Biểu giá bậc thang, không tránh khỏi tiền điện nhảy
Nhiều chuyên gia vẫn ủng hộ áp dụng điện một giá nhưng mức giá phải bằng với giá điện bình quân.
Duy trì giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang hay áp dụng điện một giá là vấn đề được các chuyên gia tranh luận tại buổi tọa đàm “Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức ngày 20/8.
Bao nhiêu bậc thì hợp lý?
Theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang được áp dụng xuất phát từ yêu cầu của Luật Điện lực. Đó là: giá điện phải phản ánh được chi phí cung ứng điện, tức phải tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có mức lợi nhuận hợp lý; thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý đối với các nhóm khách hàng. Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hội nghèo, hộ chính sách xã hội… Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả.
“Các nguyên tắc này yêu cầu phải có biểu giá bán điện chứ không phải chính sách một giá điện”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Ông Thỏa đề nghị nếu cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt thì rút, dồn 6 bậc thang hiện nay xuống 3, 4, bậc, ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các nhóm khách hàng dùng điện.
Bộ Công thương phải giải thích rõ ràng về phương pháp sắp xếp bậc, cơ sở, căn cứ sắp xếp. Hiện nay nhiều người vẫn không hiểu tại sao bậc 1 lại là 100kWh, bậc 2 200kWh.
Đặc biệt, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt không được làm tăng giá điện bình quân hiện hành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đợt điều chỉnh tháng 3/2019.
Xây dựng tỷ lệ tính giá từng bậc so với giá bình quân phải xây dựng cả hai loại tỷ lệ, đó là: tỷ lệ tính giá so với giá bình quân chung của 4 biểu giá (sản xuất, hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt) và tỷ lệ tính giá so với giá bình quân của biểu giá điện sinh hoạt.
Xử lý chênh lệch giá giữa các bậc phù hợp, giảm thiểu được sự nhảy tiền đột biến trong thời gian tiêu thụ nhiều điện
“Ở đây là giảm thiểu đột biến mà thôi còn đã chấp nhận biểu giá điện bậc thang thì tiền điện nhảy là không tránh khỏi vì mỗi bậc chỉ có định mức tiêu dùng một số kWh nhất định. Ví dụ, bình quân 100kWh chúng ta dùng 101 kWh là nhảy vì giá trên 100kWh cao hơn giá 100kWh”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Trong giá điện bình quân đã tính đủ các chi phí cộng thêm phần lợi nhuận hợp lý cho ngành điện
Video đang HOT
Chủ tịch Hội Thẩm định giá cũng lưu ý, phải hướng được mức giá trung bình của biểu giá phục vụ được số đông hộ tiêu dùng điện. Điều này phải công khai: điện tiêu dùng bình quân một hộ hiện nay là bao nhiêu: 300, 400 hay 500kWh; tổng số có bao nhiêu hộ dùng điện để hướng vào đó một mức giá trung bình hợp lý.
Về lâu dài, để phù hợp với lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ông Thỏa cho rằng phải cải tiến chính sách giá điện theo hướng minh bạch đầu vào, chỉ được tính những gì được tính vào giá theo quy định. Áp dụng giá thị trường, có cạnh tranh; người tiêu dùng điện được lựa chọn đơn vị cung ứng và giá, các dịch vụ phục vụ đi kèm.
“Để làm được định hướng đó cần sửa Luật Điện lực về cơ chế, cơ cấu giá điện thay các nguyên tắc tính giá hiện nay, sửa Luật Giá về thẩm quyền quyết định giá điện. Đồng thời xác định vai trò của Nhà nước là hướng dẫn cơ chế, thực hiện chính sách an sinh xã hội (không thực hiện chính sách xã hội qua giá)”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.
Cho ý kiến tại tọa đàm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, về bản chất, tính giá điện bậc thang với các mức giá càng sử dụng nhiều thì giá càng cao để hạn chế người dân sử dụng nhiều điện cũng giống như việc dùng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều chỉnh hành vi tiêu dùng các mặt hàng mà Chính phủ không khuyến khích sử dụng.
Trong thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ sẽ đánh thuế suất lũy tiến vào các mức sử dụng nhiều hàng hóa nào đó. Khoản thu này nhằm khắc phục các tác động tiêu cực của hàng hóa đến sản xuất, tiêu dùng, sức khỏe, đời sống hay tác động môi trường của hàng hóa.
“Tuy nhiên, trong việc sử dụng giá điện bậc thang, phần chênh lệch do mức thu thực tế lớn hơn mức thu theo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định lại biến thành lợi nhuận của EVN và được EVN tùy ý sử dụng.
Nếu bóc tách được khoản chênh lệch này và nộp cho NSNN, Chính phủ sẽ dùng số thu đó để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành điện; đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng các biện pháp sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng; đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hoặc các nguồn năng lượng mới để cho sản xuất thì sẽ hợp lý hơn”, ông Thịnh nêu vấn đề.
