Biệt Đội Hotgirl: Bỏ tiền xem bộ phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân!
Không ngờ năm 2024 rồi mà khán giả Việt vẫn phải chứng kiến những thảm họa điện ảnh như thế này.
Ông bà ta có câu “9 người 10 ý” ám chỉ không có thứ gì có thể thỏa mãn được tất cả mọi người. Phim ảnh cũng vậy. Có những bom tấn nhận nhiều giải Oscar, doanh thu hàng tỷ USD nhưng vẫn bị chê bai. Tuy nhiên, chắc chắn 10/10 người sẽ đều đồng ý Biệt Đội Hotgirl là bộ phim tệ hại nhất của điện ảnh Việt trong năm 2024 này.
Nội dung Biệt Đội Hotgirl xoay quanh một nhóm 6 cô gái gồm Yi Yung ( Yu Chu), Hi Nê (Ái Vân), Sùng Mị (Thùy Trang), Belana (Ánh Minh), Keo Suvan (Sam Sony) và Saleha ( Bảo Uyên) do một cao thủ ẩn danh là Hắc Vô Đạo (Mr. Kim) nuôi dưỡng. Sau một phi vụ, họ bị tay trùm Sakun ( Nguyễn Trần Duy Nhất) truy sát. Cả nhóm được sát thủ Chiến (Hữu Vi) giúp đỡ để chống lại Sakun, giải thoát những đứa trẻ bị gã bắt cóc.
Kịch bản tệ hại
Người ta thường ví một bộ phim có nhiều chi tiết vô lý như nồi cơm có sạn. Nhưng Biệt Đội Hotgirl thì lại là một nồi sạn không có hạt cơm nào. Tổng thể phim là một kịch bản ngô nghê, phi lý. Đến từng yếu tố nhỏ nhất cũng khiến người xem phải đặt câu hỏi về tư duy làm phim của đạo diễn và biên kịch. Ngay từ đầu, ta được chiêu đã một cảnh hành động với kỹ xảo giả trân, dàn diễn viên phụ cầm súng bắn vô hồn còn tệ hơn cả NPC trong trò chơi điện tử.
Nếu kiên nhẫn bỏ qua chiếc “cờ đỏ” này thì người xem sẽ được thưởng thức tiếp một loạt tình tiết nhảm nhí đến mức buồn cười. Hóa ra, 6 nữ sát thủ nhận nhiệm vụ làm vệ sĩ cho tay trùm Sakun. Gã bị ám sát suýt mất mạng. Họ lại lái xe hùng hổ tiến vào sào huyệt của Sakun để đòi thanh toán chi phí nhiệm vụ. Ai nấy đều cầm súng thật ngầu cho đến khi… bị đàn em của gã kêu bỏ súng xuống. Để rồi khi Sakun lật mặt đòi xù tiền thì cả nhóm bị bắt mà không có chút kế hoạch phản kháng nào. Vậy là chuyên nghiệp dữ chưa?
Sau khi được Chiến giúp trốn thoát, nhóm nữ sát thủ được hé lộ vốn là trẻ mồ côi được Hắc Vô Đạo nuôi dưỡng từ bé. Ông liên tục nhắc họ phải tiêu diệt cái ác và bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Rồi cả nhóm bàn nhau giết Sakun vì… hắn là kẻ chuyên buôn bán phụ nữ và trẻ em. Vậy từ đầu nhận nhiệm vụ bảo vệ làm gì? Cơm áo gạo tiền chăng? Cuối cùng là trả thù vì bị xù tiền bảo vệ hay vì chiến đấu cho công lý vậy trời?
Nhóm nữ sát thủ đã kém thông minh, Sakun còn tệ hại hơn. Hóa ra chuyện Chiến giúp cả nhóm trốn thoát là… kế hoạch của Sakun để bắt cả đám thêm một lần nữa. Thay vì dùng các nữ sát thủ làm con tin dụ Hắc Vô Đạo ra mặt thì tay trùm này lại nảy ra sáng kiến khó mà đỉnh nóc hơn. Hóa ra, Sakun bị rảnh, dù đã bắt được cả hội nhưng vẫn muốn thả ra rồi bắt lại cho khán giả có phim để xem, rạp có phim để chiếu.
