Biểu tình biến thành bạo động tại Thổ Nhĩ Kỳ
Ít nhất 2 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình biến thành bạo động ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 12.3. Ngòi lửa biểu tình bạo động được cho là lan ra từ đám tang của một thiếu niên bị trúng đạn hơi cay của cảnh sát chống bạo động hồi năm ngoái.
Người biểu tình ném pháo hoa vào cảnh sát ở Istanbul – Ảnh: Reuters
AFP ngày 13.3 đưa tin một người biểu tình thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở thành phố Istanbul.
Tại thị trấn Tunceli, ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, một cảnh sát qua đời vì bị trụy tim khi đối phó với nhóm biểu tình. Tại thủ đô Ankara, cảnh sát đụng độ với nhóm người biểu tình khi những người này cố ngăn cản xe cộ qua lại.
Còn tại Istanbul, đám đông la hét các khẩu hiệu đòi chính phủ từ chức, đồng thời đốt lửa dọc đường đến nghĩa trang nơi chôn cất Berkin Elvan.
Berkin Elvan là một thiếu niên 15 tuổi, qua đời hôm 11.3, sau gần một năm hôn mê do trúng đạn hơi cay của cảnh sát khi cậu đi mua bánh mì ở Istanbul. Sau cái chết của Elvan, các vụ biểu tình biến thành bạo động đã nổ ra ở ít nhất 32 thị trấn và thành phố ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh sát chống bạo động buộc phải dùng vòi rồng và bắn hơi cay vào những người biểu tình tại Ankara và Istanbul khi hàng chục ngàn người đổ ra đường phố để khóc thương Elvan.
Video đang HOT
Các vụ phóng hỏa cũng đã xảy ra tại Istanbul và Ankara – Ảnh: AFP
Vụ việc làm gia tăng sức ép đối với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, nhất là khi chính phủ của ông đang bị lung lay vì cuộc điều tra tham nhũng trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử địa phương.
Cuộc bầu cử được tiến hành vào ngày 30.3 này được cho có thể quyết định tương lai chính trị của ông Erdogan.
Theo BBC, Thủ tướng Erdogan tuyên bố chỉ từ chức trong trường hợp đảng cầm quyền AKP của ông thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương.
Theo TNO
Bí ẩn 'bọ' Mỹ trong vệ tinh do thám Pháp
Pháp có nguy cơ mất trắng gần 1 tỉ USD trong thỏa thuận bán vệ tinh do thám cho UAE sau khi chính quyền Abu Dhabi phát hiện "bọ" Mỹ trong thiết bị này.
Vệ tinh do thám quân sự Falcon Eye - Ảnh: smsc.cnes.fr
Các chuyên gia Pháp nhận định các đối thủ cạnh tranh, có lẽ ở Mỹ, có thể đứng đằng sau vụ phát hiện mới đây về "các bộ phận ảnh hưởng đến an ninh" trong 2 vệ tinh do thám quân sự được Pháp bán cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), theo Đài France 24 đưa tin hồi đầu tháng này.
Nghi án "bọ Mỹ"
Trước đó, trang web Defense News (Mỹ) cho biết giới chức UAE đã phát hiện hai vệ tinh do thám quân sự của Pháp có độ phân giải cao được gọi là Falcon Eye, với các camera có thể phát hiện những vật rất nhỏ trên Trái đất, có chứa các bộ phận do Mỹ sản xuất.
Những bộ phận này là hệ thống "cửa sau" có thể cản tín hiệu vệ tinh, tức bí mật chặn quá trình truyền thông tin an ninh từ vệ tinh do thám đến trạm điều phối ở mặt đất, theo Defense News.
"Nếu vấn đề này không được giải quyết, UAE sẵn sàng hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận", Defense News dẫn một nguồn tin quốc phòng ở UAE.
Cũng theo nguồn tin này, lỗ hổng an ninh trên đã được phát hiện hồi tháng 9.2013 và UAE đã yêu cầu Pháp thay thế các bộ phận này.
