Biệt danh hài hước trong làng bóng đá Việt
Ngoài cái tên khai sinh, các cầu thủ và HLV làm việc trong môi trường bóng đá Việt còn có những nickname đặc biệt, như Lương “dị”, Hoàng “bò”, Hải “lơ”…
Muôn kiểu đặt biệt danh của cầu thủ
Trên sân cỏ các cầu thủ được mặc áo đúng với tên khai sinh của mình, nhưng trong lúc luyện tập hay sinh hoạt, họ thường được các đồng đội gọi với những biệt danh hết sức ngộ nghĩnh. Có tới cả chục cách mà giới quần đùi áo số tinh nghịch nghĩ ra để đặt nickname cho nhau.
Dựa vào đặc điểm chơi bóng để đặt biệt danh là cách phổ biến nhất trong giới cầu thủ Việt. Thân hình thấp bé nhưng Thành Lương lại có đôi chân cực kỳ “ngoan” và khéo léo. Những hậu vệ cao to ở V-League hay đấu trường Đông Nam Á từng không ít lần vã mồ hôi với những pha rê dắt tài tình và dẻo như kẹo của cầu thủ đang thuộc biên chế Hà Nội ACB. Cũng chính vì lối chơi khó chịu này mà Thành Lương được đặt biệt danh là Lương “dị”. Tương tự, cựu cầu thủ của Nam Định và Khánh Hòa – Ngọc Linh cũng được các đồng đội kính nể gọi với biệt danh trìu mến Linh “ma” bởi lối chơi bóng kỹ thuật và rất ranh mãnh.
Lối đi bóng và kỹ thuật của Thành Lương khiến đối phương vã mồ hôi, nên anh có luôn biệt danh của một dị nhân
Kém Thành Lương đôi chút về độ khéo léo, nhưng Trọng Hoàng lại cực khỏe. Thân hình không cao to, tuy nhiên, thể lực của cầu thủ sinh ra ở xứ Nghệ lại rất sung mãn. Mỗi khi ra sân, Trọng Hoàng luôn “cày ải” hết mình, khiến các đồng đội và đối thủ phải kính nể. Chính vì lối chơi xông xáo và máu lửa mà ngôi sao của ĐTVN và U23 Việt Nam được đặt nickname là Hoàng “bò”. Giống Trọng Hoàng, với lối chơi thiên về thể lực, Hoàng Quãng của SHB Đà Nẵng được gọi “yêu” là Quãng “hà mã”.
Ngoài phong cách chơi bóng, các cầu thủ còn dựa vào cả thể hình để đặt biệt danh. Tiêu biểu, do có thể hình cao to nên thủ thành Tấn Trường được các đồng đội tại TĐCS Đồng Tháp gọi với cái tên Trường “bò mộng”.
Hoàng “bò”
Quãng “hà mã”
Video đang HOT
Đặc biệt, có những biệt danh được đặt chẳng dựa theo đặc điểm ngoại hình hay phong cách nào. Ví dụ điển hình là ngôi sao Hoàng Đình Tùng của Thanh Hóa. Chỉ cao 1m66, nặng chưa bao giờ tới 60 kg, nhưng biệt danh Tùng “con” lại không phải xuất phát từ vóc dáng của Đình Tùng. Vài năm trước, Thanh Hóa cũng có một tiền đạo khá nổi tiếng là Hoàng Thanh Tùng. Thanh Tùng sinh năm 1982, từng được HLV Alfred Riedl gọi vào đội U23 Việt Nam nhưng đã sớm phải giải nghệ vì bệnh tim. Vì có 2 Tùng nên Đình Tùng được đồng đội thêm từ “con” để phân biệt với đàn anh.