Rồi từ đây, phim liên tục chuyển cảnh một cách gượng gạo, khó hiểu. Đang bối cảnh ở rừng rồi chuyển sang nhà hàng, bay vô thành phố rồi lại bơi ra biển. 90% thời lượng người xem chả hiểu cái gì đang diễn ra trên màn hình. Đi làm sát thủ như đi du lịch vậy, đang trốn chạy nhưng đói thì cứ vào nhà hàng hải sản ăn, mệt vô khách sạn ngủ. Đám tội phạm chắc chừa mấy chỗ này ra không thèm truy quét?
Plot twist nhồi nhét cho lắm nhưng người xem đoán được từ tận giữa phim hoặc cũng chẳng cần quan tâm lắm vì đằng nào chẳng muốn coi nhanh cho hết để đỡ bị tra tấn hai con mắt. Đấu trí căng thẳng đâu chẳng thấy chỉ thấy hai phe làm trò hề qua lại, bên nào ít đi vào lòng đất hơn thì thắng. Đôi khi, người xem chắc sẽ nghĩ đây là hai nhóm học sinh đang giả vờ đánh nhau cho vui chứ tội phạm với sát thủ quốc tế gì mà “thiếu muối” như thế.
Khâu sản xuất cẩu thả
Đạo diễn Vĩnh Khương liên tục quảng bá phim quay tại 5 quốc gia rất hoành tráng. Đúng là Biệt Đội Hotgirl trải dài qua năm quốc gia thật. Nhưng chắc vì vậy mà ê-kíp hết kinh phí để sản xuất cho đến nơi đến chốn. Bối cảnh thì nghèo nàn, trang phục không khác gì các hội nhóm cosplay trên mạng. Phần kỹ xảo giả trân y hệt như thập niên 1990-2000. Màu phim chắc chỉ ngang tầm tiểu phẩm hài trên YouTube.
Những cảnh chiến đấu, hành động được biên đạo rất cẩu thả. Cách các diễn viên cầm súng bắn thiếu lực và giả tạo thật sự, cứ như quơ đại rồi đạo diễn sẽ chỉnh sửa thêm hiệu ứng âm thanh đùng đùng vào là xong. Bắn nhau nhưng ai nấy đều đứng thẳng lưng hiên ngang kiểu muốn hết vai sớm để lãnh cơm hộp. Cách đánh đấm của nhóm nữ sát thủ thì màu mè, múa may quay cuồng là chủ yếu chứ không thấy đẹp mắt đâu.
Video đang HOT
Phim dùng lồng tiếng một cách cẩu thả, thoại và khuôn miệng thường xuyên lạc quẻ. Cảnh hồi tưởng xuất hiện vô tội vạ, không có giải thích cụ thể. Thậm chí, nhiều khung hình còn bị lỗi chứng tỏ không hề có khâu kiểm tra cuối cùng trước khi ra rạp hoặc ê-kíp không có sự tôn trọng và muốn mang sản phẩm tốt nhất đến cho khán giả.
Không những thế, phim còn tình dục hóa phụ nữ và người đồng tính một cách thô thiển. Biệt Đội Hotgirl như một phiên bản nhái của Naked Weapon (2002) của Hong Kong hay thương hiệu Charlie’s Angels của Hollywood. Song, ở những tác phẩm trên, các cô gái dùng sự quyến rũ của mình để tiếp cận và hạ gục những tên tội phạm háo sắc. Sự quyến rũ, gợi cảm của họ được thể hiện qua nhiều yếu tố dù trang phục chiến đấu nhiều lúc “kín mít”.
Trong khi đó, nhóm sát thủ của Biệt Đội Hotgirl thì khoe da thịt hết mức có thể. Dù bắn súng, đánh nhau trong rừng thì cả nhóm vẫn mặc những chiếc quần ngắn cũn cỡn, áo chỉ che những chỗ cần che để khoe làn da trắng. Người đồng tính lại được khắc họa mê trai bất chấp. Nhiều câu thoại kém duyên về tình dục, thân thể xuất hiện khắp nơi mà chả vì mục đích gì cả.
