Biết sai vẫn bổ nhiệm lái xe làm phó chánh văn phòng huyện ủy
Dù biết một tài xế không có bằng cấp và quá tuổi theo quy định, Huyện ủy Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, vẫn bổ nhiệm ông này làm phó chánh văn phòng huyện ủy.
Hình minh họa
Theo lý lịch trích ngang, trước khi về làm việc cho Huyện ủy Nông Cống, ông Nguyễn Văn Hiệp (SN 1958, quê quán xã Tượng Văn, huyện Nông Cống) là giáo viên của một trường đào tạo lái xe, trình độ học vấn 10/10. Từ năm 1985, ông được tuyển dụng vào làm tài xế cho Huyện ủy Nông Cống đến nay.
Đến năm 2013, do luân chuyển cán bộ, Huyện ủy Nông Cống chỉ còn một phó chánh văn phòng. Vì thế, đơn vị này phải bổ nhiệm thêm một phó chánh văn phòng. Sau khi bàn bạc, Huyện ủy quyết định chọn ông Hiệp vào vị trí này. Tuy nhiên, lúc đó ông Hiệp đã 55 tuổi, trong khi Quyết định 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/2/2003 nêu rõ: Các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng các quận – huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45.
Quyết định bổ nhiệm ông Hiệp
Ngoài việc lớn tuổi, ông Nguyễn Văn Hiệp còn không có bằng đại học theo quy định. Tuy vậy, ngày 2/5/2013, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Huyện ủy Nông Cống, vẫn ký Quyết định số 456-QĐ-HU bổ nhiệm ông làm Phó chánh Văn phòng Huyện ủy.
Liên quan đến việc này, ngày 11/3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Minh Chính khẳng định việc bổ nhiệm ông Hiệp giữ chức Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Nông Cống là đúng.
Video đang HOT
“Trước khi bổ nhiệm, chúng tôi làm các bước theo quy trình và tất cả thống nhất chọn anh Hiệp. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng thống nhất, dù băn khoăn việc anh Hiệp không có bằng đại học” – ông Chính giải thích.
Theo bí thư Huyện ủy Nông Cống, ông Hiệp được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng phụ trách hành chính, có nhiệm vụ chăm lo, bảo quản cơ sở vật chất, an ninh trật tự trong cơ quan, quản lý nhà ăn…
“Chúng tôi biết quá rõ là sai. Tuy nhiên, do anh ấy sắp về hưu, chỉ còn một nhiệm kỳ nữa nên anh em chúng tôi cũng nghĩ đến chút tình” – ông Chính phân trần.
Để công việc được “trơn tru”, trong hồ sơ bổ nhiệm, Huyện ủy Nông Cống chỉ nêu chung chung ông Hiệp là cán bộ văn phòng chứ không ghi rõ công việc chuyên môn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Giáo dục và dào tạo tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2013, toàn tỉnh có 24.956 học sinh – sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Trong đó, người có trình độ trên đại học là 45, đại học và cao đẳng khoảng 12.000.
Theo Người Lao Động
Cấm lãnh đạo bổ nhiệm nhân sự trước khi nghỉ hưu!
Đó là đề xuất của ông Lê Như Tiến về việc ông Trần Văn Truyền (nguyên tổng Thanh tra Chính phủ) bổ nhiệm 60 cán bộ trong vòng sáu tháng trước khi về hưu.
Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) trong cuộc trao đổi xung quanh việc ông Trần Văn Truyền
Ông Tiến trao đổi:
- Tôi cũng chỉ vừa biết thông tin này qua báo chí. Theo tôi được biết thì các cơ quan chức năng có liên quan hiện chưa phát ngôn chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu đây là thông tin chính xác thì dư luận sẽ suy nghĩ theo hướng có gì đó không bình thường. Ở chỗ vì sao lại có những quyết định bổ nhiệm gấp gáp như vậy. Một cử tri nhận xét với tôi là có vẻ như chạy đua với thời gian.
* Nghĩa là việc gấp gáp đó, nếu có thật thì không phù hợp với công tác cán bộ vốn đòi hỏi phải cẩn trọng?
- Trong công tác cán bộ, Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều quy định chặt chẽ, đưa ra các quy trình, thủ tục cụ thể về quy hoạch, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Cụ thể như trước hết là phải giới thiệu được những người đầy đủ tiêu chuẩn, mà chúng ta hay nói là phải có đủ đức, đủ tài. Theo tôi được biết, Chính phủ cũng đã quy định số lượng cấp phó của các tổ chức thuộc cấp bộ không quá ba người. Trường hợp lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ mà vượt quá số lượng đó thì rõ ràng là không đúng quy định. Ví dụ cấp vụ mà có đến sáu phó vụ trưởng, có vẻ như số lãnh đạo vụ gần bằng số chuyên viên.
Hơn nữa việc bổ nhiệm cán bộ không phải là "bổ nhiệm tập thể", mỗi nhân sự đều được xem xét theo quy trình riêng. Có thể là nhiều quyết định nhân sự được ký cùng lúc, nhưng trong thời gian ngắn mà cùng lúc phải xem xét riêng rẽ rất nhiều hồ sơ bổ nhiệm cán bộ thì liệu có đảm bảo chất lượng hay không?
* Ông có nghe các cử tri phản ảnh gì xung quanh câu chuyện này?