HLV cũng có nickname
Không chỉ các cầu thủ, các HLV đáng kính trong môi trường bóng đá Việt cũng có những biệt danh đáng yêu để “gọi cho tiện”. Khó khăn trong việc phát âm tên tân HLV trưởng của ĐTVN Falko Goetz nên cán bộ VFF đã tiện mồm gọi luôn là “ông Quyết”, vừa dễ đọc, lại vừa thân thiện, gần gũi. Trước đó HLV Calisto cũng được các học trò, báo chí và lãnh đạo VFF gọi là “thầy Tô” cho tiện. HLV trưởng người nước ngoài đầu tiên của ĐT Việt Nam Tavares được đọc thành Tạ Văn Dế. Tiếp sau đó là các ông Dido – Đi Đô, Letard – Lê Ta…
Trong làng bóng đá Việt, không ai là không biết tới HLV Lê Thụy Hải. Tiền vệ lừng danh một thời của ĐTQG cực kỳ cá tính, được ví như “Mourinho của Việt Nam”. Đặc biệt, ông không chịu luồn cúi ai, sẵn sàng bỏ qua cả ý kiến của lãnh đạo CLB, VFF hay báo chí, làm ngơ trước mọi chuyện. Cũng chính vì điều này mà HLV Lê Thụy Hải được đặc biệt danh là Hải “lơ”.
HLV cá tính số một Việt Nam – Hải “lơ”
Một HLV nội khác có biệt danh “độc” là HLV Nguyễn Văn Thịnh. Có tài nhưng số vị chiến tướng này khá long đong, thêm vào đó ông có làn da rất sậm nên được mọi người trìu mến gọi là Thịnh “đen”.
“Da tôi đen nên mọi người gọi là Thịnh “đen”. Nhưng nói tôi lận đận với nghĩa “đen” thì cũng đúng bởi đến giờ tôi vẫn là người đi không yên ổn, đứng không vững vàng”, HLV Nguyễn Vặn Thịnh nói về biệt danh của mình với giọng đầy cảm thán.
HLV Lư Đình Tuấn của Sài Gòn Xuân Thành được gọi là Tuấn “nhím”
Đa phần HLV nào làm việc ở môi trường bóng đá Việt cũng “vinh dự” có được một cái biệt danh: HLV Mai Đức Chung của Navibank Sài Gòn được gọi là Chung “ xe ca”, HLV Lư Đình Tuấn của Sài Gòn Xuân Thành được gọi là Tuấn “nhím”…
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cầu thủ Việt chơi xế hộp như thế nào?
Như có hẹn trước, nhiều cầu thủ Việt Nam ào ạt mạnh tay rước xế về nhà vào mỗi đầu mùa giải. Đấy là thời điểm họ vừa chuyển đội hoặc gia hạn hợp đồng, túi tiền đang rất rủng rỉnh, tâm hồn cực kỳ phơi phới...
Cách đây vài năm, khi còn thi đấu, trung vệ Mạnh Dũng đã từng khiến nhiều người lác mắt khi lái chiếc ôtô sang trọng của mình đậu cái kịch cạnh những chiếc xe máy làng nhàng của đồng đội tại sân tập. Thuở ấy, phát biểu "nhà có điều kiện, việc gì cứ phải đóng vai "đoan trang" đi xe máy cho bằng bạn bè" từng gây không ít xôn xao đã sớm trở thành một giai thoại cho cá tính ngổ ngáo một thuở của Dũng "Giáp".
Nhưng chỉ rất nhanh sau đấy, sự tiến bộ thần tốc của các đàn em đã khiến Dũng "D&G" đã không còn phải mang tâm trạng lẻ loi "hạc giữa bầy gà" nữa.
Đổi đội = đổi xe
Chơi xe phải biết cách, điều này có lẽ ở Việt Nam không cầu thủ nào rành rẽ bằng thủ môn Dương Hồng Sơn. Thú mê xe đã ăn vào máu, nên với túi tiền rủng rỉnh sau các lần ký lẫn gia hạn hợp đồng với HN T&T, Sơn "minu" lập tức biến đam mê thành hành động.
Thủ thành Dương Hồng Sơn và chiếc xe một thời Audi Q7
Đề-pa bằng "em" Grandis có logo mạ vàng với giá gần 50.000 USD, rất nhanh sau đấy cầu thủ gốc Quỳnh Lưu khiến các đồng nghiệp phải chóng mặt khi liên tục lên đời với các mẫu Audi Q7, Lexus RX350 rồi hoành tráng như BMW X6. Tần suất đổi xe liên tục ấy đừng nói là giới cầu thủ, ngay cả ở xã hội Việt Nam cũng thuộc diện hiếm rồi.
