Biệt thự bề thế xây trái phép của gia đình Phó ban Nội chính
Lãnh đạo phường Ea Tam ở Buôn Ma Thuột nói rằng cạnh biệt thự xây trái phép của bà Tuất (vợ Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) còn có nhiều căn nhà trên đất nông nghiệp.
Gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) xây biệt thự trái phép bề thế trên đất nông nghiệp ở tổ dân phố 11, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột. Gia đình cho rằng biệt thự này trị giá 3 tỷ đồng.
Không chỉ xây biệt thự trái phép trên khu đất nông nghiệp rộng hàng nghìn mét vuông, gia đình ông Kỷ còn xây nhà thủy tạ gắn với hồ nuôi thủy sản; hồ bơi rộng 153 m2.
Trong đơn trình bày với cơ quan chức năng, bà Quách Thị Tuất (vợ ông Kỷ), cho rằng khu vực trên là vùng sâu hẻo lánh, mọi người đều làm nhà và sinh sống trên đất nông nghiệp nên gia đình mới tin tưởng, mạnh dạn đầu tư xây dựng theo. Nay bà thừa nhận việc xây nhà trên đất nông nghiệp là trái với quy định của Nhà nước.
Không chỉ có vợ phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk xây biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp, con trai vị này là Nguyễn Sỹ Kỷ Nguyên cũng đã xây Showroom ôtô (số 172 đường Lê Duẩn, phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) không có giấy phép.
Video đang HOT
Quá trình kiểm tra trật tự xây dựng trên địa bàn vào tháng 5.2016, UBND phường Tân Thành phát hiện con trai ông Kỷ xây công trình này không phép. UBND TP.Buôn Ma Thuột đã phạt hành chính ông Kỷ Nguyên 6,2 triệu đồng vì hành vi xây dựng công trình không có giấy phép.
Sát bên tường rào căn biệt thự của gia đình ông Kỷ, một hộ dân cũng xây nhà cấp bốn trái phép giữa vườn cà phê.
Đối diện với căn biệt thự gia đình Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, tường rào, cổng ngõ căn nhà gỗ của một một sĩ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk cũng xây trên đất nông nghiệp.
Căn nhà gỗ của vị sĩ quan biên phòng với mái ngói còn mới được xây trên đất nông nghiệp ở tổ dân phố 11, phường Ea Tam.
Một gia đình treo biển bán nhà kèm theo số điện thoại gần với biệt thự trái phép của gia đình ông Kỷ. Ông Phạm Tân, Chủ tịch UBND phường Ea Tam, cho biết trong năm 2016, địa phương đã phát hiện 20 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp và đã xử phạt hành chính với tổng số tiền 30 triệu đồng.
Một hộ dân xây tường rào, dựng nhà trên đất rẫy cà phê ở tổ dân phố 11, phường Ea Tam. “Việc người dân, cán bộ xây nhà trái phép, xây nhà trên đất nông nghiệp trước hết là do địa phương còn buông lỏng quản lý, địa bàn rộng nhưng cán bộ lại mỏng nên thiếu giám sát, kiểm tra đã để xảy ra tình trạng này”, ông Tân nói.
Chiều 4.4, ông Vũ Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, cho biết sau khi phát hiện trường hợp gia đình ông Kỷ xây biệt thự trên đất nông nghiệp, địa phương đã yêu cầu tất cả các xã, phường lập tổ công tác rà soát, phân loại từng trường hợp xây công trình trái phép, xây nhà ở trên đất nông nghiệp để xử lý theo quy định (tùy theo mức độ sai phạm).
Theo P.V (Zing)
Từ thư nặc danh, TP HCM phát hiện hàng loạt nhà xây trái phép
Dù không xác định được người tố cáo, UBND TP HCM vẫn chỉ đạo kiểm tra và phát hiện nhiều nhà xây "lậu" mà chính quyền huyện Bình Chánh làm ngơ.
Sở Xây dựng TP HCM vừa kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo huyện Bình Chánh xử lý nghiêm 8 căn nhà xây dựng không phép, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đã không xử lý công trình vi phạm. Đồng thời, kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh cán bộ nhận hối lộ để bao che các công trình vi phạm này.
Huyện Bình Chánh là nơi "nóng" nhất về tình trạng xây nhà trái phép. Ảnh: Trung Sơn
Trước đó, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra đơn thư của một người phản ánh việc cán bộ bao che, nhận tiền của dân khi xử lý các căn nhà xây dựng sai phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng và xem xét hồ sơ liên quan, phát hiện hàng loạt sai phạm khiến các nhà vi phạm vẫn tồn tại.
Trong đó, chủ đầu tư 4 căn nhà tại Tổ 16, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, không có giấy phép xây dựng, công trình nằm trên đất không phù hợp quy hoạch (đất sử dụng với mục đích trồng cây lâu năm).
Hai trường vừa không có giấy phép, vừa xây trên đất thuộc quyền sử dụng của người khác hoặc trên đất trồng lúa. Nhưng UBND xã Vĩnh Lộc A xác nhận cho tạm tồn tại, Phòng quản lý đô thị huyện Bình Chánh chứng nhận số nhà cho chủ đầu tư...
Theo Sở Xây dựng, UBND xã Vĩnh Lộc A đã buông lỏng kiểm tra, không xử lý và ngăn chặn hành vi vi phạm của chủ đầu tư để công trình xây dựng không có giấy phép hoàn thành đưa vào sử dụng.
Theo thống kê, từ ngày 1/1 đến 15/5/2013 (Nghị định 26 về việc chấm dứt hoạt động thanh tra xây dựng cấp quận, huyện, phường, xã có hiệu lực), thành phố có gần 1.120 trường hợp vi phạm xây dựng nhà không phép, trái phép. Trong khi đó, chỉ tính từ ngày 15/5 đến 30/6 đã tăng vọt lên hơn 1.500 trường hợp.
Huyện Bình Chánh được xem là nơi "nóng" nhất Sài Gòn về tình trạng này khiến người dân và các đại biểu HĐND TP HCM rất bức xúc, đặt nghi vấn có tiêu cực, bao che. Có trường hợp hơn 600 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng lực lượng thanh tra xây dựng không phát hiện.
Hôm 10/5, UBND TP HCM yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của cựu Chánh văn phòng Huỳnh Văn Phạm Hồng và chủ tịch UBND xã Đa Phước và các tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ xây dựng trái phép trên địa bàn huyện. Quá trình tổ chức kiểm điểm nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan điều tra.
Ngọc Hậu
Theo VNE