Biểu hiện bệnh tự kỷ ở trẻ em
Tự kỷ là căn bệnh của thời đại mà nạn nhân chính là trẻ em. Quá trình điều trị bệnh ít tốn kém nhưng mất khá nhiều thời gian. Trẻ mắc chứng này cần phải được điều trị bởi một nhóm chuyên gia gồm bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, chuyên gia điều trị hành vi… Bên cạnh đó cũng cần phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình bệnh nhân.
Bệnh của trẻ em
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trung tâm Oxy cao áp TP. HCM, tự kỷ hay còn được gọi là những rối loạn phát triển lan tỏa là một trong những rối loạn nặng, làm suy yếu chức năng và cản trở cuộc sống nhiều nhất. Thuật ngữ “rối loạn phát triển lan tỏa” bao hàm ý nghĩa là các rối loạn này xuất hiện sớm trong tiến trình phát triển ở trẻ em và dần ảnh hưởng đến nhiều hoặc tất cả sự phát triển tâm lý của trẻ (quan hệ xã hội/ quan hệ cá nhân – cá nhân, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm…). Bệnh thường xuất hiện từ trước 3 tuổi.
Trong 2 năm đầu đời, trẻ có thể phát triển, vận động tương đối bình thường, sau đó các khả năng đã có lại mất dần đi. Cha mẹ thường đưa con đi khám vì thấy con chậm nói hoặc đã biết nói nhưng gọi lại không trả lời. Tự kỷ có các đặc điểm như: giảm sút các mối liên hệ xã hội (nghĩa là trẻ không biểu hiện sự liên hệ thường thấy với mọi người xung quanh, né tránh không tiếp xúc bằng mắt, không bày tỏ tình cảm yêu thương…); khiếm khuyết trong ngôn ngữ giao tiếp như câm hay nói những âm vô nghĩa hoặc có thể ngôn ngữ phát triển rất chậm. Ngoài ra bệnh còn biểu hiện ở những hành vi đơn điệu, bất thường, lặp đi lặp lại, chỉ yên tâm trong môi trường quen thuộc…
Nếu chú ý, cha mẹ sẽ nhận thấy những biểu hiện bất thường xuất hiện khá sớm từ khi trẻ mới 10 -12 tháng tuổi. Trẻ hầu như thờ ơ, ít đòi hỏi chăm sóc hoặc luôn bứt rứt, quấy khóc, khó ngủ, ít cười, ánh mắt đờ đẫn, không tinh nhanh, không phát âm được khi âu yếm. Khi đến 2 – 3 tuổi, các biểu hiện của bệnh dần bộc lộ rõ. Nhìn chung tất cả trẻ em mắc bệnh tự kỷ đều khiếm khuyết về khả năng tương tác xã hội, khiếm khuyết về khả năng giao tiếp bằng lời (ngôn ngữ) hoặc không lời nói và rối loạn về các hành vi. Cụ thể:
Trẻ không nhìn vào mắt người khác khi giao tiếp (ảnh minh họa)
Tương tác xã hội: Trẻ không nhìn vào mắt người khác khi giao tiếp, nét mặt thờ ơ vô cảm, chỉ tha thẩn chơi một mình, không thích khoe những thứ mình thích với mọi người. Trẻ chỉ biết đến nhu cầu của bản thân mà không quan tâm đến người xung quanh. Trong khi chơi đùa, trẻ không biết chơi tương tác, không biết luật của trò chơi, không biết chơi “giả vờ” mang tính xã hội.
Ngôn ngữ: Trẻ chậm nói, chỉ nói một số từ đơn điệu, không nói được câu dài hoàn chỉnh. Một số trẻ không nói được từ nào rõ ràng mà chỉ nói những từ, những âm vô nghĩa, người khác nghe không hiểu. Ngoài ra, một số trẻ còn nói lắp, nói định hình một vài câu từ hoặc nói nhại người khác. Trẻ không hiểu ý nghĩa của từ, của lời nói, thường không biết bắt đầu câu chuyện với người khác thế nào và cũng không biết duy trì cuộc nói chuyện.