Trong khi đó, chuyên gia năng lượng – TS Nguyễn Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cũng khẳng định một nguyên tắc của giá sinh hoạt lũy tiến nhiều bậc là: Tổng doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc (T2) trong các bậc thang (5, 6 7 bậc) từ khác hàng phải cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân (T1). Trường hợp T1>T2 thì ngành điện thất thu, ngược lại T1
Nhìn vào phương án giá sinh hoạt lũy tiến 5 bậc mà Bộ Công thương đưa ra, ông Lâm nhận xét, phương án này vẫn chưa chứng minh được nguyên tắc cơ bản nhất là T1=T2, do đó rất nhiều khả năng là có lạm thu. Ngoài ra, tính theo nhiều bậc chứa nhiều yếu tố để dẫn đến bất hợp lý, khó kiểm soát các bậc, lập lờ, thiếu minh bạch. Quan trọng là nó chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi. Việc áp dụng giá 5 bậc, có cải tiến hơn lũy tiến 6 bậc, song chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi.
Ông Lâm đề xuất phương án lũy tiến theo 3 bậc là: bậc thấp hơn giá điện bình quân (từ 0 – 100 kWh); bậc bằng giá điện bình quân (từ 100 – 400 kWh) và bậc cao hơn giá điện bình quân (từ 401 kWh trở lên).
Phương án lũy tiến 3 bậc có thể ưu tiên đảm bảo tính toán đủ chi phí trong sản xuất kinh doanh của ngành điện đảm bảo có lãi, đảm bảo kinh phí tài chính hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời minh bạch, rõ ràng, dễ tính toán…
Vẫn kỳ vọng vào điện một giá
Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia ủng hộ áp dụng điện một giá, nhưng mức giá phải đúng bằng giá điện bình quân.
Theo PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội), không phải ngẫu nhiên mà ngành điện đưa ra thêm phương án điện một giá để người tiêu dùng lựa chọn dưới áp lực của dư luận về hóa đơn điện tăng vọt. Điện một giá có “lý lẽ” riêng của nó khi được kỳ vọng là phương án đảm bảo công bằng nhất cho mọi đối tượng người sử dụng. Chưa kể, điện một giá có ưu điểm dễ quản lý, dễ tính toán hơn nhiều so với dùng điện bậc thang.
Tuy nhiên, cần bàn là mức một giá nào là hợp lý. Trước khi Bộ Công thương rút phương án điện một giá. dự thảo biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt có đề xuất giá điện một giá bằng 145-155% (2.703-2.889 đồng/kWh). Đây là mức giá quá cao và chưa đủ căn cứ.
“Bình quân giá bán lẻ điện hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh. Với giá này, ngành điện cũng đã có đủ lãi để tái đầu tư. Nếu điện đồng giá có mức cao hơn giá bán lẻ bình quân thì ngành điện sẽ tiếp tục ghi nhận lãi nhiều hơn nữa. Đây là điều chưa thỏa đáng nếu đặt trong tương quan lợi ích chung của ngành điện và người tiêu dùng. Vì vậy, cần thận trọng khi quyết định mức điện một giá”, ông Duệ nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định, trong kinh tế thị trường, nếu coi điện là một hàng hóa như mọi hàng hóa khác thì EVN chỉ được bán với đúng mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được quy định. Và như vậy, chỉ nên áp dụng một giá, ai dùng ít trả ít, ai dùng nhiều trả nhiều đảm bảo sự công bằng trong mua bán hàng hóa.
Tại tọa đàm, các chuyên gia khuyến nghị, mức giá phù hợp nhất là ngang bằng với giá điện bình quân chung của 4 biểu giá là 1.864,44 đồng/kWh hoặc ngang với giá bình quân của biểu giá điện sinh hoạt là 2.015 đồng/kWh.
Song theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chúng ta có thể thực hiện điện một giá khi có đủ nguồn cung điện và khi Nhà nước có các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách thông qua cơ chế khác, không phải qua giá điện. Đồng thời, thực hiện điện một giá sẽ phải thay đổi các nguyên tắc trong Luật Điện lực, trong khi đó, những yếu tố này hiện nay là chưa thể thực hiện ngay.
Điện bậc thang hỗ trợ người nghèo... 18.000 đồng/tháng?
Thực tế cho thấy, hộ sử dụng nhiều điện chưa chắc đã phải người giàu và hộ sử dụng ít điện chưa chắc đã phải hộ nghèo.
Ngày 20/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm "Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý?".
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia lĩnh vực năng lượng, kinh tế đã nêu quan điểm về việc duy trì biểu giá điện bậc thang hay áp dụng điện một giá. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm sau khi Bộ Công thương lấy ý kiến dự thảo biểu giá điện mới và mới đây nhất là rút phương án điện một giá ra khỏi dự thảo.
