Biệt danh ‘độc’ của sao thể thao dự SEA Games 27
Ngoài tài năng, các VĐV thể thao Việt Nam còn được đông đảo người hâm mộ biết đến với những biệt danh độc đáo.
Những biệt danh “siêu dị” ở đội U23 Việt Nam
Đối với người hâm mộ cũng như truyền thông, các tuyển thủ thường được gọi với tên họ đầy đủ. Nhưng trong các buổi tập với đồng đội, HLV, các cầu thủ thường gọi nhau bằng những biệt danh độc đáo để dễ bề phân biệt.
Nguyễn Văn Quyết “chết” tên với biệt danh Quyết “rừng”
Ở đội U23 Việt Nam, đội trưởng Nguyễn Văn Quyết thường được gọi là Quyết “rừng”. Theo như các đồng đội của Quyết thì lúc mới đá bóng, bộ dạng của Quyết chẳng khác gì người rừng nên mới “chết tên” từ đó. Trong khi đó, đội phó Nguyễn Mạnh Dũng thường được gọi là Dũng “con” do có thể hình khá nhỏ con.
Tuy nhiên, đó chưa phải là những biệt danh độc đáo nhất của U23 Việt Nam. Hậu vệ Lê Quang Hùng được mọi người là Hùng “Bất Di” do nhà của anh ở Vụ Bản (Nam Định) gần với nhà giam Bất Di. Trong khi đó tiền vệ Lê Văn Thắng chết tên với biệt danh Thắng “điếc”.
Lê Văn Thắng được biết đến với biệt danh Thắng “điếc”
Ngoài các biệt danh do các đồng đội gọi nhau, các cầu thủ U23 Việt Nam còn được biết đến với những biệt danh do người hâm mộ đặt. Tiền vệHoàng Danh Ngọc từng được xem là “cậu bé hư” do tính tình ngang bướng, hành xử bốc đồng. Nhưng 2 năm trở lại đây, Danh Ngọc đã thay đổi rất nhiều, trở thành cầu thủ quan trọng của U23 Việt Nam. Hay như tiền đạo Hà Minh Tuấn thường được gọi là “Huỳnh Đức đệ nhị” do có ngoại hình và lối chơi khá giống với tiền đạo lừng danh một thời của bóng đá Việt Nam.
Ngộ nghĩnh các VĐV bóng chuyền
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam rất được yêu quý nên các VĐV được ưu ái đặt cho những nickname rất kêu. Chủ công Phạm Thị Yến được biết đến với biệt danh “búa máy” nhờ những cú đập bóng sấm sét dứt điểm trên lưới. Trong khi đó, chị họ của Yến là Đỗ Thị Minh được các đồng đội trìu mến gọi là Minh “cụ rùa”.
Video đang HOT
Chị em Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh có những biệt danh rất độc. Ảnh: Volleyball.vn
Phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa của Bình Điền Long An được gọi là Hoa “bé” để phân biệt với Hoa “béo”- Hà Thị Hoa của Ngân hàng Công Thương. Trong khi đó, Phạm Thu Trang được gọi là Trang “gầy” do thể hình dong dỏng cao của mình. VĐV trẻ Âu Hồng Nhung thường được gọi là Nhung “ngưu” trong khi Nguyễn Thị Xuân, đội trưởng của đội Ngân hàng Công Thương được CĐV thân thiết gọi là Xuân “gà”.
Nhung “ngưu” là một trong những VĐV đẹp nhất của đội bóng chuyền nữ
Ở đội bóng chuyền nam, chủ công Ngô Văn Kiều được biết đến với biệt danh “Oanh tạc cơ”. Rất tiếc tại SEA Games năm nay, Kiều không thể tham dự do chấn thương. Một chủ công khác là Bùi Văn Hải được gọi là Hải “dứa” do quê nhà Thạch Thành của anh trồng rất nhiều dứa.
Nickname theo thành tích, ngoại hình, đặc điểm thi đấu
Võ sĩ karatedo Nguyễn Hoàng Ngân gắn liền với biệt danh “nữ hoàng kata” do đạt nhiều thành tích rất cao ở nội dung này. Cô được xem là đầu tàu của karatedo Việt Nam trong việc chinh phục tấm HCV ở nội dung kata cá nhân và đồng đội tại SEA Games sắp tới.
Vũ Thị Hương xứng đáng là nữ hoàng tốc độ của điền kinh Việt Nam
Trong khi đó, Vũ Thị Hương được xem là “nữ hoàng tốc độ” của điền kinh Việt Nam khi đoạt đến 6 HCV SEA Games ở nội dung 100m, 200m. Vũ Văn Huyện từng được gọi là “siêu nhân” khi thi đấu ở nội dung 10 môn phối hợp mà nội dung nào cũng khó nhằn.