Hành vi: Trẻ có những hành vi định hình lặp lại vô nghĩa, nhiều khi làm rất lâu một cách thích thú với những việc như: giơ tay nhìn bàn tay, vỗ tay, vê hoặc xoắn vặn tay, quay tròn, lắc lư người, cười một mình… Trẻ thích chơi với một số đồ vật trong nhiều giờ. Trẻ không biết dùng đồ chơi theo đúng chức năng của nó. Một số trẻ có trí nhớ máy móc rất tốt, biết điều khiển tivi, đài, video rất thành thạo, do vậy một số cha mẹ lại cho rằng con mình “thông minh”.
Có trẻ thích ăn những món ăn nhất định, một số trẻ cảm thấy bứt rứt khó chịu nếu trật tự trong phòng bị thay đổi. Nhiều trẻ rất nhạy cảm với âm nhạc, thích nghe nhạc và nhún nhẩy theo, hoặc chăm chú theo dõi chương trình quảng cáo…
Trẻ tự kỷ có thể lực bình thường nhưng hay bối rối, lo lắng, bi quan. Tùy thuộc vào sự biểu hiện của các triệu chứng mà người ta phân loại tự kỷ làm các mức độ nhẹ, vừa và nặng. Khoảng 70 – 80% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ, 20 -25% trẻ bị động kinh kèm theo, số khác có thể tăng hoạt động, hung tính… Tỉ lệ mắc bệnh tự kỷ hiện nay là 4 – 10.000 trẻ em, trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái (gấp 3 – 4 lần), hiện nay ở Việt Nam có khoảng 160.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ.
Video đang HOT
Trẻ chỉ thích chơi tha thẩn một mình (ảnh minh họa)
Cần phát hiện và điều trị sớm
Nguyên nhân gây bệnh tự kỷ cho đến nay vẫn chưa được xác định đầy đủ. Các nhà nghiên cứu mới chỉ đặt ra 3 giả thuyết về nguyên nhân chủ yếu của bệnh tự kỷ là sự tổn thương về não (có thể xảy ra trong quá trình bào thai hoặc trước và sau khi sinh), gien và các yếu tố di truyền (trong gia đình có tiền sử người bị tâm thần hoặc trầm cảm) và cuối cùng là yếu tố môi trường (có thể do ô nhiễm môi trường như hóa chất, bụi khói, tập tục cho trẻ nằm than hoặc môi trường tâm lý – xã hội nghèo nàn, thiếu thốn tình thương, cảm xúc). Xem xét não của trẻ tự kỷ, các nhà nghiên cứu nhận thấy có một số bất thường ở bán cầu não trái, thùy thái dương, hệ limbic và tiểu não. Nếu gia đình ít cho trẻ tiếp xúc với bên ngoài thì mức độ tự kỷ của trẻ ngày càng nặng hơn.
Trẻ tự kỷ cần được điều trị sớm ngay từ khi phát hiện bệnh. Tự kỷ là một hội chứng phức tạp cả về tâm thần, tâm lý, vận động nên quá trình can thiệp điều trị khá lâu dài. Trẻ tự kỷ cần được đánh giá và điều trị bởi đội ngũ nhiều chuyên gia. Bệnh tự kỷ là căn bệnh rất khó chữa, tuy nhiên, trẻ từ 18 – 36 tháng tuổi nếu được phát hiện sớm và can thiệp điều trị thì có khoảng 30% khả năng trẻ sẽ trở lại bình thường, có thể hòa nhập trở lại với cộng đồng. Quá độ tuổi này, việc can thiệp sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Bác sĩ Nguyễn Phương Nam cũng cho biết các công trình nghiên cứu ở nước ngoài nhận thấy có sự thiểu năng tuần hoàn não ở một số vùng của não trẻ tự kỷ so với trẻ bình thường, tốc độ dòng máu não trẻ tự kỷ giảm hơn. Sự thiểu năng tuần hoàn não có liên quan tới biểu hiện lâm sàng chính ở trẻ tự kỷ: sự rối loạn về các hành vi có liên quan tới thiểu năng tuần hoàn ở vùng Thalamus; khiếm khuyết về tương tác xã hội có liên quan tới thiểu năng tuần hoàn ở thùy thái dương; chậm phát triển ngôn ngữ có liên quan tới thiểu năng tuần hoàn ở vùng Wernicke’s và Brodmann; sự biểu hiện nét mặt thờ ơ, vô cảm liên quan tới thiểu năng tuần hoàn ở thùy thái dương và hạnh nhân (Amygdala); chậm phát triển về trí tuệ có liên quan tới thiểu năng tuần hoàn ở thùy thái dương và thùy trán của não.
