Biết con bị sốt xuất huyết, chồng tôi nổi giận mắng cả mẹ vợ khiến tôi bàng hoàng
Nghe chồng mắng mẹ mình mà tôi không kiềm được nên đã lao vào giằng co với anh.
Dốc hết trái tim – Tổng đài “lắng nghe và giải đáp” tất tần tật về phụ nữ. Ở đây, phụ nữ có một nơi để trút bỏ không chỉ những tâm sự về tình yêu – hôn nhân, mà còn có thể nói về những ước mơ, hoài bão; bày tỏ quan điểm, thắc mắc muôn mặt về đời sống; thậm chí kể câu chuyện đời mình… Với hình thức chia sẻ hai chiều, bạn gửi tâm sự về cho Tổng đài – Tổng đài gửi lại bạn hình ảnh minh họa tâm sự đó, hy vọng rằng đây sẽ là nơi gửi gắm tin tưởng của chị em. Ngay bây giờ, hãy dốc hết trái tim qua hòm mail: tongdaitraitim@gmail.com
Chào Hướng Dương,
Vợ chồng tôi đang mâu thuẫn gay gắt chị ạ. Hiện giờ con tôi vẫn nằm viện điều trị sốt xuất huyết nhưng chồng tôi chỉ gửi tiền chứ không đến viện. Anh ta nói con bị sốt là do mẹ tôi thì chúng tôi tự đi chăm sóc.
Chuyện là, tôi có nhờ mẹ chăm sóc con gái 18 tháng tuổi với số tiền 2 triệu một tháng. Biết chồng tôi là người kĩ tính nên mẹ tôi lúc nào cũng bám sát cháu, chỉ sợ cháu ngã. Nhiều khi bà vừa ăn cơm vừa để cháu ngồi trong lòng đến tội. Thế nhưng chồng tôi luôn nghĩ rằng mẹ tôi nhận tiền thì đó là nhiệm vụ của bà. Thái độ của chồng khiến tôi buồn rất nhiều. Tôi biết mẹ cũng vì thương con gái thương cháu nên mới phải nín nhịn con rể.
Thế nhưng 3 ngày trước, con tôi lại bị sốt xuất huyết. Khi thấy kết quả xét nghiệm, chồng tôi giận dữ mắng mẹ vợ chăm sóc “không nên hồn”, để cháu bị muỗi chích đến mức phát bệnh. Nghe chồng mắng mẹ, tôi không kiềm chế được nữa nên lao vào giằng co với anh ta.
Giờ thì chồng tôi bỏ mặc mẹ và tôi chăm con ở viện. Tôi chán quá Hướng Dương ơi. Một người đàn ông chi li, tính toán, vô lễ như thế thì có đáng để tiếp tục không? Mong chị cho tôi lời khuyên. (thanhngoc…@gmail.com)
Chào bạn,
Hướng Dương rất hiểu cho tâm trạng rối bời lẫn mệt mỏi của bạn hiện tại. Con bệnh, chồng vô tâm, còn vô phép mắng mẹ ruột thì còn gì buồn hơn. Nhưng Hướng Dương cũng mong bạn bình tĩnh để suy nghĩ thấu đáo và giải quyết tuần tự từng việc một.
Video đang HOT
Thứ nhất, điều bạn cần quan tâm nhất lúc này chính là sức khỏe của con. Bạn hãy dành sự chăm sóc tốt nhất cho con để cháu nhanh chóng hồi phục.
Thứ hai, về chồng bạn. Anh ấy đã vô phép khi mắng mẹ vợ, dù lý do vì thương con, xót con thì đó cũng là hành động không chấp nhận được. Không những thế anh ấy còn bỏ mặc con ở viện, không chăm sóc, thăm nom, đây lại là điều đáng trách tiếp theo. Vì thế, sau khi con gái xuất viện, bạn nên có một cuộc nói chuyện với chồng. Và cuộc nói chuyện này nên diễn ra trong sự bình tĩnh của cả hai mới có thể đưa ra được quyết định cuối cùng.