Cùng trưởng thành, tạo lập danh tiếng và rời xứ Nghệ ra thủ đô đầu quân cho HN T&T, có lẽ Công Vinh cũng đã bị ảnh hưởng phần nào máu mê xe từ người đàn anh khi tự thưởng cho mình chiếc Mercedes Benz SLK200 đỏ chóe! Chiếc xe hai cửa có màu nổi bật với dung tích 1796cc, bộ tăng áp super-charge hiện đại khi ra mắt cũng gây xôn xao không ít khi được một loạt các tờ báo mạng đưa tin ầm ĩ.
Tại HN T&T, lượng xe hơi xuất hiện trong các buổi tập khá đông đúc. Không hoành tráng và quá nổi bật như hai đồng đội nhưng hậu vệ Quốc Long cũng tạo được điểm nhấn rất riêng cho chiếc Mazda 3 của mình. Bằng kiến thức cá nhân lẫn hỏi han những người đàn anh trong giới, Long đã độ rất khéo cho bộ body-kit giúp chiếc xe trở nên mạnh mẽ, trẻ trung hơn hẳn.
Chuyện cầu thủ - những người có thu nhập thuộc diện cao so với mặt bằng xã hội - mua xe từ vài năm nay đã không còn là chuyện lạ. Sau một vài cú hích của những "lính" tiên phong như Hồng Sơn, Huy Hoàng, Công Vinh, những cầu thủ sau này đã tự tin hơn rất nhiều khi thửa cho mình những chiếc xe bóng bẩy yêu thích.
Và như có hẹn trước, các ngôi sao trên đều ào ạt mạnh tay rước xế về nhà vào mỗi đầu mùa giải. Đấy là thời điểm họ vừa chuyển đội hoặc gia hạn hợp đồng, túi tiền đang rất rủng rỉnh, tâm hồn cực kỳ phơi phới. Còn nhớ, Huy Hoàng khi ký "hợp đồng trọn đời" với SLNA đã khiến thành Vinh ngộp thở khi "đập hộp" ngay một "em" Toyota RAV mới coóng xấp xỉ 70.000 USD.
Giá cầu thủ tăng với tốc độ phi mã, lại thêm sự "dụ dỗ" của những người anh em đã có kinh nghiệm chơi xe trước đó, nên có thể nói đến lúc này tâm lý e dè ngại ngùng sợ bị "đánh giá" như đôi năm trước đã không còn. Phát biểu từng gây xôn xao và bị đánh giá là gây sốc của Mạnh Dũng ngày nào đến giờ đã trở nên... đúng.
Không ngại mang tiếng hoang phí chơi xe, chỉ sợ không đủ tiền để thỏa mãn đam mê mà thôi. Đến kín tiếng như Việt Thắng khi ra Bắc đá cho V.NB cũng đã tranh thủ tậu ngay chiếc Lexus sáng loáng, rồi mới đây là BMW 350i trị giá hơn 2 tỉ đồng để mỗi đợt nghỉ vi vu cùng đồng đội về thủ đô xả hơi. Hoặc gần như cùng lúc đấy, là anh Mười Tài Em với chiếc Audi Q5 tuyệt đẹp.
Từ đam mê đến tính toán may rủi
Cầu thủ bóng đá, ngoài tính lãng mạn, mạnh mẽ không thể không nhắc đến yếu tố... tin vào vận may - rủi hiện diện rất rõ ở mỗi hành động, tính toán. Chuyện chơi xe tất nhiên không là ngoại lệ. Kỷ lục về tốc độ và tần suất đổi xe của Hồng Sơn có lẽ sẽ còn ngự đầu bảng vài năm nữa, nhất là khi vừa qua anh vừa chia tay chiếc BMW X6.
Lý giải, thủ thành này cho biết anh bán xe để đầu tư vào kinh doanh, cụ thể là khu liên hợp sân bóng đá mini tại quê nhà. Nhưng ý tứ hơn sẽ thấy, việc Sơn "minu" thay xe liên tục ngoài lý do sở thích hay tài chính, còn có dấu ấn của yếu tố mê tín, tạo đà may mắn (trước đấy anh từng hùn hạp vốn mở nhà hàng với Công Vinh nhưng không thành công).
