“Biết đâu 10 năm nữa tôi lại bị hỏi về những dấu chấm, dấu phẩy?”
“Không phải câu chuyện nội bộ không tin nhau nhưng vì giữ mình nên phải như vậy. Ngay trong hợp đồng của PVN với các đối tác cũng ghi rõ, nếu liên quan đến khởi tố thì họ ngừng ngay tín dụng. Biết đâu 10 năm nữa tôi lại bị hỏi về những dấu chấm, dấu phẩy?”, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh chia sẻ tại Hội nghị tổng kết của PVN diễn ra chiều nay, 12.1.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) và Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh (trái) tại hội nghị tổng kết của PVN diễn ra ngày hôm nay, 12.1. (Ảnh: I.T)
PVN đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất
Báo cáo của PVN cho biết, trong năm 2017, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 4 triệu tấn dầu quy đổi; Tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 25,41 triệu tấn, vượt 1,6 triệu tấn quy dầu so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 15,52 triệu tấn, hoàn thành trước kế hoạch cả năm 32 ngày, vượt 1,32 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm.
“Nếu không răn đe mà cứ để trôi đi thì không biết vốn sẽ trôi đi đâu. Do vậy việc răn đe, nghiêm minh là cần thiết để tất cả điều chỉnh lại mình. Dừng lại hay tiếp tục đầu tư là vấn đề hết sức đau đầu, đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ PVN”, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, đánh giá năm 2017, PVN cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, có thể khách quan đánh giá năm 2017 là năm khó khăn nhất đối với PVN trong suốt chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển; một số khó khăn, tồn tại không chỉ đã ảnh hưởng đến Tập đoàn trong năm 2017 mà sẽ còn ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Tập đoàn trong năm 2018 và những năm tiếp theo trong đó phải kể tới:
Gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra; hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện tại đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%;
PVN cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền đã và đang đồng loạt xử lý nhiều vấn đề tồn tại của Tập đoàn, uy tín và mức tín nhiệm của Tập đoàn bị giảm sút, gây khó khăn trong công tác thu xếp và giải ngân vốn đầu tư và trong mọi mặt hoạt động của Tập đoàn để phát triển biển vững; Hầu hết các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm tiến độ so với kế hoạch; công tác giải quyết các tồn tại, khó khăn của một số dự án như Ethanol, xơ sợi Đình Vũ, một số dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn phức tạp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu PVN tiếp tục xử lý triệt để 5 dự án yếu kém, thua lỗ. (Ảnh: TL)
Xử lý triệt để 5 dự án yếu kém, thua lỗ
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, năm 2018, PVN đặt mục tiêu khai thác 22,83 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó dầu thô là 13,23 triệu tấn.
Video đang HOT
Để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, PVN tập trung vào 10 nhóm giải pháp chủ yếu. Bên cạnh đó, PVN đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm thăm dò thẩm lượng năm 2018, phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 đạt từ 10 – 15 triệu tấn dầu quy đổi.
“Để đảm bảo cân đối nguồn tài chính và cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, PVN tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc 5 dự án yếu kém theo đúng chủ trương đã được phê duyệt”, ông Sơn cho biết.
Theo báo cáo của PVN, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 448,6 nghìn tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm – góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP đất nước cả năm 2017. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 498 nghìn tỷ đồng, vượt 13,8% so với kế hoạch năm, tăng 10,1% so với năm 2016. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 97,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22,9 nghìn tỷ đồng (vượt 30,8%) so với kế hoạch năm, tăng 8,0% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm.
Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh chia sẻ: “Biết đâu 10 năm sau vào một ngày đẹp trời sẽ lại bị hỏi về những dấu chấm, dấu phẩy… Không phải câu chuyện nội bộ không tin nhau nhưng mà vì giữ mình nên phải như vậy. Ngay trong hợp đồng của PVN với các đối tác cũng ghi rõ, nếu liên quan đến khởi tố thì họ ngừng ngay tín dụng…”.
Theo ông Thanh, nếu không răn đe mà cứ để trôi đi thì không biết vốn sẽ trôi đi đâu. Do vậy việc răn đe, nghiêm minh là cần thiết để tất cả điều chỉnh lại mình. Dừng lại hay tiếp tục đầu tư là vấn đề hết sức đau đầu, đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ PVN.
