDB và hiện vẫn giữ chức chủ tịch ủy ban cố vấn của 1MDB, và 1MDB đang ôm số nợ trên 11 tỉ USD. Mới đây, những người thân trong gia đình ông Najib còn bị cáo buộc đầu tư hàng triệu USD ra nước ngoài, theo AFP.
Tuy nhiên, Thủ tướng Najib và 1MDB bác bỏ những cáo buộc trên, tố cáo The Wall Street Journal và những phần tử chưa rõ danh tính có mưu đồ chính trị nhằm lật đổ ông. Còn 1MDB thì khẳng định không hề chuyển tiền vào bất kỳ tài khoản nào của ông Najib.
Các bộ trưởng Malaysia cho rằng đây là khoản tiền "tài trợ chính trị" từ các nguồn ở Trung Đông, khẳng định không có gì sai phạm, nhưng không thể giải thích thêm.
Hàng ngàn người dân Malaysia mặc áo thun vàng xuống đường đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức - Ảnh: Reuters
Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad cũng đã lên tiếng cảnh báo ông Najib đang đẩy đất nước vào đường cùng, rằng việc chính quyền Najib gọi số tiền 700 triệu USD là "tài trợ chính trị" là "lố bịch".
Ngày 28.7, Thủ tướng Najib đã cách chức Phó thủ tướng Muhyiddin Yassin và Tổng chưởng lý Abdul Gani Patail do có liên quan đến vụ điều tra nghi án ông Najib dính líu vào bê bối tham nhũng tiền của 1MDB.
Trước đó, Bộ Nội vụ Malaysia đã ra lệnh đình bản 3 tháng đối với The Edge, tờ nhật báo tài chính và đầu tư hàng đầu Malaysia, và chặn website Sarawak Report (trụ sở ở Anh) vì đã đăng tải những bài viết về sai phạm trong 1MDB, theo AFP.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Malaysia chặn các website cổ súy tuần hành chống Thủ tướng Najib Chính quyền Malaysia ngày 27.8 tuyên bố sẽ chặn tất cả những website nào phát tán thông tin về cuộc tuần hành đang được lên kế hoạch nhằm yêu cầu Thủ tướng Najib Razak từ chức trước những cáo buộc tham nhũng. Thủ tướng Najib đang đối mặt với nhiều áp lực sau khi xuất hiện các cáo buộc cho rằng ông tham...