CV9 cũng thế, sau một thời gian nóng bỏng với "em" Mercedes SLK200 cũng đã bán cho người khác. Đen đủi hơn người đàn anh đồng hương, CV9 cực chẳng đã mới phải chia tay niềm tự hào của mình (chịu lỗ gần 30.000 USD) khi nghe thầy phán phải bán xe vì khắc mạng (màu đỏ) và mua xe không xem ngày.
Mà có vẻ quả thế thật. Rước "em" SLK200 về, Vinh gặp hạn nặng, đủ loại xui xẻo cứ kéo đến ầm ầm từ chấn thương, bị cổ động viên tẩy chay... khiến thương hiệu anh xuống giá trầm trọng.
Nhưng từ khi chia tay "em" SLK200, cái vận của Vinh lập tức son roi rói. Chấn thương của anh phục hồi rất nhanh, và lập tức ghi bàn ầm ầm ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Những trường hợp khác cũng tương tự, việc mua xe ngoài đáp ứng đam mê còn là một bày tỏ kín đáo của các ngôi sao bóng đá, khi muốn từ đấy nâng cấp bản thân, tạo đà mới cho sự nghiệp, và tất nhiên là tiền bỏ túi ngày một nhiều.
Nhưng không phải ai cũng sắm xe vì máu nghiền như Hồng Sơn, khẳng định cái tôi riêng như vài cầu thủ trẻ, hoặc tâm linh như nhiều trường hợp khác. Với không ít cầu thủ, mua xe là việc rất bình thường cũng giống suy nghĩ sắm nhà, hay cho con đi du học ở những gia đình khá giả.
Đội trưởng Minh Phương cũng vậy, đặt mua chiếc Grandis mới tinh, lại bỏ thêm hơn 200 triệu đồng để "tút" lại từ ngoài vào trong thật "chiến", nhưng mục đích sử dụng chính vẫn chỉ là đưa vợ đi chợ, hoặc thi thoảng chở cả nhà đi chơi khi có dịp.
Hoặc như tiền vệ Bảo Khanh chẳng hạn. Anh mua xe nhưng không chọn loại ồn ào hầm hố như các đồng nghiệp trẻ. Đối tượng anh chấm là "em" Toyota Yaris nhỏ nhắn, hiền lành để rảnh rỗi chở vợ đi siêu thị, hoặc về nhà thăm bố mẹ.
Như tại Becamex Bình Dương, lương cao thưởng nhiều nên anh em cầu thủ tại đây kinh tế rất khá. Lại thêm cách Sài Gòn có vài chục kilômét không ngạc nhiên khi rất nhiều thành viên của đội có hộ khẩu tại trung tâm kinh tế, dịch vụ lớn nhất nước này. Khi ấy, để phục vụ cho nhu cầu đi lại, mua ôtô luôn từ lâu đã trở thành sự lựa chọn rất bình thường của các ngôi sao nơi đây như Thế Anh, Hữu Thắng, Văn Hải, Trường Giang...
Mới đây, tiền vệ Minh Chuyên đã tặng bà xã chiếc Tucson của Hãng Hyundai trị giá hơn 40.000 USD. Cựu tuyển thủ Olympic này lý giải: "Hai vợ chồng ở Sài Gòn, nhà cửa cũng đã ổn định. Nhìn Thảo - bà xã của Chuyên - mỗi cuối tuần lụi cụi không quản bụi bặm, mưa nắng cuốc xe máy từ Sài Gòn lên Thủ Dầu Một tôi thấy xót xa và không yên tâm chút nào nên lén mua tặng cho cô ấy. Hơn nữa, với "em" Tucson này, mỗi khi hai vợ chồng muốn về quê thăm bố mẹ cũng dễ dàng hơn rất nhiều".
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những nickname ngộ nghĩnh trong làng thể thao Việt Nam Người hâm mộ thể thao Việt Nam vốn đã biết đến những VĐV thể thao nổi tiếng bằng tên khai sinh. Nhưng trong số họ có những người được biết đến với những nickname rất hay và ngộ nghĩnh. Nickname dựa theo thành tích Đây là trường hợp phổ biến đối với những VĐV xuất sắc của thể thao Việt Nam hiện nay....