Theo TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam), cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trong Quyết định 24/2017/QĐ-TTg có 4 nhóm khách hàng (nhóm sản xuất, khối hành chính sự nghiệp; khối kinh doanh và khối sinh hoạt). Riêng nhóm khách hàng sinh hoạt cho phép bán theo dạng bậc thang lũy tiến với mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, hỗ trợ giá cho người nghèo.
TS Ngô Đức Lâm khẳng định, một trong những nguyên tắc giá điện sinh hoạt lũy tiến nhiều bậc là người nghèo, người hưởng chính sách ưu đãi được hỗ trợ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn hộ nghèo được hưởng chính sách đã được Nhà nước xác định và được lĩnh tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi xây dựng biểu giá này, ngành điện hướng đến nguyên lý khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp vốn được mặc định là những hộ dùng ít điện. Theo đó, càng sử dụng nhiều càng phải chịu giá cao và ngược lại.
Mục tiêu an sinh xã hội trong việc xây dựng biểu giá điện cần phải xem xét lại để khách quan, công bằng, minh bạch hơn. Ảnh minh họa: Dân Việt
"Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì không hẳn như vậy. Có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện nhưng thuộc diện thu nhập thấp, không có điều kiện tách khẩu nên buộc phải sống chung với nhau.
Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chỉ có 1-2 nhân khẩu, đi làm cả ngày nên sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp, song họ lại có thu nhập cao.
Như vậy, quan điểm về điện bậc thang để bảo đảm công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn nhiều ý nghĩa nếu xét trên góc độ thực tế", PGS.TS Nguyễn Minh Duệ nhận xét và cho rằng, chuyện hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, Chính phủ có thể có những cách khác mà không nhất thiết phải hỗ trợ qua giá điện, ví dụ tiền mặt, an sinh xã hội, công ăn việc làm...
Cùng chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong kinh tế thị trường, EVN cũng chỉ là một doanh nghiệp như nhiều doanh nghiệp khác. Cần tách riêng việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội khỏi chức năng, nhiệm vụ của một doanh nghiệp.
Đối với các hộ nghèo, hộ chính sách hiện nay đã có các khoản hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Theo quy định hiện hành các hộ nghèo về thu nhập hoặc hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng. Việc hỗ trợ nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ sử dụng tối thiểu của người dân và khả năng có thể đáp ứng của ngân sách nhà nước và được chuyển thẳng tới người thụ hưởng. EVN chỉ nên chú tâm vào công việc của mình là sản xuất điện nhiều nhất, đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng, về bảo vệ môi trường và kinh doanh hiệu quả nhất.
PGS.TS Bùi Thiện Dụ, nguyên giảng viên khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét: dùng chữ "an sinh xã hội" chưa chuẩn xác. Bởi lẽ, ông tính toán, với biểu giá điện hiện nay, hộ gia đình dùng dưới 100kWh thì tiết kiệm được 10%, tức nhà nào dùng nhiều nhất trong bậc này thì tiết kiệm được 18.000 đồng, hộ trung bình dùng 50kWh thì tiết kiệm được 9.000 đồng.
"Số tiền này chia cho 1 hộ (tính trung bình là 4 người) rồi bảo họ lên phường lĩnh có khi họ còn không lên. Cho nên, nói "an sinh xã hội" nhưng phải hiểu thực tế đó là 9.000-18.000 đồng, không bằng 1 bát phở/tháng/4 người".
Từ đây, PGS.TS Bùi Thiện Dụ đề nghị ngành điện hãy thao tác và kinh doanh như một doanh nghiệp, dù loại đặc biệt thế nào chăng nữa, cần tập trung vào kinh doanh, phát triển chất lượng dịch vụ, nộp ngân sách nhà nước n gày càng nhiều. Trách nhiệm với người nghèo hãy để Nhà nước xử lý chung với xã hội. Hiện nay các hộ nghèo đã được trợ cấp thông qua ngân sách xã hội, các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo.
"Chính sách hỗ trợ người nghèo không phải là trách nhiệm của một ngành sản xuất kinh doanh nào, ngành điện không nên ôm lấy việc không phải của mình. Chưa nói, nếu ngành điện chỉ hỗ trợ cho các hộ dùng ít điện (vì tự xếp họ vào hộ nghèo mà không xét hoàn cảnh cụ thể) thì sao không hỗ trợ các hộ không được dùng điện?
Họ cũng đóng thuế để xây dựng phát triển đất nước như các hộ dùng điện, chưa kể có những vùng người dân phải hy sinh cả đất đai, ruộng đồng để xây dựng các nhà máy thủy điện, đường dây điện cao áp đi qua mà chưa được dùng điện", PGS.TS Bùi Thiện Dụ nêu vấn đề.
Điện một giá - Ai hưởng lợi Bộ Công Thương mới đây đã có dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất giá bán lẻ điện một giá bên cạnh phương án tính giá 5...