Biệt đội tình báo tự kỷ của Israel
Quân đội Israel có một đơn vị quân báo đặc biệt với các thành viên mắc chứng tự kỷ nhằm tận dụng khả năng phân tích khác thường của họ.
Một nơi làm việc của Đơn vị 9900 thuộc IDF – Ảnh: IDF
Tự kỷ là hội chứng rối loạn thần kinh đang có xu hướng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Người mắc hội chứng này có các triệu chứng chậm phát triển khả năng giao tiếp xã hội và gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, nhưng trong số đó có nhiều người lại phát triển khả năng vượt trội về toán học, nghệ thuật, khả năng phân tích thông tin… Theo trang tinWashington Free Beacon (Mỹ), giới quân đội và tình báo Israel đã tìm ra phương pháp tận dụng khả năng đặc biệt của những người tự kỷ với chương trình tuyển mộ họ vào đơn vị quân báo mang tên Đơn vị 9900 chuyên phân tích thông tin từ hình ảnh và bản đồ.
Có lẽ lực lượng vũ trang Israel (IDF) là đội quân duy nhất trên thế giới dám sử dụng binh sĩ tự kỷ. Tờ The Algemeiner dẫn lời giới chức IDF và Cơ quan Tình báo Mossad tin rằng các binh sĩ đặc biệt này có năng lực thị giác và phân tích nhanh nhạy khác thường, rất đắc dụng cho các chiến dịch quân sự. “Họ có thể phát hiện những chi tiết nhỏ nhất mà hầu hết những người bình thường không thể thấy được”, IDF viết trên trang blog chính thức Idfblog.com.
Washington Free Beacon đã phỏng vấn người chỉ huy biệt đội tự kỷ của IDF và được tiết lộ chương trình đã mang lại những kết quả trên cả mong đợi. Vị sĩ quan giấu tên này, được trang tin của Mỹ gọi là đại tá J, cho biết nhiệm vụ của các binh sĩ tự kỷ là phân tích hình ảnh từ vệ tinh và các máy bay không người lái truyền về. Với sự trợ giúp của các sĩ quan “bình thường” và công cụ giải mã, họ sẽ phân tích hình ảnh nhằm cung cấp dữ liệu chính xác cho các cấp chỉ huy chịu trách nhiệm chuẩn bị kế hoạch tác chiến.
Video đang HOT
Chương trình RR
Ý tưởng tận dụng khả năng đặc biệt của người mắc hội chứng tự kỷ trong việc phân tích thông tin tình báo xuất phát từ một số quân nhân kỳ cựu từng phục vụ trong IDF và Mossad. Cách đây vài năm, họ đề xuất kế hoạch trên cho các lãnh đạo cấp cao và được Giám đốc Mossad Tamir Pardo bật đèn xanh. Sau đó một dự án táo bạo được triển khai với sự phối hợp giữa Đơn vị 9900 và Đại học Ono ở TP.Kyriat Ono, cách Tel Aviv 11 km.
Đại học Ono phối hợp với Đơn vị 9900 thành lập chương trình đào tạo có tên gọi RR (từ viết tắt theo tiếng Hebrew Roim Rachok có nghĩa “nhìn xa vượt khỏi chân trời”). Các bệnh nhân tự kỷ được lọc lựa kỹ càng để chọn ra những người thể hiện năng lực vượt trội. Sau đó, họ trải qua khóa đào tạo kéo dài 3 tháng, từ sử dụng máy tính, sắp xếp thông tin đến cả những hoạt động tưởng như rất bình thường nhưng lại vô cùng khó khăn với người tự kỷ như ăn uống, tự di chuyển từ doanh trại đến nơi làm việc…
Theo đại tá J, nhóm binh sĩ đầu tiên từ chương trình RR đã và đang làm việc vô cùng hiệu quả. Hằng ngày họ ngồi trước màn hình, mắt dán vào hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hình ảnh thu được từ khắp nơi trên thế giới, tìm kiếm những thay đổi nhỏ nhất mà người bình thường không nhận ra. Theo trang tin Ansamed.info, có lần Đơn vị 9900 tiếp nhận gần 100 tấm ảnh về một khu vực đáng ngờ tại Dải Gaza được chụp trong 3 ngày liên tiếp. Đơn vị không phát hiện điểm bất thường nào nhưng một binh sĩ tự kỷ đã tìm ra sự xuất hiện của một chấm nhỏ xíu mà sau đó được xác định là hầm chứa vũ khí bí mật của lực lượng Hamas. “Tôi nghĩ những phát hiện như vậy không chỉ góp phần bảo đảm an ninh cho Israel mà còn giúp giảm thiểu tổn thất sinh mạng cho dân thường vì chúng tôi có thể xác định rõ mục tiêu cần tấn công”, đại tá J nói.