Dàn nhân vật “thiếu muối”
Sở hữu đến 6 cô gái trong đội hình “hot girl” nhưng Biệt Đội Hotgirl lại chẳng biết khai thác đến nơi đến chốn. Ngoại trừ gương mặt khác biệt, tính cách ai cũng na ná và nhạt nhẽo như nhau. Đến nửa thời lượng phim thì có lẽ nhiều khán giả cũng chẳng phân biệt được ai là ai hay tên của mỗi người là gì. Cả sáu người cứ như đúc cùng một khuôn, chẳng ghi được bất cứ dấu ấn nào trong lòng khán giả.
Hắc Vô Đạo tỏ ra nguy hiểm chứ chẳng có bất kỳ vai trò gì. Đến cuối phim, Biệt Đội Hotgirl mới giải thích quá khứ của vị sự phụ này và nhóm nữ sát thủ nhưng chẳng ai còn tâm sức để mà theo dõi hay nhớ được những câu chuyện rời rạc, nhạt nhòa như thế nữa. Vai diễn của Nguyễn Trần Duy Nhất hay Hữu Vi cũng chẳng có đất thể hiện. Tay trùm Sakolat của cố NSND Hoàng Dũng là điểm sáng hiếm hoi dù chỉ có ở vài phân cảnh. Hoàng Sơn đóng vai trò tấu hài nhưng đùa không hề vui mà rất kém duyên.
Chấm điểm: 0/5
Có vẻ như nhiều đạo diễn phim Việt vẫn giữ suy nghĩ cứ làm đại một phim, chèn yếu tố tình dục, gợi cảm rồi quăng ra rạp, chạy quảng cáo trên mạng xã hội là khán giả tự đổ xô đi xem. Biệt Đội Hotgirl chính là ví dụ điển hình cho việc tư duy cũ kỹ cả về kịch bản, sản xuất lẫn thiết kế hình ảnh nhưng vẫn muốn câu khách bằng những yếu tố nhạy cảm, phản cảm. Thú vị không thấy đâu mà chỉ thấy tiếc số tiền vé đã bỏ ra. Có lẽ, đạo diễn nên tập trung nâng cao tay nghề, viết được một kịch bản hoàn chỉnh rồi hãy nghĩ đến việc làm phim.
Đạo diễn tiết lộ về 6 cô gái đóng chính trong 'Biệt đội hotgirl'
Đạo diễn Vĩnh Khương tái xuất với bộ phim hành động 'Biệt đội hotgirl', được quay trải dài qua 5 nước Đông Nam Á.
Áp lực lớn nhất là thủ tục pháp lý và kinh phí sản xuất
*Biệt đội hotgirl thuộc thể loại phim hành động, ra rạp ngày 25.10. Phim của anh thực hiện có những nét nổi bật và khác lạ gì so với những phim hành động Việt ra rạp trước đó?
- Đạo diễn Vĩnh Khương: Đa phần các phim hành động Việt và nước ngoài xoay quanh nội dung trả thù gia đình, thanh toán băng đảng, câu chuyện đơn giản dễ đoán. Mục đích dành hơn 70% thời lượng cho các pha hành động mãn nhãn để thu hút khách. Rất ít phim đi sâu lý giải gốc rễ tội phạm và cách ngăn chặn tội phạm.
Không quốc gia nào có thể ngăn chặn hoàn toàn cái ác đang xâm nhập vào cuộc sống từng ngày từng giờ. Phụ nữ và trẻ em luôn là thành phần yếu thế nhất nên dễ dàng là mồi ngon của tội ác buôn người, bắt cóc. Biệt đội hotgirl mong muốn mang lại góc nhìn khác cho dòng phim hành động, cố gắng phân tích, mổ xẻ tâm lý phức tạp, đa chiều của tội phạm và nạn nhân nhằm hướng giới trẻ không sa vào cạm bẫy ma túy, tội phạm.