Bạn nên nói chồng thay đổi cách ứng xử và thái độ với mẹ vợ. Hướng Dương cảm thấy anh ấy đang xem thường mẹ vợ. 2 triệu đồng, chỉ vì bỏ ra số tiền ấy mà được quyền xem thường sự giúp đỡ, hi sinh của mẹ vợ thì chồng bạn quá đáng trách rồi. Hãy nói với anh ấy về điều đó, cả cảm nghĩ tâm trạng của bạn lẫn mẹ mình trước thái độ ấy của chồng. Nếu anh ấy vẫn không thay đổi, không nhận sai mà cứ bảo thủ suy nghĩ của mình, Hướng Dương nghĩ bạn và anh ấy nên có một khoảng thời gian, không gian riêng để tiếp tục suy nghĩ về mọi chuyện. Ngoài ra, bạn nên nhờ bố mẹ chồng tác động thêm.
Bạn cũng cần bàn bạc việc gửi bé đi học trường mầm non uy tín, chất lượng để tránh những rắc rối phát sinh tiếp theo.
Mong bạn sớm giải quyết mọi chuyện.
Hướng Dương.
Con cái không phải là tấm "thẻ bảo hiểm" lúc cha mẹ về già
Theo tôi, quan niệm 'trẻ cậy cha, già cậy con' đang dần lỗi thời.
Lâu nay, cũng như nhiều người Việt khác, tôi có suy nghĩ "trẻ cậy cha, già cậy con".
Theo đó, khi cha mẹ về già, con cái phải đảm đương kinh tế chính trong gia đình và chăm sóc, báo hiếu cha mẹ. Cha mẹ đau ốm, khổ sở và bệnh tật là lỗi của các con.
Nhưng một người phụ nữ ở Anh xuất hiện đã làm thay đổi suy nghĩ của cả gia đình tôi.
Sinh ra và lớn lên ở quê, 18 tuổi, tôi ra Hà Nội học tập, đi làm và lập gia đình. Dù việc sinh nhai tại thủ đô rất thuận lợi, các con được hưởng những điều tốt nhất về về y tế, học hành... nhưng lòng tôi vẫn không vui.
Bởi là con trai duy nhất trong nhà, việc rời xa cha mẹ ở quê đi lập nghiệp ở nơi khác, tôi thấy mình thật có lỗi.
Những năm tháng cha mẹ về già, đáng ra tôi phải ở cạnh để bầu bạn, thăm nom. Dù thường xuyên gửi tiền, thực phẩm, thuốc bổ... về quê nhưng tôi vẫn thấy mình chưa làm tròn chữ hiếu.
Cha mẹ tôi cũng thường gọi điện trách và ngỏ ý muốn thời gian tới, tôi chuyển về quê để ông bà được gần con gần cháu. Trong khi vợ tôi lại không đồng ý, cô ấy muốn sống tại Hà Nội. Vì việc này, chúng tôi cãi nhau rất nhiều lần.
Ảnh: Đức Liên
Năm ngoái, gia đình tôi đón một vị khách là bà A. (60 tuổi, người Anh) đến chơi. Bà là người bạn của vợ tôi từ trước. Gần đây, bà có nhu cầu đi du lịch sang Việt Nam nên vợ tôi mời bà đến nhà. Sự phóng khoáng, quan điểm cởi mở của bà đã làm thay đổi nhiều suy nghĩ trong tôi.
Bà A. vốn là một giáo viên dạy âm nhạc. Bà lập gia đình và có 2 con gái. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, bà ly hôn và nuôi 2 con. Hiện, 2 con bà đều ra nước ngoài để theo học các chuyên ngành mình yêu thích.
Bà A. sau khi nghỉ hưu đã vạch cho mình rất nhiều dự định. Bà nói, thời trẻ bà rất thích đi du lịch khắp nơi trên thế giới nhưng bận nuôi con và kinh phí chưa cho phép nên bà đã chuẩn bị một khoản tiết kiệm.