Tân Chủ tịch HĐQT của PVN cũng cho rằng, nếu được sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ tháo gỡ kịp thời từ Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, giai đoạn khủng hoảng của Tập đoàn sẽ sớm khép lại để mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho PVN vực dậy và phát triển bền vững, lấy lại niềm tin của Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể ngành dầu khí đã nỗ lực hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất Chính phủ giao. Các chỉ tiêu đều về đích trước kế hoạch năm từ 3 – 53 ngày, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, PVN vẫn còn những tồn tại do những năm trước để lại làm ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của PVN trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Cụ thể, các mỏ đều đang ở giai đoạn cuối, sản lượng sụt giảm, việc phát triển các mỏ mới để gia tăng trữ lượng còn chậm do hạn chế về vốn, năng lực…
“Đây là thách thức rất lớn đối với PVN, ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu chiến lược và sự phát triển của PVN. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước kém hiệu quả và chưa được xử lý, ảnh hưởng lớn đến uy tín, tâm tư, tình cảm của PVN cũng như người lao động”, Phó Thủ tướng nói.
Vì vậy, trong năm 2018, ngoài việc khắc phục hiệu quả những mặt hạn chế nêu trên, PVN cần phải thích ứng với những khó khăn, rủi ro từ yếu tố khách quan như: giá dầu phục hồi, nhưng chưa ổn định, việc giảm sút sản lượng ở các mỏ đang khai thác…
Ngoài ra, PVN cần tập trung tái cơ cấu toàn diện bộ máy quản lý từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp; tái cấu trúc đầu tư, quản trị để chống thất thoát, lãng phí. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững.
“Đặc biệt, PVN cần chỉ đạo và xử lý triệt để các tồn tại của 5 dự án yếu kém gồm: Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Danviet
Thủ tướng giao 7 nhiệm vụ cho tân Chủ tịch PVN
Trao quyết định cho tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Thủ tướng cho rằng "lửa thử vàng, gian nan thử sức" và đề nghị tân Chủ tịch cùng tập thể cán bộ lãnh đạo PVN thực hiện 7 nhiệm vụ để Tập đoàn tiếp tục khẳng định vai trò chủ công của mình trong phát triển kinh tếxã hội...
Hôm nay 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lễ dự công bố quyết định Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) PVN cho đồng chí Trần Sỹ Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Cùng dự có lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành và tập thể ban Lãnh đạo PVN cùng đông đảo cán bộ chủ chốt tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Buổi lễ được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu ở TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Cà Mau.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức"
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả mà PVN đã đạt được thời gian qua khi mà Tập đoàn đối diện nhiều khó khăn, cả bên ngoài và bên trong, trong bối cảnh biến động của thế giới, giá dầu suy giảm nhiều năm rồi vấn đề Biển Đông cũng như một số cán bộ của Tập đoàn sai phạm, bị xử lý hình sự. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", Tập đoàn với truyền thống tốt đẹp, cùng những con người lao động quên mình, tận tụy, từ các đơn vị ngoài khơi đến chế biến và các lĩnh vực khác, vẫn giữ vững kỷ cương, đoàn kết, nề nếp, hoàn thành nhiệm vụ năm 2017. Trong đó, Tập đoàn đã thực hiện vượt mức sản lượng dầu thô và khí, các mặt hàng sản phẩm được giao, tiếp tục khẳng định là một trong những đơn vị chủ công của ngành công thương, đóng góp vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh vị trí, vai trò của PVN đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ là sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và nhiệm vụ chính trị về an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, là đơn vị nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Với vị trí quan trọng như vậy, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, tập thể Ban Cán sự Đảng Chính phủ quyết định cử đồng chí Trần Sỹ Thanh về nhận nhiệm vụ tại Tập đoàn PVN.
Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV PVN. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng chúc mừng PVN hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác dầu khí năm 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng tin tưởng, đồng chí Trần Sỹ Thanh, người đã kinh qua nhiều vị trí công tác, nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Tập trung giải quyết 5 dự án yếu kém, thua lỗ
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị đồng chí Trần Sỹ Thanh cùng tập thể lãnh đạo PVN tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Trước hết là tiếp tục giữ gìn, phát huy đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, xác định tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao. Trong đó, chú trọng và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên. Củng cố bộ máy tốt hơn nữa, xây dựng bộ máy tinh gọn, "vừa hồng vừa chuyên".