Ngoài ra các công trình nghiên cứu còn nhận thấy ở trẻ tự kỷ có biểu hiện viêm thần kinh, viêm dạ dày, ruột, tăng tác nhân oxy hóa, giảm các chất enzyme chống oxy hóa, rối loạn chức năng ty lạp thể, giảm khả năng vận chuyện oxy của hemoglobin để giao cho mô. Hiện nay các nước phát triển trên thế giới đã và đang sử dụng oxy cao áp để điều trị cho trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ được điều trị oxy cao áp sẽ khắc phục được tình trạng thiểu năng tuần hoàn não thông qua việc cung cấp nhiều oxy hơn cho não và tăng quá trình tạo ra các mạch máu mới thông qua việc tăng yếu tố phát triển biểu mô mạch. Bên cạnh đó, oxy cao áp còn có tác dụng chống viêm, làm giảm tác nhân oxy hóa, cải thiện rối loạn chức năng ty lạp thể; tăng lượng oxy hòa tan để giao cho mô.
Hiện nay, việc điều trị tự kỷ bằng oxy cao áp được tiến hành tại Trung tâm Oxy cao áp, TP. HCM và ở Bệnh viện 108, Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), góp phần khắc phục các khiếm khuyết ở trẻ tự kỷ, thể hiện bằng sự cải thiện các biểu hiện về tương tác xã hội, ngôn ngữ và các hành vi ở trẻ này.
(Theo Thế giới mới)
5 luận điểm tuyệt vời về vận động và sức khỏe
Nghỉ ngơi tích cực mang lại cho con người rất nhiều cái lợi. Nó còn giúp thiết lập và củng cố các mối quan hệ giữa con người với con người, phát hiện ra ở chính mình những năng lực tiềm ẩn, và cuối cùng là tăng cường sức khỏe.
Gần đây, ai cũng biết ảnh hưởng tiêu cực của văn minh hiện đại đến tâm lý con người. Nguồn gốc của sự ảnh hưởng này chúng ta có thể tìm thấy trước hết trong môi trường kỹ thuật và môi trường xã hội. Hình thức tự bảo vệ mình trước tác động tiêu cực có thể là hoạt động thể thao mang tính thư giãn. Chúng ta nhận ra không mấy khó khăn ảnh hưởng tích cực của loại hoạt động này tới chất lượng cuộc sống, chúng ta nhìn thấy nó góp phần làm cho tinh thần thoải mái, đánh thức những trạng thái tình cảm tích cực, làm cho tâm trạng chúng ta tốt hơn, đóng góp vào việc xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người khiến tất cả được hài lòng.
Vậy chúng ta hãy thử phân tích một vài luận điểm có thể chỉ ra những giá trị khác nhau của hoạt động thể thao tích cực nhưng thuần túy mang tính thư giãn.
Tăng cường sức khỏe thông quan vận động thể thao góp phần hòa nhập các thành viên trong gia đình vào đời sống chung mang tính gia đình (ảnh minh họa)
Luận điểm thứ nhất: hoạt động thể thao mang tính thư giãn tích cực gắn bó chặt chẽ với vận động, lại là vận động thường xuyên ngoài trời, tiếp xúc với thiên nhiên. Một cố gắng về thể lực kéo theo việc tiêu hao năng lượng, gây mỏi mệt và các quá trình tái tạo không chỉ ảnh hưởng có lợi cho một quá trình tái tạo một hợp chất đang tồn tại trong cơ thể mà bằng một phương thức rõ ràng cải thiện tâm trạng con người. Hạn chế sự tích cực về thể lực là làm giảm sức đề kháng của cơ thể, cũng là gây quá tải cho hoạt động của hệ thần kinh. Các yếu tố gây nên hiện tượng này là các yếu tố xuất phát từ nền văn minh hiện tại, và hậu quả của chúng là bệnh thần kinh và các rối loạn tâm lý về cơ xác khác.