Nguyễn Hữu Việt thành danh ở nội dung bơi ếch
Ở môn bơi kình ngư từng 3 lần đoạt HCV Nguyễn Hữu Việt được gọi là Hoàng tử “ếch” do thành danh ở nội dung bơi ếch. Trong khi đó, Hoàng Quý Phước được gọi là “Rái cá mỹ Khê” hay còn gọi là “Dị nhân sông Hàn”.
Văn Ngọc Tú có kiểu tóc đặc trưng
Về ngoại hình, VĐV thể hình Phạm Văn Mách được gọi là “kiến càng” do bề ngoài khá gồ ghề của mình. Võ sĩ Judo Văn Ngọc Tú được biết đến với biệt danh Tú “dừa” bởi mái tóc ngắn, được vén cao, nhìn tròn tròn giống quả… dừa.
Theo VNE
Đường tới SEA Games 27: 10 năm sau cái chết của võ sĩ Trần Thanh Ngời
Cũng phải khá kỳ công, chúng tôi mới liên lạc được với cựu HLV đội tuyển judo Việt Nam Lê Thanh Vĩnh. Ông là người thầy của một thế hệ judo tài năng Như Ý, Bích Trầm, Văn Ngọc Tú, Nhất Thống, Ngân Giang... 10 năm trước, học trò ruột của thầy Vĩnh là võ sĩ Trần Thanh Ngời đã vĩnh viễn ra đi sau một tai nạn trên thảm đấu khi chuẩn bị cho SEA Games 22. Mới đó mà đã tròn 10 năm...
Ông thầy và cú sốc lớn nhất cuộc đời
Thầy Vĩnh nói: "Đã mấy năm nay tôi nghỉ dạy judo rồi. Giờ thú vui của tôi là ở nhà vẽ tranh và đi dạy thư pháp, vui đùa bên con cháu. Đã lâu, tôi không nghĩ nhiều đến judo - một đam mê mà tôi tưởng không thể nào dứt bỏ được trong cuộc đời mình".
Thanh Ngời bên giường bệnh cách đây 10 năm
HLV Lê Thanh Vĩnh được coi là "công thần" của judo đất Đồng Tháp. Thực ra ông Vĩnh quê ở Huế, còn Sa Đéc (Đồng Tháp) là quê vợ ông. Từ 1986 đến 2006, ông Vĩnh đã huấn luyện được nhiều học trò xuất sắc, trong đó có Thanh Ngời.
Thầy Vĩnh dìu dắt Ngời từ khi còn nhập môn judo, SEA Games 22 năm 2003 tổ chức ở VN là SEA Games đầu tiên mà chàng trai trẻ tài năng, đầy nhiệt huyết Trần Thanh Ngời tham dự.
Đó là một ngày không thể quên với thầy Vĩnh và judo VN: Chỉ là một buổi tập bình thường trong quá trình chuẩn bị SEA Games. Đến lượt đấu thứ tư, Ngời quyết định chọn một bạn to cao hơn để đấu tập. Ngời chỉ nặng 58kg, bạn tập nặng hơn gần 20kg, đánh hạng 73kg. Tập chừng một phút, Ngời vào đòn hông sode sturi komi goshi - đây là đòn sở trường, rất quen thuộc với Ngời. Thế nhưng... khi Ngời xoay người thực hiện đòn hất hông thật mạnh để kết thúc đòn thế thì vuột tay áo nắm...
Đang tung người lên thì bị mất đà, Ngời tự cắm đầu xuống nệm trong lúc bạn tập không có động tác phản đòn. Thầy và các bạn đứng gần đó nhưng không thể ngăn kịp. Ngời nằm bất động trên nệm. Lập tức, thầy đưa Ngời đến Bệnh viện Xanh Pôn. Kết quả chụp X-quang cho thấy đốt xương cổ bị lệch, tủy sống bị tổn thương nghiêm trọng. Trên giường bệnh, Ngời thì thào với thầy Vĩnh: "Tại con đánh ẩu, thầy đừng buồn con nghe thầy...".
19h10 ngày 16.6.2003, sau 95 ngày điều trị chấn thương đốt sống cổ, Trần Thanh Ngời - niềm hy vọng vàng của SEA Games 22 - đã ra đi...
SEA Games năm đó, Judo VN lên ngôi số 1 Đông Nam Á với 6 HCV. Điều lạ là giành chiến thắng, nhưng khi lên nhận HCV, cả thầy và trò đều nước mắt chứa chan. Họ ngước nhìn trời, nơi có lẽ Ngời đang ở đó, như thầm nói: "Chiến công này là của bạn, hãy yên nghỉ nhé, Ngời ơi".
