Biểu tình đòi công lý ở bang Mỹ
Hàng trăm người ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota biểu tình đòi công lý cho một người da màu tử vong sau khi bị cảnh sát khống chế.
Hàng trăm người ở Minneapolis tối 26/5 mang theo các biểu ngữ “Tôi không thể thở được” và “Công lý cho Floyd” để biểu tình sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, 46 tuổi. Người biểu tình bao vây đồn cảnh sát, một số người đập vỡ cửa sổ và ném gạch đá.
Cảnh sát mặc trang phục chống bạo động dựng hàng rào xung quanh đồn cảnh sát khi người biểu tình bắt đầu tập trung tại đây. Cuộc biểu tình trở nên căng thẳng vào ban đêm khi cảnh sát và người biểu tình ném mọi thứ vào nhau.
Video trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình ngồi trên mặt đất, trong khi cảnh sát triển khai bom khói, hơi cay và lựu đạn khói để giải tán đám đông. Nhiều người hoảng loạn bỏ chạy khi bị trúng đạn cao su và hơi cay.
Video đang HOT
Người biểu tình đòi công lý cho George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ hôm 26/5. Ảnh: AP.
George Floyd làm nhân viên bảo vệ tại quán rượu Conga Latin Bistro ở Minneapolis. Floyd bị 4 cảnh sát da trắng khống chế hôm 25/5 do bị cáo buộc liên quan một vụ giả mạo chữ ký. Floyd sau đó tử vong và Cục Điều tra Liên bang (FBI) cùng giới chức thực thi pháp luật của bang đang điều tra sự việc.
Biểu tình xảy ra sau khi một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy Floyd cầu xin rằng anh ta không thể thở được khi một cảnh sát da trắng đặt đầu gối vào cổ anh và giữ nguyên tư thế đó trong vài phút. “Làm ơn, làm ơn, làm ơn, tôi không thể thở được. Làm ơn”, Floyd nói với cảnh sát.
Sau vài phút, một trong những cảnh sát bảo Floyd “thả lỏng”. Vài phút nữa trôi qua, Floyd trở nên bất động dưới sự khống chế của cảnh sát. Viên cảnh sát vẫn để đầu gối lên cổ Floyd thêm vài phút nữa.
Bốn thành viên của Sở Cảnh sát Minneapolis, những người có liên quan đến sự việc, đã bị sa thải. Gia đình nạn nhân đã kêu gọi buộc tội giết người đối với những cảnh sát liên quan và luật sư của họ tiết lộ cảnh sát da trắng Derek Chauvin quỳ trên cổ Floyd trong 8 phút.
Chủ quán Conga Latin Bistro và cũng là chủ nhà của Floyd mô tả anh là một người “rất điềm tĩnh, tốt bụng”, không phải người “hung hăng” hay “thiếu tôn trọng”. Floyd có một cô con gái ở Houston và anh đang lên kế hoạch đưa con gái đến Minneapolis sống cùng mình.
Tranh cãi về độ chính xác của bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Mỹ
Bộ xét nghiệm nhanh bệnh COVID-19 có thể cho kết quả trong vòng vài phút do Phòng thí nghiệm Abbot của Mỹ sản xuất nhiều khả năng bỏ sót 1/3 đến gần một nửa các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học New York công bố ngày 13/5.
Nhân viên kỹ thuật kiểm tra mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Rochester, bang Minnesota, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo kết quả nghiên cứu trên, bộ xét nghiệm nhanh ID NOW của Abbott đã bỏ sót 48% các mẫu thử cho kết quả dương tính mà bộ xét nghiệm Xpert Xpress của Công ty Chẩn đoán phân tử Cepheid của Mỹ sản xuất phát hiện ra. Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả này gây lo ngại về việc bộ xét nghiệm ID NOW được sử dụng chẩn đoán bệnh trong Nhà Trắng.
Abbot không công nhận kết quả nghiên cứu của Đại học New York, cho rằng kết quả chưa được giới chuyên gia đánh giá và chưa rõ các mẫu xét nghiệm trên có đúng hay không.
Người phát ngôn Abbott, bà Darcy Ross cho rằng kết quả của Đại học New York không phù hợp với những nghiên cứu khác. Theo bà Ross, Abbott đã phân phối hơn 1,8 triệu bộ xét nghiệm ID NOW và tỷ lệ âm tính giả được báo cáo chỉ ở mức 0,02%.
Bộ xét nghiệm ID NOW của Abbot đã được phép đưa vào sử dụng tại Mỹ từ cuối tháng 3. Đây là bộ xét nghiệm thứ 2 được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép và được sử dụng trực tiếp tại các phòng khám và cơ sở chăm sóc sức khỏe khác. Tính đến ngày 4/5, Abbot cho biết công ty này đã sản xuất được 50.000 bộ xét nghiệm mỗi ngày và dự kiến sẽ tăng lên 2 triệu bộ vào tháng 6 tới.
Tháng 4 vừa qua, một nghiên cứu của trung tâm y tế Cleveland Clinic cũng cho thấy bộ xét nghiệm của Abbot chỉ phát hiện được khoảng 85% số ca nhiễm. Tuy nhiên, Abbot cho rằng nghiên cứu của Cleveland Clinic sử dụng một phương pháp làm loãng mẫu bệnh phẩm.
Hiện Abbot đã cập nhật hướng dẫn xét nghiệm và thông báo với khách hàng rằng họ nên sử dụng phương pháp lấy mẫu thử trực tiếp bằng bông tăm.
Theo Abbot, một nghiên cứu khác do thành phố Detroit thực hiện cho thấy bộ xét nghiệm nhanh của hãng này cho kết quả chính xác 98% khi so sánh với xét nghiệm trong phòng thí nghiệm phân tử.
Phó tổng thống Mỹ không đeo khẩu trang khi thăm bệnh viện Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 28/4 không đeo khẩu trang khi tới thăm một bệnh viện ở bang Minnesota dù đây là yêu cầu bắt buộc tại cơ sở này. Đoạn video ghi lại chuyến thăm cho thấy Pence đến bệnh viện Mayo, xung quanh ông có khoảng 10 người và tất cả đều đeo khẩu trang, ngoại trừ Phó tổng...