Hai tháng trước đó, Abu Dhabi đã ký thỏa thuận mua hai vệ tinh do thám của Pháp trị giá khoảng 930 triệu USD và lô hàng này dự kiến sẽ được chuyển giao cho quốc gia vùng Vịnh vào năm 2018, cùng với trạm điều hòa thông tin ở mặt đất.
Hai vệ tinh do nhà thầu chính Airbus Defence and Space và công ty Thales Alenia Space cung cấp. Do đó, nếu để bỏ lỡ hợp đồng này, Paris sẽ mất đi món lợi nhuận khổng lồ.
Defense News dẫn nguồn từ UAE cho biết thêm là vụ việc đã khiến nước này nối lại các cuộc đối thoại với Nga và Trung Quốc. Nguồn tin này cho hay các cuộc hội đàm giữa UAE với Nga đã gia tăng sau vụ phát hiện trên và nhiều đoàn đại diện cấp cao đã đi lại như con thoi giữa Moscow và Abu Dhabi.
Đây là lần đầu tiên Pháp ký được hợp đồng quân sự có trị giá lớn với UAE kể từ năm 2007 và qua mặt cả đối thủ chính là Mỹ, vào thời điểm đó là nhà cung cấp quân sự lớn nhất cho UAE.
Tuy nhiên, hai công ty Airbus Defence and Space và công ty Thales Alenia Space chưa bình luận gì về vụ phát hiện trên.
Nghi vấn phá hoại
Vụ "tiết lộ" của Defense News đã đặt ra một loạt câu hỏi. Một số chuyên gia xem đây là "tác phẩm" của các nước đối thủ cạnh tranh, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nga, ghen tị với hợp đồng béo bở của Pháp.
Đài France 24 dẫn lời Alexandre Vatravers, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chính sách An ninh Geneva (GCSP), cho rằng việc tìm thấy các bộ phận Mỹ trong một phần sản phẩm phức tạp do Pháp sản xuất hầu như không có gì ngạc nhiên.
"Toàn cầu hóa công nghệ cao có nghĩa là gần như khó có thể tạo ra một cái gì đó như vậy mà không có một chút công nghệ của Mỹ", chuyên gia Vatravers nói.
"Đây là những vệ tinh quan sát. Tôi thực sự không nhận ra bất cứ điều gì khiến người Mỹ phải cài hệ thống cửa sau trong khi họ có thể thu gom mọi thông tin này từ các vệ tinh riêng của mình", Alain Charret, một cựu quan chức cao cấp thuộc Không quân Pháp và là chuyên gia về chiến tranh mạng, nhận định.
"Điểm duy nhất mà người Mỹ muốn biết là UAE thực sự muốn theo dõi cái gì", ông Charret nói, đồng thời cho biết thêm loại thông tin này dù sao cũng sẽ sẵn sàng được chia sẻ giữa hai nước đồng minh.
Ngoài ra, France 24 dẫn lời nhận định của cả hai chuyên gia trên, việc phát hiện công nghệ hỗ trợ an ninh trên 2 tháng sau khi hợp đồng được ký kết mà các chuyên gia UAE cũng như các kỹ sư Pháp không hay biết gì cũng là điều dường như không thể.
"Lời giải thích khả dĩ nhất là một đối thủ cạnh tranh nào đó đã gieo một hạt giống nghi ngờ với nỗ lực phá hoại thỏa thuận trên", ông Charret nhận định.
Theo TNO
Ai Cập tuyên bố Anh em Hồi giáo là khủng bố Chính phủ được quân đội hậu thuẫn ở Ai Cập đã tuyên bố phong trào Anh em Hồi giáo là nhóm khủng bố sau khi đổ lỗi cho tổ chức này thực hiện vụ tấn công đẫm máu nhằm vào một đồn cảnh sát hồi đầu tuần này. Những người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo trong một lần biểu tình...