Công đầu trong chiến tích 6 HCV ấy thuộc về HLV Lê Thanh Vĩnh. Vậy nhưng, khi lễ mừng công còn chưa được tổ chức, thầy Vĩnh đã viết đơn gửi lãnh đạo Ủy ban TDTT xin rút khỏi đội tuyển. Trong đơn, thầy Vĩnh trình bày là vì lý do sức khỏe. Thực tế các học trò đều biết, thầy Vĩnh bị mất ngủ triền miên bởi nỗi ám ảnh về cái chết của cậu học trò cưng Trần Thanh Ngời.
"Mới đó mà đã 10 năm - cựu HLV Lê Thanh Vĩnh chia sẻ, Ngời mất năm 21 tuổi, cái tuổi mang nhiều hoài bão cống hiến cho quê hương, cho đất nước. Lúc ấy, cái chết của em thời đó được mọi người trong cả nước quan tâm, thương tiếc. Nay thì có còn ai quan tâm đến em, đến gia đình em? Đám giỗ của em mấy năm sau nay cũng chỉ là buổi họp mặt nhớ thương của các thành viên trong gia tộc. Judo vẫn còn nợ Ngời nhiều lắm...".
Nước mắt judo
Bạn tập với Ngời ngày trước là Lê Duy Hải - nay là HLV trưởng đội tuyển judo VN dự vài kỳ SEA Games gần đây. Với Hải, judo còn hơn cả một niềm đam mê mà còn là trách nhiệm lớn lao. Hải như phải gánh vác cả phần người bạn xấu số Thanh Ngời và người thầy Lê Thanh Vĩnh.
Nhưng thật sự không dễ, bởi mỗi thành viên trong đội tuyển judo lúc này đều như có nỗi niềm riêng, gắn với chuyện cơm áo gạo tiền. Ngoài Nguyễn Thị Như Ý có hoàn cảnh đặc biệt (Lao Động thông tin trong bài "Mong HCV để có tiền mua sữa cho con" ở số trước) còn có Bùi Thị Hòa bố mất sớm từng phải gánh trọng trách nuôi em ăn học, mẹ Hòa phải lên Hà Nội làm thuê. Vậy mà Hòa đã có 2 HCV SEA Games năm 2009, 2011. Năm nay, Bùi Thị Hòa lại là một hy vọng vàng.
Hoặc trường hợp Văn Ngọc Tú. Thành tích tầm châu lục thì dồn cả lên đôi vai bé nhỏ của cô gái 48 kg quê Sóc Trăng này.
Cựu HLV Đội tuyển Judo VN Lê Thanh Vĩnh.
Trong nhiều năm qua, Tú được cho thi đấu hầu hết các giải từ các châu lục đến vô địch thế giới, Olympic tới mức kiệt cả sức, cảm giác hưng phấn bị bào mòn và trơ lỳ khi cầm áo đối phương. Trước thềm SEA Games 27, Văn Ngọc Tú đã dứt khoát cắt hợp đồng với Gia Lai để đầu quân cho một tỉnh phía bắc. Chấp nhận mang tiếng, nhưng Tú thấy mình cần phải làm như vậy để có một khoản tiền trang trải khó khăn của gia đình và nhất là có tiền chữa căn bệnh ung thư của bố cô.
Tất cả đều nhìn tương lai lo lắng. Với Như Ý, nếu không còn đủ sức thi đấu nữa thì mẹ con họ sẽ sống ra sao đây? Hay lại giống như Bích Trầm - HCV SEA Games 24 - 2007 giờ đang bán quần áo ở chợ Sa Đéc? Bùi Thị Hòa có đủ sống với tấm bằng đại học chuyên ngành judo không? Còn với "nữ hoàng" judo Văn Ngọc Tú, mơ ước của cô cũng chỉ là: "Có tiền chữa trị cho cha và mở một quán càphê nhỏ ở quê nhà...".
Judo đến SEA Games với tư cách là một mỏ vàng, nhưng cũng thật rối bời, ngổn ngang...
Với những gương mặt gạo gội như Văn Ngọc Tú (48kg), Bùi Thị Hòa (63kg), Nguyễn Thị Như Ý (78kg), Hồ Ngân Giang (60kg), Tô Hải Long (81kg), Đặng Hào (100kg)... judo VN đặt mục tiêu tại SEA Games 27 là 4 HCV - xếp thứ hai toàn đoàn. 4 HCV cũng là thành tích mà judo VN đoạt được tại SEA Games 26 - 2011.
Theo VNE
Nhóc Cheryl nhà Thanh Bình tạo dáng dễ thương Cô con gái nhỏ của cựu tiền đạo tuyển Việt Nam có điệu bộ dễ thương cùng khuôn mặt biểu cảm. Thảo Trang chia sẻ bức ảnh cô con gái Cheryl làm cử chỉ dễ thương trên Facebook. Đội U23 Việt Nam kết thúc chuyến thi đấu giao hữu ở Myanmar bằng chương trình đi thăm Chùa vàng ở Yangon. Tiền vệ Hải...