Từ lâu con người đã biết đến tác dụng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể của các hình thức vân động. Ngay từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, một người tên là Asklepiades đã tuyên truyền việc đi bộ và chạy như một biện pháp phòng ngừa bệnh tật. Vào thể kỷ thứ XVI Joseph Duchesne đã áp dụng bơi lội với danh nghĩa phương pháp điều trị bệnh có tác dụng tăng cường sức mạnh của tim và phổi. Ở thời hiện tại, các bài tập thể lực được coi là công cụ trị liệu rất hiệu quả nhằm chống lại mức độ stress quá tải trong cuộc sống hàng ngày. Nếu chúng ta thừa nhận sức khỏe về mặt tâm lý là trạng thái tốt bao gồm cả tâm sinh lý và xã hội thì rõ ràng việc thiếu quan tâm đến mặt hoạt động chân tay có thể dẫn đến mất cân bằng những yếu tố còn lại. Cho nên tăng cường tính tích cực bằng vận động hợp lý có thể là nguồn tái tạo sức mạnh tâm lý, cũng có thể làm giảm bớt hậu quả những quá tải do điều kiện do văn minh thời hiện đại gây ra.
Công thức 3 x 30 x 130
Cách sống ngồi nhiều hơn đi đứng, thời gian ngồi trước màn hình máy tính hay màn hình tivi quá dài, lúc nào cũng vội vã và phải chịu nhiều ức chế - tất cả những cái đó gây hại cho sức khỏe như thế nào, chúng ta đều biết rất rõ. Chúng ta cũng biết các bài tập thiên về vận động tác dụng tích cực đến sức khỏe thế nào, song chỉ có rất ít người trong chúng ta tập luyện một cách thường xuyên.
Nhưng cũng rất may là càng ngày càng có nhiều người muốn quan tâm đến sức khỏe của mình và cân nhắc xem nên làm thế nào để có thể luyện tập. Phần lớn các chuyên gia đều khuyên những người tuổi cao và còn tương đối khỏe mạnh áp dụng những nguyên tắc sau đây (theo chương trình do Học viện Y học Thể thao Mỹ và Hội Tim mạch - Tuần hoàn Mỹ giới thiệu):
Số lần luyện tập: Từ 3 đến 5 lần tập một tuần.
Thời gian: Từ 15 đến 60 phút liên tục cố gắng.
Cường độ: Vừa phải, 60 - 90% mức co bóp tối đa của tim.
Hình thức: Chậm vừa phải, hợp sức mình, nhưng đảm bảo các bài tập thu hút sự tham gia của nhiều nhóm cơ bắp, chẳng hạn như bước đi theo kiểu hành quân, chạy tại chỗ, chạy, đi xe đạp, bơi.
Vận động thể thao mang lại sức khỏe và tính gắn kết trong cộng đồng (ảnh minh họa)
Công thức 3 x 30 x 130 được áp dụng rất phổ biến: tập 3 lần một tuần, mỗi lần 30 phút, giữ nhịp tim ở mức 130 lần đập một phút. Những chuyên gia có quan điểm thực tế hơn cho rằng mỗi người ở độ tuổi trưởng thành cần luyện tập với cường độ vừa phải mỗi ngày ít nhất là 30 phút.
Trong số các hình thức vận động chân tay, mỗi người đều có cơ hội tìm cho mình một cái gì đó hấp dẫn. Đây không chỉ đơn thuần là chuyện tập yoga, là đi xe đạp, bơi lội, vận động trên nền nhạc (chẳng hạn khiêu vũ, aerobic hay callanetic), là tập cơ bắp, là các môn chơi mang tính đồng đội hay các môn thể thao đối kháng, đây còn là những cuộc dạo chơi, tham quan, du lịch và đua thuyền buồm, thuyền kajak, là trượt băng, trượt tuyết. Chúng không chỉ mang lại sự thoải mái mà còn có ảnh hưởng mang tính cứu tinh cho sức khỏe của chúng ta. Vì vậy chúng ta hãy quan tâm đến công thức: 3 x 30 x 130 và quan tâm ngay từ hôm nay!
