Biểu giá điện lũy tiến: Ngành điện “ăn đậm” trên lưng người dân?
Sản lượng điện sử dụng sinh hoạt tăng từ 12 – 19% so với cùng kỳ được Bộ Công Thương lý giải là nguyên nhân khiến cho hóa đơn tiền điện tăng cao trong các tháng vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biểu tính lũy tiến giá điện với mức cao nhất lên tới 2.500 đồng/kWh đang “đè nặng” lên vai của người dân
EVN có thể tăng doanh thu cao hơn nhờ biểu tính giá điện lũy tiến?
Trong một báo cáo mới đây về hệ thống điện và những vấn vấn đề mà dư luận quan tâm liên quan đến ngành điện, Bộ Công Thương cho rằng tình hình thời tiết rơi vào thời kỳ nắng nóng, khô hạn bất thường, nên tốc độ tăng trưởng phụ tải của toàn hệ thống điện đạt ở mức cao.
“ Chát”: Dùng nhiều, trả nhiều
Cụ thể, trong tháng 3 tốc độ tăng trưởng phụ tải tổng sản lượng điện năm 2014 so với cùng kỳ là 8,4%; tháng 4 là 10,6%; tháng 5 là 11,83%; tháng 6 là 11,56%. Riêng phụ tải sinh hoạt, mức độ tăng khá mạnh như: tháng 3: 19%; tháng 4: 10%; tháng 5: 12,7%; tháng 6: 12,19%.
Bộ chủ quản cũng đưa ra con số thống kê sản lượng điện sinh hoạt trong các năm từ 2011-2015 để chứng minh, tháng 5 và tháng 6 sản lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt luôn tăng cao hơn các tháng còn lại. Bộ này cho rằng, đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhu cầu điện sử dụng trong các tháng nắng nóng cao hơn so với các tháng đầu năm.
Dẫn chứng, trong năm 2014 – 2015, sản lượng điện sinh hoạt bậc thang tháng 4 so với tháng 3 là 18,9% và 10,6%; tháng 5 so với tháng 3 là 23,8% và 17,7%; tháng 6 so với tháng 3 là 44,4% và 36,7%. Đặc biệt tại Hà Nội, những ngày cao điểm nhất của nắng nóng lại trùng với kỳ ghi chỉ số hóa đơn tiền điện, từ ngày 5 – 25 hàng tháng, nên Bộ Công Thương cho rằng nhiều trường hợp, sản lượng điện tăng từ 1,5 đến 3 lần, dẫn đến tiền điện phải trả tăng đột biến.
Cũng theo Bộ này, để đảm bảo tính minh bạch trong việc ghi chỉ số công tơ điện, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đang triển khai hình thức ghi chỉ số bằng máy tính bảng và bộ thiết bị ghi chỉ số. Dự kiến trong kỳ tháng 7 tới, số lượng khách hàng được áp dụng biện pháp ghi chỉ số công tơ này là trên 1 triệu, chiếm tỉ lệ trên 40%.
Video đang HOT
Việc dùng nhiều phải trả nhiều nghe có vẻ hợp lý, song với một nền kinh tế thị trường thì sự hợp lý này lại đang là nghịch lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự nghịch lý này lại chỉ “hợp” và tồn tại trong ngành điện, một ngành vốn lâu nay độc quyền, luôn bị cho là thiếu minh bạch trong kinh doanh. Theo phân tích của TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, điện là ngành độc quyền, hiệu quả kinh doanh kém và luôn phải chịu sức ép về nguồn vốn để triển khai các dự án điện.
Cần tính giá mềm hơn!
Nguồn cung điện có hạn trong khi nguồn cầu chưa đáp ứng được, nếu dùng nhiều và không tiết kiệm thì có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối cung cầu điện. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho Bộ chủ quản và ngành điện đưa ra biểu tính lũy tiến, tức là càng dùng nhiều càng phải trả nhiều, để người dân tăng cường việc sử dụng tiết kiệm điện.
Lý giải về việc áp dụng biểu tính giá này, Bộ Công Thương cũng cho rằng mục đích là để khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Bộ này còn dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào… cũng áp dụng giá điện theo các bậc tăng dần. TS. Long cho rằng cách so sánh nào là “khập khiễng” khi các nước trên có trình độ phát triển, thu nhập cao hơn so với Việt Nam.