Đạo diễn Vĩnh Khương trên trường quay phim Biệt đội hotgirl. ẢNH: NVCC
* Hành động không phải là dòng phim ăn khách ở thị trường Việt và thường khi ra rạp khán giả sẽ soi những cảnh đánh đấm, bắn súng, rượt đuổi... Vậy vì sao anh không chọn một dòng phim giải trí dễ hút khán giả hơn như tình cảm tâm lý, gia đình, hài lãng mạn...?
- Thật ra không có dòng phim nào dễ dàng thu hút khán giả đến rạp. Vấn đề là bạn kể câu chuyện phim của mình như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu khắc khe của khán giả hay không? Hollywood một năm sản xuất hơn 1.000 phim (70% là phim hành động) vì phim hành động dễ hiểu, dễ hòa nhập mọi nền văn hóa trên thế giới. Quốc gia nào cũng có tội phạm. Việt Nam rất ít nhà sản xuất dám làm thể loại này vì rất nặng vốn đầu tư (kinh phí gấp 3 lần so với các thể loại khác). Điện ảnh sẽ mất vai trò định hướng giới trẻ nếu ai cũng chọn giải pháp an toàn và lợi nhuận? Đây là lý do mà tôi biết đang đâm đầu vào đá nhưng vẫn làm, tất cả vì tương lai con em chúng ta.
NSND Hoàng Sơn tham gia vai vú em của 6 cô gái với nét diễn hài hước trong Biệt đội hotgirl. ẢNH: NVCC
* Với các cảnh quay trải dài qua 5 quốc gia ở Đông Nam Á, phù hợp nội dung phim nói về những cô gái đến từ các quốc gia khác nhau. Để thực hiện một bộ phim "xuyên biên giới" như vậy, bản thân đạo diễn và ê kíp đã phải trải qua những khó khăn, áp lực gì?
- Áp lực lớn nhất khi quay tại 5 quốc gia là thủ tục pháp lý. Lớn hơn nữa là mất rất nhiều tiền. May mắn là các cơ quan công quyền Việt Nam và các nước hỗ trợ nhiệt tình do đề tài phim phù hợp văn hóa và an ninh châu Á. Cuối cùng là sức khỏe, ê kíp làm phim kiệt sức sau gần 1 năm luyện tập và gần 1 năm quay và di chuyển trải dài 5 quốc gia.
Những nữ sát thủ trong Biệt đội hotgirl. ẢNH: NVCC
* Trong phim có những cảnh bắn nhau giữa các phe với lượng vũ khí khá hoành tráng; cảnh khói lửa, đạn bắn cũng rất chân thực. Vậy để thực hiện được những cảnh quay này, đoàn phim đã nhờ sự hỗ trợ ra sao?
- Để thực hiện đại cảnh hành động cuối phim, hơn 500 chiến sĩ công an cùng lực lượng quân đội đã nhiệt tình tham gia hỗ trợ, trải dài các tỉnh thành, cùng 100 diễn viên hành động.
* Hợp tác với đối tác Hàn Quốc và người đại diện ở đây là Mr Kim, đóng vai Vô Đạo trong phim. Vậy yếu tố quốc tế có phải là điểm nhấn để anh tạo sự thu hút khi phim ra rạp?
- Mr Kim là giám đốc hãng phim thuộc tập đoàn giải trí Climix của Hàn Quốc. Ông là tên tuổi lớn, đã tham gia hơn 300 vai diễn lớn của đài truyền hình KBS, SBS. Mong muốn hợp tác giữa điện ảnh Hàn - Việt nhằm đưa điện ảnh Việt sớm hội nhập quốc tế.
Cố NSND Hoàng Dũng đóng vai phản diện trong Biệt đội hotgirl. ẢNH: NVCC
Cố NSND Hoàng Dũng là lựa chọn hoàn hảo nhất
* Bộ phim có sự tham gia của cố NSND Hoàng Dũng. Vì sao anh lại mời cố nghệ sĩ vào vai phản diện trong dự án của mình? Anh có thể tiết lộ thêm về những kỷ niệm trong những ngày rong ruổi cùng đoàn phim với cố NSND Hoàng Dũng?