Luận điểm thứ hai: Tăng cường sức khỏe bằng vận động thể thao tạo điều kiện tốt cho việc thiếp lập và phát triển các mối quan hệ với những người có cùng mối quan tâm mà không cần phải cùng làm việc, cùng ở một khu tập thể. Nếu chúng ta hàng ngày gặp gỡ với bạn bè để chơi vài séc bóng chuyền, một trận tennis, chạy mấy vòng quanh sân vận động, trượt tuyết hay bơi thuyền, các mối quan hệ hình thành giữa chúng ta trên nền tảng đó về cơ bản sẽ mang một đặc điểm khác so với mối quan hệ của những người cùng làm việc ở một cơ quan.
Ở đây chúng ta không bị ràng buộc về cấp bậc công tác, các mối quan hệ này cũng không nảy sinh mâu thuẫn. Ngược lại cái gắn kết chúng ta với nhau chỉ thuần túy là mối quan tâm chung và sự trải nghiệm chung, một yếu tố rất có lợi cho việc tạo ra những quan hệ làm đa dạng thêm về tình cảm. Một hoàn cảnh như vậy sẽ góp phần giải tỏa căng thẳng, hình thành cảm giác an toàn, cho phép sống thẳng thắn, không cần giữ kẽ, đúng với bản chất con người vốn có của mình. Trong một xã hội mà quan hệ giữa con người với con người đang bị đe dọa bởi sự hung hãn, hiếu chiến, hiếu thắng, của một nhóm những người lấy tăng cường sức khỏe bằng vận động thể thao là chính cơ thể tạo cho mình một ốc đảo hòa bình thật sự.
Luận điểm thứ ba: Tăng cường sức khỏe bằng vận động thể thao cho phép tạo nên sự thay đổi môi trường cả về khía cạnh xã hội lẫn khía cạnh không gian. Phân tích tính tích cực của những người sống ở các khu tập thể lớn tại các thành phố, có thể thấy một điều là ở họ có sự lặp đi lặp lại một số công việc rất đặc trưng. Chẳng hạn khi đi trên những con phố hàng ngày vẫn đi, họ ngắm nhìn những ngôi nhà chung cư giống hệt nhau, họ đi bằng những phương tiện giao thông chật cứng người chẳng khác gì nhau. Thêm vào đó là sự lặp đi lặp lại mang tính xã hội. Tại nơi làm việc, hàng ngày họ gặp gỡ với những người đã quá quen, về nhà thì tiếp xúc cũng vẫn ngần ấy thành viên trong gia đình, hàng xóm là những khuôn mặt quen thuộc.
Tăng cường sức khỏe bằng vận động thể thao cho phép tạo nên sự thay đổi môi trường cả về khía cạnh xã hội lẫn khía cạnh không gian (ảnh minh họa)
Sự lặp đi lặp lại hàng ngày một số yếu tố nhất định thuộc môi trường xung quanh tất nhiên sẽ gây cảm giác nhàm chán, cảm giác khó chịu đựng và mất hứng thú. Nhưng một chuyến đi chơi ngày chủ nhật, một giờ ở bể bơi, một chặng đi xe đạp hay chơi bóng rổ sẽ đa dạng hóa những cái lẽ ra là thường nhật, tạo cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên hoặc gặp gỡ những người khác. Nhờ đó ta có thể quên đi những khó khăn, tận hưởng những xúc cảm chỉ có các hoạt động thể thao đem lại. Bản thân việc hàng ngày chúng ta chờ đợi điều bất ngờ sẽ đến trong trận thi đấu thể thao mà ta tham dự đã khiến chúng ta chịu đựng giỏi hơn những khó khăn của cuộc sống đời thường.
Luận điểm thứ tư: Tăng cường sức khỏe bằng vận động thể thao có thể đem lại những mối quan tâm, những đam mê mới, góp phần tạo ra những thay đổi trong cơ cấu tính cách con người. Một số môn thể thao, đặc biệt là các môn thể thao ngoài trời - như leo núi, cưỡi ngựa, đua thuyền buồm, xe đạp địa hình - có thể đưa vào cuộc sống chúng ta những nội dung mới. Khi hoàn thành một chặng leo núi nhất là núi đá cheo leo, chúng ta chiến thắng nỗi lo sợ, chiến thắng mệt mỏi, chúng lấy lại sự tự tin, cũng cảm thấy tâm hồn mình xúc động trước vẻ đẹp thiên nhiên.