"Phẩm chất cán bộ, ngoài năng lực thì đoàn kết, tập hợp đội ngũ để hoàn thành tốt nhiệm vụ là rất quan trọng", Thủ tướng nói.
Cùng với đó, cần chỉ đạo thực hiện các giải pháp và điều hành phát triển PVN theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 tại Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, các Quyết định 1748, 1749 của Thủ tướng Chính phủ. "Các đồng chí mà thất bại thì nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước khó có thể hoàn thành" vì tỉ lệ đóng góp của Tập đoàn khá lớn trong cơ cấu GDP, cơ cấu nộp ngân sách.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu bám sát tình hình Biển Đông, phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để triển khai các dự án dầu khí ở vùng xa trên thềm lục địa Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ đóng góp phát triển kinh tế-xã hội song song với việc bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia.
Thứ tư, rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 như đã được phê duyệt. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2018 đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017-2020, rà soát cơ cấu lại các nguồn lực, thực hiện cơ cấu sắp xếp, cổ phần hóa, trình Thủ tướng trong Quý I đề án tái cơ cấu tập đoàn, cơ cấu sắp xếp đối với Đại học Dầu khí và Viện Dầu khí Việt Nam...
Thứ năm, tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia như dự án Cá voi xanh, khí lô B..., nhất là xử lý các vấn đề liên quan đến dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị, để khắc phục tình trạng dự án bị chậm lại so với yêu cầu rồi các dự án nâng cấp, mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án điện... "Như vậy, một loạt dự án có nguy cơ chậm trễ đang chờ Chủ tịch HĐTV mới cùng với Tổng Giám đốc, tập thể các đồng chí ở đây thúc đẩy quá trình này", Thủ tướng nói. "Cái gì đã quy hoạch, đã đầu tư thì các đồng chí tập trung làm đến nơi, đến chốn, khắc phục mọi khó khăn, đề xuất cơ chế, chính sách với Bộ Công Thương, Tài chính... với Chính phủ để xem xét, xử lý chặt chẽ, đúng pháp luật, tạo điều kiện cho phát triển".
Thứ sáu, Chủ tịch cũng như Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại của 5 dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài mà chưa khắc phục xong, gồm nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.
Thứ bảy, tiếp tục tiết giảm chi phí, chống lãng phí tiêu cực, tình trạng "sân trước sân sau", nâng cao hiệu quả sản xuất. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên của toàn ngành dầu khí.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tân Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh bày tỏ vinh dự và nhận thức sâu sắc trách nhiệm cá nhân để làm sao hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đồng chí chia sẻ, không phải đứng đầu mà muốn đứng cùng, làm cùng, chung tay, sát vai với tập thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn để giai đoạn khó khăn của ngành dầu khí khép lại, tiếp tục phát triển hơn nữa.
Mặc dù thời gian qua có một số cá nhân sai phạm ảnh hưởng đến danh dự của ngành dầu khí, đồng chí Trần Sỹ Thanh tin tưởng, Đảng, Chính phủ, nhân dân không làm khó người làm dầu khí, luôn tạo điều kiện cho những người tràn đầy nhiệt huyết lấy lại khí thế, tâm thế, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chung của ngành.
Sau lễ công bố quyết định, Thủ tướng đã dự lễ chào mừng hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác dầu khí năm 2017 của PVN.
Theo Tập đoàn, khai thác dầu trong nước vượt 10,5% kế hoạch (vượt 1,29 triệu tấn); khai thác khí vượt 3% kế hoạch; sản xuất điện vượt 2,4% kế hoạch; sản xuất xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vượt 19,5% kế hoạch; tổng doanh thu vượt 13,8% kế hoạch (tăng 10,1% so với năm 2016); nộp ngân sách Nhà nước vượt 30,8% kế hoạch (tương đương vượt 22,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016); lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, hệ số bảo toàn vốn đạt 1,02 lần - bảo đảm an toàn và phát triển vốn...
Theo Danviet
Áp lực với "ghế nóng" của tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh Ngoài thuận lợi là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng, tân chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN) Trần Sỹ Thanh sẽ phải tiếp tục đưa ra các giải pháp xử lý các dự án chưa hiệu quả, chậm tiến độ; tập trung quyết liệt cho công tác cổ phần hoá để tạo nguồn lực tài chính cho các hoạt...