Các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm Bộ Công Thương và ngành điện rằng, trong lúc nguồn cung điện hạn chế thì việc áp biểu tính giá điện bậc thang theo hướng càng sử dụng nhiều càng phải trả nhiều là hợp lý. Song cần nhớ rằng từ ngày 16/3 khi Bộ Công Thương chính thức điều chỉnh tăng giá điện thêm 7,5%, thì Bộ này cũng áp dụng biểu tính giá mới với mức trung bình, chắc hẳn phải “vượt” xa mức 7,5%. Vấn đề là, các mức bậc thang lũy tiến mà Bộ này đưa ra liệu có hợp lý với sức chịu đựng của người dân hay không?
Phân tích kỹ hơn về biểu tính giá điện mới, mức sử dụng điện cao nhất lên tới 2.735 đồng/kWh cho cấp điện áp dưới 6 kV; 2.637 đồng/kWh cho cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22 kV; 2.556 đồng/kWh cho cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV và từ 110 kV trở lên có cấp điện áp cao nhất là 2.459 đồng.
Điểm đáng chú ý là Bộ Công Thương và ngành điện áp dụng cách tính giá điện theo các giờ thấp điểm, cao điểm và bình thường. Theo các chuyên gia, đây là bảng tính “đánh đố” người tiêu dùng khi rất có để tính toán và phân loại được lượng điện tiêu thụ.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc áp dụng biểu tính lũy tiến với giá điện cao nhất lên tới trên 2.500 đồng/kWh là quá cao. So với mức thu nhập của người dân, tình hình kinh tế hiện nay, cùng sức cầu chưa được cải thiện nhiều, thì biểu tính lũy tiến của ngành điện đang là gánh nặng với người dân. Do vậy, đại diện Hiệp hội này cho rằng Bộ Công Thương và ngành điện cần “tính toán” để giá “mềm” hơn một chút.
Còn nhớ, khi họp báo công bố về việc điều chỉnh giá điện lên 7,5%, ông Đinh Quang Tri, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán doanh thu của Tập đoàn sẽ tăng thêm 13.000 tỷ đồng nhờ tăng giá điện. Thế nhưng, với mức giá cao nhất lên tới trên 2.500 đồng/kWh, thì chắc hẳn ông lớn độc quyền EVN sẽ “ăn đậm” hơn nhờ biểu tính này?!
Theo Trí Thức Trẻ
Chỉ số điện tăng gấp đôi, giá điện lên gấp ba?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống tăng mạnh thời gian gần đây. Trước thông tin này, nhiều người dân lo lắng hóa đơn tiền điện tháng 7 sẽ tiếp tục tăng bởi biểu giá của "nhà đèn".
Theo báo cáo của EVN, chỉ tính riêng ngày 2/7 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống đạt kỷ lục với 535 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện tiêu thụ ở TP Hà Nội là 64,6 triệu kWh, vượt TPHCM - khu vực trước đây thường xuyên dẫn đầu cả nước về lượng tiêu thụ điện. Cũng như nhiều lần lý giải trước đó, nguyên nhân khiến những hóa đơn điện tăng đột biến là do nắng nóng kéo dài và diễn ra trên diện rộng.
Trước những "cảnh báo" về việc hóa đơn điện có thể tăng cao hơn nữa trong tháng 7 này, rất nhiều người dân đã phản ứng về cách tính tiền điện, đáng nói nhất là biểu giá. Trên thực tế, giá điện tăng vọt không chỉ đợt điều chỉnh giá điện vào tháng 3/2015 đã tăng tới 7,5% mà còn dobiểu giá điện lũy tiến có độ cách biệt khá lớn về giá.
Anh Nguyễn Văn Bình, nhân viên Công ty Cung cấp dụng cụ thể thao Tâm Chính (đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội) bức xúc: "Hiện nay, biểu giá điện mới từ 7 bậc rút lại chỉ còn 6 bậc, thêm vào đó, lượng điện giá rẻ bị khống chế thấp xuống chỉ còn 50kWh thay vì 100kWh như trước đây. Khoảng cách tính giá cao cũng được nới rộng ra và tính lũy tiến. Nói đơn giản, nếu gia đình tôi dùng một lượng điện như trước đây thì vẫn phải trả tiền nhiều hơn trước".