Khi chúng ta cầm máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trên con đường mình vừa đi qua và rất có thể phát hiện ở con người mình một niềm đam mê mới, chẳng hạn như mê chụp ảnh phong cảnh. Chúng ta muốn mở rộng hiểu biết của mình về một dãy núi mà chúng ta đang chinh phục hoặc về vùng hồ chúng ta đang bơi trên mặt nước, điều tất yếu là trước đó chúng ta phải tìm đọc về chúng trong những cuốn sách hướng dẫn du lịch hay các chuyên khảo về cảnh đẹp thiên nhiên.
Tăng cường sức khỏe thông qua vận động thể thao cũng là nguồn gốc mang lại ý nghĩa xã hội về con người mình. Chúng ta tự hào về bản thân vì chúng ta biết đánh tennis, biết chơi gôn, vì chúng ta đã chinh phục được một ngọn núi. Mặt khác bản thân những thành công đó có thể thúc giục chúng ta, tạo cảm giác hứng cho chúng ta chiến đấu và chiến thắng chính mình, giúp chúng ta có đủ tự tin để đặt ra cho mình những mục tiêu càng ngày càng cao hơn, để chúng ta trở nên hoàn hảo hơn, thuần thục hơn trong mỗi việc làm. Cách hiểu sự tăng cường sức khỏe thông quan vận động thể thao như vậy sẽ là một hoạt động sáng tạo, làm giàu có hơn cho con người, mang đến cho sự tồn tại của anh ta trên đời những gam màu phong phú hơn.
Tăng cường sức khỏe thông qua vận động thể thao cũng là nguồn gốc mang lại ý nghĩa xã hội về con người mình (ảnh minh họa)
Luận điểm thứ năm: Tăng cường sức khỏe thông quan vận động thể thao góp phần hòa nhập các thành viên trong gia đình vào đời sống chung mang tính gia đình. Cùng nhau vui chơi thể thao - bất kể là đi xe đạp, trượt tuyết hay đua thuyền buồm - với sự tham gia của cha mẹ và con cái, có thể trở thành phương thức tận dụng thời gian được yêu thích và rất hấp dẫn.
Một bình diện mới cho sự hiểu nhau sẽ được hình thành, một cơ hội để thiết lập các mối quan hệ gần gũi mà thời buổi chạy đua với những công việc thường nhật không phải dễ dàng có được. Ông bố và các con trai khi đá bóng với nhau, họ không chỉ có một cuộc chơi vui vẻ mà họ đang củng cố thêm mối quan hệ tình cảm vốn gắn kết bố con. Một thái độ như thế chắc chắn sẽ tạo điều kiện để thiết lập các mối quan hệ mang tính đối tác, các mối quan hệ có thể cũng góp phần giải tỏa những mâu thuẫn là hiểu lầm hàng ngày.
Sau khi phân tích những luận điểm vừa nêu, có lẽ chúng ta có đầy đủ lý do để quan tâm áp dụng phương thức tăng cường sức khỏe thông qua vận động thể thao, ghi thêm nó vào kế hoạch công việc hàng ngày. Quyết định thực hiện đó chính là đầu tư cho bản thân. Những khía cạnh liên quan đến sức khỏe phải chiếm sự quan tâm đặc biệt. Bởi vì củng cố sức khỏe thông quan vận động thể thao có thể là hình thức phòng bệnh tuyệt vời. Những giá trị khác của hình thức này cũng có ý nghĩa lớn lao đối với việc tối ưu hóa sự hành chức của con người. Rất cần quảng bá trong xã hội phong cách sống coi trọng thể thao, giúp thế hệ trẻ hình thành những thái độ tích cực đối với việc duy trì sức khỏe thông qua các hình thức vận động.
Muốn có một xã hội lành mạnh thì mỗi công dân phải rèn luyện cho mình phong cách sống lành mạnh. Sự thật đó có lẽ không cần bàn cãi.
(Theo Tri thức trẻ)
Bệnh tự kỷ ở người lớn Phụ huynh có thể thắc mắc: điều gì xảy ra cho con tôi khi trẻ trở thành người lớn? Người lớn sẽ sống thế nào với chứng tự kỷ? Họ có làm việc được không? Có kết bạn được không? Có cảm thấy hạnh phúc và an toàn không? Ai sẽ bênh vực người có chứng tự kỷ? Trong thế kỷ thứ 21,...