Khi được hỏi về mối quan hệ thường ngày giữa binh sĩ tự kỷ và các đồng đội bình thường, đại tá J cho biết mọi chuyện rất tốt đẹp. “Thỉnh thoảng tôi thấy họ cùng ngồi ăn trưa với nhau. Quan hệ của họ rất tự nhiên”, ông nói. Từ thành công của lứa đầu tiên này, Đại học Ono đang tiếp tục cùng IDF mở rộng chương trình RR nhằm giúp người tự kỷ hòa nhập tốt hơn với xã hội và cũng là tận dụng các thế mạnh tiềm ẩn khác của những binh sĩ đặc biệt này.
Theo TNO
Nguy cơ điệp viên học đường Trung Quốc
Úc và Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo nguy cơ đến từ việc Trung Quốc cài điệp viên trong các trường đại học ở 2 nước.
Glenn Duffie Shriver hợp tác với FBI để làm đoạn phim cảnh báo các sinh viên - Ảnh: Chụp từ clip
Cả Úc và Mỹ đều hưởng lợi từ sức hút của các cơ sở đào tạo đại học ở nước họ đối với sinh viên Trung Quốc. Với Úc, 1/4 sinh viên quốc tế tại nước này đến từ Trung Quốc, còn Mỹ cho đến gần đây vẫn là lựa chọn hàng đầu của những sinh viên ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, sự hiện diện đông đảo của sinh viên Trung Quốc tại 2 nước đang gây lo lắng cho các nhà chức trách sở tại. Một báo cáo do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa ra hồi năm 2011 nhận định các trường đại học là "nơi lý tưởng" cho các cơ quan tình báo nước ngoài tuyển người, đề xuất và nuôi dưỡng ý tưởng, học hỏi và thậm chí đánh cắp dữ liệu nghiên cứu.
Lời tố cáo của Úc
Tờ The Sydney Morning Herald của Úc ngày 21.4 dẫn lời giới chức tình báo Úc loan tin Bắc Kinh đang thiết lập những mạng lưới gián điệp bên trong các cơ sở đào tạo đại học hàng đầu của Úc, bao gồm Đại học Sydney và Đại học Melbourne. Chính những mạng lưới như thế đã buộc Tổ chức Tình báo an ninh Úc (ASIO) tăng cường năng lực phản gián. "Không nghi ngờ gì nữa. Họ có nhiều nguồn lực tại Đại học Sydney hơn chúng tôi", một quan chức Úc nói. Theo tờ The Sydney Morning Herald, năng lực gián điệp điện tử của Trung Quốc đã được biết đến rộng rãi, với những vụ máy chủ Trung Quốc được sử dụng để xâm nhập các công ty lớn nhất của Úc, những chính trị gia cao cấp nhất và thậm chí đại bản doanh công nghệ cao của ASIO ở Canberra. Mạng lưới tình báo Trung Quốc hoạt động tại các trường đại học thông qua đội ngũ tư vấn viên về giáo dục tại các phái bộ ngoại giao. Họ tổ chức các sinh viên gốc Trung Quốc thành các hiệp hội để thu thập thông tin tình báo và thúc đẩy các mục tiêu chính trị cốt lõi.