- Phản diện bao giờ cũng khó diễn hơn các vai chính diện. Cố NSND Hoàng Dũng đã thể hiện đẳng cấp ấy trong phim Người phán xử. Cái ác không phải ở gương mặt dữ tợn hoặc cơ bắp, xăm trổ. Nó đòi hỏi diễn viên phải làm cho khán giả ám ảnh, sợ hãi bởi ánh mắt cùng hành vi tâm lý nhân vật phức tạp. Cố NSND Hoàng Dũng là lựa chọn hoàn hảo nhất.
Nhân cách lớn của cố nghệ sĩ là tấm gương cho các sao trẻ hiện nay. Ông luôn hòa đồng sẵn sàng ăn cơm bụi, vất vả trèo núi vượt thác, lại giấu bệnh nặng không ai biết. Luôn lắng nghe góp ý đạo diễn, không bao giờ đòi hỏi phải ưu tiên khách sạn riêng... sẵn sàng ăn rừng ngủ bụi. Tôi và ông ấy thường xuyên ăn cơm hộp với anh em khuân vác hiện trường, không khoảng cách và luôn đúng giờ ra hiện trường.
Nữ sát thủ trong phim phải tự thực hiện những cảnh đu dây, trèo thác...ẢNH: NVCC
* 6 cô gái đóng chính trong Biệt đội hotgirl, hầu như là những gương mặt mới hoặc thậm chí là lần đầu tham gia diễn xuất. Vì sao anh lại không chọn những gương mặt "ăn khách" hơn?
- 6 diễn viên nữ chính đóng sát thủ đa phần là mới nhập môn. Các sao nữ luôn e ngại không dám nhận lời các phim hành động lớn. Bởi biết thời gian tập luyện hành động rất khắc nghiệt. Huấn luyện như chiến binh thực thụ mới vào vai diễn được. Và đây là cơ hội lớn cho các bạn trẻ đam mê dám mạo hiểm dấn thân.
Các cô gái trong Biệt đội hotgirl không cần thế vai để cảnh quay chân thật, thương tích đầy mình suốt thời gian quay. Năm 1948, đạo diễn lừng danh người Ý Vitctorio De Sica đã mạo hiểm mời diễn viên đóng vai chính là một tội phạm ăn cắp xe đạp thật ngoài đời, trong bộ phim Kẻ cắp xe đạp. Năm 1950 phim đoạt giải Oscar và trở thành phim kinh điển của mọi thời đại. Diễn viên trong phim đoạt giải diễn viên xuất sắc trong và ngoài nước tại các liên hoan phim. Điều này minh chứng, nếu đạo diễn không mạo hiểm trao cơ hội cho gương mặt mới thì mãi mãi sẽ không có sự kế thừa cho tương lai.
Một cảnh trong phim Biệt đội hotgirl. ẢNH: NVCC
* Là người viết kịch bản, đạo diễn, thậm chí từng làm diễn viên trong rất nhiều phim, có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề. Vậy anh thể hiện dấu ấn cá nhân ra sao trong lần "tái xuất" này?
- Các phim tôi làm luôn hướng đến sự kết hợp giữa yếu tố ăn khách và nghệ thuật, cố gắng mổ xẻ các góc khuất của xã hội. Đi sâu vào nội tâm phức tạp các nhân vật mà tôi tạo ra từ khi viết kịch bản. Gần 30 kịch bản phim tôi đã viết mọi đề tài, thể loại luôn hướng đến sự tôn trọng khán giả trước tiên, cũng là thể hiện lòng tự trọng của người nghệ sĩ. Nếu là kịch bản viết theo đơn đặt hàng không bao giờ dám để bút danh thật.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Phim Việt vừa ra rạp đã bị chê "xem chỉ phí tiền", Facebook thẳng tay cho "bay màu" với lý do không ai ngờ đến Bộ phim này gần như bị "triệt đường sống" tại Việt Nam. Sau 5 năm "đắp chiếu" vì nhiều lý do, Biệt Đội Hotgirl đã chính thức công chiếu vào ngày 25/10. Trước đó, trailer của bộ phim vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội bởi phần kỹ xảo "3 xu", cốt truyện lỗi thời cũng diễn xuất tệ hại của dàn...