Đúng như anh Bình phản ánh, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành chia làm 6 bậc thang. Trong đó: Bậc 1 cho từ 0-50 kWh giá 1.484 đồng/kWh; bậc 2 từ 51-100 kWh là 1.533 đồng/kWh; bậc 3 từ 101-200 kWh là 1.786 đồng/kWh; bậc 4 từ 201-300 kWh là 2.242 đồng/kWh; bậc 5 từ 301-400 kWh là 2.503 đồng/kWh; bậc 6 từ 401 kWh trở lên giá 2.587 đồng/kWh.
Nhiều "cảnh báo" được đưa ra, giá điện tháng 7 sẽ tăng vọt. Ảnh: H.Phương
Ông Hồ Đức Hiền, cán bộ hưu trí ở khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa nhẩm tính với mức luỹ tiến hiện nay của EVN, từ số điện 401 trở lên, người dân sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh. "Sẽ xảy ra trường hợp chỉ số điện năng có thể tăng gấp đôi nhưng số tiền điện người dân phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần. Vấn đề là biểu giá này đã phù hợp với thực tế đời sống người dân hay chưa? Chúng tôi lo rằng EVN tự đưa ra biểu giá thì phần thiệt sẽ chỉ có người dân phải chịu", ông Hiền phân tích.
Trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, cách tính giá điện như ở Việt Nam hiện chỉ áp dụng cho các nước đang thiếu điện.
Nhiều bất cập
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt là do biểu giá lũy tiến đang áp dụng hiện nay. Người dân sử dụng điện nhiều thì đơn giá bị đội lên cao. "Biểu giá lũy tiến chúng ta đã áp dụng từ lâu và phổ biến với các mặt hàng mà cung lớn hơn cầu, không chỉ với mặt hàng điện mà với cả nước sinh hoạt. Tiền điện tăng cao do nắng nóng, người dân sử dụng nhiều nên theo biểu giá điện lũy tiến, số tiền phải trả tăng lên", bà Nga nói
Bà Nga cũng khẳng định rằng: "Nếu có sai sót kỹ thuật trong việc ghi chỉ số điện thì ngành điện phải kiểm tra và xử lý. Còn nếu cách tính giá điện theo lũy kế bậc thang có vấn đề bất hợp lý thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét để sửa đổi trong biểu giá điện thời gian tới".
Liên quan đến biểu tính giá điện lũy tiến do Bộ Công Thương ban hành, ông Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, biểu tính giá này được đưa ra và căn cứ trên quy định pháp luật, cũng như chủ trương chính sách của Bộ Công Thương.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cho rằng, EVN chỉ nên có một chức năng ưu đãi là chức năng điều tiết điện. Các chức năng khác phải đưa được thông tin công khai mới thúc đẩy được quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, mang lại giá điện rẻ cho người tiêu dùng.
Theo lộ trình, từ năm nay sẽ thực hiện thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2017- 2021. Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu biểu giá điện mới, dự kiến trong năm 2015 sẽ trình Chính phủ. Phương án biểu giá điện mới theo đó sẽ giảm số bậc thang tính giá thay vì 6 bậc như hiện nay. Tuy nhiên, mức thang 50 KWh đầu vẫn được giữ nguyên để hỗ trợ cho người dân nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy EVN vẫn đang vướng mắc giữa vai trò xã hội và kinh doanh.
Nhiều chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng, lý do đó làm chậm lộ trình bán buôn điện cạnh tranh. Khi EVN khoác vai trò bảo đảm an sinh xã hội, dù là doanh nghiệp nhà nước, trong thời điểm hiện nay là không phù hợp. Thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, doanh nghiệp lại phải vay tiền hoặc tăng giá điện lấy tiền đầu tư hạ tầng, phát triển lưới điện ở vùng sâu, vùng xa. Cuối cùng, lợi ích của số đông người tiêu dùng không được bảo đảm. Cho nên nếu chỉ số công tơ của khách hàng tháng 7 này tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 là điều không ngạc nhiên.
Theo_Eva
"Ngành điện đừng dồn gánh nặng lên người dân" "Sẽ không có thị trường cạnh tranh nếu một đơn vị ôm hết cả vai trò là nhà sản xuất (doanh nghiệp) và vai trò điều tiết, phân phối, bán lẻ (quản lý nhà nước). Mâu thuẫn lợi ích Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định tại Hội thảo Xây dựng...