- Tôi có nghe một số ý kiến về cái gọi là "hội chứng chuẩn bị nghỉ hưu", "hội chứng sống gấp", nghĩa là có những động tác vội vàng chạy theo thời gian để làm những việc có thuận lợi cho cá nhân trước khi mình không còn giữ trọng trách được giao nữa. Tất nhiên ở đây tôi không đề cập cụ thể trường hợp nào có hay không hội chứng đó, chỉ phản ảnh lại ý kiến cử tri như vậy để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo, nghiên cứu thực tiễn và đề ra giải pháp.
Hội chứng đó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Ví dụ anh lãnh đạo cũ bổ nhiệm nhân sự hết rồi, thì đến anh lãnh đạo mới "cứ thế mà làm" thôi chứ làm sao có cơ hội sàng lọc, làm sao còn cơ hội được chọn người đủ đức đủ tài cho nhiệm kỳ của mình. Cũng không loại trừ có một số cán bộ được bổ nhiệm mang tâm lý hàm ơn ông sếp đã về hưu, chứ với ông sếp mới thì đâu có phải là người đã nâng đỡ, đề bạt mình.
* Nhưng lại có ý kiến cho rằng lãnh đạo sắp về hưu thì cứ ký bởi vì "thôi anh về thì làm phúc". Ông nghĩ sao?
- Làm gì có quy định nào cho phép lãnh đạo làm phúc theo kiểu đó. Nếu anh thấy gia cảnh anh em khó khăn thì ông bỏ tiền túi ra giúp đỡ, dư luận sẽ hoan nghênh. Còn ông sử dụng quyền lực được Nhà nước giao mà làm phúc bằng cách ký như vậy là lạm quyền, và thật ra không phải làm "phúc" mà đang gây "họa". Điều tôi suy nghĩ là trong công tác cán bộ nói riêng cũng như trong các hoạt động của cơ quan công quyền nói chung, có vai trò của cấp ủy, vai trò của tập thể, cán bộ, công chức, không nên để xảy ra sự việc nào đó mà trong nội bộ không có ý kiến để rồi sau đó chính báo chí là nơi lên tiếng đầu tiên.
* Ông có đề xuất giải pháp nào cho vấn đề này?
- Tôi có hai đề xuất. Một là nên chăng chúng ta có quy định cấm cán bộ lãnh đạo sắp nghỉ hưu, trong thời gian bao nhiêu tháng trước khi rời nhiệm sở thì không được ký kết các hợp đồng kinh tế lớn, các dự án lớn và không được ký bổ nhiệm nhân sự.
Tất nhiên anh vẫn điều hành bình thường, có thể tham gia những quyết định chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau nhưng không được ký. Trường hợp đó là một hợp đồng, một dự án, một nhân sự quan trọng cần có quyết định kịp thời thì phải được công khai, minh bạch kèm theo trách nhiệm rõ ràng.
Hai là cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật để không cho phép cán bộ lãnh đạo có những việc làm không đúng quy định mà vẫn "hạ cánh an toàn". Anh về hưu rồi tôi vẫn hồi tố trách nhiệm đầy đủ nếu phát hiện trước đó anh làm sai.
Ông CHÂU MINH TỶ (nguyên chánh thanh tra TP.HCM, nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM) cho biết:
Cá nhân tôi tin rằng các trường hợp được bổ nhiệm đều phải làm đúng quy trình, trong đó một trong những khâu quyết định là xem xét của tập thể Ban cán sự Đảng ở cơ quan này. Nói như vậy để thấy rằng với công tác cán bộ thì thủ trưởng cơ quan không thể tự mình quyết định, tất cả quy trình đều quyết theo chế độ tập thể. Nếu bổ nhiệm chỉ một người thôi mà người đó không đủ tiêu chuẩn, không đúng với quy trình thì sai, còn bổ nhiệm đến 10 người hay hàng chục người vào một thời điểm nhất định mà đúng quy định thì không có gì sai.
Do vậy, xét dưới góc độ pháp lý hay quy định về công tác cán bộ, thì số lượng người được bổ nhiệm, kể cả cùng được bổ nhiệm trong một thời gian nhất định không khẳng định được điều gì. Còn chuyện đặt vấn đề có bất thường hay không, thậm chí là tiêu cực, thì cũng dễ làm rõ thôi, cứ cho kiểm tra lại tất cả quy trình làm công tác cán bộ, đồng thời đánh giá lại sự phù hợp của mỗi cán bộ được bổ nhiệm cũng như nhu cầu của cơ quan, công việc. Cái này hoàn toàn có thể kiểm tra, vấn đề là có quyết làm hay không.
Việc bổ nhiệm nhiều người trong thời gian ngắn, cho dù có yêu cầu thì cũng dễ gây cảm giác không bình thường. Khi công luận có ý kiến thì cần làm rõ, cũng là chuyện bình thường thôi. Tốt nhất Chính phủ nên giao Bộ Nội vụ chỉ đạo thanh tra bộ hoặc ngành kiểm tra Đảng hãy chủ động vào cuộc để làm rõ vấn đề mà dư luận quan tâm. Trong trường hợp nguyên tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền tuy đã nghỉ hưu tại địa phương (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) nhưng vẫn thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của trung ương.
Theo Xahoi
Cán bộ sai phạm được thăng chức - Tuyệt chiêu "trả bóng"? Cán bộ không làm tròn trách nhiệm, có dấu hiệu bao che sai phạm nhưng vẫn được châm chước, bỏ qua. Lãnh đạo của công ty đại diện sở hữu vốn Nhà nước làm ăn thua lỗ nhiều năm lại được đề bạt lên vị trí cao hơn... Đó là những nghịch lý khá phổ biến trong công tác cán bộ hiện nay...