Phản ứng với cáo buộc trên, Tân Hoa xã ngày 22.4 dẫn lời Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney tuyên bố đó là sự "xuyên tạc nghiêm trọng" tình hình thực tế cũng như đi ngược lại những nguyên tắc khách quan và công bằng trong thông tin. Tuyên bố cũng đặt ra nghi ngờ về "động cơ che giấu" trong bài báo của tờ The Sydney Morning Herald.
Cảnh báo của FBI
Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đăng tải lên mạng YouTube một video đặc biệt có mục đích cảnh báo giới trẻ Mỹ về hiểm họa trở thành mục tiêu tuyển mộ của tình báo Trung Quốc.
Theo Bloomberg, video dài 30 phút, có tựa đề Game of Pawns: The Glenn Duffie Shriver Story (tạm dịch: Ván cờ thí tốt: Câu chuyện của Glenn Duffie Shriver) là một câu chuyện thật về một người Mỹ "sẩy chân" trở thành điệp viên Trung Quốc. "Chúng tôi muốn các sinh viên Mỹ đi ra nước ngoài hãy xem đoạn phim này trước khi rời nước Mỹ để họ có thể biết khi nào thì họ trở thành mục tiêu và bị tuyển mộ", thông báo trên website của FBI viết.
Shriver chào đời ở Virginia nhưng lớn lên ở Michigan và học quan hệ quốc tế ở đó. Sinh viên này được các điệp viên Trung Quốc tuyển mộ khi đang học tiếng quan thoại và du lịch ở Trung Quốc sau khi học xong đại học năm 2004. Con đường dẫn đến việc tuyển mộ bắt đầu bằng công việc ngắn hạn có vẻ "vô hại" là viết một bài nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, theo yêu cầu của một phụ nữ Trung Quốc tự nhận là Amanda. Shriver sau đó bắt đầu nhận tiền như một khoản "thu nhập" cho những nghiên cứu của mình từ 2 người anh gặp thông qua Amanda. Với sự thu xếp của người phụ nữ, Shriver đã xin được việc ở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sau 2 lần thất bại trong cuộc sát hạch tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Shriver bị bắt không lâu sau cuộc phỏng vấn tại CIA (do bị các điệp viên Mỹ bí mật theo dõi) và hồi năm 2010 đã nhận tội "âm mưu cung cấp thông tin quốc phòng cho các sĩ quan tình báo của CHND Trung Hoa". Hiện Shriver đang chấp hành bản án 4 năm tù được tuyên trong phiên tòa năm 2011. Trong hơn 5 năm làm việc cho các điệp viên Trung Quốc, Shriver nhận tổng cộng 70.000 USD.
Cựu quan chức FBI David Major, hiện là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu phản gián và an ninh ở Virginia nhận định, khác với đồng nghiệp ở các nước, vốn dựa vào các điệp viên của mình, cơ quan tình báo Trung Quốc triển khai một mạng lưới hoạt động tự do bao gồm các sinh viên, chuyên gia nghiên cứu và các công ty bình phong. Theo ông này, Trung Quốc có "rất nhiều sinh viên bị ép buộc hoặc tình nguyện thu thập thông tin". "Tôi nghe người ta nói thế này: Nếu muốn đánh cắp một bãi biển, Nga sẽ điều một xe nâng, còn Trung Quốc sẽ cử cả ngàn người hốt cát cùng một lúc", ông Major nói. Hiện FBI đang phối hợp với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu đối phó với nguy cơ ngày càng lớn dần từ Trung Quốc.
Theo TNO
Đức ngừng xuất khẩu thiết bị quân sự cho Nga Hãng RIA Novosti ngày 24.4 dẫn nguồn nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitungen cho biết chính quyền Đức đã hoãn phê duyệt gần 70 hồ sơ xin xuất khẩu vũ khí cho Nga trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn ở Ukraine. Quan hệ Nga - Đức xấu đi vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh: Reuters Tờ báo viện dẫn phản hồi...