Sau này khi về già, bà sẽ dùng khoản tiền này làm những việc mà ngày trước mình chưa có cơ hội.
Vì vậy, các con vừa ra khỏi nhà, bà A. cũng lên đường. Trước khi đến Việt Nam, bà đã sang rất nhiều quốc gia khác.
1 tuần ở nhà tôi, bà khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bà rất thành thạo về công nghệ, các kỹ năng sống. Đến một thành phố lạ nhưng bà biết dùng các tiện ích như xe ôm công nghệ, gọi đồ ăn giao tận nhà... dù không biết một chữ tiếng Việt nào.
Trong sinh hoạt hằng ngày bà cũng rất chủ động. Bà có thể tự nấu nướng, giặt giũ, sống rất hòa nhập với gia đình tôi dù là một thành viên mới.
Mỗi sáng sớm, khi chúng tôi còn đang ngủ thì bà đã chuẩn bị đi thăm các điểm nổi tiếng ở thành phố. Chỉ ở một thời gian ngắn, bà khám phá ra rất nhiều quán cà phê đẹp, độc vì bà thích uống cà phê - những quán này tôi sống ở Hà Nội hơn 10 năm chưa hề biết đến.
Vào mỗi tối, bà về nhà và ăn cơm cùng chúng tôi. Bữa ăn trở nên rôm rả vì bà kể chuyện những điều mà bà khám phá được trong ngày cho các con tôi bằng tiếng Anh.
Khi tôi hỏi về gia đình, bà cho biết, các con rất ủng hộ chuyến đi của bà. Bà cũng chia sẻ, sau này khi không còn có thể đi được, bà sẽ vào sống tại một viện dưỡng lão ở Anh. Bà đã có một khoản tiết kiệm cho việc đó.
"Sao bà không sống cùng các con?", vì không giỏi tiếng Anh nên tôi đành nhờ vợ phiên dịch.
Bà trả lời: "Chúng tôi rất yêu nhau nhưng sẽ không sống cùng nhau. Các con có cuộc đời riêng của mình. Chúng tôi sẽ thống nhất gặp nhau vào các dịp giáng sinh hay một kỳ nghỉ nào đó".
Câu chuyện của người phụ nữ Anh đã cho tôi nhiều suy nghĩ. Vì có người mẹ tự lập, tự chủ nên các con của bà thoải mái chọn học ở các nước xa gia đình.
Họ cũng không bị chữ "báo hiếu" níu kéo suốt phần đời còn lại. Với sự chuẩn bị từ trước, bà A cũng có cuộc sống về già vô cùng thú vị.
Nếu sau này, tôi cũng ép các con tôi phải gần gũi, chăm sóc cha mẹ, tôi có thể vui lòng nhưng tước bỏ đi nhiều cơ hội của các con.
Vì vậy, các bậc phụ huynh chúng ta hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật tốt để đón tuổi già. Đừng lấy con cái làm "thẻ bảo hiểm" khi một ngày, chúng ta sang tuổi xế chiều.
Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Làm thế nào để về già được sống tự do, hạnh phúc, bớt phụ thuộc con cháu? Hãy gửi cho chúng tôi suy nghĩ của bạn bằng cách viết vào phần bình luận phía cuối bài hoặc gửi về địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn. Những ý kiến hay sẽ được biên tập và đăng tải trên mục Đời sống của báo. Trân trọng cảm ơn.
Không dám quay lại với tình cũ vì sợ anh thiệt thòi Năm 2016 tôi bắt đầu đi làm, mức lương ổn định. Bạn trai hơn tôi 5 tuổi, làm công việc tốt, là mối tình đầu của tôi. Anh công tác xa nhà nên mỗi tháng chỉ gặp nhau một lần, không vì thế mà tình yêu của chúng tôi nhạt phai. Hàng ngày chúng tôi đều trò chuyện với nhau qua điện thoại...